Menu Close

Chuyện kể đêm Noel

Nhà tôi nằm dọc theo đường rầy xe lửa, ở về đầu nhíp phía Bắc, cách nhà ga 120 mét. Xe lửa thường có từ 12 đến 15 toa, với khối lượng lớn như vậy nên muốn dừng hẳn tại nhà ga thì cách đó hơn 300 mét là tàu đã phải giảm tốc độ. Nhờ thế, những người đi buôn có thể tuôn hàng lúc tàu đang chạy chậm, rồi sau đó nhảy theo xuống lấy hàng mà không phải vào nhà ga, vì vào nhà ga chắc chắn sẽ bị phạt vì không có vé. Dân đi buôn lúc đó hầu như không ai mua vé, mà chỉ dấm dúi cho kiểm soát viên lúc tàu đang chạy hay có mua vé thì mua rất “tượng trưng” so với số lượng hàng.

Dân bán hàng rong như trà đá, thuốc lá, kẹo bánh… gần nhà ga theo xe lửa buôn bán cũng nhảy tàu về nhà cho gần. Những chuyến xe lửa có thể nói là kỷ lục thế giới về trọng tải. Người ta ngồi bất kể nơi đâu có thể ngồi được, trên mui toa, các mối nối, bám tay đánh đu thành tàu… Đoàn tàu chật cứng y như đàn kiến đói bu chặt cục đường. Có thể nói xe lửa lúc đó, ngoài là phương tiện đi lại cho một ít người thật sự có nhu cầu, thì nó còn là nơi mà hàng chục ngàn người sống lây lất nhờ nó. Đa số là dân đi buôn, buôn đủ các thứ, rồi kế đến là dân buôn bán vặt trên tàu như trà đá, thuốc lá, thức ăn…

 Mỗi ngày lúc bấy giờ có khoảng 4 chuyến tàu về tới ga Biên Hoà, như tàu Thống Nhất 1, TN 2, tàu Nha Trang – Biên Hoà, Huế – Biên Hòa. Khi tàu đang rà chạy chậm để vào nhà ga là tiếng tuôn hàng nghe rầm rập vang rền – tiếng củi, than, các loại hàng hoá, lương thực… tiếng chân nhảy, chạy, tiếng gọi nhau, tiếng la hét… Cả một một quang cảnh bát nháo, hỗn loạn, mấy trăm con người lăng xăng hối hả nơi đầu nhíp nhà ga.

Sau khi “gài” và gom tất cả quân cán chính miền Nam vào các trại tập trung cải tạo thì bên ngoài xã hội nhà nước bắt đầu “siết” bằng các chính sách như đổi tiền, đánh tư sản mại bản, quốc hữu hoá nhà máy trường học, đưa các gia đình nông dân và buôn bán nhỏ lẻ vào hợp tác xã… chính sách dãn dân, đưa dân đi kinh tế mới để sản xuất…

Con heo nuôi trong nhà là của bạn, nhưng ra đường là của nhà nước và sẽ bị tịch thu, đó là chính sách cấm chợ ngăn sông, quản lý chặt thị trường theo kinh tế chỉ huy.

Bắt đầu từ năm 76, việc cấm buôn bán càng ngặt nghèo hơn nữa. Tất cả hàng hoá gần như bất kể loại gì mà có tính buôn bán trên xe lửa hay xe đò hay trên ghe sông đều bị tịch thu – tịch thu “trắng” chứ không có lập giấy tờ gì.

Chính quyền lúc đó lý luận người buôn bán không tạo ra của cải vật chất. Món hàng từ đầu A qua đầu B  rồi sang C thì vẫn y vậy, mà giá thì chênh lệch – tức buôn bán là… bóc lột, là ăn bám…

Giá cả thì leo thang hàng ngày, sự sống chỉ tóm gọn làm sao có miếng bỏ miệng khỏi chết là may lắm rồi.

Ga Biên Hòa có đội Công An khoảng 10 người, ban đầu chỉ tịch thu hàng hoá của những ai đi qua cửa nhà ga, dần dần họ biết những con buôn tuôn hàng dọc đường chứ không vào nhà ga nên mỗi chuyến xe lửa về là họ rải quân chặn ngay đầu nhíp, ai tuôn hàng là họ bắt phải vác hàng đó vào tận sân ga. Vì quá đông mà chỉ có khoảng 10 công an nên có người liều mạng vác hàng bỏ chạy, lúc đó súng nổ, tiếng quát tháo, tiếng la hét, tiếng chửi bới, tiếng rượt đuổi…

Ngay em tôi, khi tuôn hàng như củi hay hàng hoá ngay trước nhà cũng không sao mang vào nhà được vì công an đã đứng hàng ngang năm thước một người để chận bắt. Mất của mà còn mất công khuân vác vào tận nơi cho công an.  Có lần, được bà con ở ga Gia Ray cho túi gạo 5 ký, nhảy tàu, công an bắt, em tôi nói thật là không có buôn bán, đây là bà con cho về ăn, chứ đi buôn ai lại đi có 5 ký.

Thế nhưng người công an quát nạt:

– Của cho hả, có giấy tờ chứng nhận của xã không? Đi, đem về sân ga… rồi gí súng bắt em tôi xách túi gạo vào ga!

Ga Biên Hoà thì tôi còn lạ gì nữa, nhà tôi ở ngay trên lầu nhà ga, ba tôi là sĩ quan kiểm vận hoả xa, tôi thường hay bắn bi, chọi đáo suốt từ năm 64 đến 68. Sân không rộng lắm chỉ khoảng 15 x 20 mét thôi.

Cứ tịch thu khoảng một tuần thì sân ga nhìn như quả đồi con vậy, cao ngất và nhiều nhất là những bó củi, bao than, có tới cả ngàn bó và hàng trăm bao, còn những hàng lương thực như gạo, bắp, đậu, khoai thì họ bỏ vào kho gần đó khoá lại. Kho thật ra chính là cái nhà để xe jeep của ba tôi trước đây. Sau khi không còn chỗ để chứa thì có xe tới chở đi, còn chở đi đâu, làm gì, số lượng bao nhiêu có… Trời biết!?

Đêm 24 tháng 12/1977, ở Biên Hoà như các đêm Noel trước và sau 75, từ khoảng 7 giờ tối, hàng đoàn người lũ luợt kéo nhau ra đường, người có đạo thì đi nhà thờ, người không đạo thì đi xem đèn cho tới nửa khuya, nhiều khi không có mục đích gì mà cứ đi vòng vòng thôi. Đường phố đông kín người qua lại, xe cộ kẹt cứng. Cũng có nơi dân chúng tổ chức nhậu nhẹt, và ngay cả một vài cơ quan chính quyền cũng vậy.

1977 tôi vẫn còn đi lễ nhà thờ. Nhà thờ Biên Hòa lúc đó đối diện với UBND Tỉnh, và hàng ngày loa phóng thanh chĩa sang phiá nhà thờ như đối đầu giữa nhà nước và tôn giáo vậy. Không có lễ nửa đêm, mà lễ được tổ chức lúc 9 giờ tối.

Tan lễ, tôi không đi theo đường Trịnh Hoài Đức để về nhà, mà đi theo đường Hưng Đạo Vương rồi qua nhà ga để về nhà cho gần. Thường nhà ga chỉ đóng cổng lúc xe lửa tới hay đi để kiểm soát vé, sau đó thì mở khoá cho dân trong khu vực qua lại, vì sau nhà ga có rất nhiều dân và cả nhân viên hoả xa cư ngụ, nếu khoá cổng phải đi vòng rất xa.

10 giờ 30 tôi về tới nhà ga, từ xa dưới ánh đèn vàng vọt, tôi thấy khoảng dăm người, người thì đỡ bó củi lên vai cho kẻ kia nhanh chóng vác chạy, bó củi thường được niềng rất chặt và to khoảng gần 1 vòng tay người ôm, khá nặng khoảng 15 ký, đủ loại từ bằng lăng, tạp, tới cao su… bình thường 1 người vác 1 bó đi 100 mét là thở ra… khói.

Tôi ngạc nhiên, khi thấy lần lượt những người đó đều vác củi và chạy. Thấy tôi đi tới, một người nói nhỏ:

– Chộp lẹ đi, tụi nó (CA) đang xỉn, ngủ hết rồi.

À, thì ra là Công an nhà ga đêm đó tổ chức nhậu và có lẽ tất cả đều say và ngủ trên lầu, không ai canh gác. Đám người dần dần đông lên mạnh ai nấy vác, mới đầu vài chục người sau tôi ước có đến ít là… 200 người. Núi củi vơi nhanh chóng, để lộ ở giữa là những bao than nặng, nhưng thật lạ kỳ, nặng có tới 40 ký mà họ vẫn vác chạy te te. Trời lạnh mà hầu hết cởi trần chỉ lót có miếng vải ở vai vác cho đỡ đau.

Khác hẳn với lúc tuôn hàng, bắt hàng, việc “lấy” hàng rất “êm ái”, chỉ có tiếng chân chạy khẽ và tiếng động va chạm nhỏ khi những bó củi được dỡ ra. 200 con người không ai nói 1 tiếng! Lẳng lặng đỡ lên vai cho nhau rồi chạy tối đa! Đến khoảng 1 giờ sáng thì ôi thôi! cái sân ga BH như có cây đèn thần của Aladin hô biến, từ 1 quả đồi mấy ngàn bó củi nay nó thành bằng phẳng chỉ trơ đất và đá! Gạo châu củi quế – khỏi nói ai cũng biết lúc đó trị giá của từng lon gạo, từng bó củi nó quý báu ra sao!

Khi đống củi đã cạn sạch, vài người đang tính phá khoá kho lương thực, bỗng một cô gái từ phía trước nhà ga đi lại, cô nói nhỏ điều gì đó, ngay lập tức đám đông mạnh ai nấy chạy về nhà, sân ga trở lại vắng tanh,

Sáng hôm sau, 5-6 CA võ trang đầy đủ đi qua đi lại các nhà gần sân ga, dòm tới dòm lui, nét mặt hậm hực, có người chửi thề… và sau cùng lặng lẽ rút về ga. Mỗi nhà cũng “lấy lại” được khoảng dăm bó củi, nhưng ngay lập tức chặt hết các niềng, bỏ vào bếp như củi nhà vẫn nấu, CA không có lý do gì mà vào nhà tịch thu được.

Và cũng chỉ khoảng 1 tuần sau, sân ga lại đầy nhóc những hàng hoá bị tịch thu! Người đi buôn biết là sẽ bị bắt, nhưng chỉ cần một lần chạy thoát là sẽ có lời cao, với lại nhiều người trước giờ là dân buôn chuyên nghiệp, không đi buôn thì biết làm gì.

o O o

Cuộc chiến VN đã chấm dứt 38 năm rồi, nhưng có những tài liệu chỉ mới được công bố gần đây tuy nhiên tôi vẫn không tin tất cả đã được giải mật. Trận Trân Châu Cảng quân Nhật tấn công tiêu diệt mấy chục chiến hạm và hàng mấy trăm máy bay cũng như giết chết 2,400 lính Mỹ có một chi tiết mà mãi tới nay 70 năm sau người ta mới biết! Sở dĩ Nhật tấn công là do một điệp viên Liên Xô được gài vào Mỹ và nhờ thế Mỹ tuyên chiến với Nhật giúp gánh nặng cho Liên Xô mặt trận phía đông. Tôi tin rằng vài chục năm nữa có nhiều chi tiết về cuộc chiến VN được biết thêm cũng như quan điểm nhìn cuộc chiến có thay đổi kể cả 3 phía Mỹ, miền Nam và miền Bắc.

Giữa năm 1977, tôi đã tốt nghiệp trường Viễn Thông, đáng lẽ bình thường không có ngày 30 tháng 4 có thể tôi đã được phân công làm ở một đài vô tuyến nào đó rồi thậm chí có khi được ở lại trường làm phụ giảng. Nhưng khi cầm quyết định của nhà trường trả tôi về địa phương với lý do “nhu cầu công việc mới !?”. Ông Giám thị nói với tôi, về địa phương kiếm việc chứ nhà trường không phân công con em những người không có quyền công dân vì lúc đó ba tôi đang đi cải tạo.

Dĩ nhiên là tôi buồn, rất buồn, bao công sức học tập trôi theo sông ra biển. Và tôi lúc đó hầu như tuyệt vọng, ngay em trai tôi khi ký đơn xin đi Thanh niên xung phong mà đã cực kỳ khó khăn, ban đầu không được chấp nhận, sau do thiếu quân số giờ chót mới có tên. Có đợt thành phố BH tuyển 2,000 vào làm Thương nghiệp, điều kiện đòi hỏi là văn hoá lớp 7/10 hay 9/12, thế nhưng chỉ cầm đơn tới khóm thôi, chưa tới Phường, thì trưởng khóm nhất định không ký, ông nói thẳng không ký do lý lịch tôi có cha là sĩ quan chế độ cũ.

Tôi không còn con đường nào khác để chọn lựa tương lai cho mình, tất cả đã nằm ngoài tầm tay nhỏ bé của tôi, tôi như một cọng… lục bình trôi dạt giữa cơn hồng thủy thịnh nộ của đại dương.

Phía trước là khoảng trống mịt mờ vô định hoàn toàn không biết đi về đâu. Rồi tôi mất ngủ. Tôi ra tiệm tạp hoá Minh Hoa cũng ở gần nhà ga mà tôi biết từ nhỏ, thỉnh thoảng ba tôi vẫn hay mua các thứ thuốc ở đó. Chủ tiệm Minh Hoa là một nữ dược sĩ – có bà con xa với tôi, chị hơn tôi cả giáp. Hồi đó tiệm tạp hoá cũng có nơi bán thuốc như Aspirin, Midol, Optalidon và cả thuốc ngủ nữa. Tôi nói:

– Chị, em bị mất ngủ, bán cho em mấy liều thuốc.

– Em mất ngủ lâu chưa, buồn chuyện gì vậy, có tin gì về ba em không?

– Ba em thì đã đổi lên trại Thanh Hóa rồi, còn em thì giờ thất nghiệp không nơi nào nhận làm…

Chị im lặng một chút rồi lấy cho tôi 6 viên Tranquinal, chị dặn:

– Em uống một viên trước giờ đi ngủ, dùng thử mấy bữa xem sao.

Tôi cảm ơn và ra về. Chị gọi với theo:

– Nè, em nhớ đừng uống rượu đấy nhé, nó làm tăng tác dụng thêm đấy.

Tôi dừng lại, thì chị lại nói tiếp:

– Hôm nọ đêm vác củi về em có ngủ được không?

Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt:

– Sao chị lại biết ? Bữa đó vác về mệt quá làm em ngủ liền.

– Vậy em có biết bữa đó tụi công an tại sao nó ngủ như chết để dân vác hết một sân củi mà không biết?

Tôi dừng hẳn lại và bước vào trong, chị kể:

– Đêm đó, CA ga BH về hết chỉ còn 4 người ở lại, thằng Thạnh (CA) vào đây dặn mua 1 lít rượu, chị biết 4 thằng mà 1 lít thì không thể “xỉn”, nên có bỏ vào mấy viên thuốc ngủ và dặn thằng Thạnh phải cho tụi nó uống hết và sau khi uống hết nửa giờ thì thằng Thạnh mới “bật đèn xanh” cho dân vác củi vì lúc đó 3 thằng kia đã “gục” rồi

– Trời đất ! Vậy là sao em hổng hiểu, Thạnh nó cũng là CA trong đó mà.

– Ai chả biết nó là CA, nhưng trong số CA chỉ có nó là “hiền” nhất, nó nói phải làm vì nhiệm vụ chứ nhiều khi tịch thu hàng của dân cũng đau lòng lắm, nó nói có lần nó bị kiểm điểm vì tha cho một chị mang gạo chừng 1 bao cát  (khoảng 10 kg), chị ấy năn nỉ nó quá, chị ấy bảo 3 hôm rồi 6 đứa con không có gì ăn, mới bán nhẫn cưới mua mấy ký gạo… thế là thằng Thạnh động lòng tha.

– Thì nó tha vụ đó, nhưng làm sao mà chị tin nó đến nỗi dám bỏ thuốc ngủ để nó mang về cho đồng đội uống?

– Tin chứ, vì nó đang “theo” lết bánh xe con Lan nhà chị mà…

– Vậy sao chị không cho tụi nó uống ngủ luôn tới sáng cho dân lấy nốt kho gạo?

– Chị là dược sĩ, chị biết, với lượng thuốc đó, tụi nó chỉ ngủ sâu chừng 3 tiếng mà thôi, tụi nó bắt đầu nhậu lúc 8 giờ,  nên lúc 1 giờ chị bảo con Lan ra nói với dân về đi. Còn nếu cho tụi nó uống quắc tới sáng thì không dám, vì lúc đó chính thằng Thạnh sẽ bị tụi nó “cạo đầu”…

Thì ra chả có cây đèn thần nào cả, mà đống củi biến mất nhờ một nữ dược sĩ đã cài được “nội gián” vào CA, có điều tôi vẫn còn thắc mắc và hỏi chị:

– Chị làm vậy thì được gì vì nhà chị có 3 chị em gái, đâu có ai vác củi được đâu?

– Mỗi lần xe lửa tới thấy cảnh tịch thu chỉ có gỗ đá mới không đau lòng, nên hễ có dịp làm được gì giúp dân sao mình không làm?

Chị Minh Hoa, cái đêm Noel 24 tháng 12/1977, hơn 200 người dân, mỗi người “lấy lại” dăm bó củi chạy bán sống bán chết đâu có ai biết vì sao không có ai canh gác để họ có thể vác “êm thắm” cả mấy ngàn bó như thế. Dùng chữ “lấy lại” là chính xác vì số hàng hoá đó ban đầu là của dân, bị tịch thu, lợi dụng sơ hở họ “lấy lại”.

Sau đó  ít năm Thạnh cũng chuyển ngành sang làm bên khu công nghiệp. Bây giờ sau 35 năm, nếu em không nói chắc cũng không ai biết, nhưng trong số mấy trăm người đó, có ai đọc bài này không – chắc là không – vì số người đó đa phần là dân lao động hiện giờ ít nhất cũng trên dưới 50 tuổi có mấy người nhà có internet mà vào đây đọc bài.

Mà thôi chị Hoa, sự can đảm chân chính không cần người chứng kiến.

ĐNH
viết để nhớ lại cái đêm hôm ấy…