Trong muôn vàn khổ não vì tranh giành, thị phi hay khó khăn của đời sống tại những miền đất thanh bình như Huê Kỳ, Âu Mỹ và các bi thảm của chiến tranh ở những nơi khác thì thỉnh thoảng ta có những nụ hoa đơn sơ nở rộ từ lòng tử tế của con người. Các câu chuyện xem ra tầm thường nhưng đã mang lại ít nhiều hạnh phúc cho kẻ chung quanh.
Câu chuyện này từ China Grove, North Carolina được bá tánh chuyền tay nhau đọc để tạ ơn đời sống, thỉnh thoảng có thiên thần xuất hiện. Đó là câu chuyện của chú bé Riley England, 4 tuổi và gia đình. Hôm ấy họ đi ăn tại quán the Stag & Doe, nấu các món ăn nhanh, ăn liền. Riley bị chứng bại não nên thường lên cơn co giật và vì không thể nói nên mỗi khi cần được chú ý, chú bé la hét đập phá. Bữa ăn tại nhà hàng ấy cũng không ngoại lệ, khi lên cơn đói và không thể dùng chiếc điện thoại thông minh để xem phim ảnh, Riley nổi nóng và bắt đầu la hét, quăng luôn chiếc điện thoại trên tay vào vách tường. Sự khuấy động kia khiến mọi người chung quanh ngừng ăn và xoáy tia nhìn vào gia đình đứa trẻ đang đập phá. Bà mẹ trẻ lúng túng xoay trở tìm cách làm dịu cơn phẫn nộ của đứa con.
Mấy tuần lễ rồi, Riley mỗi ngày một khó chịu, lên cơn nóng giận thường xuyên. Nếu đứa trẻ cứ tiếp tục thế này thì gia đình nọ chẳng thể rời khỏi nhà mà ra chốn công cộng… Bà mẹ trẻ nhủ lòng như thế và lo lắng nghĩ đến những ngày sắp tới.
Thế rồi thức ăn cũng được mang đến bàn họ ngồi. Nhưng không chỉ thức ăn mà cô gái dọn bàn mang đến cả món quà từ một kẻ xa lạ: Trên tờ biên lai tính tiền có mấy dòng chữ “God only gives special children to special people.” (Thượng Đế chỉ trao những đứa trẻ đặc biệt cho những người đặc biệt). Cô gái dọn bàn nói thêm rằng bữa ăn của gia đình bà đã được người viết miếng giấy kia trả tiền rồi, mắt cô gái mọng nước khi trao miếng giấy cho bà mẹ trẻ.
Bé Riley England và dòng chữ của người thực khách tốt bụng – nguồn dailymail.co.uk
Hàng chữ ấy khiến bà mẹ trẻ bật khóc, những hạt nước mắt tạ ơn lòng tử tế của kẻ bàng quan, không chỉ thông cảm với nỗi khó khăn của họ mà còn nói lời an ủi, khuyến khích. Và miếng giấy xuất hiện trên Facebook với lời tri ân của gia đình chú bé Riley đến người xa lạ.
Một câu chuyện khác của lòng tử tế đến từ nhà hàng Chili’s Bar and Grill tại Midvale, Utah. Cô bé Arianna MacLean, 7 tuổi, bị tự kỷ nên khó thích nghi với nơi xa lạ, đông người như hàng quán. Hôm ấy, thấy cô bé có vẻ dễ chịu nên gia đình đưa đi ăn tiệm. Họ chọn một bàn ăn có cửa sổ để Arianna nhìn ra ngoài trời.
Khi người dọn bàn vừa đến nơi, chưa kịp nói xong lời chào hỏi, cô bé đã đòi thức ăn thức uống, một ly sữa chocolate, một cái bánh mì kẹp thịt với phó mát (cheeseburger) và dưa leo muối chua, và một phần khoai chiên.
Arianna ăn rất nhanh phần khoai chiên nhưng nhất định không sờ đến cái bánh mì kẹp thịt, cô bé nói rằng chiếc bánh bị “bể” vì trên miếng thịt có đường rãnh xẻ đôi. Thực ra khi nướng thịt, đầu bếp thường xẻ một rãnh trên mặt xem miếng thịt đã chín hết chưa. Với Arianna, yêu chuộng bánh mì kẹp thịt, thì miếng thịt kia không thể “bể” như thế. Và cô bé đòi một chiếc bánh khác.
Khi người dọn bàn, cô Lauren Wells, trở lại thì thấy Arianna đang khóc lóc đòi thay thế chiếc bánh bị “bể” thì Lauren khom lưng nói lời xin lỗi với cô bé và hứa sẽ mang một cái bánh lành lặn khác.
Rồi người quản lý nhà hàng cũng đến tận nơi trò chuyện với cô bé Arianna. Và lạ lùng hơn nữa thay vì la hét đập phá như mọi lần không vừa ý, cô bé Arianna ngưng khóc, ngồi im lặng chờ chiếc cheeseburger thứ nhì. Không biết việc hai người xa lạ đến trò chuyện ảnh hưởng đến tâm tình cô bé ít nhiều ra sao? Nhưng hành động cảm thông của nhà hàng khiến gia đình cô bé cảm kích và họ đăng lên Facebook lời tri ân.
Gia đình ấy đã nhiều lần phải rời hàng quán vì con em đập phá la hét khi lên cơn nóng giận tức tối nên họ vô cùng cảm động khi thấy người nhà hàng nhỏ nhẹ khom lưng nói chuyện với đứa trẻ, thay vì tỏ dấu khó chịu bực bội vì bị quấy rầy như những nơi khác.
Việc đối xử với một đứa trẻ bất thường một cách bình thường như mọi khách hàng khác là một điểm son của những người hiểu biết và lịch sự. Hành động tự nhiên của Lauren Wells đến từ kinh nghiệm với thân nhân bị tự kỷ và ngành học chuyên môn về Tâm Lý, cô Wells tốt nghiệp cử nhân mùa hè năm trước.
Thân nhân cô bé Arianna đưa câu chuyện lên Facebook, viết mấy hàng ghi nhận cử chỉ đẹp của nhà hàng trên mạng ảo. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn câu chuyện chuyền tay về Lauren Wells, nhà hàng Chili và cách đối xử với những đứa trẻ bị tự kỷ. Một chút cảm thông, một chút tử tế là đủ mang lại hạnh phúc cho những người chung quanh.
Những đứa trẻ bị tự kỷ không thể giao tiếp bình thường với môi trường chung quanh, từ người đến vật nên chúng thiếu khả năng ứng phó với những xa lạ. Nhiều đứa trẻ không biết nói, chỉ biết gào thét hay gầm gừ những âm thanh nghẹn trong cổ họng. Khi sợ hãi hay bất ý, những đứa trẻ này phản ứng bằng sự đập phá, gào thét. Kẻ xa lạ thường cho rằng đứa trẻ thiếu kỷ luật hay hoang đàng phá phách.
Khi ra chốn công cộng, gia đình chúng thường bị nhìn ngắm với cái nhìn khó chịu hay chê bai. Vì thế, gia đình chúng thường tránh nơi công cộng, chỗ đông người vì ngại ngùng, đôi khi vì xấu hổ.
Thân nhân trẻ tự kỷ thường tránh đám đông xa lạ dù muốn đi ăn uống ở nhà hàng hoặc vào nơi giải trí như công viên sở thú. Do đó, chứng bệnh kia hầu như dẫn đến sự cô lập của cả gia đình.
Với những bài báo về lòng tử tế của người bàng quan có thể sẽ giúp bá tánh có cái nhìn rộng lượng hơn, thông cảm hơn với những đứa trẻ hành xử khác thường và gia đình chúng. Hay ít ra, ta biết được rằng giữa chốn nhân gian xa lạ vẫn có những người bao dung và tử tế.
Cái đẹp của sự tử tế
Ông Sergio Consuegra, 52 tuổi, được thành phố New York vinh danh tại Washington Heights. Trong buổi lễ, Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Robert Jackson tuyên dương nghĩa cử của ông Consuegra và nói rằng “nhân danh thành phố, chúng tôi cảm ơn ông”.
Ngày 29 tháng Chín vừa qua, trong lúc di chuyển trên xa lộ Henry Hudson Parkway thuộc địa phận Mahattan, ông Alexian Lien cùng người vợ, Rosalyn Ng, và đứa con gái 2 tuổi bị một đám người cưỡi mô tô (biker) săn đuổi và cuối cùng chặn đầu xe, lôi ông Liên khỏi xe và hành hung ông ta.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc chiếc xe Range Rover do ông Liên lái bị một chiếc mô tô qua mặt rồi thình lình đi chậm lại. Hậu quả là người cưỡi xe mô tô, Christopher Cruz bị thương nhẹ và chiếc mô tô bị hư hại chút xíu. Thế rồi đám người cưỡi mô tô hùng hổ đuổi bắt chiếc Range Rover trên xa lộ. Khi ông Liên đi chậm lại, chiếc Rang Rover bị đám người xúm quanh, đập phá, cố đá cho thủng bánh xe. Có kẻ còn mở cửa xe để lôi ông Liên ra ngoài. Hoảng sợ, ông Liên rồ ga bỏ chạy, gây tai nạn cho mấy chiếc mô tô khác. Một trong những người cưỡi mô tô, Edwin Mieses bị thương nặng. Và đám yêng hùng xa lộ rầm rộ đuổi theo kỳ cùng, khi đường nghẽn lối. Đám côn đồ dùng mũ an toàn để đập kính xe và lôi ông Liên ra ngoài để đấm đá cho hả giận.
Cùng lúc ấy, đang trên đường đến nhà thờ dự Thánh lễ trong khu phố Washington Heights, thuộc quận Manhattan, thành phố New York, ông Consuegra nhìn thấy đám người cưỡi mô tô tiến đến bên chiếc xe hơi đen và xúm nhau đánh đấm người lái xe. Khi can ngăn đám người kia dừng tay không được, ông Consuegra đã dùng chính thân thể mình để che chở cho kẻ gặp nạn.
Trong lúc say máu, đám côn đồ định lôi cả bà vợ nhưng những người bàng quan bu quanh và la ó phản đối dữ dội khiến côn đồ chùn tay.
Máy ghi âm của đài điện thoại cấp cứu ghi nhận 4 cú điện thoại của bà vợ và cả trăm cú điện thoại khác của người bàng quan.
Ông Liên bị thương nhẹ, được chữa trị tại phòng cấp cứu của bệnh viện Columbia và cho về cùng ngày. Bà vợ và đứa con thơ thoát hiểm nhờ sự cứu giúp của ông Consuegra và người bàng quan chung quanh.
Không có những người nghĩa hiệp ấy, có lẽ ông Liên và gia đình không toàn mạng trước đám côn đồ hung bạo.
Ông Consuegra và hai người khác bảo vệ gia đình ông Alexian Lien – nguồn youtube.com
Khi được phỏng vấn, ông Consuegra nói rằng đám người cưỡi mô tô kia khí thế đằng đằng như thể họ sẵn sàng giết gọn gia đình nọ nên ông ta và hai người khác đưa lưng chịu đòn thay. Ông ta nói thêm rằng cũng muốn ẩn danh nhưng vì bạn bè nhận diện qua khúc phim của cảnh sát nên ra mặt nhận lễ vinh danh.
Cuộn phim thu hình đám yêng hùng xa lộ, the Hollywood Stuntz, lượn ra lượn vào trên đường phố, bất chấp luật lệ giao thông, kể cả lúc tấn công chiếc Range Rover, được tung lên mạng ảo. Và trong khoảnh khắc khúc phim dài 6 phút được chuyền tay nhanh như cháy rừng. Cuộn phim khiến công luận căm phẫn sôi nổi khắp nơi trước cái tồi của đám người hung bạo.
Ông Kevin Bresloff là người đã thu hình cuộn phim kể trên từ máy quay phim đặt trên mũ an toàn, ông này cũng là một người trong đám yêng hùng xa lộ. Khúc phim chấm dứt ở chỗ chiếc xe Range Rover bị tấn công. Nhân viên công lực của New York đã khám xét nhà của người thu hình bất đắc dĩ, tịch thu một số máy móc kể cả máy điện toán và máy quay phim, điện thoại di động…, để kiểm nghiệm. Câu hỏi được đặt ra là còn khúc phim nào nữa không? Ông Bresloff có cắt bớt hình ảnh để chạy tội cho đồng bọn không?
Điều đáng kể khác trong biến cố kể trên là việc ba nhân viên công lực tòng sự tại quận Manhattan có mặt trong đám côn đồ cưỡi mô tô. Thám Tử (Detective) Wojciech Braszczok bị nhận diện trong cuộn phim kể trên là người đã đập kính cửa sau và đá chiếc xe của ông Liên. Hai người kia không có hành động nào để cứu giúp kẻ gặp nạn. Chỉ mấy ngày sau khi sự việc vỡ lở, những nhân viên công lực này mới trình báo với cơ quan hữu trách. Cả ba đều bị cho nghỉ việc tạm thời trong thời gian điều tra.
Từ cuộn phim kể trên, cảnh sát nhận diện thủ phạm và các tòng phạm, tất cả là 7 người. Tính đến hôm nay, thủ phạm Robert Sims đã bị câu lưu để điều tra. Ông Sims là người đã đấm đá Alexian Lien và mang tội danh đả thương. Nhà chức trách tiếp tục truy nã những kẻ còn lại.
TLL