Bạn tôi sang Mỹ chơi, nhìn các con đường trong khu nhà ở thốt lên, đây là nhà trong hẻm phố chớ đâu phải nhà mặt tiền. Tôi không tranh cãi vì bạn nói chẳng sai. Bây giờ, Sài Gòn với những khu nhà ở mới, hẻm phố khang trang, mở rộng, thông thoáng không khác những con đường mặt tiền. Người Sài Gòn nói vui nhà có mặt tiền tức là nhà có tiền mặt, mở tiệm buôn bán ì xèo hay không làm gì, cho thuê mặt bằng ngồi rung đùi cũng có tiền rớt xuống.
France Quarter, phố cổ Pháp ở New Orleans có một tổng thể kiến trúc nhà ở dân dụng thật đẹp
Tôi chợt nghĩ nhà hẻm phố, là xu thế chung phát triển đô thị với các ô phố có quy hoạch. Nhưng chẳng vì thế mà sẽ mất đi những ngõ hẻm đã hình thành nên nhiều giá trị nhân văn, đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết, xét từ khía cạnh văn minh đô thị. Vậy thì câu hỏi được đặt ra cho các nhà làm công việc quy hoạch chỉnh trang đô thị là ngõ hẻm có nên tồn tại hay biến mất trong tương lai. Rất may tôi và bạn tôi có chung quan điểm tuy rằng bản thân hẻm không mang giá trị thẩm mỹ cao nhưng không thể biến mất vì đấy là chứng tích lịch sử của thành phố.
Tôi đưa vấn đề này ra cốt để trả lời câu hỏi của người quen sống nhiều năm ở New Orleans, đi mòn gót giày trên khu phố Pháp (France Quarter) nhưng tròn mắt ngạc nhiên khi tôi dừng lại chụp vài tấm ảnh “Hẻm của phố” khắp khu phố cổ. Anh nói: “Ôi cha, tôi là dân địa phương thế mà chẳng biết khu phố Pháp có những con hẻm tối tăm đến vậy. Từ nào giờ tôi không để ý mỗi khi đi phố. Chẳng qua khu phố Pháp vui chỉ về đêm, âm nhạc đường phố lúc nào cũng rộn ràng trỗi dậy, thu hút du khách tụ về bước chân qua phố. Nhìn xem những dãy phố xưa, kiến trúc Tây, ăn uống, cà phê cà pháo, chứ ai đi tìm những con hẻm đóng cổng im lìm”.
Chút gì đó của Hội An ở France Quarter, cổng hẻm bằng gỗ đóng cửa giữa hai vách tường hông nhà, che bớt những gì bề bộn trong ngõ hẻm
Chuyện bình thường. Có phố tức có hẻm. Chẳng qua ta không lưu tâm vì nó chẳng thể làm ta lưu luyến trong cuộc sống nơi này. Thành phố văn minh, kiến trúc nhà ở khác hẳn Sài Gòn hay bất kỳ thành phố nào khác ở quê nhà. Bên này kiếm được cái nhà yên tĩnh, đèn nhà ai nấy tỏ, có công ăn việc làm, cứ thế trôi theo dòng đời, hơi đâu hoài niệm làm chi con hẻm của ngày xưa ồn ào và gần như chìm vào quên lãng do cuộc sống bộn bề. Phần khác bởi trong đầu vẫn đinh ninh, phố Tây chỉ khác về phần kiến trúc san sát kiểu cách với những khu nhà nơi mình ở, làm gì có hẻm mà tìm.
Hẻm hẹp cụt cửa đóng im lìm, bên trong là năm sáu căn nhà trú ngụ
Đúng là như vậy. Chính tôi đã từng đến France Quarter đôi lần. Lần nào cũng đi cà phê đêm, người trên phố lúc nào cũng đông như trẫy hội, thì làm sao thấy được những con hẻm giữa ban ngày. Cho nên khi lê la bước chân trên con hẻm bên hông khu nhà bảo tàng phía sau nhà thờ Chính tòa phố cổ, bên trong hàng rào lưng hậu nhà thờ là hàng chuối xanh lao xao trong gió khiến tôi cứ ngỡ mình đang đi trên con hẻm nhà thờ Ba Chuông khu Phú Nhuận năm nào. Khác chăng những con hẻm ở đây ngắn chứ không vòng vèo nối từ hẻm này sang hẻm khác.
Những con hẻm thông thoáng xuyên qua các con phố không hiếm gặp ở phố Pháp
Không biết bạn có cảm xúc gì đặt chân trên những con hẻm phố cổ France Quarter, riêng tôi thì cảm xúc bồi hồi đến nỗi không biết bắt đầu như thế nào kể cho các bạn nghe hẻm của phố. Bởi nơi ngõ hẻm xưa ấy tôi lớn lên mỗi ngày và cũng là chốn bình yên mỗi chiều cùng lũ bạn chạy rong thả diều, tạt lon hay chơi u làm ồn đến nỗi ông Cha nhà thờ ngày nào cũng bước ra quở trách. Cái mương nhỏ thoát nước giữa hẻm ở đây sao giống y chang cái mương con hẻm nhỏ của tuổi thơ tôi ngày trước. Chỉ có điều cái mương con hẻm nhỏ khu nhà tôi rộng hơn chút xíu đủ cho nước một cơn mưa trút xuống, thoát đi mang theo chiếc tàu giấy nhỏ bé mà tôi cố gắng xếp gọn gàng thật đẹp, thả xuôi theo dòng trôi về cuối xóm.
Chắc bạn sẽ cười thầm, “rõ khéo, thằng cha này già rồi nên trong đầu cứ nghĩ những chuyện còn thơ”. Nhưng đó là cuộc đời tôi bạn ạ. Có đôi khi, xuất phát điểm của cuộc đời lại chỉ như một con hẻm nhỏ khiến ta thấu hiểu hơn ý nghĩa của những gì thân thuộc nhỏ nhoi, của cái ngõ hẻm thân thương mà đã từ lúc nào, thầm in hằn trong ký ức. Trở về một chút tuổi thơ, nơi con hẻm ngày xưa từng nâng những bước chân bé nhỏ hồn nhiên nhảy nhót vui đùa, nghịch ngợm với lũ trẻ con cùng xóm, âu cũng là kỷ niệm của nhiều người.
Một trong những con hẻm nhỏ của người Ý ở Boston
Nhiều người có những ngày tháng tuổi thơ sống trong hẻm nhỏ. Tất cả rồi cũng đi qua nhường chỗ cho một sự cách xa. Ta xa rời những con hẻm nhỏ để bước vào cuộc mưu sinh cơm áo. Và dòng đời đẩy trôi con tàu cuộc đời đi về bến mới. Nơi có những đại lộ rộng lớn thênh thang, phồn hoa hơn mà cũng vật chất hơn rất nhiều. Chính sự xa hoa và hào nhoáng ấy đôi lúc cũng khiến ta mơ mộng. Nhưng rồi giữa những phồn hoa ấy, có đôi lần ta lại nhớ về con hẻm nhỏ của mình, da diết ngóng chờ một ngày về lại. Có thể là không nhiều, nhưng đôi khi vẫn thế, ta vẫn nhớ để thấy mình bớt chút lạc lõng giữa những con người không cùng màu da, không cùng tiếng nói quê cha.
Phố Pháp đâu chỉ có những con hẻm thông thống bên hông nhà thờ hay những hẻm ngang thông vào đường lộ mở tiệm bán hàng ăn hàng uống. Khung cảnh hao hao Sài Gòn? Và bạn chẳng cần gọi món ăn, sà vào kêu một cái đen, ngồi ghế nhựa dựa lưng tường nhà hẻm phố, nhịp đùi rít một hơi thuốc như thấy mình đang sống trong hẻm nhỏ ngày xưa. Chỉ ở Phố Pháp mới có khung cảnh này. Tôi biết khá nhiều hẻm ở Los Angeles, Boston hay Seattle, mỗi nơi mỗi kiểu, tùy theo ảnh hưởng văn hóa của người di dân từng vùng. Chẳng hạn hẻm phố ở Boston sặc mùi Ý. Bạn đừng kêu tôi tả mùi Ý ra làm sao. Không khéo tôi lại đi tả cái mùi của bánh Pizza. Nói chung, người Boston hẳn biết rõ Little Italy thế nào. Tôi thì vẫn thích hẻm của phố Boston lát đá xanh sạch sẽ, hẹp bé, yên tĩnh chỉ dành cho người đi bộ. Người sống trong hẻm chịu khó gởi xe, đi bộ về nhà. Bất tiện nhưng thật dễ thương chẳng khác những con hẻm nhỏ tận đâu bên nước Ý.
Người ta mở tiệm bán hàng ăn uống, bàn ghế để chiếm cả lòng hẻm
Hẻm của phố Pháp New Orleans gần gũi tâm hồn người Việt mình hơn bởi âm hưởng văn hóa và kiến trúc Pháp. Nhiều người bảo từng dãy nhà xưa ở France Quarter có nét gì đó của Phố cổ Hội An. Nghe thật mát lòng. Tôi bổ sung thêm, France Quater có một chút hình bóng của phố cổ Hà Nội. Một sự kết hợp kiểu cách kiến trúc Pháp cổ điển của những dãy nhà phố phát triển theo thời gian tạo ra những con hẻm phố do nhu cầu mở rộng nhà ở, sử dụng những khoảng trống không gian sân sau nhà phố “lấn dần” biến thành nhà và cần có lối thoát. Từ đó hình thành hẻm phố. Chỉ tiếc một điều, đó là những ngõ hẻm hẹp và cụt.
Tôi có dịp đến phố cổ Hà Nội, tìm hiểu xem Ba Sáu phố phường. Và tôi ngạc nhiên khi thấy những con hẻm cụt, hẹp đến nỗi hai chiếc xe đạp dắt qua không lọt. Bên trong là những “căn nhà” hộp diêm. Con hẻm tối mù do sử dụng hai vách tường hông nhà để làm thành con hẻm. Hẻm cụt của France Quarter cũng vậy. Tù mù, trong hẻm chừng năm sáu “căn nhà” hay căn phòng do tôi phỏng đoán qua những hộp thư treo trước cổng. Chính vì sự an toàn người sống trong bên trong làm cửa hẻm chung nên ít ai để ý. Có lẽ người trong hẻm muốn giấu hoàn cảnh sống của mình ở một trung tâm phố thị.
Tôi đọc đâu đó rằng, khi xưa người Pháp bán lại cho chính phủ Mỹ vùng đất rộng lớn Louisiana có một điều khoản yêu cầu, không được phá bỏ France Quarter, tôn trọng, bảo tồn văn hóa Pháp của những người Pháp sinh sống tại đây. Người Mỹ đã thực hiện đúng như vậy và xếp France Quarter vào danh mục Di sản quốc gia. Do vậy, hẻm của phố tuy không có giá trị về tính thẩm mỹ nhưng nó là một phần chứng tích lịch sử phát triển thành phố.
NL