Tui ở nhà đứa bạn, hắn nuôi một con thú cưng đặt tên là Totoro. Bạn tui nói Totoro là con heo Ấn Độ, còn tui thì thấy hắn giống con thỏ lai với con hamster. Con Totoro ăn chay, nó thèm cà rốt, thèm cỏ khô nhưng nhứt là thèm lá bồ công anh. Tui hay xuống bãi cỏ trước chung cư, ngồi bệt xuống lọ mọ bứt lá bồ công anh đem về cho nó ăn.
Những lúc như rứa tui nhớ cái cảnh đi bứt rau trăng ở quê. Cây rau trăng hắn y như cây bồ công anh rứa đó, lá của hắn cũng xẻ thùy cạn, bông của hắn cũng vươn lên, lúc khô cũng nở xòe ra như rứa. Khác là cái bông bồ công anh hắn màu vàng, được nhiều người chụp hình up lên facebook, cái tên của hắn cũng sang hơn nhưng không thơm, cây bồ công anh mọc ở đất đồi đất thịt. Còn cây rau trăng khiêm nhường lắm, cái tên nhà quê, cái bông màu tím và không được đăng lên facebook, hắn chỉ nằm trong cái rổ sổ kẹp hông của bọn con nít nhà nghèo và mọc trên mấy vồng khoai ở xứ đất cát. Cọng cây rau trăng mềm lắm, lá nó cũng mượt đầy lông nên rau trăng là món khoái khẩu của bọn sâu róm nhiều màu.
Khi người ta đẻ ra ở miền đất cát là người ta tự dưng có cái bản năng siêng năng như rứa. Trời mùa hè đổ lửa cũng gánh nước tưới khoai, trời lụt cũng phải đi múc rãnh khoai cho nước chảy chứ không khoai sượng hết. Vì rứa nên mùa mô cũng có rau trăng, cứ hễ đất mới cất lên, nước mới tưới lên, sương sớm mới rơi xuống trên đọt khoai từ, khoai ve còn sắc cạnh là rau trăng cũng nhú lên mấy cái lá và cái cọng tím ngắt. 6 giờ sáng đài vừa tít mấy tiếng là bọn con nít đã í ới kêu nhau đi hái rau rồi. Mỗi đứa một cái rổ sổ, một cái liềm, rổ kẹp vô hông rồi đi ra trảng, lội mấy cái rãnh khoai, rãnh cà tím đi hái rau trăng. Cây rau trăng vừa cắt xong là nó thơm nức mũi. Mà hồi nớ nhỏ rứa chứ đứa mô cũng quen cái kiểu sống nông dân, chỉ bứt cây lớn, chừa cây nhỏ mai mốt cho nó lớn bứt tiếp chứ không có kiểu càn quét sạch trơn như chừ.
Rau trăng hái xong chao qua nước cho hết cát rồi xắt nhỏ trộn với chuối là đồ ăn cho heo ăn trong những mùa không có rau lang. Hái rổ rau trăng đem về tới nhà là chuẩn bị bắc nồi cơm lên bếp, xắt thêm rổ chuối nữa là anh Hai đi giữ bò về. Rồi anh Hai bắc cái xanh (cái xoong, không biết vì răng hồi nhỏ kêu cái xanh rứa đó) lên. Anh đổ mớ dầu phụng rồi đập năm ba củ nén bỏ zô. Bữa thì anh xào mướp, bữa anh xào cà tím, rồi anh nấu thêm nồi canh bí đỏ với đậu phộng là được bữa trưa. Hồi nớ ăn mướp nhiều tới mức mà từ hồi ra sinh viên tới chừ tui không ăn mướp lại. Cứ ngó cái hột mướp cái tui bắt ngán luôn.
Rau trăng hay cỏ thia là những loài rau xa xỉ cho heo rồi. Những lúc bí quá, nhứt là mùa đông, đã không có rau lang vì trời lụt, lại còn không cắp rổ đi lội nước ở xa hái mấy thứ rau khác thì rau trai với rau mương là lựa chọn thay thế. Cây rau mương nó già một chút là thân nó hóa gỗ luôn, cứng ngắc. Nhưng may là cây ni ưa nước nên khi vừa lụt xuống là cả đám rau mương mọc lên mơn mởn, tranh thủ cắt từng vạt lẫn với cỏ non đem vô cho heo. Còn cây rau trai thì nó nhớt nhợt, được cái bông nó tím lãng mạn lắm. Cây rau trai thì luôn mềm, dù có già nó cũng mềm. Nó là thứ rau không ai thèm bứt trừ những lúc bí bách như mùa đông. Có lẽ nó biết cái phận mình rứa nên nó dễ tính, trời nắng nó cũng mọc lí nhí, lá lít chít, còn mùa mưa thì cọng nó dài, lá nó mơn mởn, hiền lành. Bữa hôm kia tui dắt con chó Laika đi dạo dưới Champagne, tự dưng tui thấy cây rau mương mọc bên con lạch nhỏ, trổ cái bông vàng nho nhỏ, dễ thương. Tui cười bất giác, cười như chào người quen rứa.
Cây rau trai – nguồn dongyminhphuc.com
Rồi chiều ni tui đi công viên Tête d’Or, lang thang vô botanic garden, tui lại cười một lần nữa khi tui gặp một vạt rau trai nằm sải lai ngay góc vườn. Người ta làm cái botanic garden với mớ lồng kính, bật máy sưởi 23 độ, cả quạt gió chạy phà phà chỉ để cái cây rau trai quê mùa của tuổi thơ tui mọc ngang nhiên bên cạnh cả cây cọ to, cây chuối, cây dương xỉ. Tui cứ cười rứa, cười như gặp tri kỷ xưa chừ, như gặp đứa bạn thân mà 10 năm rồi không nói chuyện với nhau, chừ có gặp cũng chỉ hỏi câu: “Mi đó hả Phương?” rồi ngồi im với nhau rứa chứ không làm chi hết mà vẫn vui chết đi được. Tui đi một vòng nữa, tui lại gặp cây chùm miễu hồi xưa hay bứt trái ăn vặt trên đường đi học. Rồi thêm một góc nữa, tui gặp một bụi chuối. Vẫn y như bụi chuối cằn sau chuồng heo, bẹ nó đỏ óng một vạch lớn ở giữa, dưới gốc nó một bãi rau trai quấn quýt. Kế bên bãi rau trai là bãi rau má nho nhỏ nữa. Cái cây chuối buông xuống một cái bông dài rất điệu nghệ. Ở quê như ri là cắt cái bông chuối vô làm rau sống rồi. Tui đứng giữa vườn, ngửi bông chuối, nhắm mắt nghe lại cái mùi thơm quen thuộc hai mươi năm trước.
Cây rau mương – nguồn flickr.com
Chiều ni đi về, tui ra Carrefour mua trái cà tím, bịch gạo. Tui bắc nồi cơm trên bếp gas, trong lúc chờ cơm sôi, tui xắt cà tím ngâm nước rồi đem luộc y như anh Hai tui hồi xưa làm một lúc hai ba việc. Tui cũng mở Thanh Tuyền lên để nghe giọng bả ỉ ôi ca “Mưa rừng ơi mưa rừng…” Rồi tui khử dầu, tui bỏ hành tím thay cho củ nén, tui cũng xào cà tím, tui cũng ca nhạc chế như anh Hai: “Đường về hôm nay túi thui, mà răng anh nói tui đui…” Rồi tui dọn cơm ra, tui ăn một mình, tui ngó dòng Saône mù sương, tui nghe lại mùi rau trăng năm cũ trên tay, tui thấy được cảm giác nhơn nhớt khi hái rau trai, tui nghe mùi thơm bông chuối, tui nghe tiếng lụp bụp của trái chùm miễu non trong miệng. Rồi tui nghe Thanh Tuyền ca như vầy:
“Anh hỡi anh cứ về, về đây, nghe tiếng cố hương
Tiếng thiết tha của người thương
Anh hỡi anh cứ về, cứ về làng thôn tươi thắm
Mong đón đưa bước chân hồi hương…”
PTLP – Lyon, tháng 12 năm 2013