Menu Close

Những người rung chuông mùa lễ

Vào tuần lễ đầu tháng 12 ở Mỹ, năm nào ta cũng thấy xuất hiện những người rung chuông bên cạnh chiếc ấm màu đỏ tại các mall, các cửa tiệm lớn… Họ dùng tiếng chuông để lôi kéo sự chú ý của người qua lại, hy vọng quyên góp được tiền các người này bỏ vào những chiếc ấm màu đỏ cho mục đích bác ái. Đó là những người thiện nguyện hoặc là thành viên của Salvation Army (Đạo quân Cứu thế).

Vài dòng lược sử

Salvation Army được William Booth và vợ là Catherine thành lập tại Luân Đôn nước Anh năm 1865. Ông sinh tại Nottinghan (Anh) năm 1829. Năm 13 tuổi bắt đầu tập việc tại một tiệm cầm đồ để phụ giúp gia đình. Về sau ông trở thành mục sư Methodist, nhưng bỏ giáo hội này để đi phục vụ những người nghèo túng, vô gia cư và thiếu ăn tại khu vực phía đông của Luân Đôn. Những người bất hạnh này lúc đó không được các nhà thờ lớn trong thành phố hoan nghênh đón tiếp. 

alt

William Booth và Catherine Booth

William Booth đã đề cao khẩu hiệu 3 chữ S làm chỉ dẫn cho hoạt động của Salvation Army: Soup, Soap và Salvation (Cháo, Xà bông và Cứu độ). Ông tin rằng người cơ cực cần đến những nhu cầu thiết yếu (cháo để ăn cho no, xà bông để tắm cho sạch) trước khi chấp nhận sứ điệp cứu độ.

Tên nguyên thủy của Salvation Army là The East London Christian Mission (Sứ vụ Kitô giáo miền Đông Luân Đôn) sau này rút ngắn thành The Christian Mission. Đến năm 1878 trở thành Salvation Army và mang sắc thái bán quân sự. Thành viên của binh đoàn (cũng là giáo dân) được gọi là binh sĩ, còn các mục sư là sĩ quan. Các sĩ quan mang cấp bậc như trong quân đội. Binh sĩ nào muốn trở thành sĩ quan phải theo học hai năm đại học, trong thời gian huấn luyện này, họ được gọi là khóa sinh sĩ quan (cadet).

Với cương vị lãnh đạo, các sĩ quan tự nguyện kiêng cữ uống rượu, hút thuốc lá và chỉ kết hôn với các sĩ quan khác để họ có thể cống hiến cuộc sống cá nhân và chuyên nghiệp vào chính nghĩa của tổ chức.

Salvation Army cũng có nữ sĩ quan, một số lên đến cấp bậc đại tướng. Người đầu tiên đạt được chức vị này là Evangeline Booth, con gái của vị sáng lập Salvation Army. Vị nữ đại tướng thứ nhì phục vụ từ năm 1986 đến 1993 là Eva Burrows.

Salvation Army là cơ quan bác ái đứng hàng thứ hai tại Mỹ, chỉ sau The United Way. Có điều ngạc nhiên là cả hai tổ chức này đều có trụ sở chính ở Luân Đôn (Anh).

Thường chúng ta chỉ biết đến sự quyên góp của Salvation Army trong mùa lễ, nhưng Salvation Army còn điều hành hơn 1,300 thrift store (tiệm bán đồ cũ giá rẻ). Ngoài hai hoạt động này thường chỉ góp vào được 15% của thu nhập hàng năm, Salvation Army còn nhận được sự đóng góp của các nhà từ thiện và quỹ trợ cấp của chính phủ.

Tại Mỹ có hơn 8 ngàn địa điểm hoạt động của Salvation Army, với số thiện nguyện viên lên tới 3 triệu, phục vụ cho khoảng 30 triệu người một năm. Salvation Army cũng giúp phân phối số tiền $1.5 tỷ để mở các trung tâm cộng đồng toàn quốc. Số tiền lớn này do bà Joan Croc, quả phụ của người sáng lập McDonald’s trao tặng.

alt

Salvation Army hiện nay không chỉ hoạt động ở một số quốc gia mà mở rộng tới trên 100 nước với hơn 140 ngôn ngữ sử dụng. Công tác từ thiện tại những quốc gia này là điều hành các nhà thương, viện mồ côi, trường học cho người câm điếc, nhà và bệnh viện cho người bị AID, cùng nhiều công tác nhân đạo khác.

Năm nay, ngoài chiến dịch Chiếc ấm đỏ nổi tiếng, Salvation Army còn dùng các phương tiện tiên tiến khác như Tweeter, Facebook cũng như text message trên cell phone và online kettle program (chương trình ấm đỏ trên mạng) để mong thu hút được sự đóng góp của nhiều người hơn. Vì thiếu người tình nguyện rung chuông, Salvation Army còn phải thuê mướn thêm người vào công tác này.

Chiến dịch “chiếc ấm đỏ”

Một sĩ quan Salvation Army tại San Francisco bắt đầu gây quỹ bằng chiếc ấm đỏ năm 1891, giúp cung ứng bữa ăn ngày Giáng sinh cho trên 100 ngàn người. Chương trình này lan ra toàn quốc từ năm 1897. Tuy có một vài trường hợp những người rung chuông bị cấm cản không cho hoạt động ngoài các tiệm buôn và mall, lấy lý do cản trở sự qua lại của người đi mua sắm, nhưng sự thành công của công tác từ thiện này rất lớn, nên sau này họ luôn được hoan nghênh.

Trong phim ảnh và trên màn hình TV thường thấy cảnh tượng ông già Noel rung chuông cạnh những chiếc ấm màu đỏ. Trong thực tế, Salvation Army thường không dùng chiêu thức này. Mới đây, tại những thành phố lớn như New York, một số người rung chuông đã nhảy múa đủ kiểu, vừa để hoạt động cho ấm vừa để lôi kéo sự chú ý của những người qua lại.

Salvation cũng tổ chức những cuộc thi rung chuông trường kỳ, người tham dự phải kiên trì đứng cạnh chiếc ấm đỏ trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, mỗi giờ chỉ được nghỉ giải lao 5 phút. Năm nay, sau năm ngày rung chuông không ngưng nghỉ, 3 người tham dự cuộc thi kỷ lục thế giới này đã đồng ý kết thúc cuộc tranh tài sau 105 giờ rung chuông liên tục. Hai người là sĩ quan tại California và Minnesota, còn người thứ ba cư ngụ tại Texas.

Trên mười năm qua, trong show giữa trận đấu football ngày lễ Thanksgiving năm nào đội banh Dallas Cowboys cũng yểm trợ cho chiến dịch rung chuông cạnh chiếc ấm đỏ xin tiền của Salvation Army.

alt

HV