Bạn đã bao giờ nghe “cái đại cục” như tiêu đề bài viết này chưa? Nó là cái gì vậy, nghe ngộ quá ha? Thật ra, nó ngộ mà không ngộ, nhất là trong thời buổi này, đầu đuôi câu chuyện như sau:
Trung tâm cứu trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang quyên góp được 181 triệu đồng. Rồi, có người tố cáo là số tiền này thay vì đến tay những đứa trẻ tật nguyền thì lại vào túi của ông giám đốc trung tâm, ổng tên là Phạm Ngọc Thành. Câu chuyện vỡ lở um sùm. Ngay sau đó, “Trên” lập tức ra chỉ thị cho Công An điều tra không được khởi tố vụ này, mà ngược lại, phải truy tố kẻ đã tố cáo vì tội đã làm điều mà một đảng viên không được phép làm: nôm na là làm đảng mất mặt!

Phạm Ngọc Thành (cà vạt đen), giám đốc trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, nhận tiền tài trợ. nguồn vbard.com
“Trên” giải thích: “Không truy tố ông Phạm Ngọc Thành vì e rằng sẽ làm mất ổn định tình hình chính trị địa phương, đó là lợi ích đại cục…” Ý của “Trên” là không truy tố vì ném chuột e vỡ đồ. Có người nghe chuyện quá vô lý, bèn hét toáng lên: “Mẹ kiếp, đại cục cái… con tự do! Chuyện bẩn như vầy thì không thể nào không văng tục.”
Suy cho cùng, chắc là “Trên” cũng kẹt lắm, phải buộc lòng làm như thế, là vì: “Trên” cũng có chấm mút không nhiều thì ít trong vụ này rồi, và nhiều vụ khác nữa cũng chưa biết chừng. Nay cứ để công an điều tra không chừng bể tùm lum hũ mắm, thối um, có khi lại chết chùm cả đám. “Trên” và ông Phạm Ngọc Thành ắt hẳn cũng là chiến hữu, nay chiến hữu gặp nạn, “Trên” phải tìm cách cứu bồ chứ! Ngoài ra, nếu để đổ bể, những người và những cơ quan có lòng hảo tâm thấy tiền bạc của mình đóng góp không đến được với những đứa trẻ câm điếc mù lòa què quặt, mà lại vào túi của những quan chức mỡ màng béo tốt, thì rất có thể họ nghe theo lời xúi giục của những “thế lực thù địch”, hô hoán ầm ĩ, thế là mất ổn định tình hình chính trị địa phương. Nhưng đáng sợ nhất là từ nay sẽ không còn ai đóng góp xu nào cho cái trung tâm này, và những cơ quan, những trung tâm tương tự khác nữa, thì lấy gì mà liếm láp. Chính cái yếu tố này mới là cái “đại cục”.
Bao cao su là cái gì, hẳn nhiên ai ai cũng biết. Cách đây đã lâu, có lần một tổ chức y tế quốc tế tặng cho VN một số bao cao su để góp tay cho chương trình kế hoạch gia đình; vậy mà, thay vì phát miễn phí cho dân, các quan nhà ta lại mang bán đi để chia chác cho nhau. Có ông nhà báo kêu lên: “Ăn gì mà bẩn thế! Ăn cả bao cao su!” Cái ông nhà báo này rõ mười mươi là rỗi hơi vớ vẩn, người ta ăn bao cao su chưa qua sử dụng thôi mà cũng la, chứ có khi đã qua sử dụng thì nếu lủm được các quan cũng lủm tuốt! Thậm chí, người ta còn ăn nhiều thứ ghê rợn hơn thế nữa, như câu chuyện tôi nghe được dưới đây:
Vào thời Pháp thuộc, ở một làng quê vùng Bắc Bộ, một anh nông dân có vợ đẻ. Ông lý trưởng đến nhà chơi, hỏi:
– Mày đã làm giấy khai sinh cho con mày chưa?
Anh nông dân trả lời rằng chưa. Ông lý trưởng làm bộ la lên hoảng hốt:
– Chết thật, sao lại thế? Vợ đẻ cả tháng rồi mà chưa làm khai sinh cho con. Tù mọt gông, con ạ!
Anh nông dân sợ tái mặt:
– Lạy ông, con mà đi tù thì vợ con con sống làm sao nổi? Chúng nó chết mất, ông ạ. Mong ông rủ lòng thương giúp cho…
Lý trưởng nói:
– Thôi, để tao lo liệu cho. Tao đành ra tay cứu mấy cái mạng chó nhà mày, nhưng phải mất chục bạc lễ quan trên, may ra ngài thương tình mà châm chước cho thì mới khỏi kiếp nạn này…
Anh nông dân phải cắn răng bán cả lúa lẫn thóc giống mà vẫn chưa đủ, còn con chó cái cũng cho đi nốt thì mới được chục bạc đưa cho lý trưởng. Sau này, có người biết chuyện, trách lý trưởng:
– Mẹ kiếp! Ăn gì mà bẩn thế! Ăn cả vào chỗ vợ nó đẻ thì ra cái… lý trưởng gì chứ!
Đó là chuyện ngày xưa, thời thực dân đế quốc. Còn giờ là chuyện xã hội chủ nghĩa văn minh, là lương tri của nhân loại ngày nay. Mấy tuần qua, người ta tranh cãi ầm ĩ về vụ chiếc xe tải chở bia bị lật ở Biên Hòa. Bia đổ đầy đường, dân ta xúm vào nhặt bia chùa, thật ra là họ hôi của, mặc kệ cho tay tài xế nạn nhân van lạy trong bất lực trước đám đông. Sau đó, hãng bia Tiger đòi kiện và bắt anh tài xế phải bồi thường cả hàng trăm triệu đồng. Cộng đồng làm ầm ĩ lên, cho rằng hãng Tiger hành xử bất cận nhân tình, và họ kêu gọi tẩy chay bia Tiger, Tết này chuyển sang uống các loại bia khác. Hãng bia nghe cũng quíu, phải thu hồi ý định trừng phạt để làm nguôi cơn giận của mọi người. Đồng thời, người ta kêu gọi quyên góp giúp anh tài xế rủi ro, cuộc quyên góp thu được cả hàng trăm triệu. Rồi, anh tài xế cảm thấy mình không còn bị gánh nặng kiện tụng, và không còn nhu cầu được giúp đỡ nữa nên mang số tiền ấy trả lại cho mọi người. Câu chuyện ban đầu nghe ra vô hậu, rồi chuyển thành có hậu, và còn được soi rọi bằng nhiều lý lẽ và góc nhìn khác nữa. Tuy nhiên, hầu như mọi người đều trút cơn căm phẫn lên những người đã có mặt trong cuộc hôi của hôm ấy, cho rằng họ quá nhẫn tâm, là những kẻ suy đồi quá mức, những kẻ táng tận lương tâm, hết thuốc chữa. Nhà cầm quyền địa phương còn có ý định truy tố những người này qua sự nhận diện được từ những tấm hình. Chưa cần đến chính quyền ra tay thì đã có nhiều người đau buồn, nhục nhã lắm lắm khi người nhà, con cái, bạn bè nhận diện ra họ trong hình, là những kẻ hôi của. Từ đây làm sao ăn nói gì được nữa khi tay đã nhúng chàm rành rành ra đó cơ chứ!
Thì ra, họ cũng là những nạn nhân khốn khổ của xã hội, của nền văn hóa, giáo dục sa sút đến tận đáy!
Khi chuyện lắng xuống, ta thử nhìn kỹ những tấm hình chụp lại cảnh hôm ấy, thì sẽ thấy hầu như những người hôi của toàn là những người dân lao động nghèo. Không ai mặc đồ lớn thắt cà vạt. Không ai béo mập phương phi. Không ai hùng dũng sang trọng. Mà ai cũng lấm lem nhếch nhác. Họ có ra vẻ đắc chí thì cũng là cái đắc chí của kẻ nghèo túng nhặt của rơi. Tôi nghĩ, đối với họ, trong lúc nhất thời, vài chục lon bia hẳn là đủ lớn để che mất lẽ công chính và lòng lương thiện, họ không thể cưỡng nổi lòng tham trong cơn cuồng rồ của vô thức đám đông, thấy người ta lượm thì mình cũng chen vào lượm; của chùa, không hôi là dại, mọi chuyện tính sau, bất kể nạn nhân và hậu quả.
Ngẫm cho cùng, những ông tai to mặt lớn ở đầu bài này, như ông giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang Phạm Ngọc Thành, và các ông các bà sang cả được gọi là “Trên”, họ đã thản nhiên hôi của những đứa trẻ tàn tật xơ xác kia, thì trách gì những ông bà dân đen ngẫu nhiên có mặt trong các tấm ảnh vào buổi chiều định mệnh ở Biên Hòa. Đời đau quá mạng!

Cảnh hôi bia- nguồn sohanews.vn