Những Lương Sư
Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California TAViet (BĐD) đã tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn thật ấm cúng, ý nghĩa, và cảm động từ 12 đến 5 giờ chiều Thứ Bảy 23 tháng 11, 2013 tại Văn phòng BĐD thuộc thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ.
Đây là truyền thống hằng năm của BĐD. Bữa tiệc là dịp để quý thầy cô, quý giáo sư và quý thân hữu cùng ngồi lại dùng bữa cơm thân mật, ca hát, đọc thơ văn, kể chuyện và cũng để tỏ lòng biết ơn nhau, sau một năm dài miệt mài làm việc.
Mở đầu bữa tiệc, Thầy Nguyễn Văn Khoa, Chủ Tịch Ban Chấp Hành TAViet, đã trân trọng chào đón và giới thiệu từng vị khách một. Các vị khách dự tiệc là quý Thầy Cô Hiệu Trưởng, quý Thầy Cô trong BCH của TAViet, quý vị đại diện các trường Việt ngữ, và quý thân hữu. Tất cả đều là những lương sư, trọn vẹn tấm lòng với tiếng Việt và con em gốc Việt tại hải ngoại. Nhiều Thầy Cô đã lặn lội lái xe từ San Diego và Riverside đến. Hội Họa sĩ Việt Nam Hải Ngoại tham dự buổi tiệc vì có nhiều sinh hoạt gắn bó với BĐD TAViet, và thường xuyên sinh hoạt tại Văn phòng của BĐD.

Chung vui dưới một mái nhà
Yêu Nước
Với ngày lễ Tạ Ơn, BĐD TAViet đã bày tỏ lòng yêu thương quê hương Hoa Kỳ bằng cách chuẩn bị một thực đơn theo truyền thống ẩm thực của Mỹ. Thầy Khoa giải thích, “Trong thực đơn hôm nay, quý Thầy Cô sẽ thấy ít thức ăn Việt, nhiều thức ăn Mỹ.”
Những món ăn truyền thống cho dịp lễ này đã được dọn ra: Ham, thị gà tây, khoai tây mài và nước chan, bánh táo, bánh bí ngô, bánh mì bắp, xà lách, vv. Món Việt thì có chả giò, nhãn tươi, chè đậu xanh thơm lựng, và… tình thân gia đình. Món cuối là món quan trọng nhất, vì nó làm cho tất cả những món khác ngon hơn.
Đó là yêu nước qua ẩm thực. Nhưng với nhà giáo, thì lúc nào cũng dính líu đến chữ nghĩa. Gs Lưu Trung Khảo hướng về những âu lo trong ngành giáo dục và việc giữ gìn lễ giáo tại Việt Nam. Ông nói, “Trong nước, nghề dạy học là một nghề bất đắc dĩ, không có tiền cũng không có quyền. Ở trong nước có thành ngữ: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Nghĩa là không vô được ngành nào hết thì mới vô ngành giáo. Tuy vậy, cũng có nhiều Thầy Cô thật sự yêu nghề, tận tụy với chức nghiệp. Nhưng cố gắng của họ chỉ là cục bộ. Giáo dục tại Việt Nam đã hỏng hoàn toàn. Tôi hy vọng khi có thay đổi trong nước, quý Thầy Cô ở hải ngoại sẽ trở về để giúp cho nền giáo dục trong nước.”
Cô Lyly đã trân trọng giới thiệu Gs Bích là người có bộ nhớ tuyệt vời và người đã làm thay đổi đời Cô vì những cống hiến cho công việc duy trì và bảo tồn văn hoá ngôn ngữ Việt ở xứ người. Gs Bích đã chọn đọc cho mọi người nghe một bài thơ khá dài của Thi ca Chi bảo Vũ Hoàng Chương, “Bài ca sông Dịch” về hiệp sĩ Kinh Kha. Những dòng thơ mượt mà của Vũ Hoàng Chương trong khí phách tinh anh của Trần Huy Bích, hiển hiện một chân dung anh hùng yêu nước. Bài thơ có những dòng đẹp như thế này:
“Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư”
Kinh Kha qua ngòi bút của Vũ Hoàng Chương, thì “Một nét dao bay ngàn thuở đẹp.” Còn văn hoá Việt Nam qua tinh anh của Trần Huy Bích, thì quả là “Gương anh hùng vằng vặc sáng muôn thu.” Gs Bích đích thực là một gương anh hùng trên trận địa văn hoá tại hải ngoại, trong bối cảnh toàn cầu khi mỗi văn hoá cần có những ngọn đuốc sáng dẫn đường để tiếp tục đi tới và tồn tại. Xin cám ơn Ông mãi mãi.
Yêu Nghề
Cô Lyly mời vị Thầy thứ ba của mình phát biểu, đó là Gs Phạm Cao Dương, vốn dạy lớp Lịch sử Đông Nam Á tại Cal State Long Beach ba mươi ba năm trước.
Nghề giáo là một thiên chức trong văn hoá Việt Nam, và đòi hỏi không chỉ khả năng mà cả tư cách của một người cầm cương nảy mực. Việc giảng dạy cho con em Việt ở nước ngoài còn mang thêm những khó khăn hệ tại. Gs Dương nói về trách nhiệm nhà giáo, “Chúng ta cùng gánh một cái gánh vô cùng nặng nề. Nếu tự an ủi, thì nói là được mọi người kính trọng. Tôi rất lo sợ mỗi khi được gọi tôi là Thầy.”
Nhưng mỗi nhà giáo có một phong cách riêng của mình. Nhà sử học Phạm Cao Dương đạo mạo, mẫu mực, thì Nhà giáo, nhà báo Phạm Quốc Bảo đã từng “làm nghề giáo với bản chất của một người nghệ sĩ nhiều hơn. Nếu Anh Khảo và Anh Dương nói làm nghề giáo thì phải giữ gìn nhiều lắm, thì tôi luôn sống với bản chất của mình.”
Và có lẽ cũng giống như Thầy Phạm Quốc Bảo, có nhiều nơi có thể đến, nhưng mọi người đã đến đây, vì họ yêu nghề giáo, và đến để cám ơn và nâng đỡ tinh thần của những người bạn đồng hành trên con đường giáo dục. Đặc biệt nhất, là tuy bận bịu công việc gia đình, nhưng Thầy Hoàng, người đã gánh vác nhiều trọng trách trong tổ chức TAViet trong hơn hai thập niên qua, đã đến để tỏ lòng biết ơn đến mọi người.
Nhắc đến các dự án và công việc mà TAViet đang làm, Thầy Hoàng kể, “Chúng tôi đang thực hiện Bộ Việt Sử Bằng Tranh. Năm nay, chúng tôi không tổ chức Trung Thu Cho Người Khuyết Tật được vì thiếu ngân sách, sau bốn năm liên tục tổ chức. Năm vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức cho hơn 400 người khuyết tật mừng Trung Thu. Tại Hội Tết Sinh Viên, BĐD có bốn gian hàng để tổ chức thi viết văn và chính tả cho các em tại Hội Chợ. BĐD cũng tổ chức Giải Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu; Trẻ Em Mặc Quốc Phục Đẹp, vv.”

Vui vẻ hàn huyên
Yêu Người
Những Thầy Cô trong mạng lưới TAViet là những tâm hồn đôn hậu, yêu nước, yêu nghề, và yêu người. Chỉ có sự yêu thương, tấm lòng thiết tha với quê hương, dân tộc, mới giữ họ đi suốt chặng đường gần bốn mươi năm qua. Biết ơn nhau, và biết ơn người. Sự biết ơn được thể hiện qua nhiều cách cụ thể. Tuần vừa qua, Cô Lyly và nhiều Thầy Cô đã đến SBTN để giúp cho chương trình gây quỹ cho nạn nhân bão Hải Yến ở Phi Luật Tân. Cô Diệu Quyên đã tường thuật ngắn về chương trình gây quỹ này, do Trung Tâm Asia, Đài Truyền Hình SBTN, với các Hội đoàn trẻ tại Quận Cam thực hiện. Con số thiện nguyện viên đã lên tới 50 người, và đồng bào đã đóng góp trên 500 ngàn đô. Cô Diệu Quyên nói, “Tuần sau, Diệu Quyên sẽ sang Hoa Thịnh Đốn, trao tận tay cho Tổng Lãnh Sự Phi số tiền đóng góp của cộng đồng chúng ta. 80% trao cho nạn nhân bão lụt ở Phi, 20% trao cho nạn nhân bão lụt miền Trung.” Cô cũng nhắc đến buổi đi bộ gây quỹ cùng ngày do nhiều đoàn thể trẻ trong cộng đồng tổ chức tại Mile Square, với số tiền thu được đã lên tới 60 ngàn. Cô nói, “Hy vọng tổng cộng, cộng đồng chúng ta sẽ đóng góp lên tới một triệu Mỹ kim.” Để cùng tạ ơn dân tộc và đất nước Phi Luật Tân qua những đóng góp cụ thể nhất.