Menu Close

Bạo hành trẻ mầm non và nhìn rộng hơn

LTS: Khi một video clip chiếu cảnh bạo hành trẻ em của hai cô giáo ở trường nuôi dạy trẻ mầm non Phương Anh (Quận Thủ Đức) được tung lên mạng, lập tức gây nên cảnh tức giận và phản đối của dân chúng trong nước. Sự việc được tác giả Nguyễn Thị Từ Huy phân tích những hệ quả nhiều chiều của một xã hội lấy bạo lực làm phương châm. Mời độc giả theo dõi.

alt

alt

Bạo hành vô cớ các blogger Nguyễn Hoàng Vy, Nguyễn Thảo Chi ai sẽ bị trừng phạt?

Về vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Quận Thủ Đức), đã có nhiều phân tích từ các góc độ khác nhau. Ở đây tôi nhìn nhận vụ việc từ một khía cạnh và phân tích vấn đề trên khía cạnh đó: trẻ bị bạo hành vào giờ ăn.

Quan sát các cảnh bạo hành được ghi lại ở vidéo sẽ thấy rằng các cô giữ trẻ đối xử thô bạo với trẻ vào giờ cho ăn. Thực ra, vidéo này có thể không phản ảnh hết toàn bộ thực tế, vì chỉ được quay vào một thời điểm nhất định, nên không kết luận được là trẻ em ở đó có bị bạo hành vào những lúc khác hay không. Vì thế ở đây tôi chỉ tập trung vào những hình ảnh do vidéo này cung cấp, để ngỏ toàn bộ các khả năng còn lại.

Không thể chối bỏ được tính chất vô nhân đạo của hành động của các cô giữ trẻ trong trường hợp này.Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, ngoài việc thiếu tình thương đối với con trẻ, còn có những nguyên nhân nào khác dẫn tới những hành động khủng khiếp đó của các cô?

Những hình ảnh tập trung xung quanh bữa ăn của các em bé cho phép suy luận rằng, các cô giáo này coi dọa nạt, đánh đập là một biện pháp để buộc trẻ ăn, và buộc trẻ ăn nhanh. Những câu hỏi tiếp theo sẽ là: như vậy, phải chăng họ gặp khó khăn khi cho trẻ ăn? Tại sao họ không chọn những biện pháp khác mà lại chọn biện pháp dọa nạt và bạo lực? Họ đã bao giờ thử các biện pháp khác chưa hay chỉ sử dụng duy nhất biện pháp bạo lực này mà thôi?

Dùng bạo lực là một hình thức bắt buộc, ép buộc trẻ, làm cho trẻ sợ mà ăn. Các cô ở Mầm non Phương Anh đã chọn hình thức này. Lẽ ra có thể chọn cách cho trẻ xem các chương trình dành cho trẻ em, hay quảng cáo, các biện pháp này không tốt, nhưng dù sao cũng còn hơn là đánh đập trẻ. Tốt nhất là các cô khuyến khích trẻ cảm thấy hứng thú với việc ăn uống, và với các trẻ tương đối lớn, tập cho các cháu tự xúc ăn, và rèn kỷ luật về thời gian cho các cháu. Nhưng muốn làm được như thế phải có hiểu biết về tâm lý, đồng thời có các kỹ năng và phương pháp thích hợp. Rõ ràng các cô giáo ở trường mầm non Phương Anh thiếu cả phương pháp và thiếu cả hiểu biết về tâm lý trẻ em. Còn thiếu tình thương thì dĩ nhiên rồi.

Việc các cô giáo ở trường mầm non tư thục Phương Anh chọn bạo lực để giải quyết việc cho trẻ ăn cũng phản ảnh một tình trạng chung của xã hội, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy. Khắp nơi trong xã hội Việt Nam, biện pháp chung được sử dụng để giải quyết mỗi khi có vấn đề, ở trường học cho đến mọi môi trường khác, chẳng phải cũng là ép buộc, cưỡng bức, đánh đập, trấn áp, bắt bớ đó sao?

alt

alt

 Huỳnh công Thuận, Nguyễn Chí Đức

Trong rất nhiều trường hợp, lẽ ra phải dùng tình thương, sự hiểu biết và các phương pháp khoa học để giải quyết, thì ở mọi cấp độ, người ta đều chọn cưỡng bức, và khi cưỡng bức không được thì dùng đến bạo lực. Chương trình học ở các cấp nhà trường hiện nay đều đang ở trong tình trạng áp đặt và cưỡng bức. Rồi chuyện giải tỏa và cưỡng chế đất đai chẳng phải cùng ở trong cùng một tính chất đó sao? Những hình ảnh của Văn Giang, Nam Định… còn đầy trên mạng.

Bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần, hai hình thức đó đều nguy hiểm như nhau. Nếu các cô giáo bạo hành trẻ em về thể chất bị bắt, bị phạt, thì tại sao những hình thức bạo hành về tinh thần nhan nhản khắp nơi lại không bị trừng phạt. Xin nhắc lại ở đây trường hợp giảng viên Đỗ Thị Thoan bị «đánh» trên báo, bị đuổi việc chỉ vì có một vài quan điểm khác chính thống trong nghiên cứu của mình. Đó là một trong những trường hợp tiêu biểu cho nạn bạo hành về tinh thần, mà nguy hại thay chẳng có kẻ bạo hành nào bị phạt, trái lại, nạn nhân lại bị trừng phạt. Hoặc những trường hợp bạo hành về thể chất khác, mà nạn nhân là những người vô tội, một vài ví dụ như Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Phương Uyên, Mẹ Nấm… bị đánh đập vô cớ, thì những kẻ bạo hành cũng không bị trừng phạt. Tại sao?

Nếu không trả lời những câu hỏi đó, sẽ không bao giờ hiểu được thực chất của nạn bạo hành này, và không bao giờ giải quyết được nó. Vụ này được khui ra, dẹp đi, rồi lại sẽ có vụ khác. So với những em bé bị cô giáo đánh đến mức loạn thần kinh, thì vụ việc xảy ra ở trường mầm non Phương Anh còn ở mức độ thấp hơn. Và trường mầm non này không phải là nơi đầu tiên bạo hành trẻ em, trước đó danh sách đã dài dằng dặc, sau này sẽ vẫn còn tiếp diễn. Con người trong xã hội này bị bạo hành ngay từ khi còn rất nhỏ, từ khi mới chỉ có mấy tháng tuổi, và còn bị bạo hành cho đến bất kỳ giai đoạn nào trong đời.

Nếu trả lời những câu hỏi trên đây một cách thấu đáo, có thể sẽ phải đụng đến điều này: xã hội này, thiết chế này được xây dựng trên nền tảng của sự bạo hành, lấy áp đặt, cưỡng bức và bạo hành làm phương tiện và biện pháp để giải quyết các vấn đề và duy trì thể chế.

Nhưng nếu không chịu đối diện với những câu trả lời nghiệt ngã nhất, trung thực nhất, thì bạo lực vẫn sẽ còn tiếp diễn và gia tăng. Những đứa trẻ bị đánh từ khi còn rất bé đó lớn lên cũng sẽ chọn bạo lực như biện pháp để giải quyết mọi thứ khác. Chẳng phải ngày nào cũng có tin bạo lực trên báo, bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau: cướp của giết người, hận tình giết người, tiêm thuốc sai quy cách giết người, nghiện ngập giết người… Thế nên chỉ đi tìm một cái xác trên sông Hồng mà phát hiện ra bao nhiêu cái xác vô danh khác. Với tốc độ suy thoái của con người hiện nay, với mức độ phổ biến của bạo lực hiện nay, với sự dung túng của chính quyền đối với bạo lực hiện nay, chúng ta thử hình dung mười năm tới xã hội này sẽ ra sao? Có nên lo lắng không, có nên hành động không? Câu hỏi đó mỗi người phải tự đặt ra cho mình, mới mong xã hội có biến chuyển tích cực được.

NTTH