Menu Close

Đằng sau những biến động ở Thái Lan

Năm 2013, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện nhiều ảnh hưởng như Giáo Hội Công Giáo ra mắt tân Giáo Hoàng Pope Francis; chánh phủ Hoa Kỳ đóng cửa “Government Shutdown”; chương trình y tế “ObamaCare” khởi đầu gian nan; bão biển tàn phá Philippines, v.v… Trong số báo cuối cùng của năm nay, mời độc giả cùng Trẻ điểm qua một sự kiện nóng bỏng, có thể rất gần gũi với người Việt: các vụ biểu tình phản kháng chánh phủ tại xứ Thái Lan láng giềng.

 

alt

Người biểu tình chống chính phủ ngày 27 Tháng 11năm 2013. Reuters / Athit Perawongmetha

Để trả lời câu hỏi tại sao người Thái hay chống chánh phủ, và để hiểu bức tranh chánh trị khá hỗn loạn của họ, cần thiết điểm lại một gương mặt trọng yếu: cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra (64 tuổi). Ông là một thương gia tỉ phú, sáng lập hãng Advanced Info Service, nhà dịch vụ điện thoại vô tuyến lớn nhất xứ sở, rồi sau này trở thành chánh trị gia. Năm 2001, Thaksin thắng cử, trở nên Thủ Tướng Thái. Ông bá chủ chánh trường quốc gia đến tận ngày nay mặc dù hiện phải sống lưu vong sau khi bị quân đội đảo chánh năm 2006.

 

alt

Ký giả vây quanh cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong tại London, Anh Quốc. Ảnh Odd Andersen/AFP/Getty Images

Năm 2008, Thaksin hồi hương một thời gian ngắn, nhưng bị tòa kêu tội tham nhũng nên lại phải đội nón ra đi. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của Thaksin Shinawatra vẫn còn rất lớn ở Thái Lan, đặc biệt tại các vùng nông thôn hẻo lánh và các vùng bắc, đông bắc Thái. Tại những nơi này, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các đảng phái liên minh với Thaksin đều dễ dàng thắng ở mỗi kỳ bầu cử. Các vùng thôn dã hẻo lảnh thường ưa chuộng Thaksin vì các chánh sách cho mượn nợ ưu đãi, cung cấp bảo hiểm sức khỏe giá cả phải chăng, v.v… Hiện nay, giới hậu thuẫn ông Thaksin Shinawatra thường tập hợp trong tổ chức National United Front of Democracy Against Dictatorship (UDD – tạm dịch Mặt Trận Đoàn Kết Quốc Gia Phò Dân Chủ Chống Độc Tài). Khi xuống đường, những người ngày thường mặc áo đỏ, nên báo chí gọi là “phe áo đỏ”.

Đối lập với “phe áo đỏ” là “phe áo vàng”. Ngày nay, nói chung họ tập hợp thành People’s Alliance for Democracy (PAD – tạm dịch là Liên Minh Dân Chúng Phò Dân Chủ). Cầm đầu PAD là những đối thủ chánh trị không đội trời chung với cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra. Phe này mạnh nhất trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu, trí thức khoa bảng, đa phần là cư dân đô thành Bangkok. Họ cáo buộc Thaksin Shinawatra là tham nhũng, độc tài, vi phạm nhân quyền, v.v… Tuy nhiên, trên chiến trường can hệ nhất là các phòng bỏ phiếu, thì từ hai thập niên nay, phe áo vàng thường thua nhiều hơn thắng. Ngoài tại Bangkok, ảnh hưởng chánh trị của họ là tối thiểu.

Phe áo vàng là thế lực đối lập đã nhiều lần phát động các cuộc biểu tình phản kháng khổng lồ khiến tê liệt chánh phủ trung ương của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra hoặc những đồng minh của ông, gây ra rất nhiều bạo động. Đặc biệt, thời điểm tháng 4 và 5 năm 2010, trên 90 đã thiệt mạng và hằng ngàn thương tích vì loạn chiến biểu tình. Ngay cả Tòa Án Thái cũng không ít lần về phía phe áo vàng. Từ sau 2006, từng có 2 nội các đồng minh với ông Thaksin bị tòa phế truất. Mỗi lần như vậy, phe áo vàng ăn mừng. Lần này cũng vậy, phe áo vàng đối lập tham vọng lật đổ nội các chánh phủ hiện hành dùng phương pháp xuống đường phản kháng dữ dội.

Người cầm đầu nội các hiện tại là nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra (46 tuổi), một phụ nữ trẻ, đẹp, học thức và tài ba. Cô cũng chính là em gái ông Thaksin lắm thù nhiều bạn. Đảng Pheu Thai Party của Yingluck thắng cử áp đảo trong năm 2011, chiếm ưu thế đa số tuyệt đối tại Quốc Hội. Chánh phủ của bà cách chung được dân chúng toàn quốc ủng hộ, ngoại trừ tại chính… Bangkok. Phe đối lập “áo vàng” cáo buộc Yingluck chỉ là thủ lãnh bù nhìn, trong khi  anh trai của cô mới thực sự là người lèo lái con thuyền quốc gia từ ngoại quốc.

 

alt

Nữ Thủ Tướng Thái Yingluck Shinawatra bên chồng con. Ảnh Reuters

Cũng không phải phe đối lập hoàn toàn vô lý. Từ khi nắm quyền, nữ Thủ Tướng Yingluck tiếp tục áp dụng nhiều chánh sách được lòng đa số dân chúng cần lao của ông anh. Dưới quyền Yingluck, chánh phủ Thái đầu tư trên $70 tỉ cho các dự án xây dựng vùng đông bắc, vốn là… căn cứ địa của phe áo đỏ thân cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra. Đặc biệt được ưa chuộng là quy định mức lương tối thiểu toàn quốc $10 mỗi ngày; nhờ nó mà thu nhập gia đình nhiều nơi gia tăng đáng kể. Để nâng đỡ giới nông phu, Yingluck bảo đảm thu mua gạo với giá 40% cao hơn giá thị trường, tốn kém chánh phủ trên $21 tỉ. Phe đối lập “áo vàng” và ngay cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF chỉ trích chánh sách này không nương tay.

 

alt

Biểu tình chống chánh phủ Yingluck tại Bangkok hôm 22-12-2013. Ảnh Athit Perawongmetha/Reuters

Tuy nhiên, có một lý do khác trực tiếp đưa đến các cuộc phản kháng hiện tại. Đầu năm nay, nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra giới thiệu một dự luật ân xá đặc biệt dành cho anh trai Thaksin và các đồng minh chánh trị khác vốn đã bị hạ bệ từ vụ đảo chánh 2006. Nếu dự luật được Quốc Hội thông qua, ông Thaksin có thể đường hoàng hồi hương. Phe áo vàng đối lập tức khắc xuống đường rầm rộ. Áp lực lớn đến mức Thủ Tướng Yingluck phải xếp xó dự luật ân xá và mở các vòng đối thoại đàm phán với phe áo vàng.

Phe đối lập áo vàng yêu sách Yingluck phải từ chức vô điều kiện. Đáp lại, nữ Thủ Tướng Thái cho giải thể Quốc Hội vốn do đảng Pheu Thai Party của cô giữ ghế đa số áp đảo, và triệu tập cuộc bầu cử toàn quốc mới vào đầu tháng 2-2014. Đăng đàn trên màn ảnh TV quốc gia, Yingluck chấp nhận phe đối lập không thích chánh phủ của mình, nhưng kêu gọi họ tôn trọng thể chế chánh trị dân chủ, và mang cuộc tỉ thí ra phòng phiếu, thay vì xuống đường. Đáp lại, phe áo vàng phản kháng dữ hơn, chiếm giữ nhiều dinh thự chánh phủ, tấn công dinh Thủ Tướng và cả tư dinh của Yingluck. Phe áo vàng cũng tẩy chay cuộc bầu cử này.

 

alt

Người biểu bình phe áo vàng dàn trận với cảnh sát. Ảnh AP

Mặc dù Thủ Tướng Yingluck đã giải thể Quốc Hội do chính đảng mình chiếm đa số, tình hình vẫn chưa lắng dịu với hằng chục ngàn người xuống đường mỗi ngày. Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia xin dời ngày bầu cử vì quan ngại an toàn cho các ứng cử viên. Đến nay, Thủ Tướng Yingluck vẫn không lùi bước, giữ nguyên ngày mở cửa phòng phiếu vào đầu tháng 2-2014, cùng lúc tìm cách vãn hồi an ninh tại đô thành Bangkok. Đến nay khoảng 45 đảng phái đã ghi danh tranh cử. Tuy nhiên, ít nhất phân nửa trong số này chưa thể hoàn tất hồ sơ ứng cử viên vì những người chống đối của phe áo vàng chống đối dữ dội, tìm đủ cách phá rối, thậm chí cắt điện nước các đồn cảnh sát và các văn phòng bầu cử.

Các vụ rối loạn chánh trị và bầu cử liên miên có thể làm cho không ít người hoài nghi nền dân chủ của Thái Lan. Các vụ phản kháng lớn nhất thường xảy ra tại Bangkok, một trung tâm thương mại trọng yếu trong vùng, khiến thiệt hại lớn cho kỹ nghệ du lịch, và suy sụp kinh tế. Trên bình diện thế giới, Hoa Kỳ và Tây Phương nói chung hậu thuẫn nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra. Mặc dù bề ngoài hỗn loạn, chánh phủ Thái được dân bầu một cách hợp hiến và dân chủ. Trái lại, ở các lân bang như Việt Nam hay Trung cộng, các cuộc bầu bán chỉ để hợp thức hóa các sắp xếp nội bộ của đảng cộng sản. Những tin tức xáo trộn chánh trị xứ Thái  ồn ào trên làng truyền thông có thể rất quan trọng, và ít nhiều ảnh hưởng đến người Việt, nước Việt. Bởi vì xét về nhiều mặt, người Thái và người Việt có không ít điểm tương đồng: về địa lý,  con người, văn hóa, tín ngưỡng Phật Giáo, v.v…

 

alt

Một cảnh biểu tình tại Bangkok.

TD

 

Cách thức ghi danh mua bảo hiểm y tế ObamaCare

Theo đề nghị của độc giả, một góc cố định của trang Ghi Nhận Trong Tuần được dành để đưa tóm tắt vài thông tin quan trọng nhất về chương trình y tế ObamaCare.

– Trang web ghi danh mua bảo hiểm:  https://www.healthcare.gov

 
– Trang web Việt ngữ:  https://www.healthcare.gov/language-resource/#vietnamese

 
– Số điện thoại của chương trình: 1-800-318-2596. (Xin nói “Vietnamese, please!” Tổng đài sẽ mời người thông dịch tiếng Việt trong khi quý vị tiếp xúc với nhân viên người Mỹ). Quý vị cũng có thể ghi danh mua bảo hiểm ngay trên điện thoại.

– Trang web tìm địa điểm trợ giúp tại địa phương:  https://LocalHelp.HealthCare.gov

 
– Ngày 1-1- 2014: Chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt đầu có hiệu lực – quý vị có thể đặt hẹn với văn phòng bác sĩ.

– Ngày 31-3-2014: Kết thúc phần “Ghi Danh Mở”. Từ lúc này, quý vị không được ghi danh mua ObamaCare cho đến sang năm, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt (sanh con, kết hôn, người thân qua đời, v.v…)