Bạn có đồng ý với tôi rằng cái cần phải bảo tồn ở một phố cổ, không phải là những ngôi nhà mà là nếp sống của cư dân ở đó. Có thể nhiều người phản bác, tôi ngả về lối sống nhiều hơn chăm chút cho kiến trúc mỹ thuật của những ngôi nhà phố cổ. Ngôi nhà có bảo tồn dù bằng cách nào, một trăm năm, hai trăm năm rồi cũng sẽ hư hao và chính bản thân của những người sống trong căn nhà đó sẽ tự tìm cách phục chế một cách sáng tạo bằng vật liệu mới. Như thế hồn xưa của phố chắc chắn “hồn xiêu phách lạc”. Ngoại trừ một số ít công trình mang đặc thù của một kiểu cách kiến trúc cần tôn tạo và giữ gìn theo cách làm của bảo tàng để nghiên cứu học hỏi. Nói chung bộ mặt phố cổ sẽ phải thích nghi với các yếu tố môi trường và xã hội tác động để có thể tồn tại theo thời gian. Phần hồn còn lại chính là lối sống của cư dân trong phố. Đó mới là bản sắc của hồn xưa phố cổ.
Nhà thờ St. Louis có từ rất lâu tại France Quarter mang kiến trúc Tây Ban Nha
Tôi không am hiểu nhiều về kiến trúc lại dám múa rìu qua mắt thợ. Những điều tôi nói chỉ là những suy nghĩ cảm nhận cá nhân khi lang thang nhìn ngắm một vòng phố cổ. Chẳng qua cũng chỉ là người cỡi ngựa xem hoa, không sâu sắc bằng chính con người từng sống tại đó tận mắt chứng kiến bộ mặt phố cổ thay đổi, chỉnh trang qua từng giai đoạn. Điều này chắn chắn. Tỉ như phố Pháp New Orleans, đến nay ngót nghét ba trăm tuổi kể từ France Quarter được hình thành phố thị (năm 1718) trải qua bao thăng trầm, hư hao, tu sửa. Ngay cả cư dân cũng chưa chắc nhận diện được nó nếu không chú tâm để ý. Muốn nhận diện được phố cổ thì phải hiểu được môi trường cảnh quan, thiên nhiên mà phố đã hình thành. Bởi phố thị như một cơ thể sống, phát triển từng ngày. Nói nôm na đó là phần “xác”, là văn hóa vật thể. Văn hóa phi vật thể là phần “hồn”, là cách sống, tạo cho phong cách phố thị có dấu ấn riêng.
Tôi có dịp đi Hà Nội, nhìn thấy kiến trúc phố cổ Hà Nội thay đổi nhiều không giống như những hình ảnh trên mạng của Hà thành trăm năm trước. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy người Hà Nội trên phố Hàng Thiếc, đặt cái lò than hoa, thổi lửa u u để đun ấm nước bên lề đường. Vài người dân lao động ngồi bẹp quanh lò uống bát chè xanh. Lúc đó tôi thấy dị hợm và cho rằng cách sinh hoạt của dân phố cổ lạc hậu và mất vệ sinh môi trường. Sau đó, tôi lại có dịp đi thăm phố cổ Hội An, phố xưa Chợ Lớn và nhiều phố thị xưa cũ của miền Đông Nam bộ. Tôi chợt nhận ra những suy nghĩ của mình quá ư hời hợt. Rõ ràng tôi chẳng hiểu tí gì về quá trình hình thành phố thị. Tất nhiên, tôi không phải cư dân sinh sống nơi đó nên có thể thông cảm cho cái sự thiếu suy nghĩ của mình.
Quang cảnh chợ Pháp, dấu ấn sinh hoạt chợ búa của người dân từ xưa đến nay
Chắc các bạn ít nhiều nghe nói về người Amish sinh sống biệt lập tại các tiểu bang Pennsylvania, Ohio, New York, Indiana và một số nơi khác trên nước Mỹ. Nhóm Amish đầu tiên từ Châu Âu đến định cư tại Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ 18. Họ ăn vận như cách đây hàng mấy trăm năm trước, không sử dụng những tiện nghi hiện đại trong cuộc sống. Cày đất bằng ngựa và tự làm ra lương thực, thực phẩm theo lối cổ truyền. Không biết người Amish vùng khác như thế nào, riêng kiến trúc làng cổ Amish gần thành phố Des Moines ở Iowa đang có xu hướng thay đổi. Một số người Amish thích sống trong những ngôi nhà gạch kiểu Mỹ. Tuy thế, họ vẫn còn giữ được nét sinh hoạt truyền thống. Họ muốn giữ “phần hồn”, lối sống mà cha ông họ đã từng sống như thế.
Những ngôi nhà cổ xưa chắc dần sẽ thay đổi diện mạo theo tác động thời gian, cái cần bảo tồn là lối sống của cư dân nơi đó
Một câu chuyện khác về cô Sarah Chrisman – một cư dân ở Seattle được nổi tiếng nhờ lối sống theo lối cổ xưa. Thậm chí cô còn xuất bản cuốn sách “Victorian Secrets: What a Corset Taught me About the Past, the Present, and Myself”. Cô đã quyết định từ bỏ gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại, từ ăn uống đến trang phục, và chọn cuộc sống như thời đại Victoria. Sarah Chrisman thích những câu chuyện từ thời đại Victoria kể từ khi cô còn là một cô bé. Song những thay đổi trong cuộc sống của cô khi Sarah nhận được một món quà độc đáo từ chồng cho ngày sinh nhật 29 tuổi: một chiếc áo Corset thắt eo. Cô vô cùng yêu thích bộ đồ này, và từ việc mặc Corset, Sarah quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống của mình, trở về sống và sinh hoạt như thế kỷ 18.
Tôi đưa hai câu chuyện cùng một nội dung bảo tồn lối sống cổ giữa một cộng đồng và một cá nhân. Có chút dài dòng nhưng đủ minh chứng cho quan điểm cái người ta muốn hướng tới là bảo tồn lối sống trong một ngôi làng cổ hay một phố thị xưa, chứ không hẳn là kiến trúc cổ, thiếu tiện nghi trong một đời sống hiện đại. Mặc dù quan điểm muốn trở lại lối sống riêng cổ xưa của cô Sarah là một trường hợp cá biệt, quá lập dị. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh thêm chuyện cái cần phải bảo tồn, nhưng việc gìn giữ kiến trúc cổ không phải không quan trọng mà là bảo tồn lối sống của cư dân trong phố cổ thật sự quan trọng hơn. Vì một khi lối sống của cư dân thay đổi phố cổ sẽ chẳng còn để lại một dấu ấn nào hơn. Có chăng chỉ là những nỗi niềm ký ức của hồn phố.
Trở lại chuyện phố cổ Pháp New Orleans, với tôi phố Pháp như một cô gái Tây Ban Nha lai Pháp kiều diễm bước ra từ một giấc mơ. Con đường Canal chia đôi hai phố. Một bên phố Pháp cũ xưa, một bên phố Mỹ hiện đại. Trước khi phố Pháp định hình thì đã có người Tây Ban Nha đã ngụ cư ở đây. Ta có thể nhìn thấy kiến trúc phố cổ pha lẫn hai kiểu thức phong cách xây dựng gần gũi nhau trên những con phố. Nhà thờ St Louis Cathedral trên đường Chartes là một trong những nhà thờ hoạt động lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Cạnh quảng trường Jackson là hai bảo tàng mà khi xưa là Hội trường và Tòa thị chính thành phố. Tất cả đều mang dáng vẻ kiến trúc Tây Ban Nha. Và những ngôi nhà gỗ nhỏ mang dáng dấp vùng nông thôn của người Tây Ban Nha xuất hiện rải rác trên khắp khu phố Pháp.
Xem bói chỉ tay, bói bài – một sinh hoạt đời thường trên phố thị xưa
Đậm nét nhất phố Pháp của người Pháp chính là con đường Decatur, chạy song song với sông Mississippi. Trên con đường này có ngôi chợ Pháp và quán Café Du Monde, thể hiện rõ nét nhất sinh hoạt xưa của người Cajun (người Pháp đến Louisiana vào cuối thế kỷ 17, sống bằng nghề trồng trọt và đánh bắt hải sản vùng duyên hải). Hai nơi này hẳn kiến trúc đã thay đổi theo thời gian nhưng những sinh hoạt chợ búa và cà phê ngồi ngắm người trên phố từ sáng đến tối là nét không thay đổi từ xưa đến giờ. Duy có điều tôi cho rằng không hay lắm khi nghe người địa phương cho biết hiện nay Café Du Monde mở thêm nhiều chi nhánh mới trong thành phố New Orleans. Tôi chưa đến quán mới nhưng tôi thấy không ổn vì lợi nhuận kinh doanh theo cách làm ăn công nghiệp. Đơn giản bạn thử nghĩ, nếu cái chợ Pháp mở thêm chi nhánh thì liệu mấy ai sống ở khu vực khác ghé chân vào chỉ vì cái tên France Market. Do đó những quán cà phê vỉa hè khác vẫn có đất sống cùng trong France Quarter nhờ nhu cầu ăn uống lang thang của khách du lịch.
Bourbon được xem là phố chính của France Quarter chẳng qua trên con phố này có nhiều quán rượu. Người trên phố lúc nào cũng nhộn nhịp và đặc biệt về đêm cho dù ngày cuối tuần không có lễ hội. Nhưng cái tôi muốn giới thiệu với bạn không phải sự náo nhiệt của các ban nhạc kèn đồng đường phố hay quán bar về đêm để bạn chui vào đó say khướt và bước ra hòa theo dòng người đang hưng phấn bằng những màn trình diễn phơi ngực trần của các cô gái sexy đứng trên ban công vẫy tay tìm kiếm bạn tình. Ban ngày phố Bourbon hiền lành hơn, tâm linh hơn với các nhà lên đồng Woodoo, một tín ngưỡng tinh thần của người gốc Haiti đến France Quarter cư ngụ sau cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ da đen trên trăm năm trước. Trên phố Bourbon và vài con phố lân cận, bạn dễ dàng nhận ra mùi ngải trầm thoang thoảng. Bạn thử ghé mắt vào ô cửa khép hờ nhìn thấy những ánh đèn cầy lung linh tinh quái, hình nhân bằng rơm và những thứ gì khác nữa mà người lên đồng có thể giúp bạn xua tan nỗi lo âu hay muốn trả thù một ai đó. Một nếp sinh hoạt lạc hậu, mê tín nhưng đó lại là phần hồn sinh hoạt tâm linh của người Haiti hòa nhập vào cộng đồng Cajun tại khu phố cổ, đến nay như một dấu ấn lối sống sinh hoạt của người bản địa vẫn còn tồn tại.
Ban nhạc đường phố có thể bắt gặp khắp nơi trên các con đường khu phố Pháp New Orleans
Và còn nhiều lối sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư France Quarter khác nữa mà hiếm khi thấy đầy đủ nét văn hóa ở bất kỳ khu phố cổ nào trên cả nước. Âm nhạc đường phố. Jazz hay Blues thì khỏi nói vì New Orleans là cái nôi của loại âm nhạc cổ điển nổi tiếng này. Bạn sẽ thấy rất nhiều ban nhạc kèn đồng đường phố và nhạc tài tử hẳn là những người có máu âm nhạc. Bởi người Haiti, Cuba, hay Dominican vùng Trung Mỹ chỉ cần thoảng nghe tiếng nhạc từ xa, cơ thể họ đã lắc lư rồi.
Phố chính Bourbon nơi có nhiều quán bar và sex shop
TN