Được nghỉ lễ vài ngày cuối năm, lại chạy đua với những số báo dồn dập trong mùa lễ. Vừa hết lễ Tạ Ơn, đã lo tin bài cho số báo Xuân, đến số Giáng Sinh, số Tết Dương Lịch. Rồi có lẽ số Tất Niên, Tân Niên cho Tết Âm Lịch nay mai. Không bận rộn như những anh em trực tiếp biên tập, trình bày, lo quảng cáo trong tòa soạn và thời hạn hàng tuần cũng ngần ấy như lịch trình trong năm, nhưng quả thật nó làm tôi bận rộn. Phần thì những “thủ tục” truyền thống ngày lễ phải làm, phần thì những cuộc họp mặt, tiệc tùng nhiều hơn. Có những đêm đến giờ chót, đành thức đến ba, bốn giờ sáng viết hay dịch cho kịp bài để ngày hôm sau anh em layout và đưa đi nhà in. Với tôi thì nghề chẳng phải nghề, mà nghiệp chẳng ra nghiệp. Vậy mà tôi theo nó (hay nó theo tôi) đến nay, đếm lịch chắc cũng nhiều. Tất nhiên chuyện “đếm lịch” hoàn toàn theo nghĩa đen.
Vài ngày sau khi Trẻ khai trương “blog”, nhà văn Lương Thư Trung ghé ngang, để lại vài hàng rằng: “Hôm rồi mới đọc Cụ Vương Hồng Sển tài liệu “di cảo”, Cụ viết: “Trong làng văn, gẫm lại bỗng tức cười. Ít dân số hơn ai, mà không ai thuận với ai cả. Tuy vậy mà vẫn có trật tự. Thường thì nhà viết tiểu-thuyết, làm kịch-bản, dường như được sắp có giá-trị hơn nhà phê-bình, nhà làm báo. Nhưng theo tôi, xếp như vậy chưa được công-bình. Nếu nói dễ kiếm tiền hơn thì tôi xin chịu. Theo tôi, viết một bài báo cho hay, nhiều khi phải có tài hơn làm một quyển sách. Tuy vậy, cái phận nhà báo nó mong-manh làm sao, có lẽ nó giống hay còn mỏng hơn tờ nhựt-trình kia nữa. Văn viết báo “kêu” đến bực nào, qua tuần lễ sau, vẫn thấy cân ký-lô bán cho chệt ve chai, tiêu-trầm vào chốn vô cực…(..) Thông thường thế tục cho rằng nhà báo không bằng nhà văn, nhưng đừng quên rằng nhà văn muốn được chúng biết, trước tiên phải viết báo.” [Trích trong “Cuốn Sách Và Tôi” (Thú phong lưu sót lạ) (di cảo) nhà xuất bản TRẺ (Sài Gòn) in năm 2013]. Bạn nghĩ sao về nhận định vừa rồi của Cụ Vương Hồng Sển, Đinh Yên Thảo?”. Còn nghĩ gì khác hả bác Hai Trầu (bút hiệu khác của nhà văn Lương Thư Trung)? Thích quá đi chớ. Viết báo chưa biết hay dở nhưng những người liên quan đến nghề báo mà được “đưa lên mây” như vậy, quả ai không thích.
Nhưng câu hỏi quả gây cho tôi dăm suy nghĩ trong những ngày cuối năm về công việc mình yêu thích và đeo đuổi. Một số người vẫn đánh giá văn chương “sắp có giá trị hơn” báo chí vì nó liên quan đến tư tưởng và suy tưởng, trong khi báo chí thì đúng là thiên về thời sự và thời cuộc. Báo chí phụ thuộc thời gian và không gian tính, có số liệu, dữ kiện và cần được kiểm chứng. Một mẩu tin cần tuân thủ những điều căn bản rằng “Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, Tại sao” (Five Ws), tự mình không cần thiết hay không được nhảy vào “bàn luận” hay kết luận, trong khi văn chương không phụ thuộc thời gian và không gian, mọi chuyện đều có thể hư cấu hay siêu thực, lắm khi càng ngược đời càng nhiều chất “sáng tạo”. Một cuốn sách không phụ thuộc thời gian, chưa đọc thì năm mười hay vài chục năm sau vẫn còn đọc được. Còn một bài báo chỉ có giá trị có thời hạn, nếu còn được “lưu truyền” theo thời gian thì ắt ít nhiều đượm vẻ văn chương hay tư tưởng hơn là những câu chuyện thời sự. Thông thường, một người cầm lên tờ báo cũ thì có thể vì tò mò hơn là muốn đọc lại những gì trong đó, ngoại trừ đó là những tờ báo hay tạp chí văn chương hoặc ít ra, có một phần văn chương. Nếu nhìn ở những góc cạnh vừa kể thì xem ra báo chí có vẻ “lép vế” so với văn chương, nhưng không vì vậy mà mức ảnh hưởng của báo chí lại thua sút văn chương, nếu không nói rằng sự ảnh hưởng là thế mạnh của báo chí, khi nó có thể tạo nên một suy nghĩ số đông, một xung lực đại chúng. Tức thời và nhanh chóng, điều mà văn chương khó lòng đạt được một hiệu ứng số đông như vậy. Bởi nhà báo nhắm đến độc giả, nhắm đến việc mang những tin tức, thông tin phục vụ cho độc giả, còn nhà văn có khi chỉ cần phục vụ cho sự tự do sáng tác hay tư tưởng của chính mình để sáng tạo, vượt thoát khuôn khổ. Cuộc tranh luận “vị nhân sinh, vị nghệ thuật” sau vài chục năm xem ra có thể vẫn còn là điều tranh cãi, tùy theo sự tự do và ý thức sáng tác của mỗi người. Nên xem ra chẳng dám lạm bàn. Vì thật ra, viết văn hay viết báo cũng là những hoạt động tinh thần, liên quan đến chữ nghĩa, dù tính chất, hình thức có khác nhau như kể trên. Nếu như lời cụ Vương Hồng Sển rằng “thế tục cho rằng nhà báo không bằng nhà văn” thì đến bây giờ chính “nhà văn” hay “nhà báo” cũng chẳng muốn tranh đua lẫn nhau hay đặt nặng vai trò của mình, vì xem ra “nhà” nào thì cũng “lận đận” như nhau. Hay có khi nhà văn còn lận đận hơn nhiều.
Cụ Vương Hồng Sển (trái) – nguồn giacngo.vn
Những nhà văn tại hải ngoại bây giờ có can đảm lắm cũng in truyện mình đến 500 cuốn là nhiều. Họa hoằn lắm mới có vài tác giả tái bản. Các nhà xuất bản cho biết sách thuần túy văn chương khó lòng tiêu thụ, chỉ những sách hồi ký, chính luận, liên quan đến chính trị, lịch sử hay thời cuộc còn có người mua. Nếu được báo chí nhắc đến nhiều, thì tái bản vài lần vẫn còn bán chạy. Nhưng số sách được vậy cũng đếm trên đầu ngón tay. Còn thì garage là nơi thay kệ sách gia đình, vị trí xứng đáng cho những cuốn sách. Rốt cuộc “nhà văn” bỏ cuộc. Người cầm bút còn lai rai nhưng nhà văn chẳng có bao nhiêu. Ít còn hơn… tóc người cầm bút. Những nhà văn được gọi là “trẻ” thì bây giờ cũng khó lòng gọi là trẻ, nếu họ không còn ở độ tuổi 20, 30 hay hào phóng hơn, là dưới 40. Họa chăng chỉ là trong nước còn xuất hiện những nhà văn trẻ. Văn chương hải ngoại dường như “già” hơn. Theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nếu vậy thì báo chí lại “may mắn” hơn khi xuất hiện một lớp cầm bút trẻ trung hơn. Một số tờ báo trên internet là do những nhóm trẻ phụ trách, từ nội dung đến vấn đề kỹ thuật. Không đặt nặng hay bị ràng buộc vào danh xưng, họ là những nhà báo tự do, trẻ trung, có kiến thức để đi vào lãnh vực báo chí như một phương tiện bày tỏ mối quan tâm xã hội của mình. Bên cạnh những công việc chuyên môn của mình, họ tham gia báo chí trong ý hướng tốt đẹp và tích cực, đem đến cho độc giả nhiều thông tin hữu dụng nhờ vào kiến thức, khả năng của mình, cũng như những cơ hội được tiếp xúc hay đi đó đây nhiều. Quan trọng hơn là họ không đặt định kiến cá nhân lên các vấn đề, trong khi chẳng ngần ngại bày tỏ những cảm xúc của mình để làm bài báo trở nên gần gũi, gắn bó với độc giả hơn. Một sự kết hợp giữa báo chí và văn chương. Điều mà ắt không ít độc giả có thể nhận thấy với một số tác giả đang cộng tác cùng Trẻ nói riêng. Những tờ lịch cuối cùng của năm 2013 vừa được bóc bỏ và tờ lịch mới đã chiếm chỗ. Xin đón chào một năm 2014 bằng những hy vọng và sự lạc quan về những vận hội và sự tốt lành đến với nhân loại, đến cùng mỗi người. Và trong đó, xin hãy cầu chúc cho văn chương và báo chí cùng song hành để tiếp tục đem đến cho chúng ta không chỉ thông tin, kiến thức mà cả những tâm cảm rất Việt. Và rất đẹp. Bằng ngôn ngữ Việt.
ĐYT