
Các em lớp Mầm Non mở đầu chương trình
Cộng đoàn Việt tại Giáo xứ St. Columban
Cộng đoàn Chúa Kitô Vua tại Giáo xứ St. Columban, thuộc thành phố Garden Grove, vừa mừng 25 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường nhiều thử thách và đầy hồng ân. Giáo xứ St. Columban là một giáo xứ lớn, nơi được Giáo phận Orange dùng để tổ chức nhiều Thánh lễ và sự kiện quan trọng trong suốt hơn ba mươi năm, trước khi Giáo phận mua Thánh Đường Chúa Kitô (Nhà thờ Kiếng) ít năm nay. Đây cũng là nơi một trong những Cộng đoàn Việt Nam được thành lập đầu tiên, và cũng là nơi Đức Giám mục phụ tá Dominicô Mai Thanh Lương được tấn phong Tháng Sáu năm 2003.
Giáo phận Orange vốn được thành lập năm 1976, ngay thời điểm một số đông người tỵ nạn Việt Nam đến Quận Cam. Nhiều học giả (xem Keeping Faith: European and Asian Catholic Immigrants, Ed. Christopher J. Kauffman, 2000) đã xác nhận rằng, chính làn sóng di dân đã giúp nhiều giáo xứ Công Giáo ở Hoa Kỳ không phải đóng cửa khi số giáo dân ở các giáo xứ này giảm sút, hay giúp nhiều giáo xứ khác được hình thành.
Với lịch sử của Giáo phận Orange song song với lịch sử của Cộng đồng Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, chúng ta thấy rằng, chính cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây cũng là một phần thiết yếu của lịch sử Giáo Phận. Giáo Phận Orange là giáo phận lớn thứ mười tại Mỹ, với gần 1.3 triệu giáo dân, chiếm 40% dân số Quận Cam, trong đó, giáo dân gốc Việt lên đến 40,000 người.
Ở thế kỷ 21, cả nhân loại kéo nhau đi làm xanh trái đất, làm xanh cuộc đời. Phong trào Xanh có mặt ở khắp nơi, từ in tới ảo, từ ẩm thực đến giải trí. Và có lẽ cả tâm linh nữa. Những cánh rừng Đức Tin tỏa đi từ hạt giống Tử đạo Việt Nam đang góp phần làm xanh Giáo Hội ở khắp nơi. Cùng với Giáo Hội địa phương, Cộng đoàn Kitô Vua cũng đã ươm trồng nhiều hạt giống tốt, để từ đó nẩy sinh hàng trăm hạt mầm Đức Tin khác, lan tỏa sung mãn qua nhiều thế hệ, để những cánh đồng lúa ngày càng chín rộ khắp nơi.
Những Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Mỹ không chỉ nối kết Cộng đồng người Mỹ gốc Việt với Giáo hội địa phương, mà còn nối kết Giáo hội Hoa Kỳ và Giáo hội Việt Nam qua sự tuyên nhận truyền thống Đức Tin của quê hương mình. Và qua những cố gắng liên lỉ trong suốt 25 năm qua, Cộng đoàn Kitô Vua đã làm cho tất cả những dị biệt về văn hóa, sắc tộc, hay ngôn ngữ đều được thăng hoa trong một mẫu số chung là Đức Tin.

Các phụ huynh gốc Việt đến rất sớm để dự concert
Học sinh và phụ huynh gốc Việt tại Trường St. Columban
Trường St. Columban là một trường tư thục, trực thuộc Giáo phận Orange, và là một phần thiết yếu của Giáo xứ St. Columban. Học sinh gốc Việt chiếm một phần lớn tại trường. Đa số học sinh đến từ gia đình Công Giáo, nhưng có rất nhiều phụ huynh chọn gửi con em học tại trường này dù họ thuộc các tôn giáo khác. Đó là vì xưa nay, các trường Công Giáo vẫn có uy tín về kỷ luật và phẩm chất giáo dục.
Mỗi ngày hai lượt, người ta nghe râm ran trên sân trường tiếng cười đùa của trẻ Việt, nghe tiếng các cụ đưa cháu đi học hoặc đón cháu về, thấy những mái đầu xanh mang những họ Việt tung tăng chạy giỡn, chăm chỉ học hành. Trong Trường Mẫu Giáo (St. Columban Catholic Preschool), Trường đặc biệt tìm một Cô giáo gốc Việt để dạy các em. Đặc biệt, đây là Trường Mẫu Giáo dạy theo phương pháp Montessori đầu tiên và duy nhất trong các trường Công Giáo tại Giáo phận Orange.
Cô Jackie, Phó Giám Đốc của Trường Mẫu Giáo, cũng thường xuyên mở các băng nhạc thiếu nhi có tính cách giáo dục cho các em nghe mỗi sáng, cùng vui múa với các em theo những lời nhạc đáng yêu, “Nếu hỏi rằng, em yêu ai, thì em rằng em yêu bà nè…” Những tâm tình cởi mở và dung hoà văn hoá đã rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ cho cả cô lẫn trò, giữa cô giáo và phụ huynh.
Các phụ huynh gốc Việt cũng tham gia tích cực vào sinh hoạt của trường, và đứng ra tổ chức nhiều chương trình để giới thiệu văn hoá Việt đến với mọi người. Họ còn bán garage sale để gây quỹ mừng Xuân. Ngoài ra, Trường còn có buổi bán phở gây quỹ, thu hút sự tham gia của học sinh và phụ huynh thuộc mọi sắc tộc. “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…” Ở đây, cả con cái và cha mẹ đều đi học: con học chữ nghĩa, cha mẹ học cách giới thiệu văn hoá đến những thế hệ tương lai ngoài cộng đồng Việt.
Đêm nhạc Giáng Sinh
Mùa Giáng Sinh lại về như mọi năm. Đối với những phụ huynh có con em vừa đi học lần đầu, họ sẽ nghe Giáng Sinh về qua những âm thanh mới lạ trong nhà. Đó là những tiếng hát thiên thần của chính con mình. Nhiều em về nhà, hát oang oang không mệt những khúc nhạc được học ở trường.
Tuy chỉ mới 2.5 tuổi cho đến 5 tuổi, nhưng các em lớp Mầm Non của Trường St. Columban đã hát liên khúc thánh ca Giáng Sinh mở màn cho Christmas Concert 2013. Các em vừa hát, vừa làm những cử điệu minh hoạ thật xinh xắn.
Tuy âm nhạc không còn được giảng dạy ở các trường công vì bị cắt ngân sách, nhưng tại Trường St. Columban, Cô Caitlin Carlos và Thầy Anthony Bagtas hướng dẫn giờ nhạc hằng tuần cho mỗi lớp. Riêng lớp Mầm Non, các em còn được học nhạc mỗi sáng. Riêng cho buổi concert, các Cô giáo tập thêm cho các em múa và hát ngoài giờ nhạc hằng tuần.
Nói về những bài hát được chọn cho buổi concert, Cô Carlos nói, “ Chương trình cho buổi trình diễn năm nay được dựa trên hai điều. Thứ nhất, mục đích của tôi là cung cấp những bài học âm nhạc thích hợp với lứa tuổi của các em, và được dạy theo từng bài một, nhất là cố gắng nối kết những bài học này với những gì các em học trong năm từ nhạc lý, tập nghe, tập đọc nốt nhạc. Thứ hai, những bài hát giúp trình bày câu chuyện Giáng Sinh qua Phúc âm Thánh Luca.” (Nguyên văn: The repertoire for this year’s concert was based on two things. First, my goals for age-appropriate musical lessons that could be taught through each piece, especially trying to tie those lessons to what they’ve been learning all year in terms of music theory, ear training, and reading music. Second, songs which would help tell the Christmas story through the Gospel of Luke.)

Các em với trang phục diễn hoạt cảnh
Âm nhạc và tôn giáo trong giáo dục
Giáo dục âm nhạc đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của trẻ em, và của toàn xã hội. Món quà lớn nhất mà Thầy Bagtas nhận được khi dạy nhạc cho trẻ em là “…thấy được niềm vui trên khuôn mặt của các em khi một bài hát mà các em biết và thích được trình bày với một sự hiểu biết mới về cấu trúc sáng tác trong âm nhạc.” (Nguyên văn: …seeing the joy from the students’ faces when a song, they know and love, is sung with a new understanding of the composition of the music.)
Cô Carlos có cùng suy nghĩ, “Niềm vui lớn nhất khi dạy các em là được dự phần vào những giây phút vô giá khi một em bất chợt ‘ngộ ra’ một khái niệm âm nhạc hay khi một học sinh trước đây nghi ngờ tầm quan trọng của giáo dục âm nhạc đã thay đổi và yêu thích tất cả những gì chúng tôi dạy các em. Nói chung, những giây phút này song song với sự thay đổi trong thái độ của học sinh đối với việc học nói chung. Thật là tuyệt vời để chứng kiến âm nhạc đóng vai trò chính trong sự thay đổi đó.”
Tất cả những nhà giáo dục cũng như cả xã hội đều biết âm nhạc vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thiếu niên. Cần phải học nhạc thường xuyên và kéo dài trong nhiều năm để gặt hái những ảnh hưởng tích cực. Thầy Bagtas nhận ra những lợi ích cho học sinh của mình, “Một trong những lợi ích của việc học nhạc là khả năng nhìn ra và liên tưởng những điều xem ra không có liên quan hoặc không dễ nhận thấy. Học nhạc giúp cho khả năng suy nghĩ của các em. Nhiều giác quan cùng hoạt động song song khi các em học nhạc, từ mắt nhìn, tay chạm, và lắng nghe.” (Nguyên văn: One of the biggest benefits through music lessons I think is the ability to see and make connections that are not always apparent or easily visible. Music lessons can truly add to the growth of children’s cognitive skills. Many of the senses are working simultaneously in studying music, from sight, touch and hearing.)
Cô Carlos nói, “Tôi tin rằng giáo dục âm nhạc là một cánh cửa để dạy trẻ em có đầu óc cởi mở. Qua việc học nhạc lý, sáng tác, trình diễn, và lịch sử âm nhạc, học sinh hiểu biết về những thể nhạc mà thông thường các em sẽ không chọn nghe. Dù đó là nhạc opera, nhạc giao hưởng, dân nhạc hay nhạc pop, học sinh học cách thưởng thức tất cả các loại nhạc. Các em có một đầu óc cởi mở và một trái tim đón nhận sự đa dạng của âm nhạc sẽ học cách chấp nhận sự đa dạng trong mọi hình thức.” (Nguyên văn: I believe in music education as a gateway to teaching children to have an open mind. By studying music theory, composition, performance and history, students gain an understanding for music they would normally never listen to. Whether it is opera, symphonic repertoire, folk songs or pop music, students learn to appreciate ALL types of music. Students with an open mind and heart for musical diversity learn acceptance for diversity of all types.)

Cô Hiệu trưởng Dawn Shea tặng hoa cho Mrs. Carlos