Phạm Công Thiện là tác giả nổi tiếng từ mấy chục năm nay. Ở trong nước cũng như hải ngoại, phàm ai là người đọc sách đều biết Phạm Công Thiện. Có một thời tuổi trẻ Miền Nam say mê, tôn thờ ông. Ông là học giả, triết gia, thiền sư, nhà tùy bút, nhà thơ… Nhiều người đã viết về ông, ca ngợi ông. Sau đây là một vài nhận định về Phạm Công Thiện…

Từ trái sang phải: nhà thơ Phạm Công Thiện, nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Thầy Nguyên Siêu (hình chụp trong buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Tuệ Sỹ tại Houston, TX ngày 04.11.07) – nguồn hoavouu.com
“Ðời gọi ông là thần đồng, là triết gia, là phù thủy văn chương hay gì gì đi nữa thì tôi vẫn thích đọc ông như một thi sĩ, và nhìn ông như một nghệ sĩ, vác một trời tư tưởng mênh mông, ôm một bầu tâm thức tịch lặng, nói những gì muốn nói, làm những gì muốn làm, và rồi… chẳng bao giờ nhìn lại cái gì đã nói, đã làm; chẳng bao giờ đứng lại. Ông sống trên đời như một du tử hết sức giàu có, và hết sức trắng tay, lang thang mãi… cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất.(*)
Hình như trong số mấy chục tác phẩm đã xuất bản, ông chỉ cho ra đời mỗi một tập thơ duy nhất là Ngày Sinh Của Rắn. Ðó là nói theo đúng cách phân loại bài bản của học đường; chứ nhìn ở khía cạnh rung cảm nghệ thuật thuần túy, ngay cả những tập văn xuôi nặng triết lý của ông vẫn mang cả một trời thơ dị thường.
VĨNH HẢO
“Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.
Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Đến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản: Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988. Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
NGUYỄN HƯNG QUỐC
“Tôi đọc Ngày Sinh Của Rắn những ngày sau khi nhận nó. Và tôi biết mình có những nhận xét sai lầm về Phạm Công Thiện – ít ra trong Thơ. Cuốn thơ được in lần đầu tại Sài Gòn năm 1966, và đã tuyệt bản sau một thời gian rất ngắn. Cuốn thơ tôi có đã được tái bản tại Hoa Kỳ với sự đồng ý của tác giả, hai mươi hai năm sau, năm 1988. Bây giờ chắc lại cũng đã mất tích.
Tôi đọc nó với tâm trạng của một người ly hương. Tuy không hẳn là tâm trạng của một Phạm Công Thiện đang là sinh viên du học ngày trước, nhưng với tôi vẫn những xúc động bồi hồi. Mười hai bài thơ đủ thể, dài ngắn khác nhau. Các bài thơ đều có những liên hệ mật thiết, kết hợp thành một bài thơ dài. Là cái hay tiềm ẩn của cuốn thơ.
NGUYẼN PHƯỚC NGUYÊN