– Grandma, look! it’s so gorgeous.
– Grandma, they are beautiful, I want all of them! please!
Tiếng con bé cháu ngoại 8 tuổi cứ rỉ rả lằng nhằng bên tai, khiến tôi ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Số là tôi bắt chước phương pháp dạy con kiểu… tân thời của con gái tôi. Vẫn là… dạy con từ thuở còn thơ, nhưng nội dung dạy là… tôn trọng sự khác biệt, có nghĩa là tôn trọng sự lựa chọn của đứa bé, chứ không dạy theo kiểu… thương cho roi cho vọt như thế hệ chúng tôi. Tôi cũng đã âm thầm tìm khắp nhà con tôi xem có cái roi nào không, thì thiệt tình tìm không ra.
Tôi đã chứng kiến mẹ con nhà nó nói chuyện và tranh luận… bình đẳng. Hôm đó, tôi nhận coi Ix, vì nó đang nghỉ hè mà mẹ thì vẫn đi làm. Ix thay quần áo sửa soạn đi phố với tôi, con bé mặc quần soọc vàng, áo thun màu đen có in hình con chó con, xinh lắm, nhưng mẹ nó có ý kiến:
– Mẹ nghĩ con nên mặc váy đầm thì đẹp hơn, cái áo đầm bà mới cho con đó!”
Ix trả lời:
– Con thích mặc quần soọc vì trời nóng, và con muốn để dành áo đầm mới cho ngày Xmas!
Mẹ Ix:
– Con tính thế cũng được, nhưng con vẫn có thể mặc áo đầm, con nhiều áo đầm lắm mà!
Ix:
– Con không thích mặc áo đầm bữa nay.
Mẹ Ix
– Con quyết định thế cũng không sao, nhưng theo mẹ, hôm nay đặc biệt con đi phố với bà, con mặc áo đầm thì lịch sự hơn.
Ix:
– Mẹ, chúng ta đã có cái deal rồi. Con được toàn quyền chọn lựa quần áo mặc khi đi chơi, mẹ được toàn quyền cho con ăn uống và kiểm soát bài tập. Mẹ đừng đụng vô cái deal nhe.
Mẹ Ix giơ hai tay trên trời:
– O.K
Tôi không xen vào câu chuyện của hai mẹ con chúng nó, nhưng sau đó, tôi hỏi con gái tôi:
– Con trao đổi ngã giá… hai bên cùng có lợi với Ix hả?
Con gái tôi kể lể trong tâm trạng của người thua cãi:
– Mẹ phải biết tính của em, em bướng và ngầu lắm, từ hồi mới biết nói, em đã giương hai mắt nhìn thẳng vào mắt con và đòi hỏi… quyền tự do rồi. Hồi đó em còn mặc nappy, em tè nặng cái nappy, nhưng con chưa kịp thay, em cứ đứng một chỗ, nhìn con không chớp mắt, và nói: Nappy! Nappy. Con bận quá lờ tịt đi, Em tức, em khóc inh lên, buộc con phải thay nappy cho nó. Thay xong, nó cười toét bập bẹ: thank you! Con phải chịu thua.
Đến lúc lớn lên, nó càng bướng. Con nói trắng nó nói đen, con bảo không, nó bảo có. Nhưng thực sự thì nó đúng, vì con ép nó theo ý mình, nên con phải bày ra nhiều cái deal để hai mẹ con …bớt va chạm, không hiểu khi lớn lên, nó sẽ như thế nào nữa. Hồi chưa sinh em, con theo học lớp nuôi con trẻ. Người ta dạy mình phải tìm hiểu tâm tính của em bé, phải suy nghĩ cách dạy dỗ từ lúc em bé còn rất nhỏ. Và bất cứ cách nào được áp dụng, nguyên tắc vẫn là phải tôn trọng ý thích của em bé. Nếu mình không đồng ý, thì phải giải thích tới khi nào em hiểu và đồng ý với mình. Nếu em chưa chịu, mình không được ép, vì làm như thế, mình sẽ trở thành đối nghịch với em, em sẽ không tin vào mình nữa. Như thế nguy hiểm lắm, vì người mẹ phải là nơi an toàn nhất cho đứa con về mọi phương diện,mọi lãnh vực.
Nghe con gái nói, tôi không nhớ ngày trước mình dạy con thế nào. Hình như vì quá thương con, nên tôi chiều con, đôi lúc còn chịu lép vế, từ lúc các con còn bé đến lúc chúng lớn khôn. Nhưng nhờ trời cho dù không… thương cho roi cho vọt nhưng các con của tôi… chưa hư đến mức báo động! Và điều an ủi cũng là hạnh phúc nhất vẫn là các con chịu trút bầu tâm sự của nó cho mình. Tôi nhớ mới hồi đầu năm, con gái út của tôi đi Việt Nam lần đầu tiên với cô bạn thân. Cả hai đều để chồng ở nhà… để được rảnh rang, không vướng bận khi mua sắm!. Thế nhưng mới được vài ngày trong chuyến đi hai tuần lễ, con gái đã tâm sự: “Mẹ ơi, con nhớ Jimmy quá rồi. Tội nghiệp he phải ở nhà đi làm và lo cơm nước một mình”. Tôi nói ngay: “Nó lớn rồi, nó tự lo được, việc gì con phải lo như thế” Nhưng tiếng của con tôi chùng xuống: “Ôi mẹ, con không lo mà là nhớ, mẹ không hiểu cái gì hết!” Tôi bèn ậm ự cho xong chuyện!
Còn với con gái lớn, thì mẹ con tôi có đủ chuyện, nhất là đời sống và việc nuôi dạy con Ix.
Trở lại chuyện đi phố sắm quà Noel của hai bà cháu. Trước tiên là mua vé và chờ xe lửa. Các phương tiện giao thông công cộng ở Úc thật tuyệt vời. Xe lửa, xe bus thường trực từ sáng sớm đến tối khuya và chạy trên mọi tuyến đường, đến tất cả các khu shopping lớn nhỏ của thành phố. Khách đón xe cứ chờ ở bến xe theo thời khóa biểu ghi sẵn. Trạm xe lửa rộng rãi, đẹp đẽ, còn bến xe bus tuy ở ngay lề đường, nhưng cũng có mái che mưa che nắng cho hành khách. Xe lửa xe bus đều có hệ thống máy điều hòa không khí, ghế nệm sạch sẽ. Vải bọc có màu sắc đặc biệt của Úc là màu của “đất” (earth colour) và hình chim chóc hoa lá sặc sỡ cùng những thú vật đặc biệt như Kangaroo, Koala, hay Wombat, khiến chỉ cần bước lên xe bus hay xe lửa, hành khách đã được làm quen ngay với nước Úc.
Xe lửa vừa trờ tới, Ix nắm tay tôi bước lên xe, Ix chọn hai ghế bên phải không bị nắng. Trên xe, Ix cho tôi xem danh sách mua quà của nó. Tôi liếc nhanh, thấy hàng chữ: grandma already bought, cost $5.
Thiệt tình!
Khi đến shop, Ix đề nghị nên ăn trước để… lấy sức đi shop. Tôi đồng ý, nó nhìn tôi nhoẻn miệng cười thật tươi.
Chúng tôi ăn sushi, sau đó bắt đầu chương trình mua sắm.
Mấy năm trước tôi vẫn còn thích mua sắm, nhưng hai năm nay đâm lười, nhất là đi với Ix, nó cứ sải từng buớc dài nhanh như con sóc, tôi lúp xúp chạy theo vì sợ lạc cháu, nên chưa mua sắm được gì đã chỉ muốn ngồi thở dốc.
Sau khi lượn lờ vài gian hàng bán quần áo, đồ dùng cho người lớn, Ix và tôi chọn được vài món cho các thành viên trong gia đình, đến phần của Ix, một list riêng dài dằng dặc, đồ chơi là chính, tôi chỉ đọc được tên món hàng chứ chẳng hiểu đó là cái gì.
Tôi đề nghị với Ix:
– Bây giờ bà sẽ ngồi ở ghế ngoài này chờ con và giữ mấy món mình đã mua, con vào trong tiệm, chọn món nào con thích nhất, rồi con gọi bà vào xem nhé.
Ix nhìn tôi:
– Con chọn tức là con thích, bà đâu cần phải xem nữa!.
Tôi nói cứng:
– Nhưng bà phải trả tiền thì con mới mua được.
Ix:
– Con biết, con cũng có tiền, con chung với bà!
Tôi ngắc ngứ, phải ừ hử cho qua. Ix nhìn tôi cười toét nói:
– You are so good bà!
Khách mua sắm tấp nập, nhất là đám trẻ. Giáng Sinh và Sinh Nhật là hai dịp để bọn trẻ xài tiền. Ở Úc, đây là hai cơ hội hiếm hoi để ông bà, cha mẹ hướng dẫn con cháu cách chi tiêu thế nào cho hợp lý. Tôi cũng bắt chước và sửa soạn nhiều tình huống phức tạp để đối đáp với đứa cháu gái rất ngoan và thông minh nhưng ưa… tranh luận. Điều khó khăn là đã có lúc chính tôi cũng tiêu xài bốc đồng, vì không kềm lòng được trước những món hàng mình thích nhưng thực sự không cần thiết.
Khoảng nửa tiếng sau, Ix chạy ra hớn hở, ngồi xuống bên tôi, tôi hỏi ngay:
– Sao, con tìm được món nào chưa?
– Dạ, con tìm được 6 món, nhưng sau cùng còn 4 món thôi, ba món con thích nhất trên trần đời, còn một món cho chú Jimmy.
Tôi biết mình sẽ phải đối phó với một tình huống khó khăn, nên dọ dẫm:
– Con kể cho bà nghe đó là những thứ gì?
Ix liến thoắng kể ba món đồ chơi, tôi nghe xong không hiểu đó là cái gì, nhưng có vẻ rất phức tạp, ngoại trừ một món cho chú Jimmy:
– Con biết chú Jimmy thích con chó, con tìm được cái thiệp có… in hình con chó thiệt đẹp, chắc chắn chú sẽ thích. Con sẽ trả tiền cái thiệp này, còn bà sẽ trả cho đồ chơi của con.
Nhìn ánh mắt ngây thơ, trong suốt, với khuôn mặt xinh xắn, môi lúc nào cũng đỏ như thoa son, đuôi tóc cột đằng sau gọn ghẽ, bất ngờ tôi thương cháu của mình quá, bao nhiêu tính toán dạy dỗ nó cách chi tiêu tôi cho chìm xuồng hết. Tôi nghĩ, mỗi năm Ix sẽ mỗi lớn, tôi cần giữ cho nó những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, cứ nghĩ khi lớn nó nhớ lại bà không cho mua cái này, không cho mua cái kia tôi…tướp mồ hôi hột.
Tôi hăng hái đứng lên đi với Ix vào gian hàng, nó kéo tôi phăng phăng đến gian hàng đồ chơi dành cho con gái tuổi từ 5 đến 12. Khi đi qua gian hàng búp bê, Ix nói nhanh:
– Bà nhắm mắt lại, đừng nhìn, vì mình sẽ đi qua hàng búp bê, bà đừng sợ có con đây rồi.
Tôi xúc động vô cùng vì thái độ ân cần chăm sóc của Ix. Không ngờ nó nhớ tôi rất sợ búp bê. Hồn tôi ướt sũng, nhão nhẹt, tôi định bụng, đắt bao nhiêu tôi cũng mua, tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉnh câu: Cháu hư tại bà! Chẳng sao cả. Cháu của mình, mình có quyền… chiều!
Hai bà cháu ngừng ở dãy hàng đồ chơi điện tử. Ix kiên nhẫn giới thiệu từng món hàng với tôi, tôi chăm chú nhìn giá và nơi sản xuất. Giá cả lởn vởn trên trời, còn hàng thì từ… nước lạ!!! Mua hay không mua??
Chẳng hiểu tại sao đám con nít lại bị thu hút bởi mấy thứ đồ chơi… vô duyên này. Chiếc máy bay có pin bay vòng vòng, có con gấu đứng trong lùm cây, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên gầm gừ. Hoặc con chó bông lúc lắc cái đuôi, cái đầu khi có người đi qua… Ix mê mẩn nhìn không chán mắt. Nó ôm trong tay hai món khác nữa, và nhìn tôi khẩn khoản: “Please bà, cho con mua nghe”. Tôi chưa biết tính sao,thì bỗng nghe tiếng bà khách cũng lớn tuổi đứng bên cạnh:
– Con ơi, không mua được đâu, đắt lắm.
Tôi nhìn bà, cười làm quen:
– Cháu bà phải không ạ?
Bà khách vui vẻ:
– Vâng, cháu ngoại tôi đấy, từ sáng đến giờ tôi khổ với nó, món nào nó cũng đòi mua, mà bà thấy không, đồ chơi con nít sao đắt quá. Cái áo tôi mặc chỉ bằng nửa giá các món hàng này.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bà.
Sau đó,bà vừa nói vừa kéo tay cô cháu gái khoảng 6 tuổi:
– Đi con, ở đây đắt quá, mình không mua nổi đâu. Qua tiệm khác biết đâu sẽ rẻ hơn, dại gì mình mua mắc phải không con?
Cô bé phụng phịu một lát rồi cũng đi theo bà ra khỏi tiệm.
Tôi thấy Ix theo dõi câu chuyện của hai bà cháu nọ. Khi họ đi, nó lại tiếp tục xem các món đồ chơi.
Tôi cũng muốn đi chỗ khác, nên nói với Ix:
– Bà cho con mua một món thôi, chọn mau mau lên, mình còn đi hàng khác nữa.
Ix không trả lời, nó cầm món này lên, để món kia xuống, ra chiều phân vân lắm.
Bỗng nó bỏ hết mấy món đồ chơi lại ngăn hàng, nắm tay tôi đi ra khỏi dãy. Tôi hơi trì lại ngạc nhiên:
– Bà cho con mua một món, sao lại bỏ xuống hết?
Con bé vẫn nắm tay tôi đi ra khỏi dãy hàng, nó nói nhưng không nhìn tôi:
– Con không thích nữa, đắt quá, mình không mua nổi đâu?
Tôi níu kéo:
– Bà cho con mua một món, đắt mấy cũng được.
Con bé cương quyết:
– Không, con không thích ở đây nữa, mình đi tiệm khác, biết đâu rẻ hơn, mình dại gì mua đắt!!!
Lòng tôi lại chùng xuống, thương Ix quá chừng chừng. Ai bảo cháu hư tại bà?? Tôi muốn chiều mà Ix đâu có chịu??
Tôi cảm ơn bà khách không quen, nhưng cũng thầm cảm ơn con gái tôi đã chịu khổ nhục kế để… huấn luyện cháu tôi đâu vô đó, nề nếp và biết suy nghĩ.
Chúng tôi shopping tới chiều, mang quà lên xe lửa, mặt hai bà cháu đều vui và hể hả vì… quyền lợi đôi bên đều được tôn trọng và bảo vệ.