Những thú vật xinh xắn đẹp đã có nhiều người nói đến trên internet. Nhưng bà mẹ thiên nhiên cũng còn tạo ra những chuyện kỳ cục. Những khám phá năm qua chứng tỏ điều này, từ những con bướm thưởng thức nước mắt rùa đến thai cá sấu hai đầu hoặc thai cá sấu “cảm nhận” được kẻ thù dù còn nằm trong trứng.
1. Cá leo thác nước
Loại cá bống Nopoli leo được vách đá (Sicyopterus stimpsoni) ở Hawaii có một tài lạ: dùng ống hút phụ ở miệng nó có thể leo ngược lên thác nước cao 300 feet (100 mét). Để dễ hình dung: Hiện tượng này cũng giống như một người chạy đua marathon, không phải theo chiều dài đường trường mà là thẳng đứng, ngược giòng nước chảy, và không phải bằng chân mà bằng miệng. Bắp thịt mà loại cá này sử dụng để leo cũng là những bắp thịt dùng để ăn. Chuyện này được báo cáo hồi Tháng Giêng 2013.

2. Thai cá mập siêu đẳng
Tuy có một số cá mập sinh ra con, nhưng một số khác đẻ những túi trứng trong nước. Thai cá mập trong những túi trứng này tương đối không tự bảo vệ được, nhưng thai của loại cá mập tre (bamboo shark) có những thủ đoạn phòng vệ siêu đẳng. Khi thú ăn thịt tới gần, thai có thể khám phá điện trường (electrical field) của tên sát thủ đó và tự làm đông đặc lại, để cho nó không thấy mồi.

3. Nòng nọc có mắt ở đuôi
Chuyện này là về phía các nhà khoa học. Tháng 2/2013 các nhà nghiên cứu báo cáo cho biết họ đã tạo được 134 con nòng nọc có mắt ở đuôi và phần thân trên, thay vì ở đầu. Thí nghiệm này được thực hiện bằng cách ghép nhãn cầu vào những vị trí đó và rồi lấy mắt nguyên thủy của chúng ra ngoài. Để làm gì vậy? Để tìm hiểu xem hệ thần kinh thích nghi ra sao, và kết quả thu được có thể đem áp dụng để trị bệnh mù lòa. Các nhà nghiên cứu cho biết những con nòng nọc có đuôi ở mắt này quả thực có nhìn thấy được .

4. Cá sấu biết dùng đồ nghề
Quả thật cá sấu có đôi khi cũng tinh khôn. Nó đặt trên mình những khúc que nhỏ để nhử những chú chim đang đi tìm vật liệu xây tổ ấm, theo như các nhà khoa học báo cáo hồi tháng 12/2013. Khi chim đến gần là sấu táp mồi, chim sa vào bẫy chúng.
Cá sấu ở Louisiana và Ấn Độ đều có chiêu thức này, nhưng chúng chỉ bày trò gần các địa điểm chim hay làm tổ và vào mùa làm tổ của chim.

5. Thai cá mập hai đầu
Thai con cá mập này mà sống được, đẻ ra chắc sẽ ăn khách trong những đoàn xiệc. Các nhà nghiên cứu báo cáo hồi tháng 3 năm 2013 trường hợp ly kỳ về một con cá mập có bầu bắt được ngoài khơi Florida. Con cá mập còn trong thai mẹ này có tới hai cái đầu.
Sở dĩ có sự dị dạng này là do phôi cá mập cố phân chia thành 2 con sinh đôi khi còn trong giai đoạn mới phát triển, nhưng không thành. Theo các nhà nghiên cứu thì nếu có sinh ra được, con cá đặc biệt này chẳng sống được bao lâu.

6. Bướm ăn nước mắt rùa
Theo các nhà khoa học, bướm tụ tập trên lưng những con rùa lưng màu vàng để uống nước mắt những con rùa này. Lý do? Đó là vì các khoáng chất trong nước mắt rùa.Vùng phía tây Amazon này muối hiếm lắm, nên những con vật như bướm (và ong) lúc nào cũng tìm cách sao cho có muối. Chộn rộn như thế nhưng bướm chỉ làm vướng mắt rùa chứ không ảnh hưởng gì nhiều.

7. Thu hình được con trăn ăn khỉ
Những người hay buồn nôn hoặc có lòng từ tâm xin đừng coi. Tháng 8 năm 2013, các nhà nghiên cứu đã dùng máy quay phim chụp bắt được cảnh một con trăn đang ăn trọn cả con khỉ. Trăn tấn công loại động vật có tay (primates) ít khi được báo cáo, nên video này là tài liệu lạ. Thông thường thì các động vật có tay hay tụ họp thành số đông để bảo vệ nhau. Trong trường hợp cá biệt này, có lẽ con khỉ đi quá xa bầy và không thấy trăn. Sau khi trăn nuốt trọn con khỉ, hình dạng khỉ còn thấy làm biến dạng bụng trăn.

8. Thú ăn thịt bắt chước loài hoa
Con bọ ngựa phong lan (orchid mantis) cũng giống như một số côn trùng khác, có tài bắt chước hình dạng của một loài hoa vô hại. Nhưng trong khi đa số bắt chước để tránh những thú ăn thịt thì con bọ ngựa phong lan này lại chính là loài ăn thịt, cải trang thành giống như hoa quả để lôi cuốn con mồi, đặc biệt là những con thích nhụy hoa như ong và bướm. Theo báo cáo của các nhà khoa học hồi tháng 11 năm 2013 thì bọ ngựa là con vật duy nhất trên thế giới đã bắt chước loài hoa nở để lôi kéo con mồi.

9. Nhện ăn dơi ở khắp nơi
Một cuộc nghiên cứu hồi tháng 3 năm 2013 cho biết loại nhện ăn dơi ở châu lục nào cũng có chỉ trừ Nam cực. Sau khi khám phá thấy loại nhện giăng tơ (Argiope savignyi) và loại nhện lông lá dữ dằn (Poecilotheria rufilata) giết và ăn thịt những con dơi nhỏ, các nhà nghiên cứu chú tâm tìm hiểu xem chuyện nhện ăn thịt dơi phổ biến ra sao. Họ xem xét lại những bản phúc trình khoa học và quan sát suốt 100 năm qua, và thấy có 52 trường hợp xảy ra trên thế giới. Đa số, nhện tìm bắt mồi là những con dơi ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là những vùng nhiệt độ cao ở Nam và Bắc Mỹ.
