Về người JAVA KU lãnh đạo, tác giả kể:
“Thỉnh thoảng, bầu không khí trầm lặng của làng Koh Taboong bỗng trở nên rộn rịp hẳn lên; đó là những dịp hội họp có một vị thuộc hàng trưởng lão từ các làng khác đến tham dự. Trong những dịp này, mọi người dân trong làng đều cố làm hết sức mình để thể hiện tính hiếu khách, tránh không để xảy ra những sơ suất làm mất thể diện của Jam’ah (tập thể), một tâm trạng mà mãi về sau này tôi mới nhận ra là thứ mặc cảm tự nhiên của xã hội khép kín của một thôn làng Chăm bé nhỏ bên bờ Hậu Giang.
(Trang 61)(…)
“Đặc biệt được chú ý hơn cả là một cụ già mà mọi người thường kính cẩn thưa Datôk Saykhol, được xem như là chức sắc đứng đầu toàn thể các Jam’ah Chăm tại tỉnh Châu Đốc thời đó.
Qua lời phát biểu trước dân làng, tôi nhận ra, vị Saykhol Islam mà mọi người tôn kính này không nói tiếng Chăm mà là một thứ tiếng gọi là Java Ku, thực sự là tiếng Khmer có pha trộn một số từ Mã Lai. Những vị lớn tuổi đã giải thích cho tôi rõ là bên cạnh các Plây người “Chăm mình”, còn có người Java Ku nữa.
Java là tên một quần đảo của nước Indonesia ngày nay, nhưng Java trong dân gian người Chăm khi nói, người từ Java đến, thực sự là người Mã Lai không hơn không kém. Trong tiếng Chăm, Ku hoặc Kur tức là Khmer trong dân gian nói là Miên. Người Java Ku, trên nguyên tắc, là người Mã Lai lai Khmer. Về cách ăn mặc thì hoàn toàn không khác gì người Chăm Châu Đốc cả, nhưng về tướng tá, nói chung thì nước da có vẻ hơi sáng hơn. Người Java Ku sống tập trung ở làng Châu Giang tức Mat Chruk ngay tại bến phà bên kia bờ đối diện với châu thành Châu Đốc.”(Trang 62)

Làng người Chăm ở Châu Giang – nguồn ithdan.wordpress.com
Về nguồn gốc người Chăm, tác giả viết:
“Một hôm, trong một buổi gặp vui chơi cuối tuần, một bạn người Pháp đã bất chợt hỏi: “Này, bạn có biết người Chăm của bạn gốc gác từ đâu đến không?” Câu hỏi tò mò của anh bạn thật sự đã làm tôi hết sức ngỡ ngàng. Từ trước đến nay, tôi sống hồn nhiên trong xóm và đương nhiên xem gốc gác của mình dính liền với ngôi làng thân yêu này, chớ còn ở đâu nữa?! Tôi đã không bao giờ tự nêu lên vấn đề như người bạn hỏi cả. Cho nên tôi đã trả lời, người Chăm gồm cả bà con xóm làng của tôi từ xưa nay vẫn ở tại Cù Lao này.
Câu hỏi được nêu lên trong lúc tất cả cùng đang quây quần thích thú xem quyển “Histoire de France” (Lịch sử nước Pháp) là món quà sanh nhựt mà người bạn Tây con mang đến khoe chung cùng các bạn là do bà mẹ gởi mua từ bên Pháp. Tập sách có in hình màu hấp dẫn từng trang một, có câu mà tôi nhớ đời là “nos ancêtres sont les Gaulois” (tổ tiên của chúng mình là người Gôloa), khiến tôi cũng tự hỏi về cội nguồn của mình và thầm nêu với bản thân câu hỏi: “Mình là người Chăm, thế thì cội nguồn của người Chăm là đâu?(…)
“Ấp ủ thắc mắc trong lòng về câu hỏi: “Mình là người Chăm, thế thì nguồn cội của người Chăm là đâu?”, một hôm tôi đem câu hỏi này hỏi cha tôi và được cho biết “Người Chăm mình gốc gác ở ngoài Phan Rang-Phan Rí lận; người ngoài đó, dân mình ở đây gọi là “Phok Cham” hoặc “Orang Panik Panang”; đã có một số sách vở Tây viết về người Chăm, khi các con học lên cao hơn, sẽ có cơ hội tìm đọc.”
Nghe là nghe như vậy, nhưng một số thắc mắc vẫn tiếp tục lởn vởn trong đầu về hai tên gọi “Phok Chăm” hoặc Orang Panik Panang” và địa danh “Phan Rang- Phan Rí” mà tôi cảm thấy xa tít mù khơi đâu đâu. Về từ “Orang Panik Panang” thì ý nghĩa có thể hiểu ngay, vì tiếng “Orang” có nghĩa là “người”, người “Panik-Panang” tức là người Phan Rí-Phan Rang. Riêng về từ “Phok Chăm thì cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết được căn nguyên của chữ Phok là gì.”(Trang 42)

Thánh đường Hồi Giáo của người Chăm ở Châu Giang – nguồn vi.wikipedia.org
Thêm vào đó, tác giả viết:
“Đức tin Islam đã làm chất xúc tác tạo gắn bó giữa người Java Ku và người Chăm, để rồi lần hồi căn sắc Mã Lai thông qua hệ thống giáo dục tôn giáo hầu như lấn át và bao trùm lên toàn bộ các jam’ah Chăm. Hệ quả là nhiều người Chăm tự nhiên xem mình là người Mã Lai chớ không phải Chăm, mặc dầu thường ngày vẫn nói tiếng Chăm.”(…)
“Khuynh hướng thích gắn bó với căn sắc Mã Lai càng có điều kiện thuận lợi phát triển do bởi một lý do thực tế là vào thời này, một số người Java Ku và Chăm thường đi qua Mã Lai hoặc Singapore bằng đường xe lửa ngả Kampuchea-Thái Lan, mua chăn áo, khăn đội đầu và các vật dụng Mã Lai về bán lại, làm ăn thường khấm khá. Trở về thôn ấp Chăm, những người này thường nói khoe về cuộc sống bên Mã Lai (…)
Những sự mô tả này đã tạo nên một lối nghĩ rập khuôn, nhiều tưởng tượng, trong dân gian người Chăm Islam vào thập niên 1940, khiến nhiều người, sống gò bó trong khung cảnh thôn ấp khép kín, chỉ mong có ngày được đi Mã Lai để biết với người ta.”(Trang 64-65)
Tóm lại, mặc dù còn nhiều tài liệu khác nữa(*) nhưng vì giới hạn trong một bài sưu tập ngắn hy vọng có thêm một chút về nguồn gốc Người Chăm Châu Đốc qua vài trang sách cũ để chia sẻ phần nào cùng bạn về một góc nhà quê nơi miền sông nước Hậu Giang này vậy!
Phụ chú
(*) Theo cuốn “Ăn Cơm Mới Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang Ba Thắc” (Di cảo” của học giả Vương Hồng Sển do nhà xuất bản TRẺ tái bản lần thứ nhất năm 2012, chương “Nếp Sống Của Ngoại Kiều Sinh Sống Tại Miền Nam”, trang 109-112 có viết:
“… Lấy theo danh từ mà luận, chữ “java” xưa dịch là “qua-oa”, nay viết “Chà-và”. Lớp xưa lại có người từ xứ Hạ-Châu lên đây, nên dịch Nôm là “người miền dưới”, lâu ngày các cô các bà gọi trại là “người bình dưới”, và gọi cách nào cũng hiểu đó là người da đen như cột nhà cháy, chuyên môn cho vay đặt nợ, bán vải nuôi dê bán sữa, v.v…
Có người gốc “malais” nên gọi “mập-lê”, rồi “bà-lai” rồi “bà-lai-du”.
Ngoài ra, tùy theo đặc sắc mà đặt tên:
– Chà chóp, vì đầu nó chừa chóp;
– Chà gạch mặt, vì mặt nó có thẹo có vằn (đúng ra là rạch mặt, làm cho rách da mặt) (sénégalais);
– Chà tóc đỏ, vì tóc râu như râu bắp râu ngô;
– Chà tóc quắn, Chà này thợ hớt tóc ngán nhứt vì hớt mãi tóc vẫn sặt rằn;
– Chà Châu Giang, vốn là người Chàm di cư về miền Hậu Giang và đóng đô tại cù-lao “Châu-Giang” ngang chợ Châu-Đốc trên sông cái;
– Chà hạch, đây là bọn người chuyên môn thức đêm giữ cửa và canh gác hãng buôn. Nguyên lai họ từ Á-rập đến, nhưng vì ông bà ta không rành địa-dư, vẫn thấy danh tánh của họ đều viết chữ Hadj đứng đầu, bèn đặt luôn một cái tên rất kêu nhưng gội rửa không ra, và đó là “hạch gác cửa”, v.v…
– Chà xã-tri, tiếng nói của họ thì líu lo và giòn khứu, thoạt nghe toàn là “oạnh-ní-nẹ, thượng cây lâm-vồ, hạ cây bồ-đề” và tên họ thì dài sọc, khó đọc cho khỏi đứt hơi: Ramassamy-chettiar, Somasoundirame-chettiar, v.v… và có lẽ do hai chữ đuôi “chettiar” mà ra chữ “chetty”, tôi đọc ra chữ “xã-tri”, “Chà và xã tri”, còn anh bạn thân của tôi, nhà học giả Lê Ngọc Trụ, giáo sư Việt-văn các trường Đại-học Sài-Gòn, vẫn ghi vào cuốn Việt-ngữ chánh tả tự vị là “sét-ty”(trương 532 bản in lần nhì năm 1973, trương 407 bản nhứt năm 1959).
ghi chép lại
Ngày 21- tháng 03 năm 2012
Đọc lại và bổ túc ngày 09 tháng 11 năm 2013