Bamberg mùa đông. Sương mờ phủ trùm vạn vật. Hai hàng cây khô trơ trụi đứng thinh lặng giữa trời. Rét mướt đi giữa cuộc đời. Cõi người ta tái tê, buốt giá và lạnh cóng. Tưởng như không gian xám dư đầy lệ sương sắp đổ tràn xuống con đường trước mặt. Chúng tôi ngồi bên nhau, tay trong tay đầu tựa sát bên đầu. Những người thân đã lâu không gặp có nhiều điều để nói, có nhiều điều để kể, có nhiều điều để tâm sự… Khúc nhạc lòng réo rắt cưu mang giấc mộng tuyệt vời, để trong mơ sống lại thời Nguyễn Du. Những châu ngọc đã có từ, nghìn xưa huyết lệ còn dư âm hồng. Ngàn trùng cõi thế buồn trông, giòng xuôi lịch sử nhòa trong sóng đời. Đoạn trường thanh tiếng than hời, khóc Kiều khóc cả phận tôi phận người. Con thuyền tài mệnh ngược xuôi, từ trăm năm cũ chưa nguôi giọt sầu. Tiếng tự tình vang giữa đêm đông gợi nhớ ngày tháng cũ, gợi nhớ Đà Lạt – thành phố quê hương đã từ rất lâu không mong sum họp.
Đà Lạt bốn mùa khói tỏa, sương lồng, cây xanh, lá biếc. Đà Lạt bốn mùa thi vị, bốn mùa chờ đợi, bốn mùa trời vương màu lam tím nhạt. Những ngọn đèn đường vàng vọt yếu ớt không thể xuyên qua màn sương, tạo thành ánh sáng mờ ảo huyền diệu như đến từ thế giới siêu nhiên nào đó. Ở giữa mặt hồ Xuân Hương gió miên man thổi, khiến lòng người ta cũng như lòng lữ khách đều khát khao giấc mơ gia đình yêu thương. Đàn ngân, tiếng dương cầm thánh thót vang xa…“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu thương. Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha hương. Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà.” Giòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương gợi nhớ không khí ấm cúng của quán Tùng – một quán cà phê mà tên tuổi đã gắn liền với thành phố mờ sương. Cư dân phố núi hay du khách lên chơi Đà Lạt, ai cũng hơn một lần ngây ngất vì hương vị đặc biệt của cà phê Tùng. Người ta thì thầm nói với nhau: Vì có pha hạt cau, nên cà phê Tùng thơm ngon đặc biệt. Thực hư thế nào chưa được kiểm chứng, chỉ biết rõ một điều: Cà phê Tùng là hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của thành đô Đà Lạt.
Mùa đông thành phố cổ Bamberg chìm trong màn sương. Giống hệt như Rôma, Bamberg được xây dựng trên bảy ngọn đồi Cathedral Hill, Michaelsberg, Kaulberg, Stefansberg, Jakobsberg, Altenburger Hill và Abtsberg. Bamberg nằm dọc theo giòng sông Regnitz, giao lưu với nhánh sông Main. Khu phố cổ ước tính có 1,200 di tích, năm 1993 đã được Unesco xếp vào danh sách di sản văn hóa của thế giới. Đứng trước những lâu đài thành quách tuyệt đẹp của Bamberg, chẳng thấy khói hoàng hôn lữ khách như tôi vẫn nhớ nhà. Nhấp môi ly rượu vang nóng, nhớ ly sữa đậu nành đặc sánh thơm mùi lá dứa trên đường Minh Mạng, nhớ gói đậu phộng rang thật giòn thật nóng của ông cụ đẹp lão thường mặc quần áo của đoàn xiếc, chuyên đứng bán trước cửa các rạp hát Ngọc Lan – Ngọc Hiệp. Nhớ trái bắp nướng nóng dẻo của những người bán hàng rong trên vỉa hè Đà Lạt. Nhớ tô mì Quảng có su su hành tím xắt nhỏ trộn lẫn với bắp cải thái mỏng, thêm húng cây, tía tô, chanh cốm, ớt hiểm…Chẳng hiểu sao Bamberg lại khiến tôi nhớ Đà Lạt nhiều như vậy…! Có lẽ cái giá lạnh và sương mờ phủ kín hàng cây chạy dọc theo thành phố cổ đầy di tích lịch sử này, đã khiến tôi chạnh lòng nhớ về thành phố quê hương.
Bamberg mùa đông. Người bản xứ bình thản đi về trên phố thị, tận hưởng những ngày đông chí thanh bình. Bởi vì họ biết cho dẫu giá buốt và lạnh cóng đến đâu đi nữa, cho dẫu không gian xám dư đầy lệ sương có đổ tràn xuống con đường trước mặt, thì ngọn lửa nồng ấm của lò sưởi trong gia đình vẫn đang bùng cháy lên. Chính vì thế họ không sợ khi nhìn thấy đá đóng băng trên cửa sổ, trên kính xe hơi, trên đường phố. Họ cũng không sợ khi thấy tuyết phủ đầy mái ngói. Mùa đông càng khiến họ cảm thấy hạnh phúc vì có một mái nhà ấm cúng, vì được sống trong một xứ sở phồn vinh, thanh bình, thịnh vượng. Tôi chợt nghe nước mắt chảy ngược vào lòng, khi từ Bamberg nhớ về Đà Lạt.

10pm Chủ Nhật ngày 22 tháng 12 năm 2013