Lâu nay em rất thích theo dõi mục TTVV trên baotreonline, nhân năm mới 2014, Giáp Ngọ, em xin gởi đến TTVV câu chúc Tết để gởi đến mọi người, mọi nhà, mọi đôi lứa yêu nhau:
“Mùa xuân xin chúc – Khúc ca an bình – Năm mới phát tài – Vạn sự như ý – Già trẻ lớn bé – Đầy ắp tiếng cười – Trên mặt ngời ngời – Tràn đầy hạnh phúc – Xuân đến hy vọng – Ấm no mọi nhà – Kính chúc ông bà – Sống lâu trăm tuổi – Kính chúc ba mẹ – Sức khoẻ dồi dào – Đôi lứa yêu nhau – Càng thêm nồng ấm – Các em bé nhỏ – Học giỏi chăm ngoan – Chúc Tết mọi người – Năm mới hân hoan – Gặp nhiều niềm vui…”
(Hồ Quang Tiến, Gò Vấp-VN)
Cảm ơn những lời chúc tốt đẹp của bạn.
Sau một thời gian dài “đua tranh”, em chỉ còn hai chàng vào “chung kết”, nhưng cả hai đều có những lời khá sâu sắc làm em phải suy nghĩ. Anh T nói “Nếu không có duyên nợ với em thì anh sẽ không bao giờ tìm đến một người thứ hai nào…”. Anh M nói “Nếu anh không cưới được em thì anh sẽ không còn tồn tại trên đời này kể từ ngày em lên xe hoa…”. Thực tình em nghe ai cũng cảm động và mất ăn, mất ngủ. Bây giờ em cũng chưa biết sẽ “chọn” ai. Nên lấy người mình yêu hay người yêu mình… Xin TTVV cho em một lời khuyên, càng sớm càng tốt nha TTVV?
(Một độc giả, Medford-OR)
Nếu lấy “người mình yêu” thì có thể chỉ lấy một người, còn lấy “người yêu mình” đôi khi phải lấy đến bốn, năm người, có trường hợp sẽ lên vài… tá.
Còn những lời tuyên bố “hùng hồn, hăng hái” kia, em không cần để tâm, bởi đó là chất ngoa ngôn (muôn đời) trong tình yêu, nó mang ý nghĩa phơi bày nỗi lòng, tâm trạng, tuy không phải là giả dối nhưng ít khi có tính khả thi.
Thứ hai, đó có thể xem như những lời có tính “hăm dọa” được cố tình sử dụng như một loại “vũ khí” nhằm gây áp lực. Và một khi đến với nhau bằng sự “áp lực” thì tình yêu đã không còn tồn tại.
TTVV chỉ phân tích vậy thôi, còn lại tùy em quyết định!

Bảo Huân
Bạn em ở Việt Nam, nghe tin em về Tết và biết tình duyên em lận đận, rủ em năm nay đi xin quẻ và cúng xả xui. Em chẳng rõ đó là gì, bạn em giải thích em không hiểu, có phải xem bói không? Nếu xem bói thì em sẽ không đi, vì ở đây em có được “mách nước” đi xem và xin nhiều “thầy” nhưng không kết quả gì, lại mất thì giờ và rất tốn tiền, chưa kể làm em băn khoăn, lẫn lộn đến suy nhược vì mất ngủ…
(Tr. N.H, Lake Mary-FL)
Ông bà thời xưa, vào đầu năm mới, có tục lệ đến các đình chùa dâng lễ, xin một cái thẻ bằng tre viết chữ Hán, trên thẻ thường ghi một câu văn ngắn từ điển tích Trung Hoa. Căn cứ vào đó, người xin có thể luận ra “tiền định” cuộc đời mình trong cả năm. Miền Bắc gọi là “xin quẻ” hay “xin thẻ”, trong Nam gọi xin xăm. Có thể xem là một dạng… tử vi dựa vào lời “sấm” báo điềm lành dữ trong năm.
Nhiều câu “giải” hóc búa đến nỗi chẳng ai hiểu nổi, phải nhờ đến những “học giả” uyên thâm Hán học hoặc thường là các thầy, sư mở “code” dùm.
Ngày nay, người ta thay vào đó bằng những tờ giấy in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn. Thường thì nhà soạn thẻ không muốn mất lòng “thân chủ” và làm họ mất vui nên chỉ “phán” chung chung “Cẩn thận tiền bạc, phòng tránh tai nạn…” và còn lại thường là lời tán tụng, giàu tính khích lệ, “động viên” kiểu như tờ giấy kẹp trong chiếc bánh “Fortune Cookie” ở những nhà hàng Tàu.
Đến nay, nhiều nơi ở Việt Nam người ta vẫn rộn ràng việc xin xăm, xin thẻ đầu năm nhưng có lẽ chỉ mang tính hội hè, đình đám cho vui chứ chẳng còn mấy ai tin vào những lời ghi trên ấy.

Bảo Huân