Nếu như năm trước, chuyên mục từng giới thiệu khuôn mặt trẻ của Nepal là Pushpa Basnet nhận được danh hiệu Hero of the Year 2012 của CNN cho việc mở trường và chăm sóc các em bé có cha mẹ bị cầm tù, thì năm nay chúng ta có thể biết đến một người hùng thầm lặng khác được bình chọn danh hiệu Hero of the Year 2013 là Chad Pregracke – 38 tuổi, một con người và cái tên bình thường như hàng tỉ người khác trên hành tinh này, ngoại trừ một hành động và đeo đuổi cao quý của anh. Trong suốt 15 năm qua, Chad và những thiện nguyện viên trong tổ chức phi lợi nhuận của anh ước lượng đã gom đến 7 triệu cân rác trên dòng sông Mississippi và các giang lộ khác Hoa Kỳ, bảo vệ nguồn cung cấp nước uống cho hàng triệu người dân Hoa Kỳ.

Sinh ra và lớn lên bên dòng Mississippi, Chad có một sự gắn bó và nỗi đam mê cùng dòng sông tuổi thơ của mình. Từ tuổi thiếu niên, những ngày hè của Chad là những ngày làm việc như thợ mò trai cho các hãng chế biến ngọc trai hay đánh cá trên sông. Chính việc ăn ở ngay bên cạnh những dòng sông này mà Chad ghi nhận được một điều rằng, có quá nhiều rác rến lềnh bềnh trên sông mà chưa được mấy ai quan tâm. Từ năm 17 tuổi, Chad đã chính thức kêu gọi các cơ quan chính phủ phải nỗ lực hơn cho việc làm sạch các nguồn nước sạch cho người dân, nhưng dường như lời kêu gọi của anh bị chìm vào quên lãng, hay đơn giản hơn, việc làm sạch các dòng sông chỉ được thực hiện ở một mức độ giới hạn hay khó lòng được thực hiện trọn vẹn. Chad đã chọn cho mình một lẽ sống từ dạo ấy: không ai làm thì chính anh sẽ làm. Năm 1997, nhờ vào một ngân quỹ nhỏ được hãng Alcoa tài trợ, anh tự mình thu gom đến 45,000 cân rác trên sông. Và một năm sau, năm 1998- ở độ tuổi 23, Chad sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Living Lands & Waters, chính thức công việc thu lượm rác trên dòng Mississippi, rồi mở rộng sang các giang lộ trên các con sông khắp nước Mỹ, chọn đây là công việc và ý nghĩa cuộc đời mình.
Chad-pregracke – nguồn getupandosomething-org
Từ một khởi xướng mang tính cá nhân, hiện nay Living Lands & Waters đã quy tụ được đồng sự làm việc toàn thời gian khi nhận được các quỹ tài trợ của chính phủ cùng các tổ chức tư nhân, khi họ biết đến công việc thiện ích của Chad. Mỗi năm, Chad cùng các cộng sự của mình đã sống trên sông nước đến 9 tháng, đi đến nhiều thành phố khác nhau để kêu gọi và tổ chức cho hàng triệu thiện nguyện viên, sinh viên học sinh cùng tham gia thu lượm rác trên sông. Cho đến nay, Chad đã tổ chức được 700 cuộc thu gom rác trên sông cho đại chúng với khoảng 70,000 thiện nguyện viên từng tham gia công việc này. Trung bình, tổ chức của Chad tổ chức được khoảng 70 cuộc thu dọn rác trên sông mỗi năm, thời gian, địa điểm được đưa lên các trang mạng xã hội cùng các phương tiện quảng bá địa phương tại các thành phố thực hiện để các người tình nguyện có thể biết và ghi tên. Living Lands & Waters biến những ngày lượm rác mệt nhọc và không kém phần khó khăn trên sông trở thành một hoạt động vui nhộn và ý nghĩa cho những người tham gia qua âm nhạc, diễn thuyết, các tranh đua như lượm rác nhiều, lượm được rác “đặc biệt”… để những người tham gia có sự hào hứng và kỷ niệm nhớ đời về một hay nhiều ngày đóng góp công ích của mình mà còn trở lại tham gia, hay rủ bè bạn cùng tham gia. Dù ý thức bảo vệ môi sinh khá cao, Hoa Kỳ cũng không tránh khỏi việc rác bị thải ra đầy bất cẩn, trong đó các con sông trở thành nơi thuận tiện để những ai đó, vô tình hay cố ý, dùng làm nơi bỏ rác. Từ chai lọ, giấy vụn, ny-lông cho đến vỏ xe, cửa xe, mui xe, thậm chí cả máy giặt, máy sấy, tủ lạnh… cũng được vớt lên từ các dòng sông, khi những người xả rác nghĩ rằng chỉ một vật nhỏ ném xuống những con sông bao la sẽ chẳng gây ảnh hưởng lớn mà không nhìn thấy được rằng, khi hàng triệu vật được ném từ nhiều nơi, nhiều thời điểm sẽ tích tụ thành những “bãi rác” trên sông. Nên con số cũng đầy ngưỡng mộ và khá bất ngờ: trong 15 năm qua đã có khoảng 7 triệu cân rác được vớt, trong đó đáng kể là có đến 67,000 vỏ xe hơi, 218 chiếc máy giặt và gần một ngàn tủ lạnh đã được câu lên. Hầu hết là những loại rác có thể tái chế. Trong vòng ba năm qua, tổ chức của Chad ghé đến Memphis và Tennessee mỗi mùa Xuân để thu gom những bãi rác dày đặc trên sông quanh các cảng bên dòng Mississippi. Trong lần ghé mới nhất đã thu gom đến 140,000 cân rác trong 14 ngày làm việc.
Một toán dọn rác trên sông Missouri – nguồn loveyoubigmuddy.files.wordpress.com
Không dừng ở việc thu dọn rác trên sông, Chad còn cổ súy và thực hiện việc trồng cây xanh bên các bờ sông để ngăn chận việc xói mòn đất đai, tổ chức các lớp học trên sông cho sinh viên học sinh và giáo viên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh, tác hại của việc ô nhiễm từ rác lên hệ môi sinh của các con sông. Chad cũng viết sách để cổ súy các hoạt động bảo vệ môi sinh này. Hồi năm 2012, Chad và tổ chức của anh đã nhận được giải thưởng danh giá Jefferson Award cho các hoạt động công ích của mình, trước khi nhận được sự bầu chọn là “Hero of the Year” từ CNN và độc giả. Lời phát biểu của Chad khá khiêm cung: “Nhiều người gọi tôi là nhà bảo vệ môi sinh hay nhà sinh thái học nhưng tôi chẳng khác hơn những người khác, tôi chỉ muốn được biết đến như một người làm việc cần mẫn”. Nhưng anh cũng tin rằng, câu chuyện của anh không dừng ở chỗ làm sạch các dòng sông, mà rằng bất cứ một người bình thường nào cũng có thể góp phần thay đổi để đời sống tốt đẹp hơn.
Chad Pregracke nói chuyện với sinh viên tại Black Hawk College East Moline – nguồn Black Hawk College Facebook
Đó cũng là điều mà những người nằm trong danh sách cuối cùng được đề cử vào danh hiệu “Hero of the Year” mà chúng ta có thể cũng nên biết đến và để ngưỡng mộ. Đó là một Dale Beatty, một thương binh trở về từ chiến trường Iraq đã đồng sáng lập tổ chức Purple Heart Homes và khởi xướng chương trình xây nhà hay sửa chữa nhà cho các thương binh Hoa Kỳ, sau khi anh nhận được một ngôi nhà do cộng đồng chung góp tặng để tri ân những hy sinh mất mát của anh. Đó là bác sĩ Cameroon là Georges Bwelle, đi vào rừng sâu mỗi cuối tuần để khám bịnh, chữa trị cho dân chúng thiếu cơ hội được chăm sóc y tế vì từng chứng kiến cha anh cũng từng một thời chịu cùng cảnh ngộ như vậy. Hay đó là Danielle Gletow tại New Jersey, người phụ nữ đã sáng lập tổ chức từ thiện và trang mạng One Simple Wish ( http://www.onesimplewish.org), kêu gọi các mạnh thường quân bảo trợ cho các điều ước nhỏ nhoi như đôi giày chơi banh, món đồ chơi, cái áo sơ-mi dự tang lễ… của các em nhỏ đang sống trong các trại tế bần, thiếu vắng tình thương cha mẹ lẫn vật chất. Hay đó là cô gái người Kenya là Kakenya Ntaiya, người đầu tiên trong làng được du học tại Mỹ và trở về mở trường để dạy cho các bé gái trong làng, một bộ tộc mà chỉ hơn 10 % các em gái được học hết bậc tiểu học. Còn có thể kể thêm nữa, khi đó chỉ là vài trong số những người nằm trong danh sách cuối cùng này.
Chad Pregracke nói chuyện với sinh viên tại Black Hawk College East Moline – nguồn Black Hawk College Facebook
Chương trình “CNN Heroes” được phát hàng tuần trong những tuần chuyển tiếp năm mới cũng là những chương trình cuốn hút khi những câu chuyện thu dọn rác của Chad Pregracke hay của những người được đề cử vào danh sách “Hero of the Year” hàng năm luôn là những câu chuyện đẹp, đem lại nhiều cảm xúc và cảm hứng về cái đẹp của đời sống, được tình cờ biết đến và gởi về CNN. Tất cả những “người nghĩa hiệp” này đều có chung một câu chuyện rằng, họ chỉ là một người bình thường như bất cứ người bình thường khác, chỉ những khát vọng và hành động thiện ích mà họ mang lại cho người khác và cộng đồng đã đưa họ trở thành những nhân cách cao quý và đáng ngưỡng mộ.
Từ trái: Dale Beatty, Georges Bwelle, Chad Pregracke, Tawanda Jones, Anderson Cooper CNN, Estella Pyfrom, Kakenya Ntaiya, Danielle Gletow, Richard Nares, Laura Stachel và Robin Emmons tại 2013 CNN Heroes ngày 19 tháng 11 năm 2013, thành phố New York. Ảnh: Theo Wargo / WireImage
ĐYT