Menu Close

Chảy nước mắt – Đau xương khớp

Tôi có hai (2) câu hỏi  xin nhờ B/S giải đáp dùm:

1. Lâu nay “vài ba năm” tôi hay bị chảy nước mắt khi đi ra khỏi nhà hay vào các trường học để đón cháu nội về, nên cứ bị thiên hạ nghĩ là tôi đang khóc, vì phải dùng giấy facial tissues để lau nước mắt, thiệt phiền quá! Tôi cũng bị chảy nước mắt và nước mũi mỗi khi ăn bất cứ món ăn gì cơm, phở v.v… cho nên đang ăn cũng phải chùi mũi và mắt, rồi còn hỉ mũi tùm lum, thật là khó coi vô cùng. Do đó tôi rất ngại phải đi dự tiệc tùng!!! Xin B/S chẩn đoán dùm.

2. Tôi được biết là B/S cũng là dân CVA nên mạo muội hỏi thăm là lớp ĐỆ NHẤT của B/S là năm nào?Xin chúc B/S và bửu quyến được vạn sự như ý muốn. Nguyễn Xuân đặng

Đáp

Chào đồng môn đàn anh,

Thế này thì tuy không “tha hương ngộ cố tri”, nhưng mà là xa quê “nhận đồng môn” thì cũng rất ư là quý hóa. Bác sĩ Vũ Tiến Thông và chúng tôi cùng học Chu Văn An nhưng bs Thông học trên tôi một lớp ban Toán còn tôi học ban Vạn Vật. Ông học cùng lớp với bs Th, thì ông là đàn anh của tôi. Tôi có nói chuyện với bác sĩ Th sáng nay, bs Thông muốn xin điện thoại của ông để liên lạc.

Còn chuyện chảy nước mắt của ông thì nó cũng có nhiều lý do khác nhau.

Nước mắt tiết ra là nhờ có tuyến nước mắt nằm ở góc ngoài chân mày và ống dẫn nước mắt ở góc trong của mắt xuống dưới mũi. Nếu vì lý do nào đó mà hệ thống này bị kích thích hoặc tắc nghẽn thì nước mắt sẽ liên tục tràn đầy nhãn cầu,

Nước mắt có mục đích để nhãn cầu trơn, mắt chớp lên chớp xuống dễ dàng cũng như để loại bỏ bụi bặm vô tình tấp vô con mắt. Và nước mắt cũng để con người diễn tả những xúc động vui buồn bực bội.

Ở trẻ sơ sinh, ống dẫn bị nghẽn hoặc chưa hoàn thiện, nước mắt bốc hơi đóng ghèn, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó ống sẽ tự động thông mở.

Trẻ em lớn hơn thì do mắt bị dị ứng hoặc bị viêm nhiễm virus.

Còn ở người tuổi cao, chảy nước mắt thường xuyên là do ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn vì:

– Chất nhờn tích tụ lâu ngày từ khi sanh cho tới khi lớn lên;

– Mi mắt lộn ngược vào trong;

– Viêm nhiễm mắt

– Tiếp xúc với chất gây dị ứng mắt;

– Bụi bặm, hóa chất, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường;

– Chắp mi mắt

– Viêm xoang kinh niên;

– Bệnh thấp khớp…

Bình thường, chảy nước mắt tự hết.

Nếu nước mắt kéo dài lâu ngày mà lại kèm theo giảm thị lực, đau nhức quanh mắt, cảm giác như có vật trong mắt… thì nên đến bác sĩ để được khám bệnh, tìm nguyên nhân.

Bác sĩ chuyên về mắt có thể khám coi ống dẫn nước mắt có bị tắc nghẽn. Nếu có, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để thông. Nếu vẫn nghẹt, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nhỏ đặt ống dẫn nước mắt nhân tạo.

Trường hợp của ông xảy ra trong mấy hoàn cảnh hơi đặc biệt thì tôi nghĩ là do dị ứng với chất nào đó. Tôi có một anh bạn học từ thuở nhỏ, mỗi khi ăn phở có chút ớt cay là anh ta nước mắt ràn rụa, hắt hơi, chảy nước mũi.

Vì chảy nước mắt mà phải ngại đi tiệc tùng thì cũng đáng tiếc, vì đã giảm đi một trong tứ khoái rồi, thưa ông.

Mong có cơ hội đồng môn lớp trên lớp dưới gặp nhau, ôn lại trường xưa ở Thụy Khê Hà Nội cũng như Ngã sáu Sài Gòn, cạnh trường Petrus Ký.

Chào bác sĩ Ý Đức

Bà xã tôi bị đau nhức xương khớp từ nhiều chục năm nay. Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, mưa bão là cơn đau nhiều hơn và bà ấy cứ muốn dời nhà về Houston ở với con gái, hy vọng bớt đau nhức. Bác sĩ nghĩ sao, có nên để bà ấy về miền nắng ấm không? Cảm ơn bác sĩ. Lân Vũ-Philadelphia.

Đáp

Thưa ông Vũ Lân

Các cụ ta vẫn thường nói, cứ gần tới cơn mưa là mình mẩy cứ nhức nhối đau đau. Mà chuyện này không phải là chỉ các cụ bên ta, mà các cụ bên Tây cũng than phiền như vậy. Và vì tin tưởng như vậy cho nên nhiều người cũng thiên cư về miền có khí hậu ôn hòa hơn, để bớt đau. Một số quan sát cho hay có tới 70% dân chúng có kinh nghiệm tương tự, nhất là ở giới phụ nữ.

Tuy nhiên chứng minh tương quan giữa khí hậu với đau nhức chưa đưa tới kết luận chính xác.

Nghiên cứu của khoa học gia Edstrom vào năm 1948 cho thấy người bị thấp khớp cảm thấy dễ chịu hơn khi sống nơi có khí hậu ấm áp và khô ráo.

 
Năm 1961, bác sĩ J. Hollander tại Ðại Học Y Khoa Pennsylvania đặt 12 bệnh nhân với viêm khớp và thấp khớp vào trong phòng có kiểm soát thời tiết. Bảy bệnh nhân cho biết dấu hiệu đau và cứng nhắc của khớp xương trở nên nặng hơn khi độ ẩm tăng và áp suất giảm.

Nghiên cứu bên Hà Lan cho hay vào mùa hạ, bệnh nhân bị viêm khớp cảm thấy đau hơn nếu nhiệt độ giảm và độ ẩm tăng.

Nghiên cứu công bố trên tập san Rheumatology bên Na Uy, Thụy Ðiển, Gia Nã Ðại, Do Thái cũng cho hay có ảnh hưởng của độ ẩm, áp suất khí quyển, mây, nhiệt độ và tình trạng gió vào viêm khớp. Nhưng các nghiên cứu nhấn mạnh là thay đổi thời tiết không làm thương tích khớp trầm trọng hơn cũng như không là nguyên nhân gây ra viêm khớp.

Theo bác sĩ Terrence Starz, Giám Ðốc Trung Tâm Viêm Khớp Ðại Học Pittsburgh thì chưa có bằng chứng xác thực rằng di chuyển về nơi có khí hậu khô ráo, ấm áp lại có tác dụng lâu dài trên diễn tiến của bất cứ bệnh cơ bắp xương khớp nào.Vị thầy thuốc này khuyên thêm là vào mùa đông nên giữ thân thể ấm áp, tránh công việc quá sức như xúc tuyết, tránh trơn trượt té ngã. Hơn nữa, dù ta sống ở đâu thì đồng hồ sinh học trong cơ thể cũng thích nghi với khí hậu ở nơi đó.

Ngoài ra, các nhà chuyên môn đau nhức cũng lưu ý ta rằng, dù khí hậu ấm áp và khô ráo có làm bớt đau nhưng không tránh được bệnh. Vì thế, thay vì tham khảo ý kiến chuyên viên dự báo thời tiết thì nên gặp bác sĩ gia đình để được khám chữa đau nhức xương khớp.Chúng tôi cũng có cùng ý kiến như vậy.

Chúc ông bà có nhiều sức khỏe tốt.

NYD