Menu Close

Lấy chồng xa

Tối Thứ Sáu, vừa bật nút chiếc mền điện cho ấm nệm giường, sửa soạn ngả mình đọc sách, thú vui và thói quen cuối ngày của Dế Mèn thì điện thoại reo. Ngó đồng hồ, hơn 8 giờ tối.

Giọng người y tá phòng cấp cứu thúc bách năn nỉ: Bác Sĩ giúp giùm. Hôm nay không phải là ngày làm việc bệnh viện của Dế Mèn nhưng một ca bệnh đặc biệt và người bạn, Phil cần giúp đỡ.  Sau mấy câu bàn thảo qua lại, phe ta quyết định thay quần áo đến bệnh viện.

Bệnh nhân là một phụ nữ nhỏ thó, xanh xao, đến từ Việt Nam mấy tháng nay, bà ấy “đau bụng”, (chief complaint “abdominal pain”). Mái tóc dài cột lỏng bằng sợi dây thun đỏ, bà ta trẻ hơn số tuổi 29 ghi trên hồ sơ. Trong chiếc áo rộng lùng thùng của bệnh viện, phụ nữ này trông càng nhỏ bé, còm cõi hơn.

Người chồng bản xứ ngồi chiếc bên cạnh khuôn mặt buồn rầu, bất an. Ông ta ăn mặc tươm tất, vén khéo, đúng kiểu cách của dân làm việc văn phòng tại miền Đông Bắc. Áo sơ mi xanh cổ bẻ, những chiếc nút cài đúng chỗ. Quần sậm màu, nếp gấp sắc lẻm, nếp quần rơi đúng mức trên vớ. Người chồng có dáng vẻ của một người Hoa Kỳ bảo thủ, conservative, ít ra là về cách ăn mặc.

Ông ta nhắc chừng bà vợ, đừng bỏ chân lên ghế…

Giữa hai chiếc ghế là một khoảng trống cỡ 3 bộ Anh, khoảng cách xa nhất của hai chiếc ghế trong căn phòng hẹp. Đây không phải là hình ảnh gần gũi thân thiết của một đôi vợ chồng

Đoán như thế nên Dế Mèn chọn việc hỏi riêng bệnh nhân để lập bệnh sử sau khi mời ông chồng ra ngoài phòng đợi. Câu chuyện không mấy vui vẻ. Bệnh nhân bỏ ăn hai ngày vì bụng đau “lâm râm”, không có triệu chứng nào khác. Thân nhiệt bình thường, nhịp tim, huyết áp cũng bình thường. Nghĩa là Dế Mèn chưa đoán ra nguyên nhân của cơn đau bụng kia, chẳng có dấu hiệu bệnh tật gì khi khám bệnh.

 

alt

Thắm Nguyễn

Tại sao đến bệnh viện vào buổi tối Thứ Sáu như thế này mà không phải là Thứ Năm, buổi sáng hoặc buổi chiều tại văn phòng bác sĩ gia đình? Cái gì đưa đôi vợ chồng này đến bệnh viện đêm cuối tuần ngoài cơn đau-bụng- “lâm râm”-hai-ngày kia?

Khi phe ta hỏi chi tiết thì người đàn bà trẻ bật khóc nức nở. Hình như biển nước mắt kia đã đầy ứ, chỉ cần một kẽ nứt là các dòng nước mắt tuôn tràn, ào ạt như không thể ngăn giữ. Cơn khóc kéo dài hơn 3 phút cô gái mới có thể tiếp tục câu chuyện.

Cô gái đến từ miền biển, làm việc cho một công ty du lịch và quen biết người chồng khi ông ta làm một chuyến đi chơi xa. Cupid bắn một mũi tên quá nhọn?

Họ liên lạc qua lại bằng thư từ, điện thoại cho đến ngày người đàn ông trở lại. Mối tình qua thư tín dẫn đến hôn nhân sau một năm rưỡi. Và người con gái xuống thuyền sang sông, không phải, sang một đại dương mênh mông là biển Thái Bình.

Chuyện tình tất nhiên là khác xa với đời sống hôn nhân. Đất lạ, người lạ, ngôn ngữ, phong tục, tập quán đều xa lạ, cô gái kia hoàn toàn cô lập với xã hội chung quanh. Ra vào lủi thủi khi người chồng đi làm vắng nhà và không gần gũi với gia đình chồng.

Cuộc hôn nhân khởi đầu bằng những ngày không mấy ấm áp, ngoài trời lại đông đá ủ ê sầu thảm, chẳng trách người phụ nữ kia rơi vào trạng thái u sầu tuyệt vọng. Việc bỏ ăn dường như là một phản ứng của cơ thể, khi mọi cảm giác đông cứng như tuyết đá ngoài trời.

Nghe đến đây thì Dế Mèn hiểu là tình trạng bệnh tật của bệnh nhân này nằm ngoài khả năng mình, về chuyên môn cũng như thời giờ nên ngẫm nghĩ cách giải quyết. Có lẽ Dế Mèn là người đồng hương đồng khói đứng trước mặt mà cô ấy có thể kể lể chuyện riêng tư.

Làm thế nào để giúp đỡ cô gái này? Khả năng sinh ngữ đủ để làm việc sinh sống ở quê nhà nhưng không giúp gì cho cô ta trong việc diễn tả ý tưởng với người chồng mới cưới. Ngoài những lá thư tình tứ, họ vẫn chưa “biết” nhau, biết đủ để cảm thông và giúp đỡ nhau trong đời sống chung.

Trước khi đi tìm bác sĩ tâm lý để chuyển bệnh, biết rằng đồng nghiệp sẽ cần những chi tiết căn bản về bệnh nhân nên Dế Mèn chọn việc lập một bệnh sử đầy đủ chi tiết.

Dế Mèn nói ra ý nghĩ của mình về việc giới thiệu đến bác sĩ tâm thần. Cô gái nhìn Dế Mèn, vẻ thất vọng hiện rõ trên mặt:

– Cô không giúp em được?

Làm thế nào để giải thích cách làm việc của bệnh viện ở đây trong vòng 5 phút? Giải thích về việc Dế Mèn đến đây khám bệnh và trò chuyện với cô ấy là việc thiện nguyện, bạn bè cần thì phụ một tay? Và Dế Mèn không đủ khả năng chữa trị, theo dõi một người bệnh cần được quan tâm rất nhiều như cô ấy?

Dế Mèn ậm ừ rồi nhỏ nhẹ nói rằng chữa trị bệnh tâm thần không phải là nghề chuyên môn, nhưng sẽ giúp đỡ với việc thông dịch.

Người đàn bà trẻ ngưng khóc, tay để xuôi trên đùi, mắt nhìn xuống đất, cam chịu, buồn rầu.

Hình ảnh nhẫn nhịn kia khiến phe ta chạnh lòng. Đã đến đây thì ta hỏi thăm luôn người chồng để tấm ảnh nhân duyên có đủ hai mặt. Dế Mèn nói ra ý nghĩ của mình, cô gái gật đầu đồng ý. Chờ đợi.

Câu chuyện với người đàn ông không mấy dễ dàng. Ông ta kể chuyện một cách khó khăn như đang nghẹn ở cổ một cục than đỏ hồng.

Bắt đầu là cái đám cưới từ Việt Nam, mang vợ về quê hương, ngày trăng mật kết thúc nhanh chóng, người đàn ông đối mặt với đời sống vật vã chung quanh. Mệt mỏi. Gia đình ông ấy không mấy ấm áp với một phụ nữ dị chủng, không thể giao tiếp vì trở ngại ngôn ngữ… nên mùa lễ vừa qua đôi vợ chồng lủi thủi bên nhau.

Người vợ nhớ nhà than khóc rầu rĩ, suốt ngày ôm điện thoại nói chuyện gia đình. Người chồng mệt mỏi, buông xuôi.

Những thói quen bây giờ chung sống mới có dịp bộc lộ tỏ rõ, cách ăn uống, đứng ngồi của cô gái xa lạ trở thành đề tài bàn tán của gia đình chồng. Hai thế giới khác biệt, cô gái dưới mắt gia đình chồng là một kẻ kém cỏi, thô lậu, không tương xứng với vị thế của người đàn ông. Nhà chồng không chấp nhận cô dâu mới.

Người đàn ông cắn chặt hai hàm răng sau mỗi câu nói như thể ông ta đang đè nén sự khổ tâm của mình. Hình như ông ấy cũng đau khổ không kém người vợ đang ngồi trong phòng bên cạnh.

Đời sống gia đình u ám, hai nhân vật chính không bất hòa nhưng họ bất đồng trầm trọng, và cả hai cùng sầu não như nhau.

Lấy hết can đảm, Dế Mèn hỏi người đàn ông trước mặt rằng ông ta muốn gì? Mong mỏi những gì sẽ xảy ra? Người chồng ngó vào thinh không: Tôi không biết! (I don’t know). Phe ta nghe một câu trả lời ngoài sự tiên liệu. Ngỡ ngàng.

Khi người ta không biết mình muốn gì thì chẳng mấy ai có thể giúp họ ra khỏi trạng thái trầm luân kia.

Câu chuyện ngưng ở đó, nặng nề, thê lương.

Dế Mèn thấy trước mặt mình là núi đá, chưa tìm ra lối mòn qua núi. Ta tiếp tục tìm đường vòng hay trở về chỗ cũ?

Trên hồ sơ bệnh lý, bây giờ là mấy chữ vắn tắt chuyển bệnh đến bác sĩ tâm thần. Và chỉ có người vợ là bệnh nhân. Trong chương trình trị liệu kia, cô gái nọ đi một mình, như cô ấy đã đi một mình từ Việt Nam qua đây.

TLL