Từ năm 2005 tới nay, cứ hai năm một lần, vào dịp cuối năm dương lịch, Đà Lạt lại tổ chức Festival hoa. Lần này, ngoài festival hoa, Đà Lạt còn tổ chức thêm hai sự kiện khác: ‘Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt’ và ‘Năm du lịch Tây Nguyên 2014’.

Theo các thông tin đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí thì lễ khai mạc ba sự kiện lớn sẽ chính thức diễn ra tại quảng trường Lâm Viên vào tối ngày 27/12 với sự tham dự của dân chúng dự trù lên tới 12,000 người. Nhưng theo phản ảnh của nhiều dân địa phương thì đến cận ngày khai mạc, xe ủi vẫn còn ầm ì bạt đất phía cuối Hồ Xuân Hương khu mua bán hàng lưu niệm, chợ Đà Lạt vẫn xám xịt, cũ kỹ, khu Hòa Bình vẫn chưa ‘thay áo’, nhiều con đường vẫn im ắng, vắng hoe.
Chỉ mới vài trọng điểm như bùng binh dẫn vào chợ dưới, đoạn đường dốc ngắn từ chợ dưới lên khu Hòa Bình (bây giờ là đường Lê Đại Hành) được trang trí với xe ngựa và những chậu hoa trạng nguyên, xác pháo, cát tường, phong lữ thảo đỏ rực. Cánh báo chí cứ nhè đoạn đường này mà ‘chộp’ ảnh, rồi hô hoán ầm ĩ “Cả Đà Lạt đang tưng bừng khoe sắc”, báo hại bà con Sài Gòn tưởng thiệt, cuống quýt kéo nhau lên. Trên quốc lộ 20 dài 300 cây số, ngang đoạn Bảo Lộc thấy hoa quỳ khoe màu vàng bạt ngàn, ấm áp, tim gan dân cựu Đà Lạt, không hẹn mà nên, đều xao xuyến, rung rinh. Tới cây xăng Kim Cúc cũ, rẽ trái vào đường Trần Phú, qua Đài Phát thanh cũ, nhà thờ Con Gà, thư viện cũ, trước sự hiện diện đáng yêu của hàng loạt hoa hồng, cẩm tú cầu, xác pháo, mimosa, hoa đào, nhiều người hào hứng đồng ca ‘ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa…’ mà không biết những cây này không phải ‘ăn theo’ lễ hội mà ngày thường vốn đã tươi đẹp vậy.

Biểu tượng ngựa xanh (nhân năm Giáp Ngọ), do Đà Lạt Hasfarm tài trợ cho Festival hoa Đà Lạt 2013
Năm nay, mùa đông, cả nước lạnh… rụng tai. Sa Pa tuyết dầy cả tấc, Cao Bằng, Lai Châu, sương muối mù mịt. Đà Lạt tuy không giá buốt như miền Bắc nhưng từ năm giờ chiều đổ đi, khi nắng tắt, nhiệt độ cũng xuống nhanh, chỉ còn suýt soát 10 độ. Vì thế, tối ngày khai mạc lễ hội 27/12, nhiều người dân ở Hà Đông, Thái Phiên, Lạc Dương đã ngồi nhà xem qua ti vi thay vì đến tận nơi, chen vào chen ra, vừa mệt nhọc, rét mướt, vừa khó bề gửi xe lấy xe. Trong tâm trí họ, những người nông dân gắn bó với đất đỏ cao nguyên Lang Biang nhiều đời, đêm khai mạc chắc sẽ nhiều cảm xúc, vì sẽ có hoạt cảnh tái hiện cảnh Đà Lạt 120 năm trước, thời chỉ có rừng già và dân bản địa- người Lạch, người K’Ho, thời dân Hà Đông đem giống hoa từ miền Bắc vào, khai phá đất hoang, lập ấp trồng hoa. Nhưng khác với mong chờ, những tiết mục đêm khai mạc chẳng có gì nổi bật. Các màn bắn pháo hoa, trình diễn cồng chiêng, đồng diễn, múa hát, xe hoa diễn hành, cũng nhạt như nước ốc. Đã vậy phần giới thiệu nghèo nàn, rời rạc, không theo sát sự kiện. Trên tivi, nét mặt các diễn viên người Ê Đê (Đắc Lắc), Ba Na (Kon Tum), M’ Nông (Đắc Nông), K’Ho (Lâm Đồng) hiện rõ nét mệt mỏi, vô cảm thay vì sự hãnh diện như lẽ ra phải có trong một lễ hội.

Công nhân chăm sóc hoa trước giờ khai mạc triển lãm trong Vườn Hoa Thành Phố
Tẻ nhạt không kém lễ khai mạc đêm 27, là cuộc triển lãm hoa tại Vườn hoa Thành phố. Cổng chào vẫn cũ kỹ như mọi năm, không có gì sáng tạo. Bên trong, cũng vẫn cảnh ‘cắt đất phân lô’ cho các địa phương tham gia. Mỗi địa phương phải tự túc mọi mặt. Ở xa như Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang…do chi phí vận chuyển cây cảnh, đá cảnh… quá cao, cộng thêm tiền mặt bằng, thuế má… đã tỏ ra đuối sức rõ rệt. Gian trưng bày của họ khá nghèo nàn, buồn tẻ. Có vẻ như du khách thích ghé thăm các gian hàng của các ‘anh thầy đồ’ viết thư pháp bằng bút lửa, vẽ ký họa chân dung, khắc tượng thờ trên đá màu hơn. Khác vẻ thờ ơ của dân địa phương, vẻ dửng dưng của dân ‘đi riết quen mặt’, những du khách lần đầu đến với hội hoa, có vẻ ‘very nai’ rất dễ nhận ra. Theo anh Tuấn, thợ chụp ảnh cắm chốt trong Vườn Hoa Thành Phố diễn tả, thì ‘ngang qua những tiểu cảnh hoa tulip đủ mầu, (do Đà Lạt Hasfarm tài trợ) các du khách đều đứng sững người, nhìn mê mẩn, miệng rên rỉ ‘trời ơi, hoa gì mà nhiều vậy, đẹp vậy nè trời’. Mỗi tấm ảnh chụp lấy liền, ép plastic hẳn hoi, bằng giá ngày thường, bằng giá các tỉnh thành khác, nghĩa là 20,000 đồng một tấm. Giá vé cổng cũng rất mềm, 20,000 đồng một người, bất kể là người Ta, người Tây hay người Tầu (trẻ em được miễn vé). Nhân nói người Tây, mới thấy lạ ở chỗ, mọi kỳ lễ hội trước, Tây khá đông. Kỳ lễ hội này, mười khách du lịch thì hết tám chín là mũi tẹt da vàng, không thấy mũi lõ mắt xanh đâu cả.

Chợ Đà Lạt dịp Festival năm nay, có phần nghèo nàn, cũ kỹ hơn bốn chục năm về trước
Hai ngày 28, 29, nhằm hai ngày weekend, lượng khách Sài Gòn đổ lên Đà Lạt được cho là tới 200,000 người. Giá phòng vì thế đang 300,000 đồng một ngày lên gấp năm lần. Những ‘con đường phòng trọ’ như đường Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Cường Để, Duy Tân, Đoàn Thị Điểm đều quá tải (các đường này, trong bài viết đều gọi theo tên cũ, để khách xa dễ nhớ ra). Giá cả ăn uống, xe cộ, hàng lưu niệm tăng vọt. Du khách có mấy địa điểm du lịch: Ngoài bùng binh Lâm Viên, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc lễ hội và Vườn hoa Thành phố với triển lãm hoa và sinh vật cảnh thì còn Ga Đà Lạt với phiên chợ tour, triển lãm ảnh nghệ thuật, ngày hội sinh viên khoa Du lịch, đêm ca nhạc chủ đề ‘Đa Lạt- những câu chuyện tình’. Khu Hòa Bình với phiên chợ hoa, đêm phố ẩm thực, lễ hội rượu vang (5.000 lít rượu vang…chùa, chua như giấm, đã được uống hết), chương trình ca nhạc countdown vào đêm Giao Thừa 31/12….
Tới sáng ngày 30 tháng 12, trước ngày bế mạc một hôm, Đà Lạt đang ở vào thời điểm đẹp nhất của lễ hội- Trời nắng đẹp, lạnh nhưng không buốt.Đường Phan Đình Phùng, Hồ Xuân Hương, Trần Phú, Lê Đại Hành…dẫn tới các điểm chánh đều ‘thình lình sạch sẽ’,‘thình lình đẹp đẽ’.
Nhìn chung, hệt như đám giỗ nhà quê. Vợ chồng nhịn ăn, bóp miệng con cái đãi khách. Bàn nào cũng ê hề, thừa mứa nhưng xoàng xĩnh, vụn vặt, không món gì ra món gì. Chỉ giỏi quảng cáo.

Chuẩn bị gửi thông điệp theo bóng lên trời
Khu Hòa Bình, ‘đông’ như chùa Bà Đanh, sáng ngày 30/12
Đoạn đường hoa đẹp nhất Đà Lạt- đường Lê Đại Hành (ngang tiệm kem Việt Hưng cũ) cũng chỉ thế này.
Một gian hàng thư pháp