Menu Close

Khán giả của vở kịch “Trái tim trong trắng”

“Trái tim trong trắng” là một vở kịch của Lưu Quang Vũ, một kịch tác gia miền Bắc có ý thức nhìn vào những sự thật của xã hội, trong thời kỳ rất khép kín của xã hội Việt Nam, trước đổi mới. Cái chết của ông, cùng vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh, và con trai, trong một tai nạn ô tô, đã đặt ra nhiều nghi vấn đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Vở kịch này kể câu chuyện về một người bị kết án oan. Đài truyền hình trong nước chiếu. Máy quay không chỉ quay những cảnh trên sân khấu mà còn cả những cảnh khán giả ngồi xem vở kịch.

 Nhân vật chính bị kết án oan do người điều tra ép cung. Nhân viên điều tra cho bắt ông bố ốm đau của người thanh niên, dùng ông để ép anh con trai phải nhận tội giết người. Bởi nhân viên kia cần có một tội phạm, anh ta cần có người nhận tội, và quy định trong thời hạn mười ngày phải tìm ra thủ phạm. Tất cả những điều đó đã đẩy một người vô tội đến chỗ “có tội”. Anh thanh niên tưởng việc mình nhận tội sẽ cứu được bố, nhưng bố anh ta bệnh tim, đã đau buồn mà chết đúng vào ngày anh bị kết án. Tại tòa án, sau khi được người yêu cho biết bố đã chết, anh ta phản cung, cương quyết nói rằng mình không giết người. Nhưng tòa vẫn phán quyết như cũ. Anh ta vào tù.

Máy quay lia vào khán giả, một vài người lau nước mắt. Người xem ti vi, nhìn những giọt nước mắt đó tự hỏi, họ có thể khóc vì những gì diễn ra trên sân khấu. Nhưng không biết trong số khán giả đó bao nhiêu người khóc khi nghe tin những Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Đinh Nguyên Kha, Cù Huy Hà Vũ bị kết án vì những hoạt động đấu tranh cho dân chủ, cho quyền con người, và cho sự công bằng? Bao nhiêu người khóc khi biết tin mẹ Tạ Phong Tần tự thiêu chết?

Người ta vẫn còn có thể khóc cho những gì diễn ra trên sân khấu. Vậy có thể hy vọng nước mắt còn tiếp tục nhỏ xuống cho những việc diễn ra ở ngoài đời: những người bị nạn bị bỏ mặc cho chết trong khi công an điềm nhiên đứng thổi phạt, những trẻ sơ sinh bị bỏ chết thường xuyên nơi bệnh viện, những con người đạo đức và can đảm bị tống giam oan uổng còn hơn cả anh thanh niên trong kịch, những người nông dân tự tử mà vẫn không giữ được đất của mình…?

Kịch Lưu Quang Vũ kết thúc có hậu. Kẻ giết người thực sự sống trong giày vò của lương tâm và cuối cùng quyết định nhận tội. Nhân viên tòa án nhận ra sai lầm của mình. Nhân vật chính được trả lại tự do sau 5 năm tù đày. Lương tâm được xiển dương trên sân khấu.

Bao nhiêu người ngồi xem ở dưới nhìn lại lương tâm mình? Trong số họ có ai là thẩm phán, là công an, là nhân viên tòa án, là luật sư bào chữa? Bao nhiêu người trong số họ nhìn thấy hình ảnh mình trong vở kịch đó?

Kịch Lưu Quang Vũ diễn trong thời buổi này cho ta thấy toàn bộ chất lãng mạn, nếu không muốn nói là lãng mạn cách mạng, của ông. Niềm tin vào con người chói sáng trên sân khấu. Nhưng bao nhiêu năm sau khi vở kịch của ông ra đời, thực tế ngày nay còn kinh khủng hơn nhiều so với những gì mà ông từng đưa lên sân khấu. Ngày nay lương tâm còn tồn tại không? Nếu ta có thể giả định: nếu bây giờ Lưu Quang Vũ vẫn còn sống và viết, vở kịch này sẽ được viết như thế nào?

Có một cảnh ông chồng cán bộ huyện bị vợ từ bỏ sau khi ném thẳng vào mặt ông ta: «ông là người không có tim». Ông ta sờ lên ngực và nói: «không có tim thì là gì đây?», trên ghế khán giả nhiều người cười. Bao nhiêu người trong số đó chịu đưa tay lên ngực mình để biết trái tim trong đó đập theo kiểu nào? Có thật nó còn đập theo kiểu một trái tim?

Than ôi, văn học nghệ thuật! Chúng ta vẫn viết, vẫn viết về những điều tốt đẹp, và thực tế thì cứ ngày một tồi tệ đi, con người ngày một vô cảm hơn, tội ác ngày một nhiều hơn.

Sáng hôm nay ở một quán cà phê, chúng tôi ngồi nói về thi ca, nhưng ngoài kia có những người bị đánh đập tàn nhẫn phải vào viện. Cái lý nào cho sự tồn tại của thơ ca đây? Thử đặt tay lên ngực mình xem trái tim của chúng ta ở đâu?

alt

Lưu Quang Vũ, con trai và vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh – nguồn laodong.com.vn

NTTH