Menu Close

Làng Tân Bình và việc lập vườn trồng cam quýt ngày trước – Kỳ 1

Theo sách vở, “Năm Minh Mạng thứ 17, mỗi làng phải lập môt địa bộ gồm ba bổn giống nhau gọi là Bổn Giáp (gởi về Kinh đô), Bổn Ất (giữ tại tỉnh) và Bổn Bính (giữ tại làng). Trường hợp làng Tân Bình, theo bổn địa bộ Minh Mạng hồi xưa gọi là thôn Tân Bình, thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng Lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang… Tổng cộng các hạng điền thổ làng Tân Bình là 208 mẫu. Trong số này ruộng canh tác gồm 88 mẫu; 19 mẫu thảo điền và 69 mẫu sơn điền… Đây là một làng thuộc tỉnh An Giang, thành lập từ đời Gia Long, nên dân lậu rút bớt qua các làng tân lập, khiến các chủ điền vì sợ đóng thuế không nổi nên hiến cho làng làm công điền, một số đất khác thì lần hồi canh tác rồi cũng bỏ hoang. Đất thiệt trưng, tổng cộng 165 mẫu, trong đó “điền”(đất làm ruộng) 58 mẫu, và “thổ” (các loại trồng tỉa khác) là 106 mẫu… “(1)

alt

Cầu rạch Tân Bình ngang nhà Út Phước do dân làng góp công bắc năm 1990

Theo như lời các vị bô lão trong Ban Tế Tự Đình Thần làng những năm 1958, 1959, thì vào khoảng năm 1955 hoặc 1956 chính quyền lúc bấy giờ lấy làng Tân Bình sáp nhập với làng Tân Thạnh lập thành một làng mới và lấy hai chữ cuối “Bình” và “Thạnh” ghép lại thành làng “Bình Thạnh Trung” từ đó đến nay. Làng Bình Thạnh Trung hồi đó Bắc giáp hai làng Hội An Đông và Mỹ An Hưng (Lấp Vò, Sa Đéc); Tây giáp với làng Hòa Bình (Chợ Mới, An Giang); Nam giáp với làng Bình Thành Đông (2) lấy kinh Xáng Lớn chạy cặp liên tỉnh lộ số 8 làm ranh giới; Đông giáp với làng Vĩnh Thạnh (Lấp Vò).

alt

Cổng chùa Tân Phước Tự (làng Tân Bình, nay là làng Bình Thạnh Trung) xây cất từ năm 1956 – ảnh Tr Nh và Kh

Thường thường mỗi làng quê miền Tây, đường làng có con lộ chánh và lộ phụ. Con lộ chánh của làng Tân Bình trước kia là con lộ đất với nhiều con mương cắt ngang đường làng và được dân chúng bắc cầu bằng vạc tre hoặc lót ván tạp để tiện bề đi lại. Còn con lộ phụ thì toàn là cầu khỉ, không có cầu ván như con lộ chánh phía bên kia sông. Ngang rạch Tân Bình từ vàm chí ngọn chỉ bắc vài ba cây cầu khỉ như cầu ngang nhà chị Năm Thạnh gần vàm Tân Bình; rồi dài vô tới trong làng có các cây cầu khỉ bắc qua sông như cầu gần vàm Rạch Dược, cầu ngang trụ sở xã gần Xáng Nhỏ, dân làng quen gọi cầu xã; cầu gần chợ Bàu Hút. Mãi tới khoảng năm 1959-1960 các cây cầu khỉ này mới bắt đầu xây cất lại bằng xi măng cốt sắt nhưng sau này các cây cầu đúc này đều bị lún và hư hại nhiều vì chất liệu non kém nên dân làng tự động chung góp tiền bạc bắc cầu lại bằng ván căm xe và cà chất, hai loại cây chịu đựng được với thời tiết nắng mưa vùng nước ngập này. Ngày nay thì đường làng có khác hơn trước và các cây cầu ván cũng lần hồi được thay bằng các cây cầu đúc chắc chắn hơn; riêng cây cầu ván ngang nhà Út Phước vẫn còn nhưng cũng phải tu bổ lại nhiều bận vì cây gỗ yếu một phần, phần khác mỗi lần có xáng vào nạo vét lòng rạch Tân Bình, cầu bị dỡ lên rồi lại cắm xuống làm chân cầu cũng bị yếu đi rất nhiều.

alt

Chùa Tân Phước Tự ngày nay đang trùng tu lại, mặt tiền chùa xây cất hồi năm 1956 giờ mất dấu với thời gian qua rồi hơn nửa thế kỷ.

Về tín ngưỡng, làng Tân Bình có hai ngôi chùa Phật Giáo: Chùa Tân Phước Tự ở Rạch Dược và chùa Phật ở Xẻo Tre trên trục lộ từ chợ Cũ lên hướng xã Hội An Đông. Hồi đời xưa chùa Xẻo Tre bằng tre lá còn rất nghèo nằm ngay ranh làng. Gọi chùa Xẻo Tre vì chùa nằm ngay vàm rạch Xẻo Tre giống như chùa Tân Phước Tự còn được dân quê quen gọi là chùa Rạch Dược vì chùa nằm ngay vàm Rạch Dược. Nay thì chùa Xẻo Tre có tên là chùa Thiên Phước thuộc làng Hội An Đông và được kiến thiết lại với tường gạch cao ráo, khang trang. Riêng chùa Tân Phước Tự qua hơn nửa thế kỷ cổng chùa vẫn còn đứng nguyên như cũ kể từ ngày được dân làng tu bổ lại sau khi tản cư trở về năm 1956. Hồi đời trước từ cổng chùa chạy dài tới sân chùa hai bên lối vào là hai hàng cây cau song song thẳng tắp. Quanh chùa là vườn xoài, vườn trúc và vườn sao cao ngất do các bậc tiền hiền cùng dân chúng trong làng người một tay góp sức làm công quả, trồng trọt. Có một thời thân sinh tôi làm thủ quỹ cho chùa những năm mới trở về sau thời gian dài tản cư chạy giặc về quê ngoại trên làng Mặc Cần Dưng, lúc bấy giờ chùa rất trầm mặc nhưng sung túc; thiện nam tín nữ đến làm công quả vào những ngày 30 và rằm lớn rất đông. Ngoài ra chùa có đất làm ruộng nữa nên chùa lúc nào cũng có đủ lúa gạo ăn hằng ngày và các kỳ trai đàn chẩn tế mà không phải quyên góp trong làng.

alt

Chùa Xẻo Tre làng Tân Bình (nay là chùa Thiên Phước thuộc làng Hội An Đông) – ảnh Tr Nh và Kh