“Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Trong quan hệ giữa con người với nhau, chào có lẽ là nghi thức tối thiểu nhất. Chào, chung quy có hai mức độ: tự nhiên và chuẩn tắc. Chào tự nhiên gần như là một phản xạ bản năng của con người khi gặp đồng loại, như nở một nụ cười, gật đầu, vẫy tay,…Chào chuẩn tắc là cách chào đã được chuẩn hoá thành các động tác và lời nói chuẩn mực mà hầu hết mọi người trong cộng đồng đều tự nguyện tuân theo để sử dụng trong giao tiếp. Bài viết này chủ yếu để nói về cách chào đã thành nghi thức truyền thống.
Chào thường gồm hai phần: phần động tác và phần lời nói, nhưng quan trọng nhất là phần động tác bởi nó mang tính biểu trưng cao và không bị cản trở do bất đồng ngôn ngữ. Ở mức độ phổ quát, chào có lẽ mang ý nghĩa như một sự thông báo đơn giản về mối quan hệ giữa con người. Hai người gặp nhau mà không chào thì hoặc là họ hoàn toàn xa lạ hay nếu đã có quan hệ trước đó thì bây giờ gần như họ đã cắt đứt. Ở tầng nấc sâu hơn, chào còn thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn,…
Trong văn hóa của một dân tộc, cách chào là phần giản dị nhất nhưng mang nhiều ý nghĩa khởi nguyên. Đó là yếu tố đầu tiên mà ta bắt gặp khi đến một đất nước hay cộng đồng nào đó. Một cách chào độc đáo và thân thiện có khi còn gây ấn tượng lâu bền hơn là các kỳ quan hay các món ăn nơi đó. Bởi vậy cách chào cũng góp phần tạo nên sự độc đáo cho một nền văn hóa.
Cách đây ít lâu, có một mẩu tin trên báo nói về giới trẻ Nhật đang quay lại học cách chào truyền thống của dân tộc họ.
Trước đây tôi đã từng ngạc nhiên về trà đạo của người Nhật. Chỉ là việc uống trà mà người Nhật đã tạo nên một chuỗi những nghi thức tượng trưng đạt đến mức “Đạo”. Bởi vậy khi nghe nói về việc học cách chào, tôi không khỏi tò mò tìm hiểu. Và quả thật, nó chẳng kém gì trà đạo về mặt biểu trưng nghi thức và tính triết lý sâu sắc. Và nó cũng xứng đáng được gọi là “Đạo”.
Cách chào của người Nhật được gọi là Ojigi hay “cúi chào”. Đây là những quy định nghi thức khá phức tạp và nhiều cấp độ, từ gật đầu chào cho đến cúi gập người để chào. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, vào vị thế của người được chào và vào giới tính của người chào là nam hay nữ. Nói chung, nếu vị thế người được chào cao hơn (như người lớn tuổi hơn, đáng kính trọng hay sếp) thì độ gập người càng sâu. Ojigi không chỉ dùng để chào khi gặp nhau mà còn để cảm ơn hay xin lỗi.
Đó là cách chào của người Nhật và cần phải được học thì mới sử dụng đúng đắn. Người Triều Tiên cũng có cách chào na ná như vậy.
Nếu như cách chào của dân tộc Nhật thể hiện sự chặt chẽ tôn ti theo kiểu nho giáo Á Đông thì hầu hết các dân tộc khác có cách chào trung tính, đơn giản hơn nhưng cũng không kém phần độc đáo.
Những người Lào, Miên, Thái, Miến… khi gặp người khác đều chắp hai tay trước ngực rất dễ thương để chào. Cách chào này tuy không cầu kỳ phức tạp đến mức phải học mới biết như của người Nhật, nhưng nó rất thân thiện và dễ gây cảm tình.
Ở Phi Luật Tân khi những người trẻ chào người lớn tuổi hơn, họ phải cúi thấp xuống, nắm tay phải của người già bằng tay phải của họ và đưa tay lên sao cho các đốt ngón tay của người già chạm vào trán của người trẻ. Cùng một lúc, họ phải nói: “mano po” (“mano” là tay còn “po” là kính trọng).
Người dân ở Greenland và người Eskimo có cách chào gọi là kunik: hai người gặp nhau sẽ ấn mũi và môi trên vào nhau.
Ở Tuvalu, một hòn đảo thuộc Polynesia, nếu muốn chào nhau, người dân sẽ áp mũi vào má người còn lại và hít thật sâu.
Ở một số dân tộc người Tạng (Tây Tạng), thè lưỡi là cách chào hỏi thân thiện.
Thổ dân Maori ở New Zealand có cách chào truyền thống được gọi là “hongi”. Hai người mới gặp sẽ phải cọ mũi vào nhau để cảm nhận hơi thở sự sống từ người còn lại, họ cho rằng hơi thở là do Chúa Trời ban tặng.
Cách ôm hôn của người phương Tây cũng rất đặc biệt, nó gần như là hành vi “cảm thông ngay lập tức” khi mới gặp nhau. Cách chào này không chỉ giúp xoá bỏ “khoảng cách tự nhiên” giữa 2 cá thể độc lập mà nó còn xóa bỏ các “khoảng cách nhân tạo” như giai cấp, giàu nghèo… Đây có lẽ là cách chào chân thật nhất, vượt lên trên tính chất hình thức của lễ tắc.
Nói chung, một dân tộc hay cộng đồng nào cũng có cách chào của mình, đó là cách tối thiểu nhất để gắn kết các thành viên với nhau.
Còn chúng ta, những người Việt, chào nhau thế nào?
Dù xấu hổ, nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta chẳng có cách chào của riêng mình.
Hồi còn học tiểu học (tôi học sau 75), một vài thầy cô giáo già thuộc thế hệ trước 75 đã dạy cho những đứa trẻ chúng tôi cách chào “vòng tay” khi gặp người lớn. Tôi nhớ, hồi đó mỗi lần đi học hay lúc trở về, tôi phải vòng tay thưa ông bà, cha mẹ. Hoặc nếu nhà có khách thì phải lễ phép đứng vòng tay chào khách. Ra đường gặp người lớn cũng phải chào như vậy. Hay gặp đám tang phải đứng nép sát vào lề, bỏ mũ xuống,…
Tất cả những nghi thức đó chỉ vài năm sau là không còn nữa. Khi những thầy cô giáo già nghỉ dạy, những cách chào đó cũng theo họ mà ra đi.
Bây giờ gần như người Việt chỉ chào nhau bằng lời nói mà không có phần động tác. Khi gặp nhau, thì nói “chào bác, chào chú, chào anh,…” tùy theo đối tượng mà xưng hô cho phù hợp. Những người cần gặp nhau về công việc thì bắt tay như cách của người phương Tây. Việc thiếu một động tác chào truyền thống cũng gây ít nhiều phiền toái. Tôi đã từng lúng ta lúng túng khi phải chào trước nhiều người. Lúc đó chẳng biết làm cách nào cho đủ sự tôn trọng trước đám đông.
Nhưng không chỉ gây nên sự bất tiện, việc thiếu một động tác chào truyền thống nó chứng tỏ một “lỗ hổng” trong văn hóa. Một người có giáo dục sẽ không bao giờ xem thường những nghi thức giao tiếp. Hay nói cách khác, việc thiếu các nghi thức cơ bản trong giao tiếp sẽ ít nhiều gây ra sự “ít đứng đắn”.
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay cốt yếu để phục vụ chính trị nên không xem trọng lễ nghi và đức dục. Các chuẩn mực truyền thống gần như chẳng còn và nó tạo ra một khoảng trống mênh mông. Và điều éo le là chẳng có gì lấp vào cái khoảng trống ấy nên sự kệch cỡm được dịp lên ngôi. Các sinh hoạt dân sự như tang chay, hiếu hỉ,…trở nên xô bồ và chẳng có một nghi tắc chung nào được xác lập. Tôi có ấn tượng đa phần người Việt thời nay khá “bỗ bã” trong giao tiếp, họ xuề xoà, hấp tấp, suồng sã và coi thường mọi thứ nghi thức, dù chỉ là tối thiểu.
Dù thế nào chăng nữa con người vẫn phải đối xử với nhau bằng lễ, mà bộ mặt của lễ chính là các nghi thức mà trong đó cách chào là phần tối thiểu nhất phải có. Vì vậy, người Việt, bây giờ hoặc sau này, phải tạo ra cho riêng mình một cách chào, trước khi nói đến những thứ to tát khác…

Thắm Nguyễn
Bài viết có tham khảo dữ liệu từ trang http://news.zing.vn/Phong-tuc-chao-hoi-mot-khong-hai-tren-the-gioi-post320778.html