Menu Close

Nồi bánh tét cuối năm

Cứ sau ngày đưa ông Táo về trời, mấy người bạn của tôi lại bàn nhau ngày nào nấu bánh tét. Người thì muốn Hăm Tám để có bánh sớm biếu tặng bà con bạn bè, người thì lại chọn Hăm Chín hay Ba Mươi cho tiện sắp xếp việc nhà và tốt hơn hết rơi vào ngày cuối tuần ai cũng được rảnh. Thế nhưng đâu phải lúc nào cũng được như ý. Tết rơi vào ngày thường thì gay go cho bà xã tôi. Nấu bánh không cực nhưng cực nhất là gói vì thời gian đi làm sít sao. Về nhà không kịp nghỉ ngơi lại phải còng lưng ngồi tỉ mẩn những đòn bánh tét.

Thời gian không có. Nhà mấy người, ra chợ mua vài đòn bánh tét bánh chưng cho khỏe, nhọc công làm chi cho cực. Tết ở xứ này nhà ai nấy tỏ. Chẳng có chút hương vị ngày Tết trong tiết trời mùa Đông lạnh lẽo. Cảnh xuân hiu quạnh vì thế năm nào cũng vậy, gia đình tôi lại bày ra chuyện nấu nồi bánh tét cuối năm tưởng nhớ mùa Xuân ấm áp như thuở nhỏ còn ở quê nhà. Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh.

Ướp thịt, vút nếp, đãi đậu xong. Chính tay tôi tự làm nhưn cho những đòn bánh, phụ tay với bà xã bớt công nhọc nhằn gói kịp nhanh đến giờ nấu bánh. Bánh tét phải nấu tám chín tiếng mới thật chín để nếp không sống lại qua ngày hôm sau. Bạn bè nói, nấu bằng bếp ga cho sạch, khỏi phải mất công chùi rửa nồi niêu lại cứ đi đốt củi chộn rộn chạy ra chạy vào. Ấy thế, tôi vẫn thích nấu bánh tét như ngày xưa bằng củi lửa ngoài sân sau mà tôi cố công cắt tỉa những cành cây to cất lại từ mùa đông năm trước. Bánh tét bánh chưng nấu củi mới gây xôn xao không khí đón xuân cho con cái thế hệ sau được thấy vui vầy trong ngày Tết. Chính vì vậy, có năm chậm gói bánh, bà xã tôi vừa đi làm về, đứa con gái buột miệng hỏi “Nhà mình năm nay không nấu bánh tét hả Me?”. Thế là, tôi phải xách xe chạy u ra chợ mua vội mọi thứ chuẩn bị cho nồi bánh ngay trong ngày cuối năm.

Câu hỏi của con tôi không khác câu hỏi của tôi ngày xưa là mấy khi ngày cuối năm trong xóm nhà nào cũng xôm tụ đón Xuân bằng nồi bánh tỏa khói trước sân. Nhà người ta ăn Tết, nhà mình không thì tủi thân gì hơn cho bằng. Má tôi nói “mua ăn cho rồi, nấu nướng chi có vài đòn bánh”. Có lẽ má tôi đắn đo nhà không có nồi lớn. Nấu một lúc hai ba nồi nhỏ thật bất tiện so với những nồi bánh to bằng nửa thùng phuy đang bập bùng lửa khói reo vui của những nhà bên cạnh. Nói vậy thôi nhưng sau đó Má dẫn anh em tôi đi chợ Tết, khệ nệ vác về nào nếp, nào lá chuối xanh, đậu, thịt nấu bánh ăn Tết cho con cái vui nhà vui cửa.

Tôi xung phong ôm chồng tàu lá leo ra mái bếp sau nhà giăng dây kẽm hong nắng cho lá dốt nhanh. Nhìn những bẹ lá chuối hột to đùng xanh xao trong nắng mà lòng rất vui như thể năm nay nhà mình ăn Tết lớn. Má tôi nói, bánh tét phải gói bằng lá chuối sứ hay chuối hột, không được dùng lá chuối già sẽ làm đen ruột bánh. Nấu bánh kỵ nhất là để cháy khê, chưa chín tới, suốt năm dài sẽ gặp nhiều chuyện xui, làm ăn thất bại… Nói chung là đen vận cả năm. Vì thế, nhiệm vụ củi lửa canh nấu nồi bánh của tôi thật là quan trọng.

Tôi chọn mấy viên gạch thẻ làm bếp ngay hông cửa rào. Cái bếp lộ thiên ba cái nồi gang trông không thua gì cái nồi to của hàng xóm nhờ tấm tôn uốn cong vòng ngoài tránh gió tạt. Bánh chỉ có hai nồi, một chay, một mặn phủ đầy lá chuối giữ hơi. Cái nồi nước sôi thứ ba bên cạnh giúp tôi châm vào liên tục để nồi bánh luôn sôi trào. Cứ thỉnh thoảng tôi lại mở nắp nồi xem chừng mực nước, trở những đòn bánh to bằng cổ tay cho đều tránh bị ép xuống đáy nồi khê khét. Tôi muốn nấu được những đòn bánh ngon, không để vận xui đến nhà trong năm mới. Thấy tôi cứ bận rộn cho chuyện sợ khét, Má tôi bảo “đừng mở nắp, trở bánh hoài, nồi không giữ hơi, bánh không chín. Củi châm đều cho lửa bếp rực hồng là được”. Thì ra, nấu bánh Tết khó vậy sao!

Đêm xuống, gió se se lạnh. Không gian nặng mùi khói củi và mùi bánh chín quyện thành mùi khói Tết. Tết đến là hết một năm dài vất vả trong cuộc mưu sinh. Xóm tôi nhà nào cũng vậy dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu nồi bánh tét. Đó là những hương vị làm nên không khí ngày Tết thêm ấm cúng và mặn nồng. Vui nhất là thời khắc vớt bánh, những đòn bánh nóng hổi tròn căng bóng nảy ngâm mình trong thau nước lạnh như được tắm táp sạch sẽ trước khi được tôi xếp đều lên cái sàng cho ráo nước. Sau đó Má tôi lựa những đòn bánh đẹp nhất ngự cúng trên bàn thờ. Khoanh bánh thơm, dẻo, mỡ màng dưới cành mai vàng trong làn hương khói lư đồng long trọng đón rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Phần còn lại, Má tôi cột những đòn bánh treo lủng lẳng ở góc bếp ăn dần trong những ngày Tết. Chúng là dấu hiệu no đủ sung túc của từng nhà. Những ngày Tết đi chơi xuân, về nhà khỏi lo chuyện bếp núc, vài ba khoanh bánh với đĩa kiệu dưa hành còn gì thích thú.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi cái mùi đặc trưng khói Tết này khi ngồi bên nồi bánh ngoài trời chăm chút cho từng cây củi cháy đều giữ chín bánh tét trong cái rét xứ người căm căm. Nhiều năm nấu bánh suôn sẻ trong thời tiết lạnh hanh hao. Nhưng có một năm, đang nấu nửa chừng thì trời đột ngột đổ vài đợt mưa ngắn ngủi. Củi lửa lụi tắt từ từ, khói bốc từng cụm mịt mù không thua nhà cháy. Ông Mỹ nhà bên bắc ghế chồm qua hàng rào la hoảng bảo gọi xe cứu hỏa. Khi nghe giải thích nồi bánh Tết cuối năm của người Việt trúng mưa ông thở phào nhẹ nhõm. Nhờ thế ông mới biết thêm câu chuyện cổ tích Lang Liêu nấu bánh chưng bánh dày trong ngày Xuân đem dâng cúng vua Hùng. Thế là, cứ những năm sau, khi tôi chuẩn bị đào âm đất làm bếp, ông lại ngó qua hàng rào, “Chúc mừng năm mới! Nhớ cho tôi một đòn bánh Lang Liêu.”

Tất nhiên rồi. Năm nào cũng vậy, bạn bè hùn chung nồi bánh đến nhà bày thêm tiệc nhậu tất niên. Bất chấp cái lạnh, chúng tôi mặc hai ba lớp áo trùm đầu lù lù như những con gấu ngồi gần bếp lửa tí tách reo vui. Chia nhau ly rượu ấm, nghe ký ức tuổi thơ trỗi dậy thật nồng ấm thân thương của ngày xửa ngày xưa. Từ những câu chuyện mùa màng cuối vụ, mùi khói đốt đồng sao giống mùi khói quanh nồi bánh tét cuối năm nơi chúng tôi ngồi. Cái mùi củi khô quyện với mùi đất, mùi cây cỏ nghe bình yên kỳ lạ.

alt

Nguồn esoft.tuoitre.vn

NL