Menu Close

Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai

Người Việt đến Na Uy định cư nhiều bắt đầu từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, phần lớn là thuyền nhân được tàu Na Uy vớt hoặc khi ở trại tỵ nạn, họ chọn sang Na Uy. Trò chuyện với những người đến Na Uy thời kỳ đầu như vợ chồng anh T., từng là chủ một siêu thị nhỏ ở Kristiansand, sau này đã sang lại cho người khác, hay cô N. ở Oslo, mọi người đều bảo những năm đầu ít người Việt, nên buồn lắm, thức ăn VN không có, Tết nhất cũng không. So với thời đó thì bây giờ người Việt sống ở Na Uy sướng hơn nhiều vì dân mình qua đông, mở siêu thị bán thực phẩm VN và Châu Á, mở nhà hàng Việt, nên muốn nấu, muốn ăn món gì bây giờ cũng có.

Tết nhất bây giờ cũng tạm gọi là đầy đủ hương vị từ thẻ nhang thơm, tờ lịch treo tường, bánh chưng bánh tét, mứt, dưa hấu, củ kiệu, dưa món… cho đến các món ngon truyền thống trong bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, ở những thành phố lớn có đông người Việt, cộng đồng đều cố gắng tổ chức một ngày vui Tết cho bà con.

Khi còn ở Kristiansand, mấy năm đầu tôi đều có đi dự. Ban tổ chức thường chọn một buổi chiều cuối tuần, khi mọi người đều được nghỉ làm, nghỉ học và có thể tham gia được, tại một địa điểm nào đó do ban tổ chức thuê, ví dụ như Nhà văn hóa của địa phương.  
Chương trình gồm có hai phần: ăn uống và xem văn nghệ. Ban tổ chức và những người tình nguyện sẽ nấu những món ăn Việt ngon để bà con đến bỏ tiền ra ăn uống cho vui, lũ trẻ con, đám thanh niên có thể tham gia vài trò chơi như cá ngựa, bầu cua cá cọp…, sau đó thì xem văn nghệ. Có phần chào cờ (tất nhiên là cờ của VNCH), tế lễ, múa lân, hài kịch ông Táo, ca nhạc…đều là “cây nhà lá vườn”, người Việt ai có tài lẻ gì thì ra giúp vui cho đồng bào. Có cả tổ chức bắt thăm xổ số cho vui.

Người đi dự cũng khoảng vài trăm người, mỗi năm chỉ có một lần để gặp nhau, để mặc áo dài, nghe lại những bài hát cũ, nhớ vọng về quê hương. Ngoài ra cộng đồng Thiên Chúa giáo, cộng đồng Phật giáo đôi khi cũng tổ chức thêm một buổi họp mặt vui Xuân. Người theo đạo Phật thì đi chùa, người có đạo thì đến nhà thờ.

Ở Oslo người Việt đông hơn, xấp xỉ 6,000 người, nên cũng nhiều nhóm, nhiều phe hơn. Nào Hội người Na Uy gốc Việt, Hội người Việt tỵ nạn Oslo & vùng Đông, Trung tâm Việt-Na Uy, Hội Sinh viên VN tại Oslo, Hội cao niên, các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành… Vì vậy năm nào cộng đồng ở đây cũng có vài ba buổi họp mặt vui đón Tết, do các nhóm khác nhau tổ chức. Chương trình thì cũng không khác nhau mấy, cũng ăn uống, xem văn nghệ, tổ chức trò chơi.

Chưa kể Sứ quán VN tại Na Uy đã mở từ vài năm nay, và một tổ chức được gọi là Hội người Việt Quê hương tại Na Uy cũng mới được thành lập tại Oslo vào tháng 11.2013 nên chắc chắn tại Sứ quán hay Hội này cũng sẽ tổ chức Tết. Và những người Việt đến dự đương nhiên không thuộc thành phần thuyền nhân, tỵ nạn chính trị hoặc những người không còn muốn liên hệ gì đến nhà nước cộng sản dù ở trong nước hay nước ngoài.

Khi đã dời nhà lên Oslo, tôi không còn hào hứng đi dự những cái Tết với cộng đồng nữa. Chỉ là do làm biếng.

Tết với cộng đồng người Việt ở Na Uy chỉ có thế. Chủ yếu là nhớ ngày, làm những món ăn truyền thống tại nhà, vui với gia đình. Nhà nào siêng thì làm đủ mấy mâm cúng Giao thừa tối 30, đón năm mới ngày mùng Một, tiễn ông bà ngày mùng Ba. Hoặc đến nhà họ hàng, bạn bè ăn, vui với nhau.

Mà thật ra thì Tết của người Việt tha hương ở đâu mà chả thế. May ra chỉ có vài ba cộng đồng người Việt lớn như ở Little Saigon, California chẳng hạn, là có chợ Tết, khu vui Xuân trên đất người.

Tết chỉ vui, chỉ thật đúng nghĩa là Tết khi ở VN mà thôi. Nên càng về sau này, người Việt ở khắp nơi trên trái đất càng hay về VN ăn Tết. Nhất là những người lớn tuổi, những người đi xa đất nước khi đã trưởng thành nên vẫn còn nhiều kỷ niệm gắn bó hoặc đi học, đi làm việc ở xứ người nhưng gia đình vẫn còn ở VN. Còn những người đã có cuộc sống ổn định, quen với cuộc sống ở nước người hơn hoặc lớp trẻ sinh ra ở xứ người thì không háo hức đến vậy.

Trong lúc người đi xa tìm về VN ăn Tết thì những người thuộc thành phần trung lưu trở lên, tương đối có tiền, những năm sau này lại hay thích đi chơi xa ở nước ngoài vào những ngày Tết. Lịch nghỉ Tết của công nhân viên chức bây giờ được kéo dài đến 9, 10 ngày, tha hồ mà đi du lịch. Tôi có một chị bạn, mấy cái Tết liền năm nào cũng một mình bay qua Bangkok, hỏi tại sao, chị bảo Bangkok gần SG, tiện, giá cả sinh hoạt cũng ngang ngửa VN, ẩm thực, dịch vụ vừa tốt vừa phong phú, lại có nhiều trò để giải trí hơn và bình yên hơn ở VN.

Xu hướng của nhiều người Việt trong nước khi đi chơi du lịch thường hay chọn mấy nước láng giềng ở Châu Á như Thái Lan, Hongkong, Malaysia, Singapore… hoặc Mỹ. Xứ cờ hoa cũng là sự chọn lựa của nhiều người vì hầu như bây giờ, đa số người Việt nếu không có gia đình, họ hàng thì cũng có bạn bè, người quen đang sống tại Mỹ để đi thăm, nhân tiện đi chơi. Ít hơn một chút là chọn các nước Châu Âu.

Người thì tìm về, người lại đi…Cũng là để thay đổi không khí, chứ Tết nhất bây giờ đâu quan trọng như hồi xưa để mà cứ phải ăn Tết mới được. Người trong nước đã thế, người sống ở nước ngoài lâu dần càng không có nhu cầu ăn Tết, bọn trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở nước người lại càng không. Bọn chúng đã có mùa Noel và Tết Dương lịch đủ vui rồi.

Ngẫm lại chính mình cũng vậy. Lúc đầu cứ Tết đến là tôi nhớ nhà, nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè, nhớ cái không khí nôn nao lẫn lười biếng lan tỏa trong tâm trạng chung của mọi người khoảng thời gian chờ Tết bắt đầu từ trước Giáng Sinh, chuyển thành hối hả, cập rập những ngày gần Tết, sau đó lại thung dung, lười biếng suốt những ngày trong Tết. Mọi sự vất vả, âu lo tạm vứt bỏ sang một bên, hãy cứ vui mấy ngày Tết cái đã, tâm lý chung của dân Việt là vậy. Nhớ những món ăn ngon chỉ thật đủ hương vị khi được ăn ở VN. Nhớ cái khoảnh khắc thiêng liêng của giờ phút chờ đón Giao thừa, chờ bước sang năm mới…

Nhưng chỉ sau vài năm, cái cảm giác nhớ nhung ấy dịu đi, quen dần. Khi thấy siêu thị Việt bắt đầu bán những thức ăn mùa Tết, lòng cũng chẳng xao động bao nhiêu, nhưng vẫn mua những thứ cần thiết, làm món này món kia cúng cho tạm đủ lễ.

Và như thế, một năm lại sắp trôi quan

SC

XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014

1   Quanh “những vấn đề…” Đặng Mỹ Hạnh  
2   Những xu hướng toàn cầu Đinh Yên Thảo  
3   Tranh Xuân 2014 Tre Online  
4   Nỗi niềm thi ca Nam Đan  
5   Nhật ký đầu xuân HẢI-VÂN  
6   Những cánh mai – Trong tách trà Trần Mộng Tú  
7   Em, và nỗi Nhớ Mặc Lan  
8   Xuân Muộn Hoàng Định Nam  
9   Tử Vi Xuân Giáp Ngọ Tre Online  
10   Hiệu ứng cánh bướm Nguyễn Xuân Thiệp  
11   Nơi có chim bay những buổi chiều Nguyễn Thị Từ Huy  
12   Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật Bản Hoàng Long  
13   Xem lại vài hình ảnh năm 2013 Tre Online  
14   Nhà vườn chuẩn bị cho Tết Thanh Tú  
15   Cờ người Lão Mủn  
16   Nâng Chén Muôn Trùng Đặng Kim Côn  
17   Đánh bạc bằng chữ – Thả Thơ Trịnh Thanh Thủy  
18   Một thời thả thơ Nguyễn Chủ Nhạc  
19   Đầu năm nói chuyện không gian… dối Bùi Thanh Liêm  
20   Hải đường dưới đất Thái Kim Lan  
21   Cảm đề Xuân Giáp Ngọ 2014 Phạm Cây Trâm  
22   Dear “fans” Đặng Mỹ Hạnh  
23   Tết về với mẹ Trần Lý Lê  
24   Những “cao thủ” sắp trình làng Movie Phan  
25   10 điểm mạnh của nước Mỹ Thanh Dũng  
26   Chuyện ngựa! Đoàn Xuân Thu  
27   Những mùa Tết cũ… Cẩm Giang  
28   Trà hoa – Camellia Nguyễn Xuân Thiệp  
29   Những mùa Xuân Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu  
30   Tản mạn về một ngày – Tết đọc sách Mai Sơn  
31   Về giọng nói ở một nơi không có xe lam Nguyễn Nhật Ánh  
32   Tết cuối Trangđài Glassey Trầnguyễn  
33   Mùa thơ ấu Huỳnh Thục Vy  
34   Nhớ khói trong vườn Lưu Vỹ Bửu  
35   Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm Hoàng Ngọc Tuấn  
36   Thơ xuân Chiêu Anh Nguyên  
37   Tôi Với Mùa Xuân Hồ Thụy Mỹ Hạnh  
38   Quê Hương Cổ Tích Trần Mộng Tú  
39   Năm Ngọ nói chuyện ngựa Phạm Thành Châu  
40   Đôi nét thú vị của làng thể thao 2013 Trần Trí Dũng  
41   Ánh mắt mùa Xuân Nguyễn Văn Sâm  
42   Cách chúng ta chào nhau Trà Đóa  
43   Anh và Xuân Tiểu Thảo  
44   Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai Song Chi  
45   Tết Quê Hoàng Vũ  
46   Ngựa và nghệ thuật thăng hoa Đinh Cường  
47   Nồi bánh tét cuối năm Ngọc Linh  
48   Sớ Táo Quân Lợi Trân  
49   Thư Xuân 2014 của Trẻ Tre Online