Menu Close

Tết Quê

Hồn quê luôn ám ảnh, tha thiết trong tâm can những đứa con lưu lạc xa quê hương. Nỗi nhớ nhung, dằn vặt ấy thường được người ta kềm chế lại, khỏa lấp đi bằng cách chú tâm vào công việc, học hành… Và cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, những nỗi niềm ấy sẽ được gom góp lại và thực hiện  bằng những tấm vé xe, những chuyến bay hay chuyến tàu về quê, những món quà cho gia đình, hàng xóm…

Dù nơi phố thị đèn hoa rực rỡ, đủ loại các món vui chơi thâu đêm suốt sáng, nhưng vẫn không đủ sức níu giữ những đứa con miền quê ở lại vào dịp Tết. Đa số họ đều muốn về quê ăn Tết, không chỉ  bởi vì nơi miền quê đó có gia đình thân thuộc, hàng xóm nghĩa tình, mà còn vì những nét truyền thống tốt đẹp, những tục lệ lâu đời của làng quê mà họ đã gắn bó từ thời thơ bé.

Quê tôi ở miệt Cái Sắn, miền Tây sông nước. Gia đình tôi làm nông, sớm tối gắn bó với ruộng đồng, vườn tược. Khu vực chỗ tôi sống đa phần là người Bắc theo đạo Công Giáo di cư vào miền Nam năm 1954. Những hành xử văn hóa, giao tế sinh hoạt cộng đồng cũng được phóng chiếu từ cái gốc miền Bắc. Có thể thấy rõ ràng nhất qua những cái tên giáo xứ, kiểu dáng kiến trúc của các nhà thờ, tháp chuông và cách thức tổ chức, phân chia các giáo khu, họ đạo…

Tết sắp đến, người ta chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sơn phết lại vài chỗ cho đẹp đẽ, tươi tắn. Họ hái từ vườn nhà hay mua một số trái cây hoa quả để sên mứt như: dừa, bí, khoai lang, gừng, chà là, cà na, chùm ruột… Họ cũng muối dưa chua, củ kiệu, bó giò… để sẵn. Chợ quê rộn ràng tiếng nói cười, mua sắm cùng những lời hỏi thăm nhau ân tình của những người ở quê với những người con xa quê mới về: “Tết này ăn lớn không?”, “Chuẩn bị Tết sao rồi?”, “Sắm Tết xong hết chưa?”…

28, 29 Tết có nhiều nhà chuẩn bị lá chuối, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét. Đêm 30 ngồi canh nồi bánh chưng, quây quần bên gia đình kể chuyện những ngày tháng xa nhà tha hương làm ăn, học tập. Những nỗi nhớ mong người thân và làng quê chợt hiện lên bập bùng trong ánh lửa. Những buồn tủi, thất bại, xui xẻo trong năm cũng rực cháy trong bếp củi rồi theo làn khói bay xa mất. Chỉ còn lại sự ấm áp của tình quê, của gia đình và làng xóm yêu thương, nâng đỡ.

Sáng Mùng 1 Tết, trong khi những đứa trẻ vẫn còn say giấc nồng mơ về những phong bao lì xì đỏ thắm, giáo dân xứ tôi cùng tề tựu ở nhà thờ để cùng hiệp thông dâng ngày đầu năm mới cho Chúa Xuân tốt lành, cầu mong bình an cho gia đình mình và cho quê hương đất nước. Mỗi người sẽ lên bốc lấy cho mình một Lộc năm mới – chính là câu lời Chúa được treo trên cây Lộc Xuân. Và mỗi người sẽ tâm niệm, thực hành câu lời Chúa ấy trong suốt năm mới này. Để rồi đến Tết năm sau, mỗi người sẽ tự mình kiểm lại xem mình đã sống lời Chúa như thế nào suốt năm qua.

Khi mọi người đi lễ về thì lũ trẻ cũng mới vừa thức dậy. Chúng đòi thay quần áo mới và đi chúc Tết ông bà, họ hàng thân thuộc. Chúng nôn nao, háo hức đến mức không thiết gì đến chuyện ăn sáng mà chỉ chăm chăm đi chúc Tết, đi kiếm… lì xì thôi! Dễ thương nhất là chúng chỉ ham những phong bao đỏ thắm, chứ nhiều khi chẳng quan tâm bên trong đó có gì. Tôi có đứa cháu chỉ thích những tờ tiền 200đ, 500đ, 10.000đ vì nó có màu đỏ đẹp chứ không thích mấy tờ tiền màu xanh 5.000đ, 20.000đ, 100.000đ. Sau khi nhận được tiền lì xì  thì đa số trẻ em lại giao ngay cho cha mẹ giữ giùm, những đứa khôn lớn hơn thì biết đếm và tính toán với cha mẹ. “Món nợ” đó cha mẹ sẽ phải trả cho chúng bằng cách mua sách vở, quần áo giày dép mới, hay một chiếc xe đạp, vi tính, máy chụp hình gì đó…

Mùng 2 Tết là ngày để kính nhớ ông bà tổ tiên. Người ta thường ra dọn cỏ ngoài mộ người thân, cắm hoa và thắp hương cho linh hồn người đã mất đỡ cô quạnh, lạnh lẽo. Buổi chiều có Thánh lễ ngoài nghĩa trang cầu cho linh hồn ông bà cha mẹ người thân của cộng đoàn đã qua đời. Sau lễ, người ta sẽ đến mộ người thân để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người thân được mau về với Chúa và phù hộ cầu bầu cho con cháu, gia đình.

Đối với ông bà, cha mẹ còn sống, những đứa con đứa cháu thể hiện lòng biết ơn hiếu kính bằng những lời chúc bình an, chúc sức khỏe, sống lâu trăm tuổi để vui hưởng niềm hạnh phúc đầm ấm bên con cháu. Các vị lớn tuổi lòng ngập tràn niềm vui và xúc động khi thấy gia đình con cháu tề tựu đông đủ, cùng ăn Tết chia sẻ với nhau, nghe lũ cháu con chúc tụng, đọc thơ, ca hát… Nhất là những tiếng nói bi bô, ngọng nghịu của trẻ thơ chúc Tết ông bà, cha mẹ và họ hàng xa gần. Những niềm vui ấy thật không gì có thể mua bán hay đánh đổi được.

Mùng 3 Tết theo thông lệ cầu cho công ăn việc làm, học hành thăng tiến. Những đứa con xa quê lên thành phố làm ăn thành đạt hay học hành giỏi giang là niềm tự hào của ông bà cha mẹ và hàng xóm láng giềng. Khi trở về quê ăn Tết, những đứa con xa quê ấy được xóm làng quan tâm hỏi thăm, chúc mừng và cũng lấy đó làm gương cho những đứa trẻ khác ở quê ráng cố gắng để được như vậy… Người dân quê làm nghề nông thì cần nhất là mưa thuận gió hòa, ít thiên tai địch họa, thu hoạch trúng mùa, giá lúa gạo được cao. Những người buôn bán thì mong sao năm sau có thêm nhiều khách hàng, mua may bán đắt. Học sinh sinh viên thì cầu sức khỏe và sự thông minh, chuyên cần để học giỏi, vượt qua các kỳ thi với thành tích cao. Giáo xứ có tổ chức buổi gặp mặt thầy cô, học sinh sinh viên để chia sẻ những kinh nghiệm học tập, sinh sống xa quê. Nhân dịp này, các thầy cô và anh chị sinh viên đi trước cũng góp ý, chia sẻ việc chọn ngành học cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi vào cao đẳng, đại học.   

Tết là dịp sum vầy, tụ họp và vui chơi. Khắp nơi rộn rã tiếng cười nói, tiếng cụng ly chúc mừng một năm mới nhiều may mắn, thành công. Đây đó có những sòng lô-tô, bầu cua, tiến lên… chủ yếu là giải trí cho vui, thử vận may chứ không sa đà vào việc sát phạt đỏ đen. Những bài hát ca mừng mùa Xuân vang vọng khắp mọi nẻo chốn quê. Những con người nông dân lam lũ mấy ngày Tết cũng chăm chút “lên đồ” lịch sự đi chúc Tết và du xuân. Vị Linh mục coi sóc giáo xứ cùng với một số vị trong Ban hành giáo đi bộ từ nhà này sang nhà khác chúc Tết và đọc kinh cầu an cho gia đình. Một giáo xứ có đến hàng ngàn giáo dân nên việc đi chúc Tết này cũng phải kéo dài lai rai đến 3-4 ngày mới xong.

Mùng 4, mùng 5 Tết đã có những người phải từ biệt gia đình để lên lại nơi thành thị đi làm. Có những người bắt đầu du xuân, đi leo núi Sam, núi Sập, núi Ba Thê ở Châu Đốc, hay ra tắm biển ở Hà Tiên, Phú Quốc,… Đây cũng là lúc bạn bè cấp 2, cấp 3 họp mặt ăn Tết và đi chơi cùng nhau. Họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm học trò bao mến thương, kéo nhau đi chúc Tết thầy cô hoặc ghé nhà từng đứa mà… lai rai tâm tình.

Người nông dân cũng lác đác ra đồng thăm ruộng, xịt thuốc vãi phân, chăm lo cho vụ mùa Đông Xuân. Mùi bùn quê, rơm rạ hòa với cỏ cây hoa lá. Ánh nắng sớm chiếu trên những giọt sương long lanh đọng trên những lá xanh non tơ. Tiếng chim hót líu lo, tiếng gà vịt kêu, tiếng chó sủa văng vẳng xa, tiếng côn trùng rả rích… tạo nên một khúc nhạc hòa tấu đồng quê thanh bình và vui tươi. Chúa Xuân đang lướt nhẹ bước đi trên khắp nẻo đồng quê, ẩn hiện trong những vẻ đẹp quá thân quen, mộc mạc của ruộng vườn, cây cối, chim cá. Sức sống mãnh liệt và tràn đầy giăng rắc khắp nơi.

Cái Tết ở quê nó hạnh phúc và đầm ấm khác hẳn trên thành phố. Vì nó thực sự có hồn quê trong đó. Không giống như những mô hình vườn tược, đồng ruộng được dựng nên ở đường hoa Nguyễn Huệ. Những cái vó cất cá, cầu khỉ cầu dừa, hình nộm bù-nhìn… ở đường hoa ấy nó cô độc, buồn bã và lạnh lẽo biết mấy. Nhưng trong bầu khí miền quê, những hình ảnh, vật dụng ấy rất gần gũi, thân quen và có hồn phách cách lạ lùng. Dù cho đời sống hiện đại có thay đổi như thế nào, hồn quê ấy vẫn mãi thiêng liêng và quý giá. Nó không thể nào mất đi được vì còn có những người con xa quê luôn trân trọng, gìn giữ va lưu truyền. Hồn quê ấy luôn sống mãi trong mỗi người dân quê. Nó thấm vào suy nghĩ và máu thịt của từng người.

Vì một lý do nào đó, có những đứa con xa quê không thể trở về quê ăn Tết được, họ sẽ cảm thấy rõ ràng nhất cái hồn quê ấy. Vì chính khi ấy, họ cần đến nó nhất. Tôi yêu Tết quê vì nơi ấy có hồn quê!

alt

HV