Lễ hội sắp đến là một lễ hội lớn nhất trong năm của làng Bạch Hạc nằm bên bờ sông Lô mỗi năm cứ đến ngày này không những chỉ có dân trong làng mà ngay cả các thôn các xã xa gần chung quanh. Có năm còn lan ra cả đến Huyện chẳng hạn như năm nay, do đó ai ai cũng đều nôn nóng mong chờ vì hôm ấy có rất nhiều trò vui chẳng hạn như thi trèo cột mỡ, đánh đu, kéo dây, thi chèo thuyền. Môn này phải đòi hỏi những tay bơi khỏe mạnh sung sức rất ư là hấp dẫn vì vừa có tinh thần thể thao, vừa có tinh thần đồng đội. Nói chung là không thể thiếu tiết mục này trong cái lễ hội quan trọng được nên họ thường kéo nhau cả làng đứng ven bờ sông xem. Còn nhiều trò chơi cho cả trẻ con nữa đại loại như thi thả diều cũng không kém phần vui nhộn…
Nhưng có một trò thi đấu trí đặc biệt không thể nào thiếu được của lễ hội hàng năm mà bao giờ làng cũng tổ chức ở ngày bế mạc để nói lên sự quan trọng của nó và để cho tất cả phải chú tâm mong chờ mà phần đông dành cho những người lớn tuổi, đó là chơi cờ người. Làng này đã liên tiếp lấy giải đã ba năm nay từ khi có sự góp mặt của thầy Cao người làng này trở về tham dự. Thầy Cao của làng Bạch Hạc này một tay cờ khét tiếng đến nỗi danh vang lên đến tận Huyện.
Chính ra họ phải gọi là thầy Ký Cao mới đúng bởi thầy tên Cao vì có thời gian ông làm thơ ký cho sở đường sắt Hà Nội. Thầy chỉ có mỗi cái thú tiêu khiển độc nhất là chơi cờ, những lúc rảnh rỗi hay bày cờ ra để tiêu khiển. Chẳng còn ai là đối thủ ở chỗ ga thầy làm. Còn theo lời như những tay cờ thuộc hạng cao thủ ở những làng chung quanh đây thì họ lại bĩu môi mỗi khi đề cập đến thầy.
– Cao mẹ gì cái lão ấy! Cứ nghe thiên hạ gọi mình là thầy Cao cứ tưởng như họ gọi mình là người cao cờ nên nhận vơ.

Thầy Cao
Họ kể họ không thích đánh cờ với lão bởi lão có tính kiêu căng, ai mà đánh với lão lỡ bị đưa vào thế thua thì y như rằng chỉ nghe tiếng cười kiêu ngạo đắc thắng của lão cũng phải tự mình độn thổ mà chui xuống. Họ không tức vì thua mà họ tức vì phải nhìn cái khuôn mặt gà mái kênh kiệu đáng ghét của lão và cái chỏm lông tài lưa thưa dính vào cái nốt ruồi to như hạt đậu đen dưới mép khi nó nhúc nhích cũng đủ điên tiết mà chết…
Nhưng được cái nói gì đi nữa thầy cũng là người mang về cho làng Bạch Hạc những cái giải thưởng vinh dự cao quý nhất không những của làng mà còn cả đến Huyện nữa cơ. Bởi thế tất cả mọi người trong làng được thơm lây và hãnh diện xem thầy như một anh hùng của làng và hay đem khoe với mọi người thầy Cao là người làng tôi!
Cờ người thường được tổ chức khi mùa màng thu hoạch được mùa. Đó là môn cờ tướng chơi trên bàn cờ là khoảng sân rộng như sân đình, quân cờ là những thanh niên nam nữ mặc quần áo có thêu chữ có mang tên quân cờ. Chữ thêu ở trước hay sau lưng người đóng vai quân cờ. Những năm lúa mùa thu hoạch thuộc loại khá, quỹ làng có dư thì những người đóng vài quân cờ được mặc áo mới có màu sặc sỡ biểu hiệu cho quân cờ, còn những năm xem như làm cho có thì họ chỉ mặc áo quần bình thường nhưng có thêm chiếc biển khắc hoặc viết chữ theo quân cờ. Chiếc biển sẽ được cầm trước mặt quân cờ tùy theo tướng, sĩ, tượng… hay quân.
Nhưng thường người đóng vai tướng bao giờ cũng phải có bộ dạng tương đối khá dễ nhìn càng trông oai phong càng tốt, còn đóng vai quân thì ai cũng được. Khi vào trận cờ mỗi nước đi nếu quân cờ di chuyển phải mang theo chiếc biển của mình đến vị trí, mỗi vị trí đều có một chiếc ghế để quân cờ ngồi. Cũng có nhiều xã lớn thịnh đạt những nam nữ đóng vai quân cờ còn được mang khí giới như quân lính đời xưa. Khi bên nọ ăn quân bên kia, quân cờ ăn sẽ múa một thế võ hạ quân cờ bị thua y như trong màn hát bội rất là hấp dẫn làm cho người đứng xem đến độ nhập tâm vào những quân cờ lúc nào không biết. Rồi thì ngày Hội cờ người năm nay mà mọi người mong chờ cũng phải đến. Sáng sớm dân mê cờ hay dân không hiểu tí gì về cờ cũng lũ lượt kéo đến, từ người già đến trẻ con, trai gái làng túa ra từ khắp mọi nơi làm không khí ngày xuân trở nên vui nhộn hơn, kể cả các làng chung quanh kéo ra bãi sân rộng trước đình làng để xem cuộc đấu cờ. Nghe mõ làng thông báo sẽ có một cao thủ từ Huyện Thanh Xuân đó là ông Bá Thông người có họ với ông Ba Thức làng này xuống để tỷ thí với thầy Cao làng Bạch Hạc hôm nay..,
Không khí càng lúc càng rộn rịp, mấy anh lính lệ mồm nhắc nhở bọn trẻ con giữ trật tự, còn cầm roi doạ vụt lia lịa, thế mà chúng cũng chỉ xem như trò cười chẳng chịu nghe. Trên nóc đình làng hôm nay cũng không kém phần trang nghiêm cờ xí đủ màu sắc rực rỡ tung bay theo gió, bên dưới các cụ lớn đều ăn mặc chỉnh tề để đón rước quan lớn về dự. Tiếng trống, tiếng kẻng vang lên báo có quan đến, cứ thế dân làng lại có dịp nhốn nháo chạy đi xem mặt quan. Ôi, nói chung hôm nay quả đúng nghĩa một ngày vui của mọi người.
Cuối cùng thì giờ thi đấu cờ cũng đến. Ngoài sân, quân cờ hai bên đã vào vị trí của mình.
Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, chốt ai vào vị trí nấy. Một lúc sau lại tiếng trống dồn dập, tiếng kẻng khua vang từng hồi, như lệnh xuất quân để báo cho mọi người biết đã đến giờ. Đợi tiếng trống kẻng dứt, hai kỳ thủ từ trong đình bước từ từ ra, cả hai đều nghiêm nghị trầm ngâm. Thầy Cao hôm nay mặc áo dài đỏ, lưng quấn chiếc khăn màu vàng nhạt biểu hiệu cho người giữ giải năm ngoái, còn ông Bá Thông thùng thình trong chiếc áo dài xanh dương. Hai kỳ thủ đi song song với nhau hướng về phía sân cờ, họ đi đến đâu tiếng vỗ tay reo hò cổ vũ đến đó. Tướng mạo thầy Cao thì gầy gò nhưng khuôn mặt đầy nham hiểm mưu mô, còn ông Bá Thông thì dáng đi bệ vệ có gương mặt chữ điền cũng không kém phần oai nghi. Cả hai đều bước đến chiếc ghế cao đối diện nhau ở hai bên bàn cờ người. Không khí bấy giờ trở nên nghiêm trọng do đó ai nấy đều phải im lặng. Ông Bá Thông được đi trước rồi mới đến thầy Cao, tiên khách hậu chủ, cứ thế tiếp tục ra quân. Mới đầu còn chưa hấp dẫn gì lắm, vì hai bên chỉ dàn quân gườm nhau để chờ cơ hội nhưng hôm nay thì rõ ràng ông Bá Thông dàn thế công còn Thầy Cao vẫn giữ thế thủ như sở trường của thầy. Có những lúc cờ hay, xem tưởng như chết ấy vậy mà chẳng hiểu sao hai cao thủ vẫn gỡ nước dễ dàng… Cuộc đấu cờ kéo dài cho đến lúc xế chiều thì quân của thầy Cao mỗi lúc mỗi tiến sâu, thấy rõ phần thắng. Ấy thế mà chẳng hiểu sao thầy để mất sĩ, từ đó quân của ông Bá Thông thừa thắng xông lên đổi hẳn thế cờ để đến phút cuối quân tướng của thầy Cao chạy chí chết, chẳng biết đi đường nào đành phải đưa đầu cho Bá Thông chém thế là xem như cuộc cờ kết thúc… Quan Huyện đứng lên vỗ tay tuyên bố kết quả người lấy giải vua cờ năm nay thuộc về ông Bá Thông. Vừa nghe quan Huyện tuyên bố xong bên ngoài lại trở nên nhốn nháo như lúc ban đầu; tiếng reo hò, tiếng bàn về ván cờ đã qua, tiếng bình luận sôi nổi. Tiếng trống kẻng lại khua vang. Dân làng Bạch Hạc ỉu xìu. Thế là thầy Cao muối mặt đành phải tháo đai vàng đeo ở bụng chịu thua dâng cho ông Bá Thông trước sự chứng kiến của quan Huyện và các quan chức, bô lão làng cùng toàn thể các người đến dự…
Thầy Cao tức lắm trên đường về nhà vẫn ấm ức mãi về ván cờ ngày hôm nay. Quá nửa đêm rồi thầy trăn trở mãi không tài nào nhắm mắt được, thầy vẫn không tài nào nghĩ ra được tại sao cái ván cờ ấy mà mình ấu trĩ thế nào mà để mẻ sĩ… Mặt cứ nhăn nhó như khỉ không giải đáp được một lúc sau bỗng thầy giật mình vỗ vào trán cái bốp. Rồi thầy như người đắc thắng nhìn lên cột nhà phá ra cười nói một mình.
– Có thế chứ… Phải thế chứ… Chỉ đơn giản như thế mà bây giờ mới tìm ra! Tưởng mày dễ ăn được ông à!
Thế rồi thầy vội vàng đứng dậy lấy mũ, lấy gậy đánh chó cầm theo bước nhanh ra cửa. Vừa bước gần đến cổng rào thầy vấp phải cục gạch suýt tý ngã nhào, lấy lại được thăng bằng mới chợt nhớ ra mình vội quá quên cầm theo chiếc đèn bão soi đường… Biết thế nhưng thầy cũng chẳng thèm quay vào cho mất thì giờ mà lại vội bước đi như chạy hướng thẳng đến nhà ông Bá Thức vì thầy biết chắc rằng ông Bá Thông vẫn còn tá túc ở đấy cho đến ngày mai vì phải đợi cỗ bàn ăn khao chiến thắng của làng đãi xong mới về được. Đến nơi thầy lấy cây đập chó vỗ vào cửa nghe cụp cụp, tiếng chó trong nhà sủa oang lên, độ một lúc sau con ở mắt nhắm, mắt mở ra mở cửa.
– Con lạy thầy… Thầy tìm ai ạ?
Thầy Cao vội trả lời ngay.
– Thầy trò gì! Ông Bá Thông mày đâu?
– Dạ bẩm ông con trong nhà ngủ rồi ạ.
– Ai chả biết ông mày ngủ. Nhưng ông mày ngủ chỗ nào?
– Dạ cái giường ngay sau bàn thờ này đây.
Nghe thế thầy Cao chẳng nói thêm lời nào đi vội đến giường vén màn lên thấy người cởi trần nằm đắp chăn kín phủ đầu co ro ngáy khò khò. Thầy với tay lắc mạnh.
– Này! Này! Dậy. Dậy tôi bảo cái này này!
Ông Bá Thức vẫn nằm yên quay người vào trong vách ú ớ, ngái ngủ.
– Gì?! Đêm khuya thế này còn bảo biếc gì để người ta ngủ chứ.
– Không… Không ….!!! Tôi chỉ muốn ông thức dậy để tôi nói cho ông biết ván cờ ban chiều này đích thực là ông thua rõ ràng ông biết không?
Ông Bá Thức vẫn giọng ngái ngủ
– Ô kìa cái nhà ông này… Ai cờ quạt thắng thua gì với ông, muốn gì thì qua cái giường bên kia kìa… Rõ đồ…
– Chết chửa! Xin lỗi tôi cứ tưởng ông là ông Bá Thông.
Nói rồi thầy vội kéo màn xuống đi vội qua giường bên cạnh lại kéo cái màn lên, lần này ông nhìn thật kỹ người nằm là ai kẻo nhỡ lay phải bà Thức thì bỏ mẹ. Đích thị là Bá Thông đây rồi. Thầy lấy tay lắc mạnh.
– Dậy. Dậy tôi bảo cái này.
– Bảo gì cái ông này… Ăn thua gì đợi mai hãy tính, ông về đi để cho người ta còn ngủ chứ!
– Ô hay cái nhà ông này, về thế nào mà về. Tôi đến đây mục đích nói cho ông biết ván cờ hôm nay ông thua tôi trắng rồi ông có biết không? Này nhé, ông còn nhớ lúc ban chiều cái thằng cầm cái biển con xe của tôi tên là “Tiến” phải không?
– Tiến, tiện gì tôi có biết nó tên gì, mà cần gì phải nhớ, chỉ biết nó là thằng con xe thôi ông à!
– Ừ…! Ông biết nó là thằng con xe là được rồi, chuyện là thế này tôi thấy nó đứng đấy mà gãi đầu, gãi đít hoài, ngứa mắt quá làm rối quân cờ của tôi nên tôi mới mắng nó “thằng Tiến”, ý tôi là mắng để nó đừng gãi nữa làm tôi rối trí. Ai ngờ đâu nó tưởng tôi bảo nó là “Thẳng tiến” nó đâm te te vác bảng đi một mạch, lỡ thì nên tôi đành phải tiến xuống chiếu đại ông, chứ lúc ấy tôi chiếu xe ông để làm gì, mà ông biết đấy mồm đã ra lệnh mà quân đã đi rồi thì làm sao đi lại được “Hạ thủ bất quờn” mà. Do đó từ đấy tôi mới bị thất thế đấy chứ phải không nào, đó là lý do hiểu lầm không đáng mà để thua ông… Chứ cờ tôi ông ngẫm lại xem thua ông ở chỗ nào?
Ông Bá Thông nghe thầy Cao giải thích tai nghe như ù ù, cạc cạc, tiếng được, tiếng không chẳng hiểu gì nhưng vì buồn ngủ quá vả lại ông chỉ muốn tiễn Thầy đi cho khuất mắt nên đành phải lên tiếng gắt…
– Ừ thì cứ xem như tôi thua đấy! Thôi xin tiễn ông cho tôi ngủ.
Thầy Cao chỉ nghe có thế, rít lên.
– Dĩ nhiên xin lỗi chứ ai thua vào đây. Đấy ông xác nhận là ông thua tôi rồi đấy nhé ngày mai chớ mà nói ngược. Thôi ông ngủ đi tôi về.
Nói rồi thầy sung sướng lật đật kéo màn của Bá Thông xuống đứng ngay dậy ung dung bước ra về. Vừa ra khỏi cửa thầy vươn vai ngửa mặt lên trời hít một hơi thật mạnh rồi thở ra nghe một cái phì. Cứ làm y như là đã tuôn đi được những uẩn khúc ấm ức trong người xong tủm tỉm cười đắc thắng bước về nhưng mồm vẫn còn lẩm bẩm …
– Mẹ… Dễ mà nuốt được thằng này phải cho mày ra lẽ chứ….!!!!
Trong khi ấy bên trong nhà ông Bá Thông cố nhắm mắt ngủ lại mà không được, đâm tức nói vọng qua chỗ ông Bá Thức nằm.
– Tiên sư thằng điên… Đầu tôm làm ông mất ngủ…
Ông Bá Thức
– Ông chửi tôi đấy à!
– À không tôi chửi thằng Cao Đầu Tôm!

ông Bá Thông
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014