Menu Close

Mùa thơ ấu

Người dân Quảng Nam quê tôi ít có năm nào được đón Tết trong hơi ấm của gió nồm; dường như đất trời nơi đây bắt con người phải chịu cho kỳ hết cái rét mướt của mùa đông trước khi được nhìn thấy những tia nắng mùa xuân rạng rỡ.

Ký ức tuổi thơ tôi  là những đêm mưa gió bão bùng, những ngày lụt lội nước băng qua cầu, những gương mặt người lớn đen đủi, khắc khổ, những tấm thân trẻ thơ gầy còm, rách rưới, run cầm cập vì chỉ có một tấm áo mỏng trong ngày đông lạnh buốt. Giờ đã lớn và ở xa quê, nhưng tôi vẫn hay mường tượng về những ngày thơ ấu ấy, chỉ cách đây hai mươi năm thôi mà những khổ đau đói rét ấy cứ như ở một thời nào xa xôi lắm. Hoá ra, đất nước tôi đến cuối thế kỷ hai mươi mà vẫn đầy dẫy những cảnh buồn thảm như thế. Nhưng đáng buồn hơn, đến bây giờ, những sự cơ cực ấy vẫn còn tiếp diễn.

 

alt

Tranh: Ann Phong

Những ngày giáp Tết, khi ruộng đồng khắp nơi còn ngập nước và khi lũ trẻ chúng tôi còn chưa kịp hoàn hồn sau những cơn bão lớn đi qua đã quật ngã hết những cây cổ thụ trong làng, người dân quê tôi lại chuẩn bị đón Tết trong gió bấc, mưa phùn và nỗi lo thiếu đói. Dù thế, nó vẫn để lại trong tôi những kỷ niệm thật đẹp, đẹp đến mức có thể nuôi lớn tâm hồn thơ trẻ vượt qua bao sóng gió.

Ngày ấy, khi những ngày mùa đông cuối cùng của một năm sắp hết, ba cô cậu nhỏ xinh xắn nhất vùng (mọi người bảo thế) ngồi co ro trên chiếc giường nhỏ xiêu vẹo trong căn nhà tối nhìn ra ngoài trời, những cơn gió bấc quật nhau trên ngọn cây và những làn mưa trắng xoá. Trên chiếc bàn gỗ cũ là cái máy nghe nhạc, lúc ấy là tài sản có giá trị nhất trong nhà. Giọng ca Lệ Thu trầm ấm, ngân nga, pha một chút buồn hoài cổ trong giai điệu bài Hương xưa. Thật lạ là chị em tôi lại thích nghe bài hát về mùa thu này trong những chiều mưa cuối đông. Ở cái tuổi ấy, chúng tôi chưa hiểu được những điển tích, điển cố trong bài hát nhưng cái buồn trong ý tứ của nó thì thấm đẫm tâm hồn của ba đứa trẻ mồ côi.

Đó là những lúc rảnh rỗi,  khi đã hết việc sau một ngày tất bật. Vì khi sắpTết, không nhà nào rỗi việc, dù khá giả hay nghèo khổ. Trẻ con thường cũng bận rộn theo người lớn. Những nhà hàng xóm dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn cúng quảy, gói bánh chưng bánh tét, sắm sửa linh tinh… nên lũ trẻ cũng lăng xăng theo ba mẹ chúng. Còn  nhà tôi thì bận rộn theo cách khác. Vì không có mẹ, ba lại ở tù, nên các cô tôi vất vả lắm mới kiếm đủ ăn cho cả nhà. Những ngày cuối năm, khi mọi người bận rộn mua sắm thì các cô tôi lại tất bật chuẩn bị hàng để bán.

Tôi vẫn còn nhớ như in. Ngày đó, trong nhà chất một đống trái dừa già được mua sẵn từ đầu Tháng Chạp để chuẩn bị làm mứt dừa bán chợ Tết. Cả ngày hai cô tôi đục đục, bửa bửa, tách những mảnh cùi dừa trắng nõn ra khỏi vỏ; rửa sạch, rồi cắt cùi dừa thành từng sợi dài và mỏng, ngâm vào trong nước có pha một chút phèn chua. Tôi là chị hai trong nhà nên cũng cố gắng tỏ ra được việc hơn hai đứa kia. Tôi rửa những sợi dừa đã được cô tôi cắt sẵn, để ráo nước, chia ra từng mẻ rồi nhuộm những màu khác nhau cho từng mẻ dừa. Sau đó chúng tôi ngồi chờ xem cô nhen lửa, chuẩn bị đường cát trắng và bỏ mớ dừa sợi đã được nhuộm vào chảo, đảo cho đến khi các sợi dừa chín đều và khô. Em gái kế tôi vốn hiền lành, ít nói nhất, cũng chăm chỉ trải giấy báo lên những cái nia lớn chờ cho cô tôi đổ những mẻ mứt mới chín xong ra mặt báo cho ráo hẳn. Thằng cu út chỉ chờ cho có sợi dừa nào cháy, bị gãy vụn được lựa ra là nó mừng quýnh.

Ký ức tuổi thơ tôi rực rỡ sắc màu của những mẻ mứt dừa ấy. Những giấc chiêm bao về thời thơ ấu cũng rộn ràng tiếng nói cười trong những ngày  chợ Tết trước gian hàng nhỏ chật ních người mua. Khi những mẻ mứt dừa ngũ sắc của các cô tôi được bán hết trong chợ Tết cũng là lúc niềm hy vọng có được những chiếc áo mới trong học kỳ hai (kỳ học sau Tết) của chúng tôi lại sáng lên. Niềm hy vọng vô tư, đáng yêu đó đủ sức khơi lên trong lòng ba đứa trẻ niềm hân hoan nho nhỏ, thỉnh thoảng nó lại reo lên tựa như những ngọn lửa hồng lại  bùng lên lấp lánh khi cô tôi dùng chiếc que sắt nhỏ khơi đống than trong bếp lò. Tết của chúng tôi là như thế. Những ngày đó đã đi vào tâm trí tôi, đến nỗi tới bây giờ chúng còn hiện rõ trong những giấc mơ.

Hai mươi năm đã trôi qua. Ba đứa con nít ngày xưa giờ đã lớn, lấy vợ lấy chồng, có những gia đình riêng. Hai em tôi đã có con nhỏ và trong đầu những người cha mẹ trẻ tuổi ấy đang ôm ấp một tương lai tốt đẹp cho những đứa con xinh xắn của mình. Giấc mơ về những mẻ mứt nhiều màu sắc rực rỡ trong chợ Tết tuy đẹp đẽ và thân thương nhưng chắc là các em tôi không muốn truyền lại cho con cái. Mong ước của họ không phải là hình ảnh ba đứa trẻ xinh xắn, lanh lợi  nhất vùng (dù vẫn đói ăn thiếu mặc) đùa giỡn với lũ trẻ gầy nhom trong xóm, mà là hình ảnh ba bốn đứa trẻ xinh đẹp lẫn trong bầy trẻ nít dễ thương, no đủ cùng đùa vui hạnh phúc.

Một Việt Nam tốt đẹp hơn, những tuổi thơ bớt đau buồn, khổ cực hơn cho thế hệ sau là hình ảnh theo đuổi tâm trí tôi từ hồi tôi mới rời trường cấp ba. Tôi ước mình có thể làm được điều gì đó cho quê hương sau này. Một điều gì đó khởi đầu trước tiên bằng sự thay đổi hiện trạng tồi tệ này, nó không chỉ hoàn toàn là chính trị. Một điều gì đó vượt ra ngoài không gian chính trị, vượt lên trên mọi toan tính. Một điều gì đó đầy nhân văn và chứa chan lòng bi mẫn.

Đối với người xa quê, chỉ khi Tết đến gần, hình ảnh quê hương mới trở nên tha thiết. Quê hương, thật lạ, mảnh đất mà cho dù có trải qua những gì cay đắng nhất, dù hồi ức về nó nhiều niềm đau hơn niềm vui, thì nó vẫn sống trong tâm trí ta, vẫn hiện diện với cuộc đời ta như hình với bóng. Bởi đơn giản, nó đã nuôi nấng hình hài và tâm hồn ta từ những mùa thơ ấu xa xôi, như nhà thơ Sơn Nam từng ngỏ:

Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…