Menu Close

Nhớ khói trong vườn

Không biết tự khi nào, sau khi cúng đưa ông Táo về trời, lòng tôi lại bâng khuâng, nôn nao một cách kỳ lạ. Cảm giác ấy rất khó tả, cứ bần thần như thiếu một điều gì, như đang chờ đợi một ai đó. Đi đứng, nói năng như người vô hồn; chẳng làm nên việc gì cả. Không còn ở tuổi mong năm hết Tết đến vậy mà sáng nào, tôi cũng bóc lịch, háo hức nhìn ngày âm lịch để rồi khi than thầm sao mà lâu thế; lúc chép miệng: chỉ còn 2 ngày nữa, sao mà nhanh vậy!

 

1.

Đó là năm tôi 17 tuổi. Mùa đông năm ấy trời lạnh hơn mọi năm. Những ngày đầu Tháng Chạp mưa dầm dề khiến nhà nào cũng lo ngay ngáy vụ củi nấu bánh tét. Mẹ tôi là người lo xa. Ngay từ những ngày nắng ráo hiếm hoi của Tháng 11 xứ Quảng, mẹ đã tìm mua dương liễu, thuê người chẻ, phơi khô. Bà còn đi xin và nhờ người đào mấy bụi tre khô để lấy củi. Tất cả củi khô và còn ẩm ỉu ấy, bà đem chất ở góc vườn, lấy mấy tấm tranh hư và ni lông cũ rách trùm lên để phòng mưa gió.

Cũng may, sau ngày đưa ông Táo về trời, mưa tạnh và nắng bắt đầu hửng lên. Nắng yếu ớt nhưng mang lại niềm vui lớn, mang lại không khí Tết cho con người. Đó là điều sau này tôi mới nhận ra chứ lúc ấy, tôi nào có quan tâm, chú ý gì đến. Trời nắng nghĩa là nên lo đi hớt tóc và tắm rửa cho sạch sẽ. Việc cỏn con vậy mà mẹ tôi phải khan cả cổ mới buộc được tôi thực hiện. Ở quê, cứ sắp sửa sang năm mới là mọi thứ từ nhà cửa đến con người đều phải mới. Ai có nhiều tiền bạc thì sửa sang hay quét vôi lại nhà, sơn lại cửa, mua véc-ni về đánh bóng bàn ghế. Ai ít tiền thì nhân lúc trời nắng, mang hết bàn ghế ra sân kỳ cọ, dội rửa cho hết bụi bặm. Bọn trẻ con và đám choai choai thì người lớn phải nhắc cầm canh việc hớt tóc, tắm gội. Tập tục năm mới điều gì cũng phải mới, hồi đó, tức năm tôi 17 tuổi, sao mà rắc rối đến vậy! Mẹ tôi nói lần đầu nhẹ nhàng, tôi dạ dạ rồi cho qua. Đến khi bà nổi nóng quát lên, tôi càm ràm, hẹn tới hẹn lui; cuối cùng cũng phải tới tiệm hớt tóc. Nhưng, tôi nhớ chẳng bao nhiêu lần không phải quay trở lại tiệm hớt tóc lần thứ hai vì “hớt gì mà tóc còn dài ngoằng” hay “bắt chước mấy đứa híp-pi để tóc dài nữa hả?”. 17 tuổi, ngoài đường tôi đã lớn, đã biết “em tan trường về, anh theo Ngọ về” nhưng trong nhà, dưới mắt mẹ tôi, tôi vẫn là thằng con nít, hỉ mũi chưa sạch.

Năm đó, lần đầu tiên, mẹ tôi sắm đồ tết cho tôi không phải chiếc quần xanh, áo trắng “để qua Tết mặc đi học luôn”. Mẹ biểu tôi chở mẹ đi mua vải và cho tôi chọn quần áo. Tôi chọn xấp vải quần màu bồ quân đậm và xấp vải sơ-mi màu khói hương. Mẹ có vẻ hài lòng khi thấy tôi thích những màu này. Bà mua thêm cho tôi xấp vải áo màu xanh nhạt. Đặc biệt hơn, bà sắm cho tôi đôi giày da bóng lộn. Mấy chị tôi cằn nhằn thì bà nói: “Sang năm nó thi tú tài, lớn rồi cũng phải ăn mặc khác một chút…”.

 

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

2.

Trời vẫn nắng yếu nhưng rất đáng giá vì chỉ còn 4 ngày nữa là sang năm mới. Không khí se se lạnh, rất thích hợp cho việc nấu bánh, làm mứt. Mẹ tất bật, tính toán từng việc một. Hôm nay làm gà gói trưởi; chiều rim mứt gừng, mứt dừa. Ngày mai làm bánh hạt sen, bánh phục linh, đổ bánh thuẫn. Rồi làm bánh tổ, gói bánh tét… Mỗi ngày một, hai hay ba việc; cứ theo đó mà làm. Các chị tôi cũng vất vả theo mẹ, lo cho cái Tết của cả nhà. Riêng tôi vẫn cứ nhởn nhơ như người ngoài ghé chơi, chẳng giúp được việc gì. Có lẽ do tôi đoảng vị, vụng về nên mọi việc trong nhà mẹ và hai chị đã phải ôm hết. Ba tôi thì bận bịu việc áo cơm, chuyện Tết nhất hẳn nhiên mẹ tôi và hai chị lãnh phần.

Cho đến sáng 28 Tết, mẹ tôi mới biểu tôi múc nước đổ đầy thùng chuẩn bị nấu bánh tét. Năm nào bà cũng lo nấu bánh tét sớm vì nhiều người trong họ hàng nhờ nấu giùm. Bà làm bánh tét rất ngon, ai cũng thích. Đòn bánh nào khi mở ra cũng xanh mướt, dẻo mịn và để gần hết tháng giêng, bánh vẫn không hư. Sau khi đổ đầy thùng nước, mẹ nói với tôi bằng một giọng điệu thật lạ, chưa từng có: “Con lớn rồi, phải biết chú ý đến nhà cửa. Chiều nay con lo quét dọn bàn thờ ông bà thật sạch sẽ, mang bộ lư hương ra, lấy tro bếp chùi cho sáng bóng để 30 mẹ nấu mâm cơm rước ông bà về ăn Tết với gia đình.” Tôi chưa kịp dạ thì chị Ba tôi từ sau nhà, nghe được, lên tiếng: “Chuyện bàn thờ để đó con. Nó mà làm thì mất công con dọn lại. Mẹ biểu nó chiều ra sau vườn, gom hết lá khô lại rồi đốt cho sạch đi.”. Mẹ tôi đồng tình: “Vậy cũng được!”.

Tôi nhớ khi đó khoảng hơn 4 giờ chiều. Nắng chỉ còn thoi thóp trên các ngọn cây dừa sau nhà. Gió bấc hiu hiu lạnh. Tôi ra vườn thì thấy mẹ tôi đã ở đó từ lúc nào không biết. Bà đang gom hết lá rụng thành từng đống nhỏ. Bà biết tôi khó lòng dọn cho hết đám lá khô có, mục ướt có nằm khắp vườn nên đã bỏ buổi nghỉ trưa để làm thay tôi. Đúng là hiểu con không ai bằng mẹ! Tính tôi hậu đậu, giỏi việc chú bác chứ việc nhà thì lười. Tự nhiên, tôi nghe cay cay trong mắt. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi biết thương mẹ, biết nghĩ đến công lao của mẹ một cách cụ thể chứ không phải là thứ tình cảm chung chung nữa. Tôi lẳng lặng đi ôm từng đống lá lại, dồn thành một đống to tướng giữa vườn. Gọi là vườn chứ thực ra đó chỉ là mảnh sân nhỏ sau nhà. Ba tôi trồng hơn 10 gốc dừa, vài cây vú sữa, một cây trứng gà, vài cây ổi, mãng cầu, chanh… để lấy trái cho con cái ăn. Trừ chục cây dừa cung cấp củi quanh năm và mỗi dịp cuối năm bán dừa già làm mứt được ít tiền, các cây còn lại chỉ đủ cho mấy chị em tôi nhâm nhi cho vui.

Mẹ tôi đưa cho tôi hộp diêm, dặn: “Con lấy lá khô nhúm lửa cho cháy rồi từ từ đốt. Nhớ đứng đầu gió để tránh khói và đừng để khói bay qua nhà hàng xóm nghe”. Một bà mẹ chỉ biết đọc chữ lại dặn một đứa con chuẩn bị thi tú tài những điều hết sức sơ đẳng khiến tôi nghe rưng rưng trong lòng. Nói xong, bà vào nhà nhưng tôi vẫn nhìn thấy bóng bà thỉnh thoảng xuất hiện ở cửa bếp nhìn ra vườn. Chắc bà chưa thực sự yên tâm về con trai lớn của mình.

3.

Tôi cơi lửa cho bớt khói và tìm những nhánh cây khô gãy vụn bỏ vào để giữ lửa. Công việc nhẹ nhàng trong buổi chiều cuối năm tĩnh lặng, se se lạnh như một điều gì đó thiêng liêng, chảy qua tâm hồn tôi. Tôi thấy mình có lỗi với ba mẹ, với chị em trong nhà. Lâu nay, ngoài những giờ đi học, tôi la cà cùng bạn bè một cách vô tâm, chẳng bao giờ chú ý đến gia đình. Nhìn ngọn khói bay là đà trong không gian chiều sắp hết và hình ảnh mẹ tôi ngày một liêu xiêu cứ gợi lên trong tôi một ý niệm mất mát, hao mòn. Ngọn lửa rồi sẽ lụi. Khói rồi sẽ tan. Chiều sẽ qua và năm sắp hết.

Mùi khói lá ẩm ướt khê nồng, hăng hắc khó chịu. Thi thoảng gió đổi hướng quật khói vào mắt tôi cay sè. Nước mắt, nước mũi đầm đìa nhưng tôi thấy ấm áp lạ kỳ. Ngọn khói màu xám trắng cứ quẩn quanh, không chịu bay cao lên khoảng không bao la. Nó cứ lờn vờn trên các ngọn dừa như muốn níu cả buổi chiều ở lại. Tôi như người say thuốc, cứ nghe mình đang bềnh bồng trôi trong khói, trong sương mờ. Và, cảm giác sau đó là tôi thấy mình đang thay đổi. Đúng hơn là có điều gì đó lạ lẫm đang lớn lên trong tôi, mỗi lúc một lớn hơn.

Mùi khói lá bây giờ không còn khó chịu nữa. Nếu có thể, tôi muốn ôm lấy khói, sợ nó tan loãng, bay mất đi. Tôi vun lá lấp bớt lửa ngọn để khói nhiều hơn. Tôi mặc cho khói phủ vây lấy mình như ngày nào giữa quê ngoại, theo mấy ông anh hun phân trâu bò khô để nhử bắt bọ rầy. Tôi mê man trong cảm giác của một người từ nơi xa lạ trở về quê cũ mà quê cũ đã đổi thay đến độ không tìm thấy nét nào quen thuộc nữa. Cảm giác bâng khuâng, bỡ ngỡ và cả những bần thần, tiếc nuối cứ đan xen lẫn nhau mà không sao giải thích, phân bày được.

Tôi ngồi bên đống tro tàn, lòng ngổn ngang bao nỗi. Chiều đã sắp hết. Bóng chạng vạng bắt đầu xâm chiếm. Khu vườn đã được mẹ tôi quét dọn sạch sẽ trông rộng ra hơn. Tôi ước sao lòng mình cũng trở nên quang đãng như vậy. “Xong rồi, thôi vào nhà ăn cơm đi con. Tối nay thức canh nồi bánh tét nghe!”. Mẹ ra từ lúc nào, vỗ lưng tôi, nói. Tôi ôm lấy vai mẹ. Mẹ gầy hơn tôi nghĩ.

Tối hôm đó, tôi thức cùng ba mẹ cho đến nửa đêm. Củi đã chất sẵn một bên. Thỉnh thoảng phải châm thêm nước vào nồi bánh nên chẳng mệt nhọc gì. Tôi ngồi nghe ba mẹ tôi bàn chuyện tết nhất, chuyện làm ăn và những dự tính cho năm mới tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều mà lâu nay, tôi cứ nghĩ rất bình thường. Phải chăng, mùi khói đốt lá trong vườn cuối năm đã xóa đi những han rỉ và làm mới tâm hồn tôi. Tôi nhìn chăm chú vào bếp lửa. Những gốc tre cháy nhanh, bén lửa kêu tí tách. Những khúc dương liễu tuy chưa thật khô nhưng đượm lửa sôi phì phì…

Một tất niên với tôi, lạ lùng và mới mẻ. Và, điều thành hiển nhiên là từ đó, việc cuối năm, đốt lá dọn vườn được giao cho tôi.  

4.

Bây giờ khu vườn xưa đã không còn. Những cây dừa đã bị ba đốn bỏ vì rễ cây ăn rộng quá, hư hết nhà cửa. Các cây còn lại già cỗi và chết dần. Ba mẹ tôi cũng thành thiên cổ. Khu vườn nho nhỏ được em tôi lát gạch cho sạch. Cuối năm, không còn đốt lá dọn vườn nữa nhưng mùi khói năm nào cứ quẩn quanh trong trí tôi mỗi khi gió đông bắt đầu thổi về. Những năm về ăn Tết cùng đại gia đình, tôi vẫn hay ra sau nhà, nhìn khu vườn cũ mà luyến tiếc, nao lòng. 

Bây giờ quê nhà đã xa ngái. Khói lá năm nào đã thành hư ảo nhưng trong tôi, mùi khói vẫn ấm nồng cơ hồ như tôi đang đứng giữa vườn, ngày xưa.

XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014

1   Quanh “những vấn đề…” Đặng Mỹ Hạnh  
2   Những xu hướng toàn cầu Đinh Yên Thảo  
3   Tranh Xuân 2014 Tre Online  
4   Nỗi niềm thi ca Nam Đan  
5   Nhật ký đầu xuân HẢI-VÂN  
6   Những cánh mai – Trong tách trà Trần Mộng Tú  
7   Em, và nỗi Nhớ Mặc Lan  
8   Xuân Muộn Hoàng Định Nam  
9   Tử Vi Xuân Giáp Ngọ Tre Online  
10   Hiệu ứng cánh bướm Nguyễn Xuân Thiệp  
11   Nơi có chim bay những buổi chiều Nguyễn Thị Từ Huy  
12   Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật Bản Hoàng Long  
13   Xem lại vài hình ảnh năm 2013 Tre Online  
14   Nhà vườn chuẩn bị cho Tết Thanh Tú  
15   Cờ người Lão Mủn  
16   Nâng Chén Muôn Trùng Đặng Kim Côn  
17   Đánh bạc bằng chữ – Thả Thơ Trịnh Thanh Thủy  
18   Một thời thả thơ Nguyễn Chủ Nhạc  
19   Đầu năm nói chuyện không gian… dối Bùi Thanh Liêm  
20   Hải đường dưới đất Thái Kim Lan  
21   Cảm đề Xuân Giáp Ngọ 2014 Phạm Cây Trâm  
22   Dear “fans” Đặng Mỹ Hạnh  
23   Tết về với mẹ Trần Lý Lê  
24   Những “cao thủ” sắp trình làng Movie Phan  
25   10 điểm mạnh của nước Mỹ Thanh Dũng  
26   Chuyện ngựa! Đoàn Xuân Thu  
27   Những mùa Tết cũ… Cẩm Giang  
28   Trà hoa – Camellia Nguyễn Xuân Thiệp  
29   Những mùa Xuân Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu  
30   Tản mạn về một ngày – Tết đọc sách Mai Sơn  
31   Về giọng nói ở một nơi không có xe lam Nguyễn Nhật Ánh  
32   Tết cuối Trangđài Glassey Trầnguyễn  
33   Mùa thơ ấu Huỳnh Thục Vy  
34   Nhớ khói trong vườn Lưu Vỹ Bửu  
35   Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm Hoàng Ngọc Tuấn  
36   Thơ xuân Chiêu Anh Nguyên  
37   Tôi Với Mùa Xuân Hồ Thụy Mỹ Hạnh  
38   Quê Hương Cổ Tích Trần Mộng Tú  
39   Năm Ngọ nói chuyện ngựa Phạm Thành Châu  
40   Đôi nét thú vị của làng thể thao 2013 Trần Trí Dũng  
41   Ánh mắt mùa Xuân Nguyễn Văn Sâm  
42   Cách chúng ta chào nhau Trà Đóa  
43   Anh và Xuân Tiểu Thảo  
44   Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai Song Chi  
45   Tết Quê Hoàng Vũ  
46   Ngựa và nghệ thuật thăng hoa Đinh Cường  
47   Nồi bánh tét cuối năm Ngọc Linh  
48   Sớ Táo Quân Lợi Trân  
49   Thư Xuân 2014 của Trẻ Tre Online