Menu Close

Những mùa Tết cũ…

1.
Má tôi gọi mùa này là mùa Tết. Còn sao gọi như vậy, tôi chịu, không biết. Nhưng cứ sắp đến Tết là tôi cứ nhớ nôn, dù còn ở đâu đâu hay đang ngồi giữa quê nhà…

Đó là lúc công việc của nhà nông đã xong. Lúa vô bồ, cũi đập lúa xếp kho. Nhà ai có ao có đìa thì cỡ cuối Tháng Chạp, còn ít ngày nữa tới Tết thì xúm lại tát cá ăn Tết. Không như bây giờ, người ta nuôi tràn, giờ nào bắt cũng được.

Cá trong đìa mùa này chỉ có cá lóc, cá trê, cá rô, những con cá dài mình tròn lẳn. Mớ nào bán thì bán, lấy tiền để mua sắm chút đỉnh vật dụng bếp núc, và quần áo mới cho trẻ con. Mớ nào để dành rộng trong khạp, chờ Tết… Mớ nào nhỏ nhỏ, lũ trẻ xúm lại, dùng que tre xỏ một phát từ họng tới đuôi, gom rơm đốt nướng trui, chấm muối ớt ăn liền. Mùi cá nướng rơm thơm cả xóm. Những con cá chết ngộp được mấy bà mấy chị đem muối sả, sau đó nướng hay chiên với mỡ heo… ăn với cơm mới thơm lừng là hết sẩy! Bữa nào tát đìa, cả xóm như có hội.

Má tôi, mới đầu Tháng Chạp đã tính Tết này phải gói mấy đòn bánh tét, bao nhiêu bánh ú bánh ít…, sẽ phải “đi Tết” nhà ai… rồi lo chẻ lạt để đó trước. Rồi má nấu nếp than làm rượu gài để uống mỗi người một ly đầu năm lấy hên. Rồi bà tẩn mẩn làm dưa kiệu, làm cải chua, củ cải ngâm nước mắm. Không biết có phải vì “vị lòng”, mà món nào tôi cũng thấy má mình làm thật ngon, dù là củ kiệu trắng ngà, củ hành tím tím hay là cọng củ cải giòn dai đẫm nước mắm, nước tương nâu nâu cay xé lưỡi.

Ba tôi được má phân công lo đám bông vạn thọ. Vạn thọ trồng chưng Tết là phải gieo hạt từ cuối tháng 9 âm lịch. Chăm sóc tốt sẽ nở rộ từ hôm đưa ông Táo về Trời, cho tới Tết. Cả vạt sân bên hông nhà nồng nàn mùi lá, mùi bông vạn thọ. Má nói hàng ngày muốn chưng bông gì cũng được, ngày Tết chưng vạn thọ cho hên, sáng nhà sáng cửa. Dĩ nhiên là ai cũng hoan hỉ nghe lời bà. Ngay cả ba tôi, vốn là một tay chơi mai lão luyện và chỉ thích trồng mai, cũng gật gù bảo má mấy đứa nói phải.

Hăm ba Tết, cúng ông Táo về Trời.

Sau ngày đó, cả nhà y như làm một cuộc cách mạng. Tất tần tật những màn cửa, chăn mền, gối chiếu… được mang giặt giũ, phơi phóng. Mùa này, đất phương Nam dư dả nắng. Ông Trời hào phóng ban phát nguồn năng lượng vô biên đó, cho mọi người mọi nhà giũ bụi trần một năm mà “tống cựu nghinh tân”!

Cái bếp than bắt đầu đỏ lửa và cứ thế mà rừng rực nóng, từ chiều 24 Tết. Má tôi siêng lắm. Mứt bí, mứt dừa, hạt sen, gừng khô, gừng dẻo, khoai lang… bà làm hết. Bà nói chỉ tin vào cái sự sạch sẽ khi tự tay mình làm cho con cháu ăn, lại còn có thể mang biếu họ hàng, xóm giềng… để tỏ lòng hiếu thuận và tình thân. Cái bài học này, má học được từ bà ngoại tôi. Bà ngoại khó tính lắm. Từ lúc mẹ tôi còn là một cô bé tóc cột thun, bà ngoại đã dạy má tôi muối dưa chua, làm củ kiệu, làm bánh nấu chè… Và, chúng tôi khi vừa lớn lên cũng “bị bắt” học theo, bất kể gái trai.

Trong cái bếp đen bồ hóng, nồng nàn mùi khói, sực nức mùi thơm của đường thắng tới, của lá dứa, vani, của chuối, của gừng đang sôi trên chảo đường… lũ nhỏ chúng tôi ngồi chầu hẫu đợi mứt ra lò để tranh nhau mứt vụn và chí chóe nói chuyện cười đùa, trong khi vẫn phải canh chừng bếp không được để non lửa hay già lửa… Má tôi mồ hôi bết lưng, ướt trán, âu yếm nhìn sắp nhỏ trong ánh lửa bập bùng, chia ngay những miếng mứt gãy hay cháy cạnh, những đám đường bông ra cho đàn con háu ăn. Ngoại tôi, hết kêu đứa này lấy củi châm bếp, lại rầy đứa nọ không được chạy quanh bếp kẻo phỏng lửa, vừa bỏm bẻm nhai trầu, nheo nheo mắt kiểm điểm từng phần cái công trình bếp núc của má tôi!

Chộn rộn như vậy, nhưng đến khi cúng Giao Thừa xong và làm thủ tục chúc Tết, lì xì, đi chùa ngày mồng Một Tết, cầu phước thì ít mà khoe áo mới thì nhiều, trong con mắt tôi dường như cái Tết đã bay qua. Dẫu rằng hương khói còn nghi ngút trên bàn thờ 3 ngày Tết.

Bây giờ, mùa Tết chừng đã phai. Cũng bánh mứt đó, cũng hoa trái đó nhưng mọi thứ đã có… dịch vụ lo. Hầu như nhà ai cũng vậy. Những gia đình chỉ có hai vợ chồng hai đứa con, hai người lớn làm việc mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì thú vui ngồi sên mứt, lặt kiệu, lau lá bánh, chuẩn bị cho mùa Tết… chỉ còn là hoài niệm.

Bà tôi mất nhiều năm nay. Không còn ai nhắc nhở mẹ tôi phải làm món này món nọ. Bây giờ, Tết nào nhà tôi cũng đầy đủ bánh mứt đông tây, hoa thơm trái lạ, nhưng cái cảnh quây quần lo Tết đã được tiết giảm tối đa, đến nỗi những đứa cháu tôi không thể hình dung ra cái gọi là “mùa tết”, không biết thế nào là cái chộn rộn tất bật gây nhớ nhung của những ngày áp Tết.

Và, cứ đến mùa bấc non rồi bấc già, ngoài đồng ngun ngút mùi khói rạ, tôi lại thấy tràn lên nỗi nhớ Tết xưa. Nhớ mùi khói um trong gian bếp hẹp, mùi mứt thơm, mùi bánh tét vừa vớt ra khỏi nồi nước sôi lục bục, nhớ những tiếng rầy rà của ngoại tôi để dẹp yên lũ cháu… nhớ vạt bông vàng rực rỡ trước sân do ba tôi cặm cụi vun trồng. Nhớ đến tê lòng.

2.
Năm nào cũng vậy, sau chuyện tất bật dọn dẹp, rộn ràng mua sắm… cho cả nhà, tôi bắt đầu dọn dẹp trong phòng làm việc của mình trước giờ Giao Thừa. Đó là sắp xếp những cuốn sách trong tủ sách gia đình, quét dọn bụi bặm, đốt một ít nhang thơm xông vào để tẩy bớt mùi ẩm mốc. Công việc dọn tủ sách chiếm của tôi khá nhiều thời gian. Bởi lẽ đơn giản là quyển sách nào khi mở ra cũng gợi cho tôi một trời kỷ niệm, vậy là mở ra đọc…

Có một quyển sổ nằm lẫn trong chồng sách cũ. Có lẽ lúc dọn dẹp, tôi đã nhầm tưởng nó là một cuốn sách. Đó là cuốn sổ ghi chép của ba tôi. Cuốn sổ bìa cứng có hoa văn da rắn 400 trang, giấy kẻ ca rô thật nhỏ, đã ố vàng. Lật ra vài trang, lòng tôi thốt nhiên rúng động.

Đó là những trang ghi chép ngày sanh tháng đẻ của chị em tôi. Là những dòng tử vi ngắn gọn đoán tiền căn hậu vận, những trang ghi chép nợ nần và ngày giờ trả dứt, thậm chí là bản nháp của một tờ thư. Chiếm nhiều trang nhất là những trang bói bài tây – những trang bói bài ghi không hết giấy với chi chít vết gạch xanh đỏ, vậy mà gợi lên nỗi nhớ ba tôi khôn xiết. Đó là những trang ghi lại quẻ bói đầu năm.

Ba tôi có một bộ bài tây rất đẹp, cất trong một cái hộp nhựa mỏng. Ông dùng bộ bài đó để… bói bài vào đêm trừ tịch hay trước những sự kiện quan trọng, rồi sau đó xếp vào  ngăn tủ.

Đêm Giao Thừa, cúng kiếng xong là ba tôi ngồi ngay bàn giữa, vẫn còn nguyên khăn đóng áo dài, lũ chúng tôi đứng xúm xít mừng tuổi. (Mà ngộ, trong ký ức của tôi, chưa bao giờ tôi nhận ở ba một phong bao lì xì. Con cháu trong nhà cũng vậy. Phần lì xì là của má tôi). Xong màn xúm xít vui vẻ đó, ông hối má tôi cho mấy đứa nhỏ đi ngủ để mai dậy thiệt sớm đi lễ chùa, coi múa lân. Còn ông thì dẹp trà bánh qua một bên, mở tủ lấy ra hộp bài tây. Cũng rất thận trọng như trước khi làm lễ cúng gia tiên, ông mở hộp bài rồi chậm rãi kinh bài… rồi vừa lật từng lá, vừa đăm chiêu suy nghĩ. Tôi và thằng em trai ngồi chầu hẫu gần đó, cũng nín thở coi dù… không biết gì hết. Đợi chừng hơn nửa tiếng, ba xong việc coi quẻ bài và biên chép vô cuốn sổ, chúng tôi mới háo hức sà xuống: “Ba bói cho tụi con một quẻ đi ba!”. Và ba cũng “xủ quẻ” đầu năm cho chúng tôi, sau khi bắt quỳ lạy trước bàn thờ, thành tâm… xin quẻ! Xong, người mới phán những câu đúng như… thánh phán, về những chuyện sẽ gặp phải, những khuyết điểm cần sửa chữa. Dĩ nhiên là… chung chung thôi mà chúng tôi cứ mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe! Có biết đâu, như má tôi hay nói “Tao đẻ ra tụi bây, tính nết mỗi đứa thế nào, tao còn lạ gì…”, huống hồ, ba tôi còn yêu con hơn cả thân mình!

Chuyện bói đầu năm chỉ có vậy, nhưng chúng tôi rất sợ năm nào ba bói cho quẻ xấu, vì coi như cả năm đó công lao… phấn đấu đi đứt hết! Nên cuối năm là bảo nhau ráng làm người tốt kẻo xui cả năm.

Cái hình ảnh đó nó quen thuộc đến mức sau này, tối Giao Thừa cúng xong mà không còn thấy ba ngồi tẩn mẩn làm một quẻ bói đầu năm, thì coi như cái Tết đó mất đi một phần ý nghĩa.

Mà, đã hai chục năm rồi, chúng tôi mất đi cái phần hồn phách đêm Giao Thừa đó… Bởi vậy nén nhang trầm mỗi độ cuối năm, cho dù cố công mua loại tốt, cũng chừng như bớt thơm đi mấy phần.

alt

Thắm Nguyễn

CG

XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014

1   Quanh “những vấn đề…” Đặng Mỹ Hạnh  
2   Những xu hướng toàn cầu Đinh Yên Thảo  
3   Tranh Xuân 2014 Tre Online  
4   Nỗi niềm thi ca Nam Đan  
5   Nhật ký đầu xuân HẢI-VÂN  
6   Những cánh mai – Trong tách trà Trần Mộng Tú  
7   Em, và nỗi Nhớ Mặc Lan  
8   Xuân Muộn Hoàng Định Nam  
9   Tử Vi Xuân Giáp Ngọ Tre Online  
10   Hiệu ứng cánh bướm Nguyễn Xuân Thiệp  
11   Nơi có chim bay những buổi chiều Nguyễn Thị Từ Huy  
12   Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật Bản Hoàng Long  
13   Xem lại vài hình ảnh năm 2013 Tre Online  
14   Nhà vườn chuẩn bị cho Tết Thanh Tú  
15   Cờ người Lão Mủn  
16   Nâng Chén Muôn Trùng Đặng Kim Côn  
17   Đánh bạc bằng chữ – Thả Thơ Trịnh Thanh Thủy  
18   Một thời thả thơ Nguyễn Chủ Nhạc  
19   Đầu năm nói chuyện không gian… dối Bùi Thanh Liêm  
20   Hải đường dưới đất Thái Kim Lan  
21   Cảm đề Xuân Giáp Ngọ 2014 Phạm Cây Trâm  
22   Dear “fans” Đặng Mỹ Hạnh  
23   Tết về với mẹ Trần Lý Lê  
24   Những “cao thủ” sắp trình làng Movie Phan  
25   10 điểm mạnh của nước Mỹ Thanh Dũng  
26   Chuyện ngựa! Đoàn Xuân Thu  
27   Những mùa Tết cũ… Cẩm Giang  
28   Trà hoa – Camellia Nguyễn Xuân Thiệp  
29   Những mùa Xuân Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu  
30   Tản mạn về một ngày – Tết đọc sách Mai Sơn  
31   Về giọng nói ở một nơi không có xe lam Nguyễn Nhật Ánh  
32   Tết cuối Trangđài Glassey Trầnguyễn  
33   Mùa thơ ấu Huỳnh Thục Vy  
34   Nhớ khói trong vườn Lưu Vỹ Bửu  
35   Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm Hoàng Ngọc Tuấn  
36   Thơ xuân Chiêu Anh Nguyên  
37   Tôi Với Mùa Xuân Hồ Thụy Mỹ Hạnh  
38   Quê Hương Cổ Tích Trần Mộng Tú  
39   Năm Ngọ nói chuyện ngựa Phạm Thành Châu  
40   Đôi nét thú vị của làng thể thao 2013 Trần Trí Dũng  
41   Ánh mắt mùa Xuân Nguyễn Văn Sâm  
42   Cách chúng ta chào nhau Trà Đóa  
43   Anh và Xuân Tiểu Thảo  
44   Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai Song Chi  
45   Tết Quê Hoàng Vũ  
46   Ngựa và nghệ thuật thăng hoa Đinh Cường  
47   Nồi bánh tét cuối năm Ngọc Linh  
48   Sớ Táo Quân Lợi Trân  
49   Thư Xuân 2014 của Trẻ Tre Online