hời gian này ở quê tôi nhằm vào tiết cuối thu đầu đông đó là thời khắc giao mùa, đánh dấu chuỗi ngày mùa đông dài, nhiều mưa, rét mướt. Đặc trưng cho mùa này là những trận mưa rả rích, lê thê và những đợt gió mùa đông bắc khô nứt nẻ.
Nhưng thật lạ, mùa Đông càng dai dẳng, càng khắc nghiệt thì mùa Xuân càng đẹp và ấm áp. Mùa Đông khiến vạn vật trong trời đất như ngưng đọng lại, mọi vận động trở nên chậm hơn như để chịu đựng sự hà khắc của thiên nhiên. Rồi một ngày nọ, khi những cánh én đầu xuân đưa thoi trên bầu trời đầy nắng báo hiệu bà chúa xuân sắp đến mang theo nguồn sinh khí tinh khôi làm hồi sinh vạn vật. Đó là khoảnh khắc cả thế giới như được sống lại một cuộc sống mới, mạch sống khắp nơi bắt đầu tuôn trào vô hạn làm cho lòng người cũng phơi phới yêu đời.
Mùa Xuân chất chứa nguồn sống vô tận nên nó trở thành chủ thể gợi lên cho nhiều nghệ sĩ xúc cảm mãnh liệt và Xuân luôn được tượng trưng cho niềm hy vọng, Xuân của tuổi trẻ. Cứ mỗi độ xuân về, tôi thường đi dạo thẩn thơ trên những con đường quê hây hẩy gió nồm, trong lòng vương vấn nhủ thầm hai câu thơ của Tố Như: “Sen tàn Cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”
Chỉ với hai câu thơ thôi, tác giả đã có thể chuyển đến người đọc một ý niệm về thời gian, sự tiếp nối mang tính chu kỳ của bốn mùa, một quy luật tự nhiên rất mực đơn giản nhưng toàn diện. Có lẽ cũng vì lẽ đó nên nhiều người sẽ dễ dàng lãng quên. Hơn thế, nó còn mang trọn một tâm tư, gửi gắm nỗi niềm hy vọng, trông mong một tương lai tươi sáng. Qua các danh từ mà tác giả sử dụng, chỉ có những người đã tiếp nhận nền văn hóa truyền thống mới hiểu và cảm nhận được thứ cảm nhận mà người viết muốn gởi gắm.
Mùa Xuân Việt Nam làm nên sự khác biệt so với mùa xuân ở nhiều nước khác bởi thời tiết ấm áp hơn và phong tục truyền thống. Ở các nước Tây Âu, người dân đón năm mới trong cái lạnh buốt đến thấu xương, đâu đó còn sót lại trong không gian vết tích của những ngày đông khắc nghiệt. Ở Việt Nam thì khác, Xuân đến chậm hơn so với Tây lịch ít nhất một tháng. Trong khoảng thời gian đó, dấu vết của mùa Đông đã bị xóa tan bởi những tia nắng rực rỡ.
Xuân đến với những trận gió nồm đông kéo dài, những buổi chiều trời tối mau lẹ như cố giấu đi vẻ đẹp huyền ảo của ánh hoàng hôn. Bình minh của những ngày xuân là bầu trời vàng rực bên trên lớp sương mù dày đặc. Những giọt sương long lanh trong sáng tựa pha lê trên những cánh hoa mai nở sớm. Nàng xuân ngao du trong cánh én liệng tự do giữa bầu trời, dưới tầm mắt nàng là những trận mưa cấy cải trên cánh đồng hoa màu ngút ngàn.
Mùa xuân Việt Nam là những phiên chợ chiều đông đúc để chuẩn bị cho cái Tết cận kề. Mùa xuân là nụ cười nhợt nhạt ghi dấu bao nỗi lo toan bộn bề trên khuôn mặt khắc khổ của những bà mẹ quê, là nụ cười giòn tan của mấy đứa trẻ đang bận bịu với các trò chơi, là đôi gánh nặng nề trên những đôi vai gầy guộc thấp thoáng sau rặng thùy dương, là những khoảng đất rộng với bao nhiêu chậu hoa đủ các màu sắc được đem ra bày bán Tết, là mùi bánh tét thơm nức tỏa ra từ các mái nhà tranh xiêu vẹo. Những làn khói trắng buổi chiều xuân cứ trôi mãi đến cùng trời cuối đất, chắc sẽ đọng lại trên một đám mây nào đó ở cuối chân trời…
Những người con gắn liền năm tháng tuổi thơ của mình với mảnh đất gian khổ này mới càng trân quý hơn cái thời khắc thăng hoa của thiên nhiên này. Không thể tìm ở bất cứ nơi đâu một mùa xuân giống như mùa xuân Việt Nam. Cái đẹp không hẳn là yếu tố duy nhất gợi lên trong tâm khảm người Việt về mùa xuân của đất nước mình. Mùa Xuân trong họ còn là những mùa xuân tang tóc của chiến tranh, mùa xuân trong cái đói khát hoành hành, mùa xuân của sự túng thiếu xơ xác. Mùa Xuân là những ngày đi tảo mộ và cúng cô hồn chết oan với rải rác vàng mã trên đường.
Đại đa số người Việt Nam hiện nay có lẽ còn chưa quen với một cái Tết đầy đủ, bởi chỉ có những gia đình may mắn, có đặc lợi mới hưởng được những cái Tết hạnh phúc trọn vẹn trên quê hương lầm than này! Đã ba mươi tám mùa xuân trong bức bách tột cùng nối tiếp nhau đi qua. Đã quá lâu rồi chưa có một mùa xuân đích thực về trên đất nước này. Gần bốn thập niên, cả nước phải sống trong những đêm đông vô vọng. Khi các nước láng giềng đang chuẩn bị đón xuân với các cải cách chính trị với triển vọng mang lại một đời sống đáng sống hơn cho người dân nước họ, thì người dân Việt Nam phải gánh chịu sự hà khắc tột cùng của nền nội chính độc tài.
Mùa xuân về trên đường phố Việt Nam với dãy xe ô tô nối đuôi nhau của tầng lớp “đầy tớ nhân dân” trước các quán rượu Tây sang trọng. Trên những con đường đầy cờ đỏ sao vàng và đèn lồng, mùa xuân đến với những chú bé đánh giày là những khoản tiền tip từ các vị khách sang trọng. Những người lao động thuộc tầng lớp thấp của xã hội đang lầm lũi đi về trong những buổi chiều muộn. Cái bụng đói cồn cào, họ bước qua những con phố và dừng chân lắng nghe đâu đó tiếng chúc mừng trong niềm vui sum vầy của những gia đình có con em đi du học nước ngoài về quê ăn Tết cùng bố mẹ. Họ tiếp tục bước đi bỏ mặc sau lưng những khốn khó thường ngày, bỏ mặc luôn tiếng hát từ đài phát thanh đang tưng bừng: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng…”.
Đã qua rồi cái thời mà những người lao công dừng chổi lắng nghe tiếng đại bác dội về thành phố. Thay vào đó là tiếng pháo hoa được bắn lên trời ở khắp mọi nơi chào mừng “mùa xuân của đảng”. Số tiền mà đáng lẽ ra người dân Việt Nam dùng để đón mùa xuân no đủ bị đảng cộng sản đem đốt thành tro bụi cho những thú vui phù phiếm. Mùa xuân của đất trời thì luôn diễm lệ nhưng “Mùa Xuân kiểu Việt Nam” là những nghịch lý trớ trêu được tạo dựng từ bàn tay của quỷ dữ.
Mùa xuân lại trở về với sự bao dung và hào phóng. Những người Việt Nam biết yêu quê hương mình luôn trông ngóng một mùa xuân thực sự để xoa dịu nỗi thống khổ và những mất mát của đất nước sau nhiều năm chìm trong bóng đêm tối mịt. Chúng ta cùng hy vọng đất nước Việt Nam rồi sẽ đón nhận một tiết xuân huy hoàng trong ánh nắng tràn ngập của lòng yêu thương và sự thịnh vượng.

Tranh: Thắm Nguyễn
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014