Nơi ấy là một góc đặc biệt của Sài Gòn. Đặc biệt hơn mỗi khi chiều về.
Bạn đã bao giờ ngồi đó, ở cà phê Bean ngay góc phố Nguyễn Du và đường Đồng Khởi, khoảng 5 giờ chiều, và cứ ngồi đó nhìn chiều buông cho tới khi tối hẳn? Trước mặt bạn là nhà thờ Đức Bà. Màu gạch cổ xưa, một màu vàng nâu đậm đà bền bỉ cùng năm tháng. Ngắm nhìn màu sắc đó bạn sẽ hiểu thế nào là vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp có khả năng cưỡng lại sự tàn phá của thời gian. Hai tháp nhọn màu trắng của nhà thờ thanh thoát hướng lên trời. Hai thập giá đen trầm mặc chiêm nghiệm những thăng trầm của thời đại. Thật may mắn là xung quanh vẫn còn đủ không gian cho hai ngọn tháp đó, nghĩa là vẫn còn đủ không gian cho nội tâm của con người khi nó muốn lưu lạc vào thế giới tinh thần, tạm quên đi những réo gọi của đời sống trần tục.
Chính điều ấy liên quan đến sự đặc biệt của góc phố này. Đây là nơi ta có thể cảm nhận được sự hợp lưu của hai thế giới, nếu có ai muốn cảm nhận sự hợp lưu đó, thế giới của đời sống hàng ngày được đặc trưng bởi luồng xe cộ không ngừng di chuyển trên đường phố, và thế giới nội tâm hiển linh nơi cái khối vàng đậm cổ kính trước mặt, dường như bất biến cho dù năm tháng có chuyển dịch.
Chính là khi đối diện với nhà thờ Đức Bà mà ta cảm nhận được sự tĩnh lặng vĩnh hằng bất chấp tiếng ồn ào bất tận trên đường phố. Vào thời điểm nắng đã tàn hẳn, khi những người thanh niên phục vụ của cà phê Bean hạ những tấm dù xuống, ta có thể cảm thấy tiếng thầm thì của làn gió nhẹ nhàng dường như thổi tới từ phía sau lưng nhà thờ, im lặng kể những bí tích đã tồn tại từ bao đời nay trong kinh thánh.
Bên kia đường là bưu điện trung tâm, cùng một kiểu kiến trúc xưa, rất hài hòa, hòa hợp với nhà thờ, như một nét nhấn gợi về thời quá vãng, như là sự nhắc nhở đừng quên quá khứ.
Đặc biệt nhất là khoảnh khắc lúc trời dần dần tối hẳn. Nếu ngước lên trời có thể nhìn thấy những chú chim đang bay lượn. Nhiều chim hơn là ta có thể hình dung. Chúng bé xíu và đuổi nhau từ ngọn cây này qua ngọn cây khác.
Rồi cũng đến lúc đèn bật sáng trong nhà thờ và trên đường phố. Nếu lúc trời sáng ta nhìn cảnh vật như từ bên trong nhìn ra, thì lúc này đây, dường như ta bị những ngọn đèn xe máy và đèn ô tô rọi vào thế giới bên trong của mình, dù là ta đang ở trong bóng tối.
Khi ánh sáng đèn đường đã hoàn toàn thay thế ánh sáng tự nhiên, nhà thờ Đức Bà có cái gì rất khác, nó dường như mang một vẻ huyền bí và có phần kỳ ảo. Nó vẫn lặng lẽ, như để nhắc nhở rằng sự lặng lẽ là một phần của cuộc sống, cái phần mà thành phố này rất thiếu. Nếu không có những khoảng tĩnh lặng sẽ không thể có chiêm nghiệm, suy tư. Và thậm chí cảm xúc cũng không thể đi tới tận những giới hạn xa nhất và sâu nhất của nó, khi thiếu khoảng lặng cần thiết.
Chính nơi góc phố này ta có thể cảm nhận và nuôi dưỡng sự tĩnh lặng thiết yếu này. Ta cảm nhận được nó kể cả khi không chỉ có một mình. Cũng có thể nói, ta sẽ thấy sự tĩnh lặng đó sâu hơn khi chia sẻ nó cùng với người bạn đồng điệu.
Liệu ta có thể hình dung Sài Gòn mà không có nhà thờ Đức Bà ? Liệu có thể hình dung một cái gì khác hơn nhà thờ được đặt ở không gian này? Không thể, không có gì thay thế được. Nhà thờ Đức Bà không chỉ làm nên một nét của diện mạo, của hình thức bên ngoài. Nó chính là sự hiện diện của lịch sử, là bản thân lịch sử. Đồng thời nó cũng phơi mở nội tâm sâu thẳm của thành phố. Nó lấy chiều sâu và sự tĩnh lặng của mình đối lập với vẻ bên ngoài của Sài thành ồn ào và hời hợt.
Góc phố này đặc biệt. Nó giúp ta cảm nhận thấu đáo hơn giá trị của đời sống tinh thần.
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014