Menu Close

Nỗi niềm thi ca

Nhà văn Trần Vũ nói rằng, ông sống ở Pháp trên 30 năm nhưng chẳng bao giờ thấy một bài thơ của nhà thơ đương thời nào đăng trên báo hay tạp chí, kể cả những tạp chí văn chương. Buồn ghê, lẽ nào thơ đã chết!

Ừ, người ta đã chôn cất nàng thơ ở Pháp, và có thể nàng cũng đang hấp hối ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trừ ở Việt Nam.

Người Việt rất yêu thơ. Có người tự hào rằng nước mình là “nước thơ”. Tâm hồn của một người Việt bình thường rất nhiều lần xốn xang, thổn thức vì thơ, thậm chí ai cũng có đôi lần làm thơ trong đời. Có người vì đang yêu say đắm mà làm thơ. Có người vì thất tình mà làm thơ. Thi hỏng ư? Làm thơ. Cảm thương vợ sớm hôm tần tảo mom sông ư? Làm thơ. Giận chồng đèo bòng mối tình nào khác ư? Làm thơ. “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. [*]” ư? Cũng làm thơ! Chán mình ghê, thì thơ tự trào! Thương mình quá, thơ tự thán! Đứng trước đất trời mênh mông, làm vài câu ngũ ngôn tả cảnh. Lòng mình chiều hôm sao đìu hiu quá, làm một bài thất ngôn tả tình. Giận đời quá văng tục, thì thơ tự do, chữ nghĩa cũng đen như mõm chó. Không dưng thấy đời ô trọc, bốn câu tứ tuyệt thơ đạo thênh thang. Thương ngọn cỏ bồng lắt lay trong gió, một bài lục bát thơ thiền… Nếu thống kê những lý do khiến người ta làm thơ thì nhiều vô cùng. Nguồn nguyên liệu cho thơ là kho tàng vô tận. Vậy mà, nàng thơ Việt hấp hối ư? Còn khuya!

Ờ, tuy chưa chết nhưng thơ Việt Nam không còn hấp dẫn người đọc bình thường như đã từng. Đâu rồi những thiếu phụ ngồi đong đưa võng sau hè, thổn thức theo từng dòng “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Đâu rồi các cô cậu thanh niên chép vào lưu bút hay thư tình những bài thơ yêu đương tuyệt đẹp của Nguyên Sa.

Có nhiều nguyên cớ cho sự thờ ơ với thơ. Ngoài việc thơ không thể cạnh tranh nổi với các phương tiện giải trí hiện đại khác như truyền hình, điện ảnh, internet… ra, thì nhịp sống thúc hối của thời đại không cho phép người ta có một khoảng thời gian yên tĩnh để nhâm nhi từng con chữ ngân nga trong hồn. Nhưng nguyên cớ quan trọng nhất là do các nhà thơ xa rời người đọc, hay người đọc không còn tìm được sự chia sẻ đồng điệu với nhà thơ. Có nhiều nhà thơ, ba mươi năm trước thi hứng của họ là ô mai, là sân trường, là mây cao, là trăng non, là gió nhẹ… thì bây giờ vẫn vậy. Nàng thơ của họ vẫn y nguyên những áo xống, phấn son của cảm xúc, vần điệu, chữ nghĩa của mấy mươi năm trước đó. Nàng thơ không chịu già đi với thời gian. Nàng vẫn õng a õng ẹo, nhí nha nhí nhảnh, mãi mãi không chịu trưởng thành khi cuộc đời không dừng lại một chỗ. Có lúc ta gặp nhà thơ đau đời, đau nhân tình thế thái. Chàng – hay nàng – uống rượu, xáng chén, vỗ bàn, thậm chí tuốt cả gươm, dĩ nhiên chỉ tuốt gươm trong thơ. Mà bạo lực trong thơ thì vô hại. Đọc xong vài dòng, thấy ớn quá, thì ta bấm chuột qua mục khác hay lật ngay sang trang khác, hoặc cho vào bếp lửa, là xong.

 

alt

Tranh: Bảo Huân

Hầu như nhà thơ chỉ còn đọc thơ của mình, hay thảng hoặc đọc của nhau – những nhà thơ đồng bọn. Thường, một thi phẩm chỉ còn 2 độc giả: một là chính tác giả, hai là người bị tác giả gởi bài thơ đến tặng, kẻ bị nhà thơ… truy sát.

Thế nhưng người ta vẫn mê thơ, vẫn hùng hục làm thơ. Sân chơi của các nhà thơ trong nước là các hội thơ, các câu lạc bộ thơ ở những địa phương. Đủ cấp. Từ cấp xã, phường lên cấp huyện, rồi cấp tỉnh, rồi đến cấp trung ương. Từ câu lạc bộ thơ phường Đoàn Kết, đến câu lạc bộ thơ huyện Vĩnh An, đến câu lạc bộ thơ tỉnh Hưng Yên, chẳng hạn. 90% thành viên của các câu lạc bộ này là giới cán bộ đã hưu trí. Có nơi họ phải đóng hội phí hằng tháng. Phong trào làm thơ phát triển ngang ngửa với phong trào tập dưỡng sinh nên được gọi là “thơ dưỡng sinh”. Điểm cuối, cũng là đích nhắm cho sự nghiệp của nhà thơ là tấm thẻ hội viên Hội Nhà Văn. Nhiều người, thường ở miền Bắc, nghĩ rằng nếu chưa sở hữu được tấm thẻ ấy thì chưa là một nhà thơ thành danh. Tấm thẻ hội viên Hội Nhà Văn mang lại sự nể vì, niềm vinh quang, cho cả một dòng tộc, hơn cả một văn bằng tiến sĩ. Làng xóm nhìn nhà thơ với ánh mắt vừa dè chừng vừa ngưỡng mộ kẻ có chữ. Tấm thẻ rõ ràng có tác động nhất định với chính quyền địa phương trong sinh hoạt đời sống. Nhà thơ bá vai, cụng ly với giới quyền chức là chuyện thường, rồi tất nhiên, việc trả lễ là những bài thơ cúng cụ, nâng bi. Xin giấy phép để lên lầu cho ngôi nhà ư? Chuyện nhỏ, bảo thư ký phường chứng ngay cho đồng chí nhà thơ! Xin cho con vào trường mẫu giáo ư? Nhà thơ không phải lo, để chúng em sắp lớp cho bé. Ngoài ra, còn khoản nhuận bút do các tờ báo đăng thơ trả, tuy không nhiều nhưng cũng là tiền. Từ đó, cái danh “nhà thơ quốc doanh” ra đời, cái danh mà người ta vừa khinh, vừa gờm. Có khi nhà thơ nhận thẻ hội viên ở Hà Nội về thì cả họ phải hạ bò để làm một cái lễ rước, rước thẻ, tấm thẻ được đặt trên một cái mâm phủ nhiễu đỏ như một thứ linh vị trong lễ bái tổ vinh quy của các ông tú, ông cử ngày xưa.

Khi việc in ấn trở nên tốn kém và chật hẹp thì sân chơi thơ được mở rộng một không gian mới thật mênh mông: internet. Trong chừng 15 năm nay có vô số diễn đàn thi ca, vô số blog của các nhà thơ ra đời, trong nước lẫn hải ngoại; và nhất là mạng xã hội facebook. Họ làm thơ với đủ thứ thi pháp, nhưng đề tài phổ biến vẫn là thơ tình. Ca ngợi và nức nở. Em – hay anh – đành đoạn sang ngang, để lại tôi một trời oán tình đầy vơi, vẫn là đề tài muôn thuở cho những dòng thơ đẫm lệ.

Thơ cũng cần có thị trường tiêu thụ, có đối tác, có đầu ra. Cách nhanh và tiện nhất là hãy đề tặng bài thơ cho một ai đó rồi post lên mạng. Dù nạn nhân có muốn nhận hay không thì cũng mặc, ta cứ đề tặng thì hắn khó lòng thoát thân. Có muốn từ chối cũng rất nhiêu khê. Chẳng lẽ lại phải đăng lại bài thơ với lời biện bạch: Tôi, Nguyễn Văn X., kiên quyết không nhận bài thơ này do nhà thơ Trần Văn Y. đã đề tặng ư? Có đôi lần tôi tình cờ thấy nhà thơ gởi tặng một bài thơ cho 4, 5 nàng/chàng cùng lúc. Nhà thơ thực hiện chiêu bắn chim các nàng thơ bằng đạn vãi, một phát nhắm nhiều em, trúng em nào nhào em đó. Các đối tác có phát hiện thì chỉ cười trừ. Chứ, chẳng lẽ lại giết, hay kiện nhau vì một món quà từ một tâm hồn gởi đến những tâm hồn? Tóm lại, làm thơ post lên mạng là một trong những cách tiêu pha thời gian lành mạnh. Là cách vệ sinh, thể dục tinh thần, là phương pháp giải stress rất hiệu quả. Ngẫm cho cùng nó ít tổn hại và tốn kém so với những thú vui khác.

Ngày nay, nhà thơ trên giấy đã kém phổ biến và có phần lép vế với nhà thơ trên mạng. Bạn có là facebooker không? Tôi dám cá mỗi sáng vào facebook bạn phải ngó thấy (ngó thôi, chứ chưa hẳn là đọc) ít nhất là 2 tác phẩm thi ca của những người trong friend list của mình.

Từ khi có internet, khoảng cách về không gian giữa các nhà thơ bị xóa nhòa, nhà thơ trong nước và nhà thơ hải ngoại hiện diện cùng lúc bằng một cái nhấp chuột. Người ta hiểu tâm tình của nhau hơn, thươngcho tình cảnh của nhau hơn. Và đố kỵ tài năng của nhau hơn. Trên giấy, nền cộng hòa thi ca có phân chia giai cấp rõ rệt, và sâu đậm, giữa các tên tuổi, xuất thân, chức vị… Trên mạng, sự phân hóa này được cào bằng, mọi công dân đều có “thi-sĩ-quyền” ngang, và như nhau.

Họ đông vô kể! Không ai đủ quỡn để làm một thống kê nền thi ca Việt hiện nay, kể cả trong nước và hải ngoại, trên giấy và trên mạng, có bao nhiêu nhà thơ cả thảy. Tôi tin rằng đó là một con số khủng khiếp, con số của nạn “thi-sĩ-mãn” (nói theo kiểu nạn nhân mãn). Buổi sáng, bước ra quán cà phê đầu hẻm, hẳn bạn sẽ đụng đầu với vài nhà thơ. Lên mạng, bạn sẽ va phải vài nhà thơ nữa. Hãy thận trọng! Hãy nhìn xuống chân, bạn sắp giẫm lên một nhà thơ!

o O o

Chúng tôi, chừng chục mạng, nam có nữ có, thường hẹn nhau vào tối Thứ Năm hàng tuần để ngồi lai rai. Quán là hai căn nhà đối diện, ở giữa là một hẻm nhỏ, vừa đủ rộng cho xe gắn máy chạy nhưng xe hơi thì không vào được. Chúng tôi thường được chị quản lý quán ưu ái dành cho cái bàn nằm ngoài hàng hiên. Ở bàn này, ngồi phía trong, có thể nhìn ra đường vui mắt. Phần lớn thực khách trong bàn là nhà thơ và họa sĩ, có người vừa thi vừa họa nên được gọi là thi-họa-sĩ. Chắc bạn nghĩ rằng cùng cái nghiệp chữ nghĩa thì hẳn nhiên chúng tôi sẽ nói chuyện về nghệ thuật, về văn chương, hay về thi ca ư? Sai rồi! Như những người bình thường khác, chúng tôi có thể tám đủ thứ chuyện, thông thường có 3 đề tài chính: chính trị, bóng đá và em út (ngày nay người ta gọi là “gái gú”), trừ thi ca.

Vì sao thơ bị loại ra ư? Có lẽ, đúng như một nhà thơ lớn tuổi nhận định, bằng cái giọng chua cay nhưng xác đáng, “Rắm ai nấy thưởng (thức). Vật nhau với cuộc đời chưa đủ chết hay sao mà còn ra đây tra tấn nhau, bằng thơ!”.

Trước đây, thời đói kém, nhiều lần ở 81 Trần Quốc Thảo, căng-tin Hội Văn Nghệ thành phố, các nhà thơ cao hứng đọc thơ sang sảng như những thằng rồ, bình phẩm thơ của nhau đến văng tiếng Đan Mạch và có khi xảy ra xô xát. May là thời đó nhà thơ thường đói, suy dinh dưỡng mãn tính, ai cũng gầy gò, không có mấy sức lực, nên có nện nhau thì chỉ u đầu bầm mặt tí chút chứ không đến nỗi nguy hiểm hay có án mạng. Mà may, VN thì chưa có truyền thống thách nhau đấu súng hay đấu kiếm chí mạng để bảo vệ danh dự như ở Tây phương. Từ đó, có luật không thành văn là kẻ nào muốn đọc thơ trong bàn nhậu thì phải bị phạt vạ 50 ngàn. Sau, xét thấy hình phạt 50 ngàn còn nhẹ, chưa đủ nghiêm, nên tăng lên 100 ngàn.

 

alt

Tranh: Bảo Huân

Một hôm, khi chúng tôi đang lai rai thì có một nhân vật mới nhập bọn. Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt, là nhà thơ hải ngoại từ Pháp về thăm quê. Để cuộc nhậu thêm hào hứng, chàng lôi trong bị ra một chai Whiskey 18 tuổi ủng hộ. Sau vài lượt cụng ly, chàng đứng dậy tuyên bố sẽ đọc tặng các thi hữu trong bàn những bài thơ của mình.

Ối giời, buổi chiều đang đẹp và vui thế kia mà lại sắp hỏng vì phải nghe thơ!

Thiệt là kẹt! Thú thật, dân ta có tật sùng ngoại, sẵn sàng đón nhận mọi thứ do anh em hải ngoại mang về, từ gói thuốc đến đô-la, ngoại trừ thơ, nhất là thơ Việt.

Kẹt, vì chàng vừa hào sảng khui một chai rượu ngon. Kẹt, vì chàng hồn nhiên quá mà lại không biết cái luật man rợ này. Kẹt, vì không ai nỡ lòng nào dập tắt cơn hào hứng của chàng. Nhưng luật là luật, mọi công dân trong bàn nhậu đều bình đẳng. Không thể xí xóa tha bổng, hay giảm khinh với bất cứ ai. Sau cùng, một ông nhỏ nhẹ nói với chàng về điều luật này. Nghe xong, chàng hơi tái mặt, nhưng trấn tĩnh ngay. Chàng lạnh lùng móc ví ra tờ 100 Euro, nói, chàng sẽ tuân thủ theo luật và đọc thơ cho hết số tiền phạt này. Tôi tính nhẩm, 100 Euro là hơn 2 triệu đồng, tức là hơn 20 lần đọc. Cộng đồng thi hữu nghẹn ngào im lặng, nghĩ thầm chuẩn bị gồng mình chịu đấm ăn xôi, nghe thơ lấy tiền mua rượu. Chàng lại móc bị, lấy cuốn sổ, mở ra, và bắt đầu diễn ngâm, giọng sang sảng và miên man. Như dự đoán, thơ của chàng không được cái vẻ tài hoa như chàng, mà lại quá dài. Chàng không làm thơ hài cú, không làm tứ tuyệt, chàng làm trường ca. Cả bọn chưa kịp say mà đã ngất! Tôi suýt đề nghị với chàng lần sau hãy thu âm chương trình tra tấn bằng thơ này vào máy ghi âm hay smartphone rồi bấm nút phát lại cho đỡ mệt, như kiểu các nhà sư hiện đại tụng kinh, nhưng ngừng kịp. Không thể vẽ đường cho hươu chạy, rủi mà chàng nghe lời làm thật thì khốn. Thôi, phá lệ, chàng đọc cứ đọc, mình nhậu cứ nhậu. Rồi, đêm cũng qua.

Thưa các đấng thi hào, quý vị có hiểu nghe đọc thơ dở quả là sự xúc phạm đến trí tuệ và thính giác? Whiskey 18 tuổi cũng có lúc chua như cứt mèo!

Nàng thơ ơi, người ta nói em đã qua đời bên Pháp, sao còn hiện hồn về giữa bàn nhậu tối nay!

 

(*)“Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” Thơ Xuân Diệu.

XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014

1   Quanh “những vấn đề…” Đặng Mỹ Hạnh  
2   Những xu hướng toàn cầu Đinh Yên Thảo  
3   Tranh Xuân 2014 Tre Online  
4   Nỗi niềm thi ca Nam Đan  
5   Nhật ký đầu xuân HẢI-VÂN  
6   Những cánh mai – Trong tách trà Trần Mộng Tú  
7   Em, và nỗi Nhớ Mặc Lan  
8   Xuân Muộn Hoàng Định Nam  
9   Tử Vi Xuân Giáp Ngọ Tre Online  
10   Hiệu ứng cánh bướm Nguyễn Xuân Thiệp  
11   Nơi có chim bay những buổi chiều Nguyễn Thị Từ Huy  
12   Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật Bản Hoàng Long  
13   Xem lại vài hình ảnh năm 2013 Tre Online  
14   Nhà vườn chuẩn bị cho Tết Thanh Tú  
15   Cờ người Lão Mủn  
16   Nâng Chén Muôn Trùng Đặng Kim Côn  
17   Đánh bạc bằng chữ – Thả Thơ Trịnh Thanh Thủy  
18   Một thời thả thơ Nguyễn Chủ Nhạc  
19   Đầu năm nói chuyện không gian… dối Bùi Thanh Liêm  
20   Hải đường dưới đất Thái Kim Lan  
21   Cảm đề Xuân Giáp Ngọ 2014 Phạm Cây Trâm  
22   Dear “fans” Đặng Mỹ Hạnh  
23   Tết về với mẹ Trần Lý Lê  
24   Những “cao thủ” sắp trình làng Movie Phan  
25   10 điểm mạnh của nước Mỹ Thanh Dũng  
26   Chuyện ngựa! Đoàn Xuân Thu  
27   Những mùa Tết cũ… Cẩm Giang  
28   Trà hoa – Camellia Nguyễn Xuân Thiệp  
29   Những mùa Xuân Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu  
30   Tản mạn về một ngày – Tết đọc sách Mai Sơn  
31   Về giọng nói ở một nơi không có xe lam Nguyễn Nhật Ánh  
32   Tết cuối Trangđài Glassey Trầnguyễn  
33   Mùa thơ ấu Huỳnh Thục Vy  
34   Nhớ khói trong vườn Lưu Vỹ Bửu  
35   Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm Hoàng Ngọc Tuấn  
36   Thơ xuân Chiêu Anh Nguyên  
37   Tôi Với Mùa Xuân Hồ Thụy Mỹ Hạnh  
38   Quê Hương Cổ Tích Trần Mộng Tú  
39   Năm Ngọ nói chuyện ngựa Phạm Thành Châu  
40   Đôi nét thú vị của làng thể thao 2013 Trần Trí Dũng  
41   Ánh mắt mùa Xuân Nguyễn Văn Sâm  
42   Cách chúng ta chào nhau Trà Đóa  
43   Anh và Xuân Tiểu Thảo  
44   Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai Song Chi  
45   Tết Quê Hoàng Vũ  
46   Ngựa và nghệ thuật thăng hoa Đinh Cường  
47   Nồi bánh tét cuối năm Ngọc Linh  
48   Sớ Táo Quân Lợi Trân  
49   Thư Xuân 2014 của Trẻ Tre Online