Không phải ai cũng có thể hưởng trọn một cái Tết âm lịch bình thường. Vì nhiều lý do khác nhau, sự bất bình đẳng không bao giờ có thể xóa hết.
Nhưng một ngày Tết đọc sách, nếu có, thì sẽ không như vậy. Gần như ai cũng có thể tham dự vào sự kiện đó với tất cả niềm vui khi tự mình tạo ra cho mình một cái Tết trong cái Tết chung của mọi người.
Ai cũng có thể có trên tay mình một cuốn sách, hoặc mỏng hoặc dày cộm, hoặc bằng bìa mềm giá rẻ hoặc bìa cứng in đẹp đắt tiền… Cũng không loại trừ việc một bạn trẻ đang đeo headphone, đi dọc hè phố, lắng tai nghe đọc một cuốn sách.
Và thế là, nhẹ nhàng và dễ dàng, họ đi vào ngày hội. Một ngày hội của rất nhiều người cô đơn, vì đọc sách là một động thái im lặng bùng nổ cô đơn nhất của con người. Nhưng mặt khác, dù ngồi trong nhà, lần giở những trang sách, thì một chút loạt soạt không khí đó cũng sẽ tạo ra hiệu – ứng- cánh- bướm cho thế giới rộng lớn ngoài kia. Tương tự, một ngày ngắn chẳng tày gang nhưng cộng hưởng say mê của nhiều người đọc sách này sẽ tạo ra hiệu- ứng- cánh- bướm cho những ngày còn lại của một năm.
Bạn đi vào ngày Tết đó bằng cách leo lên xe buýt, ngồi lì trên đó, không xuống trạm nào cả, và cứ thế đọc, chỉ xuống xe khi đã đọc xong cuốn sách 200 trang của một nhà văn trẻ trong nước. Bác tài và người lơ xe sẽ không phiền hà gì bạn đâu.
Anh đến quán cà phê đọc sách với bạn bè. Và anh có thể đọc sách đến tối mịt trong khi các nhân viên sẽ liên tục đem trà đá hay nước lọc ra tiếp sức cho anh.
Tại các quán cà phê sách chuyên nghiệp, trong dịp này, chắc chắn sẽ có nhiều sự kiện: khách tặng sách cho nhau kèm theo những nụ hôn, những cái bắt tay, những cành hồng; khách sẽ tặng sách cho thư viện của quán; quán sẽ tặng sách cho những người khách nhỏ tuổi nhất có mặt hôm đó.
Tôi có thể đến thư viện tìm cuốn sách đang đọc dở dang… Và lần đầu tiên cô thủ thư sẽ cho tôi đọc vội vài chục trang một cuốn sách quý – một món hàng độc – mà bao nhiêu ngày thường trôi qua tôi không thể nào đụng đến được vì không có “thẻ đọc đặc biệt”.
Cùng một cách đó, những người phụ nữ sẽ cùng nhau đọc Bà Bovary của Gustave Flaubert hay Một thời để yêu một thời để chết, Khải hoàn môn của Erich Maria Remarque, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tương tự, những người đàn ông trung niên sẽ lắng nghe nhau đọc Thân phận con người của Andre Malraux, Tội ác và Trừng phạt của Dostoievsky…
Những cô cậu học trò sẽ đọc Vĩnh biệt Columbus của Philip Roth, Love story của Erich Segal, Bắt trẻ đồng xanh của Jerome Salinger, Bờ xám của Vũ Đình Giang…
Trên những màn hình khổng lồ đặt tại các công viên không phải là những trận đá banh mà là những trang sách ebook hay nhất được các bạn trẻ tuyển chọn từ những ngày trước đó qua một liên mạng. Các nhà sách sẽ làm gì trong ngày Tết đặc biệt này? Không phải là một ngày đại hạ giá mà là ngày bán sách đúng theo giá bìa nhưng tặng thêm một cuốn sách nào đó… cho những người mua sách.
Mọi người sẽ trao đổi về kinh nghiệm đọc sách. Sẽ cùng nhau trả lời những câu hỏi, đại loại như: Tại sao nhà văn Mỹ Philip Roth nói rằng nếu đọc một cuốn tiểu thuyết mà mất đến một tháng thì coi như không đọc gì cả? Tại sao Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Séc cứ đọc đi đọc lại những cuốn sách dày hàng trăm trang? Nếu chỉ được phép mang theo một cuốn sách ra ngoài hoang đảo, bạn sẽ mang theo cuốn sách gì?
Hình dung tản mạn một ngày Tết đọc sách sẽ diễn ra như thế, nhưng tôi thực tình không biết nó sẽ kết thúc ra làm sao. Chỉ mơ hồ đoán rằng sẽ có những cuộc hóa thân sau ngày hôm ấy, phần lớn xảy ra nơi những người trẻ tuổi.