Menu Close

Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm

Cảm ơn Tashi Sonam và Tenzing Tsewang
 
1.
áng cuối năm, thức giấc bên bờ biển White Sand, tôi nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bãi cát. Mặt trời chưa lên. Ngôi sao Mai còn nhấp nháy yếu ớt trong không gian xanh thẳm. Tôi nằm im nhìn lên bầu trời, lắng nghe tiếng sóng biển và tưởng tượng từng giọt nước vỡ trên cát. Đến khi tiếng sóng như đã hoà vào tôi làm một, tôi chợt nghe tiếng sáo trúc vẳng đến từ một nơi nào đó. Có lẽ từ ký ức tôi. Tiếng sáo của Tenzing Tsewang. “Ừ, hôm nay chúng ta không có bài kệ nào!” (“Yes, We Have No Mantras Today”), một khúc nhạc lạ thường mà Tenzing đã ứng tác khi đang ngồi trên một chiếc thuyền trôi theo dòng sông Hawkesbury. Hôm ấy, Peter Clarke đã thu âm được khúc nhạc này. Trong đó, ta có thể nghe cả những tiếng chim từ rừng cây hai bên bờ sông và tiếng phi cơ xa xa trên bầu trời. Tiếng sáo của Tenzing dội vào những sườn đồi, vách đá, mặt sông, tạo nên một đồng vọng huyền bí. Cảm ơn Tenzing. Sáng sớm cuối năm bên bờ biển êm ả, tôi nằm im, nhắm mắt lại, để mình trôi vào âm quyển đó. Một bài thơ vô ngôn của thiên nhiên.
 
2.
Tôi gặp Tenzing Tsewang lần đầu tại Belvoir Street Theatre vào năm 1996, trong một cuộc hoà nhạc do Australian Institute of Eastern Music tổ chức. Hôm đó, anh thổi sáo Tây Tạng, và tôi chơi những bản dân ca Việt Nam trên cây đàn guitar. Đêm ấy còn có Ashok Roy chơi nhạc Ấn Độ trên đàn sitar, Satsuki Odamura chơi nhạc Nhật Bản trên cây đàn koto, Sabahattin Akdagcik chơi nhạc Thổ Nhĩ Kỳ trên cây đàn baglama… Nhưng dòng nhạc Tây Tạng đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu xa nhất. Tenzing thổi những bài sáo cổ truyền mang âm hưởng Mật Tông huyền bí. Tiếng sáo của anh đem người nghe vào một thế giới khác, trên những đỉnh núi cao tuyết phủ, nơi con người và thiên nhiên là một. Thế giới ấy giờ đây tuyết đã vấy máu…
 
3.
Sau cuộc hoà nhạc, tôi đến chào Tenzing và những người bạn của anh. Chúng tôi ra ngồi uống bia trước thềm rạp hát. Một thanh niên Tây Tạng trong nhóm ấy hỏi tôi: “Có phải anh là một trong những thuyền nhân (boat people) từ Việt Nam không?” Tôi nói “phải.” Anh xưng tên là Tashi Sonam, và anh nói “chúng ta đồng hội đồng thuyền (we share the same boat), dù người Việt Nam đã vượt biển và người Tây Tạng đã vượt núi.” Rồi anh cho tôi biết có một nhà thơ Tây Tạng tên là Norbu Zangpo đã viết một bài thơ cho thuyền nhân Việt Nam. Tôi hỏi: “Tashi còn nhớ bài thơ ấy không?” Anh nói: “Tôi không nhớ rõ, nhưng tôi sẽ gửi cho anh.”
 
4.
Vài hôm sau, tôi nhận được một bức thư của Tashi, trong đó anh chép lại bài thơ “To Boat People” của Norbu Zangpo. Anh cho biết rằng hầu hết những nhà thơ Tây Tạng lưu vong hôm nay đều viết bằng tiếng Anh vì đó là thứ tiếng giúp họ gửi các thông điệp đến với mọi người trên thế giới. Đây là nguyên văn của bài thơ:

To Boat People
Oh, you brave people
I greet you in exile!
You like me become
An orphan of this world.
 And like me, you will never ever
Know what lies ahead now.
But you must be patient
While we remain exiled.
Now that the worst is over
You must learn once again
To smile at the rising sun:
And to start all over, again.
Tôi xin tạm dịch:
 
Cho các thuyền nhân
Hỡi các bạn, những con người dũng cảm
Tôi chào mừng các bạn vào cuộc lưu vong!
Cũng như tôi, các bạn trở thành
Trẻ mồ côi của thế giới này.
Và cũng như tôi, các bạn sẽ không bao giờ
Biết điều gì đang chờ phía trước.
Nhưng các bạn còn phải kiên nhẫn
Ngày nào chúng ta còn ở chốn lưu đày.
Giờ đây những điều kinh khủng nhất đã qua
Các bạn phải học lại một lần nữa
Để biết mỉm cười trong ánh bình minh:
Và một lần nữa, khởi sự lại từ đầu.
 
5.
Từ đó, Tashi Sonam và tôi thỉnh thoảng trao đổi thư từ với nhau. Qua anh, tôi được biết một số điều thú vị về thi ca Tây Tạng.

Ngày xưa, thi ca Tây Tạng không tách rời khỏi tôn giáo, mà tôn giáo và đời sống ở Tây Tạng là một. Thi ca được xem như là một thứ “khoa học” sử dụng chữ để truyền đạt sự kiến ngộ. Tashi nói “ở Tây Tạng, thơ hiện diện khắp mọi nơi – mỗi giọt sương là một bài thơ, và mỗi chiếc lá, mỗi bông hoa là một pho sử thi – vì người Tây Tạng chiêm nghiệm về từng sự vật và tri ân từng sự vật trong đời sống hàng ngày.” Sự chiêm nghiệm và tri ân ấy chính là thơ. Người ta có thể chiêm nghiệm và tri ân bằng cách đọc lên một bài mantra, hoặc im lặng thốt lên từ tư tưởng một tiếng OM vô ngôn.

Thơ thế tục là một hiện tượng mới trong đời sống của người Tây Tạng. Dường như thơ thế tục chỉ xuất hiện từ thế hệ lưu vong thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu truyền đạt kinh nghiệm sống tha hương và trao đổi tư tưởng. Trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ có vài tuyển tập thơ Tây Tạng đương đại, rất mỏng, và trong những cuốn ấy, hầu như những đề tài chính là tâm trạng lưu vong, niềm hoài hương, và giấc mơ được trở về cố quốc – miền đất Phật.
 
6.
Tashi gửi cho tôi rất nhiều bài thơ của nhiều thi sĩ Tây Tạng lưu vong, nhưng tôi không tìm thấy một dấu hiệu rõ rệt nào của ảnh hưởng thi pháp Âu-Tây đương đại. Có lẽ truyền thống thi ca tôn giáo từ ngàn xưa vẫn còn tiềm tàng mạnh mẽ trong thế hệ thi sĩ Tây Tạng lưu vong hôm nay. Thơ của họ đơn giản, rõ ràng như lời nói thường ngày, và hầu như luôn luôn hàm chứa một thông điệp tâm linh.

Tất nhiên, cái thi pháp bộc trực ấy đôi khi có thể chuyên chở những tứ thơ đẹp, bám dính vào ký ức người đọc. Chẳng hạn, trong bài thơ “In This Life I Saw” của Kathup Tsering có những câu:

một người
cụt hết tay chân
nằm trên mặt đất
một con ngựa mất đầu
lông dựng lên
vì sợ gió
Hay trong bài “A Room without a Door” của Bhuchung D. Sonam:
Khung cửa sổ của tôi nhỏ
quá nhỏ để mời
Những ngọn gió vi vu
Nhưng bụi
Như những con ma chen chúc chui vào
Đóng thành một lớp mỏng
Trên đó tôi viết –
Làm sao bạn vào xem được?
Tôi ở trong một căn phòng
Không có lối ra vào.
 
7.
Tôi hỏi Tashi phải chăng các nhà thơ Tây Tạng không quan tâm đến những phát triển của thi ca thế giới đương đại. Tashi nói: “Họ biết, nhưng không thật sự quan tâm, vì họ dành hết tâm trí cho sự sống còn của đất nước và văn hoá Tây Tạng. Có lẽ, một ngày nào đó, khi chúng tôi đã bình yên trở về Lhasa và khôi phục lại quê hương, các nhà thơ Tây Tạng mới được thảnh thơi để thưởng thức và hoà mình vào dòng thơ của thế giới.”

Tôi hỏi Tashi: “Bạn so sánh thế nào giữa thi ca và âm nhạc của Tây Tạng? Chẳng hạn, bạn so sánh thế nào giữa những bài thơ của các thi sĩ lưu vong và những khúc nhạc của một nhạc sĩ lưu vong như Tenzing Tsewang?” Và Tashi đáp: “Âm nhạc của Tenzing sinh ra trực tiếp từ cảm hứng của anh ấy và ngân vang qua lòng ống trúc. Nó gắn liền với thiên nhiên, và nó vô ngôn, nên nó phi thời. Khi Tenzing thổi sáo trên dòng sông Hawkesbury, anh ấy biến thành một với thiên nhiên, và anh ấy về đến tận nguồn cội. Ngồi thổi sáo trên một chiếc thuyền ở phía Tây Bắc Sydney, tâm linh của Tenzing đã trở về đến Tây Tạng. Các nhà thơ Tây Tạng lưu vong viết những bài thơ tiếng Anh là để truyền đạt cho nhau những thông điệp và kinh nghiệm về đời sống lưu vong. Họ hướng về Tây Tạng, nhưng không thể trở về đến Lhasa qua những bài thơ ấy. Để trở về bằng tâm linh, họ không cần giấy bút. Họ ngồi xuống, nhắm mắt, và cất lên tiếng OM trong im lặng. Đó là bài thơ ngắn nhất, duy nhất, nối liền họ với dòng máu muôn đời của quê hương.”
 
8.
Sau buổi rạng đông nằm nghe tiếng sáo của Tenzing bên bờ biển White Sand, tôi trở về Sydney và gửi điện thư cho Tashi. Tôi chúc Tashi một năm mới tuyệt vời. “Tashi Deleg! Tashi Deleg! Tashi Deleg!”

Tashi hồi âm ngay, anh viết: “Vô cùng cảm ơn lời chúc của anh! ‘Tashi Deleg’ là lời chúc tốt đẹp nhất của người Tây Tạng. Tên của tôi cũng là Tashi, nghĩa là ‘thành công, may mắn, thịnh vượng’, nhưng cuộc sống của tôi còn rất nhiều khó khăn cho đến ngày nào chúng tôi yên bình trở về Lhasa. Ngày ấy chắc sẽ còn xa… Tôi xin tặng lại anh lời chúc ‘Tashi Deleg! Tashi Deleg! Tashi Deleg!’”

Kèm theo bức điện thư ấy, Tashi chuyển cho tôi một bài thơ của Palden Gyal, và viết thêm rằng: “Anh em thanh niên Tây Tạng lưu vong chúng tôi chuyền cho nhau đọc bài thơ này nhân dịp đầu năm. Có lẽ những thuyền nhân trẻ Việt Nam cũng chia sẻ với chúng tôi những cảm nghĩ tương tự.”

Cảm ơn Tashi, tôi xin dịch bài thơ “A New Year Invocation to Young Tibet in Exile” của Palden Gyal ra tiếng Việt và đăng lên báo Xuân, hy vọng những độc giả trẻ của cộng đồng người Việt Nam lưu vong sẽ đọc và chia sẻ.

Lời cầu chúc đầu năm cho thanh niên Tây Tạng lưu vong

Palden Gyal
 
Nào, các bạn
Hãy nâng ly
Đón mừng Năm Mới!
Cứ mỗi dịp cuối năm,
Các bạn lại hồi tưởng về những biến cố trong quá khứ.
Nhưng các bạn có biết biến cố trọng đại nhất trong lịch sử chúng ta?
Cách đây hơn bốn mươi năm,
Ông Bà của các bạn
Đã phải bỏ xứ ra đi,
Mang theo Cha Mẹ của các bạn
Trong vạt áo ‘chupa’ [1]
Máu lệ in dấu trên con đường vượt thoát.
Có lẽ các bạn đã là chứng nhân của thảm kịch này,
Bởi, lúc ấy, các bạn vẫn còn là những ‘Linh Hồn”
Nhởn nhơ bay lượn trên cao nguyên bao la của Xứ Tuyết.
Có phải chỉ riêng sự sống còn trong cuộc lưu vong
Cũng đủ để chúng ta hân hoan trẩy hội?
Dường như không phải vậy;
Nhưng hãy vững lòng và đừng tuyệt vọng.
Ôn lại những bài học của năm vừa qua,
Các bạn hãy chấp nhận những thử thách của Năm Mới
với lòng can đảm;
Và nếu trong năm mới các bạn thành công trong bất cứ lĩnh vực xứng đáng nào,
Thì kể như các bạn hoàn thành một năm tốt đẹp,
Và an ủi những linh hồn lo lắng của Tổ Tiên chúng ta.
 
Hỡi các anh em của tôi!
Đêm nay, với rượu và bia, ở Luân-Đôn này,
Chúng ta hãy chúc mừng Năm Mới,
Và cầu nguyện rằng vào ngày này năm tới,
Với rượu ‘chang’ [2] ngọt ngào đầy những ‘phorpa’ [3] bằng bạc,
Tất cả chúng ta sẽ đoàn tụ ở Lhasa,
Để đón chào Năm Mới,
Một lần nữa,
Trong hoan lạc
Tuyệt vời!
 
Tashi Deleg!
Tashi Deleg! Tashi Deleg!
 

9.
 Thân phận lưu vong của chúng ta chắc hẳn ít đau đớn hơn thân phận lưu vong của người Tây Tạng. Nhưng sức mạnh tâm linh của họ đã giúp họ lạc quan và sống mạnh mẽ. Nhà thơ Tây Tạng Norbu Zangpo đã nhắn với chúng ta: Các bạn phải học lại một lần nữa / Để biết mỉm cười trong ánh bình minh…

Tại sao không? Tôi tự nhủ. Một năm cũ đã qua. Một năm mới lại đến. Chúng ta hãy cùng nâng ly và mỉm cười. Với nhau. Dưới ánh mặt trời.

alt

HNT

[1]chupa: một loại áo khoác có dây vải thắt lưng của người Tây Tạng.
[2]chang: một thứ rượu của người Tây Tạng, có vị ngọt, làm bằng lúa mạch.
[3]phorpa: một vật đựng rượu của người Tây Tạng, giống như cái cốc.

XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014

1   Quanh “những vấn đề…” Đặng Mỹ Hạnh  
2   Những xu hướng toàn cầu Đinh Yên Thảo  
3   Tranh Xuân 2014 Tre Online  
4   Nỗi niềm thi ca Nam Đan  
5   Nhật ký đầu xuân HẢI-VÂN  
6   Những cánh mai – Trong tách trà Trần Mộng Tú  
7   Em, và nỗi Nhớ Mặc Lan  
8   Xuân Muộn Hoàng Định Nam  
9   Tử Vi Xuân Giáp Ngọ Tre Online  
10   Hiệu ứng cánh bướm Nguyễn Xuân Thiệp  
11   Nơi có chim bay những buổi chiều Nguyễn Thị Từ Huy  
12   Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật Bản Hoàng Long  
13   Xem lại vài hình ảnh năm 2013 Tre Online  
14   Nhà vườn chuẩn bị cho Tết Thanh Tú  
15   Cờ người Lão Mủn  
16   Nâng Chén Muôn Trùng Đặng Kim Côn  
17   Đánh bạc bằng chữ – Thả Thơ Trịnh Thanh Thủy  
18   Một thời thả thơ Nguyễn Chủ Nhạc  
19   Đầu năm nói chuyện không gian… dối Bùi Thanh Liêm  
20   Hải đường dưới đất Thái Kim Lan  
21   Cảm đề Xuân Giáp Ngọ 2014 Phạm Cây Trâm  
22   Dear “fans” Đặng Mỹ Hạnh  
23   Tết về với mẹ Trần Lý Lê  
24   Những “cao thủ” sắp trình làng Movie Phan  
25   10 điểm mạnh của nước Mỹ Thanh Dũng  
26   Chuyện ngựa! Đoàn Xuân Thu  
27   Những mùa Tết cũ… Cẩm Giang  
28   Trà hoa – Camellia Nguyễn Xuân Thiệp  
29   Những mùa Xuân Việt Nam Huỳnh Trọng Hiếu  
30   Tản mạn về một ngày – Tết đọc sách Mai Sơn  
31   Về giọng nói ở một nơi không có xe lam Nguyễn Nhật Ánh  
32   Tết cuối Trangđài Glassey Trầnguyễn  
33   Mùa thơ ấu Huỳnh Thục Vy  
34   Nhớ khói trong vườn Lưu Vỹ Bửu  
35   Tashi Deleg! Lời chúc tụng đầu năm Hoàng Ngọc Tuấn  
36   Thơ xuân Chiêu Anh Nguyên  
37   Tôi Với Mùa Xuân Hồ Thụy Mỹ Hạnh  
38   Quê Hương Cổ Tích Trần Mộng Tú  
39   Năm Ngọ nói chuyện ngựa Phạm Thành Châu  
40   Đôi nét thú vị của làng thể thao 2013 Trần Trí Dũng  
41   Ánh mắt mùa Xuân Nguyễn Văn Sâm  
42   Cách chúng ta chào nhau Trà Đóa  
43   Anh và Xuân Tiểu Thảo  
44   Tết ở xứ người như hương áo đã nhạt phai Song Chi  
45   Tết Quê Hoàng Vũ  
46   Ngựa và nghệ thuật thăng hoa Đinh Cường  
47   Nồi bánh tét cuối năm Ngọc Linh  
48   Sớ Táo Quân Lợi Trân  
49   Thư Xuân 2014 của Trẻ Tre Online