Chuyến đi cuối năm khiến cô rộn rã, bồi hồi. Cô về thăm mẹ. Nhiều năm rồi cô mới nghĩ đến “Tết”. Chữ “Tết” ngắn gọn nhưng âm thanh kia vẳng mãi như tiếng kêu từ một tiềm thức xa xăm rồi ngân nga trong tâm trí. Cô về với mẹ. Cô trở về căn nhà cũ. Căn nhà trống trải vắng vẻ. Bầy chim đủ lông cánh đã bay tứ phía từ lâu. Bà cụ cô ở lại một mình, quạnh quẽ. Căn nhà vắng người nên rộng thênh thang. Mấy cửa phòng khép chặt, mặc bụi thời gian phủ từng lớp dày trên từng kẽ cửa, trên mặt bàn, ghế.
Cô mở cửa căn phòng nhỏ sát vách tường phía tây. Cánh cửa rung lên đánh thức không gian nhỏ bên trong. Nắng chiều chói chang gắt gỏng ngoài trời. Nhưng chỉ vài tia nắng mảnh mai lọt qua khe màn dày cho căn phòng chút ánh sáng lờ mờ mệt mỏi. Phải một lúc lâu mắt cô mới làm quen được với vũng bóng tối nhờ nhờ ấy. Vẫn chiếc giường hai tầng kê ở góc phòng, hai cái tủ nhiều ngăn nhỏ ngay bên cạnh. Khoảng năm bước chân nữa là đến tủ mắc quần áo… Hai chị em cô chia nhau chút không gian nhỏ hẹp đầm ấm kia suốt thời mới lớn.
Có tiếng dép lẹp kẹp sau lưng, cô quay lại. Bà cụ đứng giữa khung cửa, tấm lưng đã gần cong xuống đất thêm một chút nữa. Không gian của cô còn đây, nguyên vẹn như ngày cô rời nhà. Nhưng vòng thời gian của ngày tháng xoay chuyển kéo theo những thay đổi. Như đông tàn thu sang. Cứ tiếp tục như thế.
Bước vào phòng, cô hắt hơi liên tục. Cô mở cửa sổ, ổ khóa cũ mòn rít lên những tiếng động khô, khó khăn lắm cô mới di chuyển được khuôn kính mỏng. Gió cuối năm ấm áp lùa vào phòng. Cô bồi hồi nhìn quanh.
Năm nay cô là người về thăm nhà trước nhất, trước người em cả một ngày, bà mẹ hân hoan nhắc nhở… “Con mở hết cửa sổ cho thoáng…” Bà cụ chữa thẹn “…Lâu quá mấy đứa mới về nên mẹ chả muốn lau chùi, hễ dọn xong lại bụi…” Kéo tấm màn dày che khung cửa sổ ngó ra một khoảng trời xanh, cô nhìn từng vẩn bụi bay bay không gian hẹp. Nắng lung linh nhảy nhót trên vách tường.
“Dạ” một tiếng ngắn trả lời, cô kéo dạt tấm màn, rồi cố nhẹ tay nâng khung cửa sổ bên cạnh… Rãnh cửa mòn nhẵn tưởng chừng như muốn buông rời khung kính, Mảnh kính già nua, mệt mỏi run bần bật trong tay, xục xịch mãi mới hé ra một kẽ nhỏ.
Mẹ cô sống một mình trong căn nhà nhỏ mấy chục năm qua. Bà giữ y nguyên những vật dụng đồ đạc trong nhà như những ngày tổ ấm kia còn ríu rít tiếng chim non. Sự nguyên vẹn mang lại cảm giác bình an, bà mẹ bảo cô như thế nhiều lần. “Đừng mang về thứ gì mới, mẹ không cần đâu…” Không biết mấy lần, cái tivi đen trắng kia trở thành đề tài của câu chuyện giữa mẹ con cô. Rồi nó vẫn nằm yên trên nóc tủ, bụi đóng một lớp dày. Sự thay đổi khiến bà lo âu sợ hãi? Vứt bỏ mất vật dụng cũ là xóa bỏ một phần đời và mất mát?
Có lần cô tinh nghịch ký tên mình lên mặt màn hình của chiếc TV… Hôm nay, thêm mấy lớp bụi nữa, chữ ký của cô chỉ còn mấy vệt mờ mờ. Chao ôi là bụi. Bụi và thời gian che khuất mọi thứ nếu ta không luôn tay lau chùi gìn giữ những thân yêu trong đời sống?
Mảng trời phía bắc mở ra một góc vườn có gốc sồi già cỗi, hình như tuổi thọ của nó gần bằng tuổi thọ của bà mẹ cô. Mỗi năm cây thay lá, đổi áo gửi theo mùa đông những chiếc lá úa vàng để sang xuân lại mặc áo mới. Gốc cây dày hơn, tàn lá trải rộng hơn theo năm tháng. Nhưng con người lại mòn mỏi, tiêu hao, như mẹ cô mỗi ngày một bé nhỏ. Tiếng nói trầm hơn, ngắn hơi hơn. Cổ họng bà không còn gieo vào không gian những âm thanh trong vắt, ngân nga như thủa nào. Mẹ cô hát hay nổi tiếng một thời. Bà không chọn nghề ca hát, chỉ hát ru con và trong những lần hội hè tỉnh lẻ.
Đầu óc cô lan man nhớ đến hội xuân năm nào. Hai chị em cô xúng xính trong chiếc áo dài tươi màu. Đi đến đâu cũng được bạn bè cha mẹ bẹo má khen xinh xắn. Mấy phong bì đỏ tươi nắm chặt trong tay, chị em cô đuổi bắt nhau vòng quanh hội trường. Có năm sân khấu chưng hình con rồng, có năm hình con cọp. Mẹ cô trên sân khấu ca hát mấy bản mừng Tết “… Xuân cười trong tia nắng…” Khán giả vỗ tay rần rần. Một lần cô ghen quá, chạy lên sân khấu đòi mẹ bồng. Mấy chú bác chạy theo dỗ dành… Lần đầu xem múa lân hai chị em cô ôm nhau khóc thét vì sợ. Đầu lân lúc lắc, hai mắt ốc nhồi to tướng rung rinh, miệng đỏ lòm hả rộng…
Hội Tết trong trí tưởng của cô bên trời Bắc Mỹ đẫm đầy âm thanh, hình ảnh.
Năm nào mẹ cô cũng cúng Giao Thừa. Bà dọn sẵn một mâm thức ăn có bình hoa tươi, chờ đến đúng nửa khuya mới đốt nhang trầm mời ông bà khuất mặt từ không gian nào xa thẳm về khai xuân, ăn Tết với con cháu. Bàn thờ đặt giữa trời đêm âm u. Mấy dĩa thức ăn, hoa quả, hai chân nến lập lòe. Chỉ những năm về sau, khôn lớn hơn cô mới thức nổi đến nửa đêm để đón giờ khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới và ngửi mùi nhang thơm lựng. Nhìn ngắm cha mẹ quần áo chỉnh tề vái lạy những người khuất mặt. Mấy cọng nhang cháy đỏ cung kính đưa ngang trán…
Ý nghĩ lang thang đến đó, lòng cô rưng rưng. Cô bỗng dưng quay lưng hỏi mẹ, câu hỏi dường như lạc lõng… “Mình có cúng Giao Thừa năm nay không mẹ?…” Có lần mẹ cô không cúng Giao Thừa, năm ấy cha cô đau nặng rồi qua đời vào dịp cận Tết. Bà khuỵu xuống. Đau buồn. Dường như người cha ra đi mang theo cả mấy mùa xuân sau đó. Căn nhà âm u như thể bị mùa đông chôn vùi.
“-Ừ, cúng chứ. Cả năm rồi …” Bà mẹ bỏ lửng câu nói.
Cô nhìn ra vườn. Gốc sồi già thêm một tuổi. Giữa thân cây nâu khô nứt ra một mầm sống mới xanh biếc. Mùa đông đã tàn. Cô bắt gặp sự nao nức âm thầm khi nghĩ đến người em sẽ về nay mai. Chị em cô như những con chim lìa tổ bây giờ về quây quần với mẹ. Mẹ và em là những cái Tết trong đời cô. Cô trân quý những cái Tết đã qua và chờ đợi cái Tết đang đến, nâng niu những giờ khắc quý hiếm bên mẹ và em.
Cây cỏ chuyển mình chở theo mùa Xuân, và gia đình, người thương yêu mang đến ngày Tết?

An Phong
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014