Menu Close

Làn khói Lời hứa từ trong chai

“Cô nghĩ về mình như thế nào? Nhục cảm hay thanh lịch?” Lần đầu, tôi cảm giác một câu hỏi thẳng như ruột ngựa của nàng bán nước… bông. Rồi thì cái khứu giác gần như bị “điếc” sau hàng chục mẫu thử, gí vào mũi tôi. Đủ sắc thái.

“Thanh lịch”. Tôi trả lời, vừa nhìn xuống một đường rách của chiếc vớ da mình đang mang.

“Cô thích màu gì?”

“Đen,” tôi trả lời.

“Và?”

“Màu tối.”

“Và gì nữa?”

“Xanh đậm, và đỏ thẫm.”

Cái  liếc nhanh của cô nàng hàng hương,  tôi bất chợt lắp bắp, “Tôi thà ngồi nhà với một quyển sách, hơn là đi party. Và tôi thà mua ngọc bảo lục chứ không mua hột xoàn. Tôi thích rừng rú hơn biển và không thể chịu nổi mùi nước hoa nồng nặc.”

Cô hàng hương lại đong đưa cái nhìn khó hiểu, rồi buông lời  “NO TUBEROSE”, như ghi nhận sự “thiếu cảm tình” của tôi với loại nước hoa nặng mùi.

“À, quên nữa!” Tôi ra dấu bằng ngón chỉ thiên, “ Với lựa chọn của tôi thì, tôi thích mùi Yves St. Laurent, chứ không là mùi Christian Lacroix kiểu cách. Tôi thích rượu đỏ hơn vang trắng. Và tôi thích tranh của John Singer Sargent. Color so true!” Tôi cảm thán ở cuối câu rồi hít một hơi dài, tiếp lời,  “Tôi thích một loại nước hoa  đằm thắm.  Sâu sắc. Dí dỏm…”

Sau cái dấu chấm câu của tôi, cô hàng hương càng thương thuyết, “Nước hoa, là một lời hứa trong chai. Cô có biết không? ”

Tôi nhìn nàng, gật gù,  “Tôi tin vậy, và tôi  đã chung thủy với mùi hương của riêng mình hơn chục năm rồi. Tôi cần một sắc thái riêng mới lạ.”

Đàn bà luôn thèm được quyến rũ hơn, hạnh phúc hơn… Có phải vậy?

Tôi nghĩ đến ngành kỹ nghệ gọi là “Đầy nguyện vọng” này, đã đánh vào “nhược điểm” của đàn bà thay vì ưu điểm. Hãy nghĩ đến những thương hiệu nước hoa: Joy, Dolce Vita, Pleasures, White Diamonds, Beautiful… Toàn là những từ ngữ đầy dụ dỗ.

Charles Revson, ông vua mỹ phẩm năm 1973 đã chế tạo ra Charlie, thương hiệu nước hoa đầu tiên ở Mỹ: “We sell hope.” Chúng tôi bán hy vọng. Và đàn bà đã mua. Mức tiêu thụ trong kỹ nghệ “lưỡi hái bạc” nước hoa trên toàn thế giới thời kỳ này cũng đã  lên đến 15 tỷ đô-la, riêng Mỹ đã hơn 6 tỷ.

alt

Đinh Cường

Sau hàng chục cái mẫu thử. Sắc thái, mùi hương chẳng thể bám vào tôi. Trên đường về, tôi mường tượng cho riêng mình một ảo giác “phăng ta di”:  Ngọc lục bảo, rượu đỏ, và mùi hương Yves St. Laurent.

Tôi chợt cảm giác sự huyền bí từ những loại “dầu thơm” đầu tiên, là nhang, được đốt lên để thờ thần thánh. Nguồn gốc của chữ “perfume” (dầu thơm) có lẽ là chữ “perfumar” từ thời Cổ Pháp mang ý nghĩa của  “làn lam khói”. Khói và Hương. Một kỹ nghệ huyền bí – chẳng thể tỏ thông dưới sự chăm chút của ánh sáng ban ngày… Và thung lũng hoa hồng ở  xứ sở Bun-ga-ri. Lã  chã những cánh hồng đỏ thắm trong những ngày hội gặt hái truyền thống. 350 năm – những “tinh chất” quý giá dùng cho đủ loại mùi hương quý phái. Một hành trình gian khổ từ một cánh hoa đến mùi hương tinh chất – một kỹ nghệ nước hoa cất cánh…

Khi người đàn bà mang về phòng ngủ của nàng, một lọ nước hoa. Nàng sẽ nghĩ đến người đàn ông riêng mình. Nước hoa – như một ngôn ngữ cơ thể, hãy tìm hiểu bản thân nàng trước… “Nước hoa – hiện thân của sự khao khát được yêu”, Yves Saint Lauren, thiết kế thời trang danh tiếng, đã ‘nhận định’  như thế về mùi hương trong lọ. Có nghĩa, cái “mùi” nàng chọn, phải chính là “mùi đàn bà” của nàng!

Đàn bà yêu nước hoa. Sẽ thử tất cả các loại mùi hương và biết đến cả sự “ phân loại”; người yêu thích đơn thuần, có thể nàng chỉ thích phảng phất chút Dior Diorissimo cho chút “tươi mát hương xuân”. Nhưng kẻ đam mê hương với vốn am hiểu những sắc hương trong lọ, lại nghĩ về cỗ quan tài của nhà chế tạo mùi hương Christian Dior với những lớp hoa lyly từ cánh đồng thung lũng tuyệt đẹp…  

Những thăng trầm của một mùi hương, có thể kể đến sự thành công của Georgio – sự may mắn và một phương cách thương mại thông minh: một số điện thoại toll-free miễn phí để order hay một mẫu thử nước hoa trên những tờ tạp chí, và rồi tiến đến tột đỉnh của sự thành công… Cũng phải kể đến sự thất bại của những sản phẩm mùi hương, mà người Mỹ đã ví như, “Nếu nàng có con chó, thì chẳng thể chưng diện rồi dắt nó đến một buổi tiệc”(?!)

Người Assirian xức mùi hương trên râu hàm,  Nero thì  tắm bằng rượu hoa hồng. Thế kỷ thứ 18, những mùi hương gỗ như một thứ trang sức xa xỉ cho giới thượng lưu…

Nước hoa-  linh hồn của những bản giao hưởng, nhà thơ của thế kỷ 19 – Baudelaire đã cảm hứng với những “mê hương” tuyệt diệu  trong áng thơ tình rằng,  “Hỡi người yêu của anh, hãy ngụp lặn trong mùi hương của nàng…”

Những chiếc vỏ chai trong phòng ngủ của người đàn bà – với tôi – như một trang sức gợi cảm đầy nữ tính. Có những mùi hương “bảo thủ”, và cả những mùi hương sống động như tiếng bật nút của những chai champagne. Trang sức cuối cùng của người đàn bà, là trang điểm bằng một mùi hương. Tôi chưa từng gặp một phụ nữ chỉ dùng nước hoa mà không trang điểm, chỉ có thể ngược lại…

Nhục cảm hay thanh lịch. Một phụ nữ sành điệu, sẽ chẳng thể bị ám ảnh bởi những quảng cáo sáo rỗng, rằng nước hoa sẽ giúp cho nàng tự tin hơn. Bởi chính mùi hương nàng từng yêu thích, cũng có thể thay đổi theo thời gian-trinh bạch của thiếu nữ – sự gợi cảm của người đàn bà sành điệu. “Mê hương”, dù có làm người đàn bà trở nên quyến rũ hơn, nhưng mỗi người đàn bà luôn chờ đợi sự nâng niu chỉ ở người đàn ông của riêng mình. Tôi đã-từng-vẫn-ước muốn đến thế!

Bất kể điều gì, thì sự cám dỗ của nước hoa là thật. Sự mê hoặc quyến rũ của hương thơm, dù cũng cổ xưa vẫn đầy gợi cảm như nàng Cleopatra trong những áng văn lãng mạn của Shakespeare…

alt

Đinh Cường