Sinh động- khác biệt trong cùng một đề tài “Hỏi và Đáp”. Chín tác giả nam- cùng “họp mặt” trong một “cuộc trò chuyện” cuối năm với Đặng Mỹ Hạnh.Trẻ trân trọng giới thiệu cùng độc giả khắp nơi, cuộc “giao lưu” đầy cởi mở, thú vị với những tác giả yêu mến và quen thuộc của chúng ta..

Andy Nguyễn
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Tôi gắng sống một đời sống- càng giản dị – càng tốt. Đối với tôi thì một ngày như mọi ngày. Ngày nào cũng có thể là một ngày đi làm, hay là một ngày nghỉ, tùy thuộc theo “thái độ tinh thần” của mình. Tôi là một Nhiếp Ảnh Gia Wildlife chuyên nghiệp, và chuyên mục Góc Nhiếp Ảnh do tôi phụ trách trên báo Trẻ cũng chẳng đòi hỏi nhiều năng lực sáng tác; mỗi bài là một kinh nghiệm nghề nghiệp, một chia sẻ về cảm xúc, hoặc là một ý kiến riêng.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet là một thế giới ảo với nhiều người. Nhưng với tôi, internet có nhiều khía cạnh thực dụng. Ví dụ, tôi chưa thấy ai muốn dịch một đoạn Anh – Việt mà không dùng đến Google Translate; nhưng mà, dịch xong rồi… cười một trận ha hả!
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Nếu chẳng may trở thành đàn bà thì có lẽ tôi sẽ “bị” ngủ ít hơn. Vì trước tiên, là phải dành hết thời giờ để học những “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Rồi sau đó thì phải dành phần còn lại của đời mình để “áp dụng” những gì đã học, đặc biệt là phần “Dung”!
4.Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Tôi thấy không có điều nào “tệ hại” mà cả hai đều có cái “sung sướng” riêng. Nếu độc thân, khỏi ai nhằn; đi nhậu tới khuya cũng không ai khóa cửa nhốt ở ngoài, tiền mang về thì “thẳng rẹt” vô nhà băng ta!
Ngược lại, nếu có gia đình thì người đàn ông luôn luôn có bữa cơm khi đi làm về; có thể người đàn ông có vợ cũng không cần biết tới cái bàn ủi, máy giặt, hoặc bên trong của siêu thị thực phẩm. Đặc biệt, là chẳng phải “yếu tim” nếu có phái nữ nào bén mảng tới gần, vì “bà nhà” sẵn sàng làm “gạc đờ co” đuổi đi giùm.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Với tôi, Tình yêu Xưa nhẹ nhàng hơn và sâu đậm hơn. Tình yêu thời Nay bị “lạm phát” bởi quá nhiều vật chất. “No money, no honey, man!”
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Là một người Việt đang sống ở hải ngoại, tôi luôn muốn làm một điều gì đó; nhưng những khác biệt về Văn hóa và Chính trị giữa đôi bên vẫn còn cách xa. Tôi chỉ có thể gián tiếp “đóng góp” về mặt tinh thần qua những phương tiện Nghệ thuật.

Nhập gia túy tục, tôi mới chuyển về Texas!
Đoàn Xuân Thu
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Sống Miệt Dưới, Melbourne, Úc Châu mà được ‘Miệt Trên’ ‘rờ’ tới nên khoái quá!
Không phải tuổi Sửu nhưng vẫn cày như con trâu!
Viết lai rai giải sầu con đom đóm! Cảm thương người ôm ốm mà cao!
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet tiện lợi, giúp viết dễ dàng hơn, viết nhanh hơn và viết ‘dở’ hơn vì lượng bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với phẩm!
Ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống. Ít la cà quán xá hơn. Ít bạn ‘thật’ hơn, bù lại có rất nhiều bạn ‘ảo’, bạn ‘tàng hình’!
Cái lợi nhứt cho đời sống là: ít có thời giờ cự cãi với vợ con hơn! Nên gia đình hạnh phúc hơn!
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Không có cái vụ ‘chẳng may’ ở đây mà phải nói là ‘quá may!’
Dĩ nhiên là thay đổi 180 độ!
Tuy nhiên, làm đàn bà hay làm đàn ông gì là do ông Trời muốn! Mình muốn… là mình cãi lại ông Trời; nên không dám! Còn đàn ông cũng có chữ ‘đàn’; đàn bà cũng có chữ ‘đàn’ nên ông hay bà gì cũng phải cần nhau, phải có nhau để ‘đàn’ với nhau chớ!
Do đó làm đàn ông cũng may; mà làm đàn bà còn may mắn hơn nhiều! Vì đàn bà được giữ cái ‘ví’ của đàn ông! Ai kiểm soát túi tiền là làm ‘boss’.
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Hai cái đều ‘tệ hại’ như nhau!
Có hôn nhân đồng sàng dị mộng; mà cũng có cô độc rảnh… đi ‘vọc’ tùm lum!
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Tình yêu là một thói quen khó bỏ nhứt! Xưa giờ cũng vậy!
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Thấy bà con cô bác, anh em, bạn bè nói chung, dân trong nước còn khổ quá, khổ đủ thứ… mà mình bỏ tất cả để chạy luôn ra nước ngoài…thấy ‘kỳ’ quá!

Thái Bảo
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Một thời, “gã cô độc”. Nay, gã đã đeo gông vào cổ. Không còn những giây phút mơ màng, “bồng bềnh ký ức” hoặc “săn mồi”…
Xưa, chữa bệnh cho loài động vật cao cấp nhất hành tinh. Nay, dùng hóa chất nghiên cứu các chất rắn tuyệt vời của trái đất: saphire, diamond, GaN, SiC…
Tập tễnh bước vào thế giới hâm hâm của văn chương khi báo Trẻ đăng truyện ngắn đầu tay. Một ngày đẹp trời, cảm thấy mình (biết) nhiều chuyện nên đặt bút viết những gì đã trải nghiệm hoặc hóng hớt, gọi là truyện ngắn. Mấy lần muốn làm thơ hay như anh Hoàng Định Nam, hết cả tập giấy A4, mà chẳng được câu nào. Đành chung thủy với truyện ngắn thôi. Thích viết truyện pha vài nét ảo ảo thực thực. Đời sống đã quá thực, cần chấm phá vài nét ảo cho thăng hoa.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Mình – một người trẻ, thuộc thế hệ hậu chiến. Chưa bao giờ thấy, ngửi những gì xảy ra trước 75. Nhờ net, mới biết được một nền văn học kỳ vĩ miền Nam. Thích nhà văn Võ Phiến đa tài (thơ,truyện, tùy bút, dịch thuật,phê bình) với giọng văn hóm hỉnh, mê nhà văn Mai Thảo với cách hành văn đầy chất thơ, phục nhà văn Phan Nhật Nam với sự chân thật rợn người của cuộc chiến.
Tất nhiên internet và các công cụ thời internet đều mang dấu ấn đậm nét trong đời sống tất cả người dân Hoa Kỳ.
Một người làm R&D như mình thường hay đọc paper. Nếu không có internet, tất nhiên mình phải vô thư viện, chắc phải mất một buổi. Giờ chỉ cần nhấp chuột là xong.
Sáng tác cũng vậy. Muốn xem thử cái tựa đề truyện ngắn hoặc ý tưởng có ai xài chưa. Nhanh gì hơn, hỏi bác google. Sáng tác cũng rất cần các ứng dụng trong điện thoại thông minh. Đang làm việc mà có ý tưởng hay cho truyện ngắn…lưu ý tưởng ngay bằng ứng dụng Writers App. Đang lái xe ư, ghi âm. Một ngày lái xe đi và về gần một tiếng, đủ để suy ngẫm cho văn chương.
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Phải nói hai câu thế này.
Nếu may mắn trở thành đàn bà, tôi đã là nhà thiết kế thời trang lừng danh.
Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà, có lẽ, tôi đã có thai sớm ngay lúc 16 tuổi. Thân đàn bà mà cốt cách vẫn đàn ông…
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Sự cô độc.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Xưa và nay đều có những người (cả phụ nữ) yêu cháy bỏng, bạo gan. Không thể nói ngày xưa tất cả ai cũng rụt rè e lệ. Còn nói chung, tóm tắt một câu thế này. Xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Nay, con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Một cái khác rõ trong tình yêu: ngày nay người ta ly dị nhiều hơn xưa.
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Chúng ta ở Hoa Kỳ sống trong một thể chế quá khác với Việt Nam nên mọi so sánh đều trái ngược. Thỉnh thoảng đọc báo Việt trong nước qua các blogs để biết các tin thời cuộc (còn dành thời gian cho báo Hoa Kỳ). Văn chương trong nước, tất nhiên, lôi cuốn hơn tin tức. Có nhiều cây bút đột phá đáng suy ngẫm.

Thái Bảo và mùa thu vàng ở Minneapolis
Bảo Huân
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Tôi làm layout và minh họa tại Trẻ Magazine. Sáng cắp ô đi, tối cắp về. Nếu gọi layout và minh họa báo là sáng tác thì tôi sáng tác suốt ngày.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet là một phần cuộc sống hiện tại của tôi. Thật là hạnh phúc được sống trong một thời đại có nhiều phát minh. Nhớ lại năm 1967 khi đang vẽ truyện tranh “Ông Cống Sứ” hàng ngày trên báo Xây Dựng, tôi nhờ những người quen biết tìm kiếm dùm hình Ải Nam Quan để cho nhân vật mình đi qua đó, kết quả là hơn 1 tháng với nhiều may mắn tôi mới có được. Ngày nay với Internet, tôi chỉ mất vài giây!
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Ồ! Sao gọi là “chẳng may”? Bộ làm phụ nữ thì khổ lắm sao? Những lúc vất vả chạy theo các người đẹp, tôi thường ước ao trở thành phụ nữ để hành hạ những kẻ tình si! Còn bây giờ “chẳng may” trở thành phụ nữ, tôi chẳng biết cuộc đời mình sẽ ra sao, vì kinh nghiệm này chưa trải qua! nhưng tôi đoan chắc lúc đó tôi sẽ sống cùng dân thành Paris trong 1 cái chai!
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Bộ những người độc thân có một đời sống “tệ hại” hơn hôn nhân?
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Tình yêu xưa hay nay và cho đến ngàn sau gì theo tôi thì cũng vẫn vậy, nếu không thì đâu gọi là tình yêu. Hình thức có thể khác, nhưng những rung động, say đắm, sung sướng, đau khổ, giận hờn, ghen tuông, ngu dại… vẫn thế.
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Tôi thể hiện quan điểm của mình trong sáng tác. Xin cám ơn về những câu hỏi thú vị.

Tôi bái phục Auguste Rodin
Nguyên Trang
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Tôi chỉ là một người bình thường như bao người bình thường. Chỉ có chút khác biệt vai trò của người đàn ông Việt Nam trong xã hội Mỹ. Đi chợ, nấu ăn và phải lo chu toàn công việc mình đang làm để kiếm sống. May là tôi được làm công việc mình yêu thích, nên thấy giống một việc dạo chơi. Sướng là ở chỗ ấy.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Làm báo xem như công việc chính trong suốt hơn hai mươi năm đến giờ. Khi trước làm báo không được điều kiện kỹ thuật máy vi tính, Internet hỗ trợ, viết rã tay, rồi sửa chữa, viết lại cho sạch sẽ, chứ không ban biên tập quăng vào sọt rác. Có cái computer muốn tham khảo, tra cứu, không cần vào thư viện hay lục lọi tủ sách. Cứ vào Google tìm kiếm mọi thứ, khỏe re. Viết rồi, cắt, sửa vài thao tác là hoàn chỉnh. Gởi mail đi cái vèo là xong. Nghe có vẻ nặng tính kỹ thuật. Nhưng cái nghề viết lách đòi hỏi cái tâm, cái thực thì mới đi vào lòng người, người đọc mới chấp nhận.
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Tuy tôi chưa đến mức “chẳng may” trở thành đàn bà. Nếu thế thì cuộc đời tôi chắc đã không cho tôi theo cái nghiệp viết lách. Đi làm nail kiếm tiền cho khỏe. Tôi nghĩ đàn bà chú trọng vấn đề tiền bạc nhiều hơn, thực tế hơn và ở xứ này tiền bạc thực dụng hơn tất cả. Mà đâu có phải ở xứ Mỹ này.
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Thời đại ngày nay quan niệm về vật chất hầu như đã thay đổi ở khắp mọi nơi. Do đó, nhiều người lập gia đình muộn hoặc sống “cô độc” một mình cho sướng cuộc đời. Nói là vậy, quan niệm hôn nhân cũng tùy duyên và chẳng có gì “tệ hại” trong một cuộc hôn nhân hay sống một mình. Người có gia đình chưa chắc đã khoái “đi thưa về trình” hay người độc thân có lúc không ưa “sao lại phải ăn cơm một mình”. Buồn chết! Tôi chắc không ai không muốn lập gia đình và chẳng ai muốn sống cô độc dài dài. Chỉ tại duyên chưa tới… cho đến khi nào gặp được tình yêu. Đã vướng vào yêu thì chẳng có cách nào gỡ.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Như tôi quan niệm hôn nhân là duyên số, có nghĩa là số phận vợ chồng do “Ông Trời” đặt sẵn, muốn thay đổi cũng chẳng thể được. Ngoại trừ một cuộc hôn nhân toan tính. Cho nên, bản chất tình yêu thật sự “Xưa” hay “Nay” đều giống nhau, không thay đổi, ngoại trừ cuộc sống hiện đại thay đổi cách sống và lối nghĩ suy của con người.

Buồn thì đi bẻ bồn bồn.
Nam Đan
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Hiện nay tôi sống ở hai nơi Sài Gòn và Dallas, sống một mình nên không bị câu thúc vào nơi chốn. Tôi sống giản dị, không có nhiều nhu cầu. Công việc chính để kiếm cơm là dịch sách và viết báo. Tôi mê văn chương. Từ bé yêu văn chương như một độc giả, bây giờ yêu như một người viết.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet là cuộc cách mạng lớn nhất đối với loài người hiện nay. Riêng tôi, Internet làm thay đổi mọi thứ kể từ khi có nó. Con người được mở ra vô số cánh cửa đến những điều mà trước đây họ không thể tin rằng sẽ có trong đời sống thật. Về phương diện nghệ thuật, internet mang đến nhiều kỹ thuật mới, từ đó nó cũng dần dà làm thay đổi quan điểm về nghệ thuật và sáng tạo. Ví dụ, tôi nghĩ hôm nay thơ không chỉ là những con chữ hiện diện trên trang giấy như ngày xưa. Một nhà thơ có thể sử dụng những thứ “vật liệu” khác như âm thanh, hình ảnh… lấy từ trên mạng cho ý đồ sáng tạo của mình. Khi đó biên độ của cái từng được gọi là thơ được mở ra rất xa so với trước. Có thể nó không được chấp nhận ngay, thậm chí không được cho là thơ hay là một loại hình nghệ thuật, nhưng vấn đề không ở tên gọi mà là ở hiệu ứng của tác phẩm lên người thưởng lãm. Tôi tin vào tương lai của cái mới trong nghệ thuật do internet mang lại.
Sáng nay, tôi phát hiện ra chức năng “Google voice typing” (chỉ nói, máy sẽ dịch thành chữ) trên máy tablet và thử dùng nó để trả lời bài phỏng vấn này, chưa quen nên khá vất vả nhưng thật thú vị. Vậy đó, thay vì “viết” một cuốn tiểu thuyết thì người ta sẽ “nói” một cuốn tiểu thuyết!
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Tôi không nghĩ trở thành đàn bà là điều “chẳng may”. Tôi thích đời sống của mình có nhiều thay đổi, thường mau chán cái thực tại đang sống, vì vậy việc thay đổi giới tính, cũng có nghĩa là thay đổi cả thân phận và số phận, là một điều rất tuyệt. Tôi không thể biết cuộc đời mình sẽ như thế nào, nhưng tôi tin mình sẽ cố gắng trở thành một người đàn bà quyến rũ, để không phụ lòng cô đã đặt một câu hỏi thú vị. Tôi tiếc lắm vì sự “trở thành” đó chỉ là một giả định. Thôi, đành hẹn kiếp sau vậy!
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Cô có vẻ bi quan quá! Sao không hỏi là điều gì tốt đẹp hơn thay vì điều gì tệ hại hơn? Tôi từng sống đời sống gia đình, và từng vô cùng hạnh phúc. Kẹt là tôi có quá nhiều thói hư, và sau cùng hiểu ra rằng mình luôn là một anh chồng thất bại. Bây giờ một mình, mình ên, nhiều đêm thấy cái giường nó rộng quá, lại tủi thân suýt khóc, may mà có internet!
Có người hỏi tôi rằng, nếu bị dạt lên hoang đảo và được cho 3 điều ước thì sẽ ước gì. Tôi ước, điều đầu tiên là sự có mặt của một phụ nữ có mọi chức năng và nữ tính tuyệt vời, và nàng có bộ óc của một cái laptop không bao giờ hết pin và được nối mạng với toàn cầu. Điều thứ hai là tôi sẽ chẳng bao giờ đảng trí quên password của nàng. Điều thứ ba là không bao giờ có một gã đàn ông trẻ trung, khoẻ mạnh, thông minh, đẹp giai… nào bị đắm tàu gần hoang đảo của chúng tôi.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Cũng không khác biệt nhiều lắm, tôi ví dụ nhé. Xưa nàng trao chàng chiếc khăn thêu, nay nàng tặng chàng hộp bàn chải đánh răng chạy điện, cả hai món đều là vật dụng vệ sinh cá nhân! Chỗ khác biệt lớn nhất là, xưa Lục Vân Tiên làm Kiều Nguyệt Nga cảm phục một nhân cách lớn, “khoan khoan ngồi đó chớ ra / nàng là phận gái ta là phận trai…”, thì nay Kiều Nguyệt Nga sẽ rất cảm động vì sự ân cần và từng trải khi nghe chàng nói, “khoan khoan ngồi đó chớ ra / nàng là phận gái, để ta chui vào…”
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, mời các bạn theo dõi những bài viết ký Nam Đan trong mục “Sài Gòn chuyện quỡn”, chúng sẽ giúp tôi tâm tình với bạn đọc nhiều hơn.

Phải cỡ này mới che nổi cái vòng 2
Bùi Thanh Liêm
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Đi làm full-time ở NASA Kennedy và đi dạy part-time ở Florida Tech (Melbourne) và UCF (Orlando). Viết Thư Gửi Bạn Hiền khi nào có hứng thú và có thời gian; vế đầu có thừa nhưng vế sau không có!
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet đã làm cho công việc sáng tác tiện và lợi, đem độc giả lại gần với tác giả, nhưng bù lại Internet đã làm mất đi những cái hay trong nghệ thuật. Chẳng hạn hồi xưa tôi háo hức trông chờ cả tháng để đợi các nguyệt san Văn, Làng Văn, Văn Học Nghệ Thuật, Thế Kỷ 21 xuất bản và tìm mua ở nhà sách. Bây giờ lên trên mạng đọc mệt nghỉ, và mấy tờ báo giấy kể trên đã chết từ lâu lắm rồi.
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Nếu làm đàn bà chắc có lẽ tôi sẽ ế chồng, vì lúc đó tôi sẽ trở thành “gái tài” chứ không phải “gái sắc”.
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Để tôi trả lời câu hỏi này bằng một câu ngạn ngữ: Hôn nhân như một cái lờ cá, con cá bên ngoài muốn thoát cảnh độc thân nên muốn chui vào trong khi con cá trong lờ muốn thoát ra.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Theo tôi thì tình yêu là bất diệt, cho nên không có chuyện phân biệt xưa, nay.
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Xin lỗi! Tôi quá bận rộn để quan tâm đến mấy chuyện này. Chỉ biết là trong nước thiếu tự do dân chủ, thì tất cả (bao gồm chính trị, văn hóa, vân vân) đều bị giới hạn.

Bùi Thanh Liêm, Alabama AM University, 2000
Luật sư Nguyễn Xuân Phước
1.Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
Công việc chính của tôi là hành nghề luật sư 17 năm nay tại vùng Dallas Fort Worth. Tôi bắt đầu viết khoảng 13 năm nay. Bài viết đầu tiên của tôi năm 2000 đặt lại giá trị chính thống hiến pháp VN hiện nay trên cơ sở hiến pháp 1946. Sau đó tôi viết về Lịch sử với những khám phá mới về Nguyễn Trãi, Gia Long; và một số đề tài luật pháp và chính trị liên quan đến tình hình trong nước. Tôi được gia đình TS Cù Huy Hà Vũ, con nhà thơ Cù Huy Cận, ủy nhiệm đưa hồ sơ CHHV ra Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, và được HĐNQLHQ ra quyết định là nhà nước VN đã giam giữ CHHV trái phép. Mấy năm nay, tôi viết về đề tài luật pháp đời thường trên Trẻ; với mục đích giúp độc giả có một kiến thức tổng quát về những vấn đề luật pháp thường gặp trong cuộc sống. Và để chúng ta có thể hiểu sâu hơn về nếp sống dân chủ của Mỹ cũng như nền tảng tư duy về con người ẩn tàng trong sự hình thành xã hội Hoa Kỳ.
2.Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Có lẽ internet là một cuộc cách mạng kiến thức lớn nhất của loài người. Nó thay đổi tất cả phương thức tiếp cận thông tin và tư liệu. Nó đem thông tin và kiến thức dồi dào đến cho mọi người. Nó giúp chúng ta viết nhanh hơn nhờ tư liệu có sẵn. Nhưng nó cũng là sự cám dỗ nếu chúng ta lười biếng không biết chọn lọc thông tin và dễ viết sai đến mức độ viết tầm bậy. Từ lúc có smartphone thì tôi không còn dùng laptop nữa. Không đọc báo giấy và chỉ coi CNN trên TV. Xem movie thì có Netflix và Amazon Prime. TV thì kết nối với YouTube, Netflix qua Chromecast. Tôi dùng Note 3 để điều khiển TV.
3.Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Làm đàn bà hay đàn ông đối với tôi không quan trọng. Mục đích của đời người là vui (happiness) và sướng (satisfaction) mà ta thường gọi là hạnh phúc. Làm người, bất kể đàn ông hay đàn bà, mà không đạt được mục đích nầy thì cuộc sống sẽ mất ý nghĩa. Vui và sướng đây là phạm trù rất rộng. Nó không chỉ nói đến vật chất mà cả về tinh thần. Nó không phải là sự hưởng thụ mà còn là sự hy sinh sống cho người khác, cho lý tưởng. Nó là sự mãn thích nhu yếu vật chất và tinh thần. Và sự mãn thích đó tùy theo điều kiện tâm sinh lý từng người. Có người tìm thấy hạnh phúc trong sự chịu đựng sự đau khổ, hay tự hành hạ thân xác. Miễn sao vui và sướng.
4.Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Mọi sự đau khổ đều có đáy cũng như mọi hạnh phúc đều có đỉnh. Làm đàn ông hay đàn bà, có đôi hay cô độc là những trải nghiệm của con người trong cuộc sống. Đó là hành trình làm người đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái vui và sướng. Hôn nhân là sự tương tác giữa hai người bạn đời để có hạnh phúc; cô độc là sự mất tương tác đó và là tình trạng default chẳng đặng đừng khi không có hạnh phúc trong hôn nhân. Tôi “may mắn” được trải nghiệm hai hôn nhân thất bại và đang lưỡng lự trong sự cô độc. Sự tương tác tiêu cực giữa hai người trong hôn nhân chắc chắn là tệ hại hơn sự cô độc. Câu hỏi nầy làm cho tôi… lưỡng lự hơn nữa.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Tuổi trẻ thì bồng bột, già thì đầy sạn. Con người, dù làm tổng thống như Clinton, hay thường dân đạp xích lô thì cũng giống nhau ở cái ngu trong tình yêu, hay tình… gì đó. Dù đầy sạn khi già hơn, trong tình yêu, tôi thấy không có cái ngu nào giống cái ngu nào.
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Thật ra chẳng ai bắt chúng ta phải quan tâm đến chuyện đất nước Việt Nam. Nhưng lỡ sinh ra làm người Việt thì dù sống ở đâu chúng ta không thể không quan tâm. Nó như là lời réo gọi thôi thúc của một phần da thịt và linh hồn của mình. Lời mời gọi đó to nhỏ, nung nấu hay nguội lạnh, và sự đáp ứng của mình tích cực hay tiêu cực là tùy theo hoàn cảnh và nhận định thời cuộc. Nhận định đúng sai là do tích lũy kiến thức và khả năng phân tích sự kiện qua thời gian. Tôi may mắn có những quan hệ tốt với anh em trong nước và những bài viết của tôi về hiến pháp, lịch sử hay chính trị thể hiện mối quan tâm của tôi đối với những vấn đề của đất nước.

Nguyễn Xuân Phước và thân hữu
Đinh Yên Thảo
1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.
A! Lâu lắm mới có dịp chuyển từ vị trí người phỏng vấn sang người được (bị) phỏng vấn. Nói chung thì đời sống thường nhật của tôi cũng giống như tất cả người khác, xoay quanh động từ “to…đi”. Đi làm (cho “Mr. Bill”), đi chợ (cho vợ), đi chơi (với con), đi nhậu (với bạn) và thỉnh thoảng đi… hoang đó đây. Bên cạnh công việc chính là một kỹ sư trong ngành viễn thông từ hai mươi năm qua, tôi viết báo, dịch bài, đọc sách, theo dõi tin tức và tham gia một số hoạt động văn nghệ, xã hội khác. Rất tiếc là vì dư… nhiều thời gian (cho các việc trên) nên tôi không còn tham gia các hoạt động thiện nguyện như thông dịch và dịch tài liệu sang tiếng Việt cho trường học, nha học chánh, tổ chức thiện nguyện… mà tôi từng phụ giúp và luôn muốn làm. Còn về việc sáng tác thì thú thật là tôi ít sáng tác mà chỉ… tối tác, tức viết hay dịch về đêm và cuối tuần vì thường ban ngày lo những việc “thường nhật” nói trên.
2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?
Internet là một phương tiện hữu hiệu trong thời đại thông tin và làm thay đổi cách con người tiếp nhận thông tin, kiến thức rất nhiều. Tôi dùng nó như phương tiện không thể thiếu nhưng nó chẳng hề tác động gì đến những quan điểm hay nhận thức riêng tôi.
Thật ra chúng tôi là một trong những nhóm trẻ tiên phong của người Việt (tất nhiên bây giờ đã hết trẻ) đã sử dụng internet trong vấn đề sáng tác và phổ biến các tác phẩm của mình trong thời gian đầu của internet vào thập niên 90 (tôi có email với “hotmail” ngay khi nó bắt đầu đưa ra đại chúng năm 1997 và còn sử dụng đến nay). Nhắc lại những việc này để thấy sự gắn bó và cần thiết của internet với tôi đã khá lâu, nhất là trong công việc tra khảo, thu thập, so sánh các tài liệu cho công việc viết báo hiện nay.
3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?
Thật ra tôi cũng từng trở thành “đàn bà” vào thời viết truyện, làm thơ trên internet, khi một số chàng nhìn bút hiệu và nghĩ tôi là… con gái nên gởi email “ái mộ”, cũng vui vui nhưng tất nhiên không lấy gì làm… “phê”. Không phải là một người theo chủ nghĩa “male chauvinism” nên tôi ái mộ các cô các bà ghê lắm, vì vậy không hề muốn có sự thay đổi nào để ảnh hưởng đến việc ái mộ này. Mặt khác trở thành đàn bà là tham vọng lớn của một số người đàn ông, mà tôi lại không có tham vọng lớn nên lại càng không nghĩ đến chuyện “chẳng may” hay “may mắn” này.
4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?
Tôi không nhớ đã đọc một văn sĩ hay triết gia nào đó bảo rằng, “nếu muốn cô đơn thì hãy… lập gia đình”. Theo tôi thì hai khái niệm “gia đình” và “cô độc” đều là những trạng thái vật thể, còn “cô đơn” là đặc tính tinh thần, nên điều quan trọng là làm sao không bị rơi vào trạng thái hay cảm giác cô đơn, chứ không phải yếu tố gia đình hay cô độc quyết định. Tất nhiên, một gia đình hạnh phúc vẫn là sự tuyệt vời và quan trọng trong đời sống của một người nói chung.
5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?
Tôi nghĩ tự thân tình yêu chẳng thay đổi gì, chỉ có nhận thức, cảm xúc, thứ tự ưu tiên của con người với tình yêu đã thay đổi nhiều. Câu này nên dành riêng cho những người độc thân như luật sư Nguyễn Xuân Phước chứ những người đang có gia đình như chúng tôi mà “luận” về tình yêu rất là nguy hiểm.
6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?
Tôi nghĩ là một người Việt thì hầu hết ai cũng quan tâm về vấn đề Việt Nam, có điều thứ tự ưu tiên của mối quan tâm của mỗi người có khác nhau. Với một người làm truyền thông thì mối quan tâm nhiều hơn và rất cần thiết vì báo chí vốn gắn bó với chính trị và xã hội. Để giữ chuyên mục tôi phụ trách luôn đa dạng, tôi chủ ý thay đổi nhiều đề tài khác nhau, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lồng các vấn đề chính trị xã hội trên chuyên mục của mình hay trên vài diễn đàn khác. Nhân cuộc phỏng vấn này, xin gởi lời cảm ơn đến những độc giả đã đọc và quý mến (nếu có) chuyên mục Kiến Thức Trẻ từ nhiều năm qua.
Xin cầu chúc các bạn một năm mới an lành, hạnh phúc.

Đinh Yên Thảo và Dân Biểu Quốc Hội Pete Session
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT TẠI BÁO XUÂN GIÁP NGỌ TRẺ 2014