Thật ra, nếu chỉ nói hai tiếng “cám ơn” với những người tôi đã được gặp và với những gì tôi đã được nhận thì quả thật vẫn là ít ỏi. Bởi cái mà họ cho tôi còn nhiều hơn một sự giúp đỡ.
Về cảm giác trong những ngày chuẩn bị đi Mỹ, tôi vẫn nhớ rất rõ dù gần một năm đã trôi qua. Lúc ấy, bà con, bạn bè, người quen khi gặp tôi ai cũng chúc mừng. Mừng cho tôi sắp gặp được chồng, mừng cho con tôi sắp gặp được cha, mừng cho tôi sắp sửa được “sung sướng” ở đất nước từng sánh với “thiên đường”. Nhưng không ai biết được… tôi thiệt không vui. Chỉ toàn là căng thẳng và lo âu mà thôi. Cũng không ai biết có lúc tôi đã định thoái lui mặc dầu ngày lên máy bay đã định.
Vì nơi đó không phải là quê hương tôi.
Nhưng… băn khoăn mấy thì cũng phải quyết định…
Vừa bồng con gái, vai mang túi lớn tay xách túi nhỏ, tôi vất vả chen qua hàng người đang đứng dài trên lối đi. Khoang máy bay rộng lớn giờ dường như chỉ thu gọn lại ở phạm vi giữa những hàng ghế. Ai ai cũng bận rộn, nhớn nháo, tìm nhau, gọi nhau, dặn dò nhau… Sự chậm chạp và vướng víu của tôi gây cản trở những người đi phía sau, làm cho không ít người bực bội. Thật là ngại!. “Excuse me, ma’am. Can I help you?”. Đó là người đàn ông ngoại quốc đang đi phía trước. Ông có ý giúp tôi? Phản ứng trong những giây đầu tiên của tôi là từ chối ngay lập tức vì cảnh giác (Thời buổi nhiễu nhương này thật đáng giận. Nó làm con người ta ngại ngùng ngay cả khi cho đi và khi nhận lại). Nhưng nhìn mái tóc hoa râm, gương mặt hiền hậu của người đàn ông trung niên kia, tôi chợt muốn tin. Ông xách hộ tôi cái túi nặng, xem thông tin trên vé, và dẫn tôi đi tìm số ghế. Sau đó ông còn giúp tôi để túi xách vào trong ngăn hành lý phía trên, chỉ cách mẹ con tôi cài dây an toàn, sắp xếp chỗ ngồi sao cho thật thoải mái. “Are you Vietnamese?”.
Ông nhẹ nhàng bắt chuyện . Yes, I am Vietnamese. “where are you going to ?”. America. “Ah, welcome to our country”. Miệng ông cười thật tươi. Đôi mắt cũng cười thật tươi, dường như còn có cả tiếng reo lên trong câu chào đón đó. Rồi ông tạm biệt mẹ con tôi, ngắm nhìn con bé con lúc này đang mở to mắt nhìn người trước mặt, khen nó thật dễ thương (nghe sung sướng làm sao!), và… quay ngược lại tìm chỗ của mình, lo đến bản thân mình. Nhìn theo sau lưng ông, tôi chợt nhớ mình đã quên không cám ơn con người tốt bụng kia.Tệ quá! Đành rằng tiếng Anh của tôi chỉ có một nhúm thôi, nhưng câu “thank you so much” thì phải biết chứ, vậy mà lại quên… Vì xúc động quá nên quên. Vì bất ngờ quá nên quên. Nhưng thái độ bình thản của người xa lạ ấy cho tôi thấy là không cần phải thế đâu. Bình thường thôi mà! Nhưng mà ông ơi, đối với tôi thì không bình thường chút nào. Đối với những người có cùng màu da với tôi đang cười nói vô tư ngồi kia thì không bình thường chút nào. Đối với anh nhân viên bảo an trong sân bay Tân Sơn Nhất, dửng dưng nhìn mẹ con tôi vừa bồng bế nhau, vừa di chuyển đống hành lý to đùng thì không bình thường chút nào. Mọi băn khoăn nghi ngại trong tôi về một đất nước đầy bạo lực, về những con người tôi được biết qua phim ảnh là chỉ giải quyết vấn đề bằng súng đạn… đã giảm đi ít nhiều. Tôi thấy mình như đang háo hức muốn biết nhiều hơn nữa về nơi tôi sắp đến khi chiếc máy bay nhấc bỗng lên cao, lao thẳng về phía trước.
Đối với ai thích ồn ào, náo nhiệt thì ắt hẳn Baton Rouge là một thành phố buồn. Cũng may tôi lại thích sự tĩnh lặng ở nơi đây. Khu nhà chúng tôi ở không xa trung tâm gì lắm, gần chợ Việt Nam, gần chợ Mỹ, trường học, nhà thờ… Mỗi tuần, một hoặc hai lần mẹ con tôi đều dắt nhau đi bộ qua ba dãy nhà để đến chợ Hong Kong mua thức ăn. Đây cũng là dịp cho tôi hít thở không khí trong lành. Tôi có thể ngắm nhìn những hàng cây xanh lá, vươn cành to khỏe, gân guốc ra xa che đầy bóng mát; những bông hoa bé xíu, đỏ tươi rụng đầy lối đi; vài con sóc nhỏ, nét mặt lanh lợi chơi rượt bắt với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện lúc thì trên cành cây, khi thì trong đám cỏ xanh um tùm… Thỉnh thoảng còn có mấy công nhân làm vệ sinh, cắt cỏ bên vệ đường. Họ thường chào hỏi mỗi khi chúng tôi đi ngang qua như mhững người quen. Những nụ cười rạng rỡ trong nắng mai thật đẹp làm sao!
Và trong những lần đi về như thế, tôi lại có cơ duyên nhận được một tấm lòng.
Ngày hôm ấy tôi mua đồ hơi nhiều, hai tay xách nặng, còn đứa con gái tinh nghịch lại cứ dùng dằng vì bị buộc phải nắm áo mẹ mà đi. Chỉ mới ra khỏi khu chợ một quãng mà tôi đã mỏi, con bé con cũng bắt đầu than thở đau chân đòi được ẵm. Đành phải đặt các túi thức ăn xuống nghỉ một lát vậy. “Hello, can I help you?”. Tiếng nói từ phía sau làm tôi giật mình, ngoái người nhìn lại. Tôi thật không tin người có giọng nói trong, khỏe như thế lại là một cụ bà, mà ước chừng đã hơn 70, mái tóc trắng phau, cắt ngắn gọn gàng. Lễ phép chào lại, mắt tôi liếc nhanh chiếc xe lăn bà cụ đang đi. Và cái nhìn e ngại đó, cái nhìn mà cho đến tận bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn còn làm tôi áy náy, đã bị người đối diện bắt gặp. Bà nghiêm nét mặt, nhìn thẳng vào tôi và nói câu gì đó mà tôi chỉ hiểu đại khái là không vấn đề gì cả, bà có thể giúp theo khả năng của mình. Xong, bà ra hiệu cho tôi hãy treo mấy túi thức ăn sau tay nắm xe, dắt con gái rồi cùng đi. Bà đưa mẹ con tôi qua hai dãy nhà, về gần đến nơi tôi ở rồi mới dừng lại. Chúng tôi chào tạm biệt nhau ngay trên lối đi ngập đầy bóng nắng lung linh, có tiếng con chim nào gọi bạn vút lên giữa không trung. Cám ơn người phụ nữ trạc tầm đó mà vẫn thấy lời còn chưa đủ. Chợt nghe lòng ấm áp, trong tôi như dâng lên một tình cảm thân thương với mảnh đất mà tôi đang đứng, với những con người ở chung quanh đây.
Nơi này sẽ là quê hương tôi…
Có thể rồi bạn sẽ nói câu chuyện chỉ có vậy thôi ư?! Đâu có gì to tát đâu mà nói ra chi? Nhưng nói bạn nghe, lúc này đây, tôi đang từng ngày góp nhặt lại từng cái đẹp trong tâm hồn con người, cái đẹp mà từ lâu đã bị mai một nhiều lắm trong cuộc sống đầy bon chen, ích kỷ, toan tính; những cái đẹp mà bây giờ người ta ngại, hoặc lười cho đi. Không cần nhiều đâu, chỉ là những nghĩa cử rất đời thường thôi: nhường chỗ trên xe bus cho người cần hơn, mở giúp cánh cửa trong siêu thị, cho người ăn xin một vài đồng, chia sẻ với người khác một bữa ăn, đẩy giùm chiếc xe, nhặt hộ ai đó những trái cam lăn trên đất… Và tôi đã thấy lại được những cái đẹp ấy từ khi tôi bước chân đến đất nước của các bạn. Tôi thấy mình sống vui hơn, tin vào con người nhiều hơn, yêu cuộc sống nhiều hơn.
Xin cám ơn!
Baton Rouge