Menu Close

Đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng (Fair Labor Standards Act) tại Hoa Kỳ

Đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng (The Fair Labor Standards Act of 1938 – 29 U.S.C. 201 et seq.) do chánh quyền liên bang Hoa Kỳ ban hành từ năm 1938, quy định những luật lệ lao động căn bản mà chủ nhân của hầu hết các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ có thuê công nhân đều bắt buộc phải chấp hành. Chủ nhân vi phạm các điều khoản của luật này sẽ bị phạt vạ hay bị truy tố bởi Bộ Lao Động, và cũng có thể bị công nhân thưa kiện ra tòa để đòi bồi thường.   

The Fair Labor Standards Act (FLSA) bao gồm nhiều điều khoản khá phức tạp, nhưng chính yếu là quy định vấn đề lương căn bản tối thiểu (minimum wage) và lương giờ phụ trội (overtime pay) cho công nhân khi làm việc, đòi hỏi chủ nhân phải lưu giữ hồ sơ thông tin cá nhân và chi tiết về lương bổng của công nhân, và quy định các nguyên tắc trong việc thuê mướn trẻ vị thành niên.

Luật về lương căn bản tối thiểu

Đạo luật FLSA quy định và bảo đảm cho hầu hết công nhân khi làm việc, ngoài những thành phần miễn trừ (exempt employee), phải được hưởng lương căn bản ít nhất là bằng mức tối thiểu quy định bởi liên bang, và lương giờ phụ trội không ít hơn 1.5 lần mức lương căn bản nếu làm việc hơn 40 giờ trong một tuần lễ (hay trong một khung thời gian 7 ngày).  Ngoài đạo luật FLSA của liên bang, mỗi tiểu bang cũng có thêm những luật lệ liên quan đến mức lương tối thiểu của công nhân được áp dụng song hành với đạo luật FLSA. Và tại hầu hết các tiểu bang (ngoại trừ Alabama và South Carolina) còn có luật ấn định thời biểu mà chủ nhân phải trả lương cho công nhân. Bên cạnh các luật lệ của liên bang và tiểu bang liên quan đến vấn đề lương bổng của công nhân, một số thành phố cũng có quy định mức lương tối thiểu áp dụng trong phạm vi của thành phố đó. Tuy nhiên, trong trường hợp luật tiểu bang và liên bang (hay thành phố) có sự khác biệt về mức lương căn bản tối thiểu, công nhân phải được hưởng mức lương tối thiểu cao nhất đang áp dụng tại tiểu bang (hay thành phố) nơi làm việc.

Tính đến ngày đầu năm 2014, mức lương tối thiểu do liên bang quy định là $7.25 một giờ, và có 20 tiểu bang đang áp dụng mức lương này. Cũng tính đến đầu năm 2014 thì có 21 tiểu bang (và Washington D.C.) quy định mức lương tối thiểu cao hơn mức của liên bang: Alaska $7.75; Arizona $7.90; California $8.00 (sẽ là $9.00 vào đầu Tháng Bảy); Colorado $8.00; Connecticut $8.70; Florida $7.93; Illinois $8.25; Massachusetts $8.00; Maine $7.50; Michigan $7.40; Missouri $7.50; Montana; New Jersey $8.25; New Mexico $7.50; Nevada $8.25; New York $8.00; Ohio $7.95; Oregon $9.10; Rhode Island $8.00; Vermont $8.73; và Washington $9.32.  Có 4 tiểu bang quy định mức lương tối thiểu thấp hơn mức của liên bang: Arkansas $6.25; Georgia $5.15; Minnesota $6.15; và Wyoming $5.15. Có 5 tiểu bang không quy định mức lương tối thiểu: Alabama; Louisiana; Mississippi; South Carolina; và Tennessee.

 

alt

   
Luật lưu giữ hồ sơ thông tin cá nhân và chi tiết về lương bổng của công nhân

Ngoài quy định buộc chủ nhân không được trả lương cho công nhân dưới mức tối thiểu, đạo luật FLSA còn đòi hỏi chủ nhân phải lưu giữ hồ sơ thông tin cá nhân và chi tiết về lương bổng của công nhân, mà quan trọng hơn hết là phải ghi giữ lại số giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần của mỗi công nhân, và số tiền lương đã trả.

Ngoài việc phải lưu giữ thông tin cá nhân của mỗi công nhân, đạo luật FLSA buộc chủ nhân phải ghi giữ lại chính xác những chi tiết sau đây: Số giờ làm việc mỗi ngày và tổng số giờ làm việc mỗi tuần của công nhân; mức lương căn bản mỗi giờ; căn bản dùng để tính mức lương; số lương mà công nhân đã lãnh hàng ngày hay hàng tuần (bao gồm lương căn bản và lương giờ phụ trội); chiết tính tổng số tiền khấu trừ trên tiền lương; số lương đã lãnh mỗi kỳ; ngày lãnh lương và khung thời gian của kỳ lương.      

 
Đạo luật FLSA cũng quy định cho chủ nhân phải cung cấp bảng chiết tính mức lương và giờ làm việc (itemized wage statement) mỗi lần trả lương cho công nhân. Để có thể chấp hành quy định này của đạo luật FLSA, chủ nhân phải có hồ sơ ghi giữ giờ giấc làm việc (timekeeping) của mọi công nhân.  Bản chiết tính đòi hỏi bởi luật FLSA phải ghi rõ mức lương căn bản mỗi giờ của công nhân, cùng với số giờ làm việc của công nhân tính theo khung thời gian 7 ngày hay một tuần lễ. Và chủ nhân phải bảo đảm số tiền lương trả cho công nhân là bằng hoặc trên mức lương căn bản tối thiểu (cộng với lương giờ overtime, nếu có) tính theo tổng số giờ mà công nhân đã làm việc trong khung thời gian của kỳ lương đó, bất luận công nhân lãnh lương giờ, lương khoán mỗi ngày hay mỗi tuần, lương tính theo từng sản phẩm, hay lương trả theo huê hồng.  

Luật lao động bảo vệ mọi công nhân

Tại Hoa Kỳ, luật di trú cấm thuê mướn người không có phép làm việc hay cư trú bất hợp pháp ở Mỹ. Dầu vậy, người không có phép làm việc hay di dân bất hợp pháp đi làm “chui” vẫn có quyền được hưởng lương quy định bởi đạo luật FLSA, vì luật lao động Hoa Kỳ được áp dụng cho tất cả mọi công nhân, bất luận tình trạng di trú của người đó.  Năm 2012 vừa qua, Bộ Lao Động Hoa Kỳ đã kiện tiệm Nail Cindy Total Care tại New York ra tòa vì bao lương mỗi ngày cho thợ Nail, không có hồ sơ ghi lại số giờ làm việc của thợ.  Các luật sư của Cindy Total Care trong một cố gắng tuyệt vọng để chống lại vụ kiện, đã tìm cách đưa ra bằng chứng cho thấy những thợ Nail trong vụ này là di dân bất hợp pháp nên không thể được sự bảo vệ của luật lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tòa án đã ra phán quyết buộc Cindy Total Care phải bồi thường tổng cộng $235,920 cho các thợ Nail, và xác định rằng đạo luật FLSA áp dụng cho mọi công nhân lao động được thuê bởi chủ, không có ngoại lệ đối với người không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc cư trú bất hợp pháp tại đất nước này.

 

alt

Chủ doanh nghiệp phải tìm hiểu luật để tránh rắc rối

Từ vài năm nay, Bộ Lao Động liên bang Hoa Kỳ và cơ quan lao động tại các tiểu bang đã và đang liên tục mở những đợt kiểm tra vấn đề thi hành luật lệ lao động tại những cơ sở tiểu thương như tiệm Nail, nhà hàng, tiệm massage, cơ xưởng may quần áo, tiệm food to go, chợ bán thực phẩm, v.v…  Từ những vụ kiểm tra này, rất nhiều chủ nhân của các doanh nghiệp nói trên đã bị phạt vạ nặng nề vì phạm luật lệ liên quan đến vấn đề lương bổng của người làm công, mà phần nhiều là vì bao lương khoán hàng ngày hay hàng tuần cho người làm công và không ghi giữ giờ giấc làm việc, không cung cấp bảng chiết tính mức lương và giờ làm việc mỗi khi trả lương cho người làm công theo đòi hỏi của đạo luật FLSA.  Và trong thời gian gần đây, cũng vì thiếu sự hiểu biết về các luật lệ lao động mà rất nhiều chủ nhân các cơ sở thương mại nhỏ mà đặc biệt là tiệm Nail và nhà hàng, đã bị người làm công kiện ra tòa và trong nhiều trường hợp đã phải trả những khoản tiền bồi thường rất lớn.  

Trước những vụ kiểm tra luật lệ lao động của các cơ quan thẩm quyền đang diễn ra khắp Hoa Kỳ, quý vị chủ nhân cơ sở tiểu thương dầu chỉ thuê một vài người làm công, cũng cần phải tìm hiểu và áp dụng đúng đắn luật lệ lao động để tránh bị phạt vạ. Chủ yếu là phải cung cấp bảng chiết tính mức lương và giờ làm việc khi trả lương cho người làm. Cũng cần lưu ý rằng theo đòi hỏi của đạo luật FLSA, việc cung cấp bảng chiết tính mức lương và giờ làm việc phải được chủ nhân thực hiện mỗi khi trả lương cho mọi công nhân, kể cả trường hợp công nhân được bao lương hàng ngày hay hàng tuần, được trả lương theo từng sản phẩm hay công việc, hoặc là ăn chia theo mức huê hồng.

TH – T.Huynh@1stcounsel.com

Cần thêm thông tin, có thể liên lạc
Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh,
Điện thoại (949) 943-4396.