Menu Close

Một số kỷ lục thời tiết quanh thế giới

Luồng khí lạnh từ Bắc Cực tràn về vừa gây nên một đợt băng hàn dữ dội trên toàn Bắc Mỹ. Thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) hôm Thứ Hai tuần trước, đã rớt xuống âm 16 độ F (-27 độ C), phá kỷ lục lạnh lẽo âm 14 độ F (-25 độ C) đã thấy năm 1884 và 1988.

 

alt

Mùa đông Oymyakon ở Nga.

Không chỉ ở Chicago, nhiệt độ tại nhiều thành phố khác cũng xuống thấp kỷ lục. Fort Wayne (tiểu bang Indiana) lạnh âm 13 độ F (-25 độ C), phá kỷ lục cũ âm 12 độ F vào năm 1970. Tại Burlington, tiểu bang Iowa, nhiệt kế tuột xuống mức âm 14 độ F, ngang nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận cũng vào mùa đông 1970.

Mặc dù lạnh như vậy, nhưng đây cũng chưa phải là những kỷ lục lạnh lẽo nhất trên địa cầu ghi nhận được lâu nay. Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi lại vào ngày 21-7-1983 là -128.6 độ  °F (-89.2 °C) tại Vostok Station trên Bắc Cực thuộc nước Nga. Nơi này lạnh khủng khiếp vì độ cao 3,420 m cách mặt nước biển và thiếu ánh sáng mặt trời. Con đường lạnh lẽo nhất trên thế giới cũng nằm ở Nga: xa lộ Kolyma Highway (dài 2,031 km), có lúc nhiệt độ xuống âm 88 độ F (-68 độ C). Một đoạn xa lộ này gần trại lao động khổ sai Sewostlag Labour Camp còn được mệnh danh là “Road of Bones” (tạm dịch con đường đầy xương) vì hằng ngàn tù nhân khổ sai làm việc mở đường đã chết tê cóng, xương thịt vùi ngay dưới mặt đường.

 

alt

Xa lộ I-44 gần St. Louis, tiểu bang Missouri trắng xóa trong tuyết hôm Thứ Bảy Saturday 4-1-2014. Ảnh Jeff Roberson/Associated Press

Có vài địa danh khét tiếng về thành tích lạnh cóng. Thị trấn Verkhoyansk của nước Nga nằm sâu trong vùng Siberia. Nơi này có chừng 1,500 cư dân, thiết lập năm 1638, là trung tâm của kỹ nghệ tạo giống bò và kỹ nghệ hầm mỏ. Verkhoyansk cũng là nơi lưu đày biệt xứ các tù quốc phạm thời cuối thế kỷ 19 vì lý do dễ hiểu: Vào Tháng Giêng nhiệt độ trung bình âm 50.4 độ F (-45 độ C) và từ Tháng Mười đến Tháng Tư mỗi năm lúc nào cũng dưới độ đông đá. Năm 1892, người ta đo độ lạnh kỷ lục âm 90 độ F (-67 độ C). Một nơi rất lạnh khác của Nga là Oymyakon với khoảng dưới 1,000 cư dân, với nhiệt độ thấp nhất từng đo được cũng là âm 90 độ F (-67 độ C vào tháng 2-1933). Ở đây người ta quá quen với cái lạnh, ngay cả trường học cũng mở cửa như thường giữa thời tiết âm 52 độ F (-46 độ C).

 

alt

Xe hơi đông đá tại Fort Walton Beach, Florida hôm 7-1-2014. Ảnh Devon Ravine/Northwest Florida Daily/AP

Tại Hoa Kỳ, không phải Alaska mà vài nơi sâu trong đất liền mới khét tiếng lạnh thấu xương. International Falls thuộc tiểu bang Minnesota, sát biên giới với Canada, tuy không tê tái như Verkhoyansk, nhưng có thể là nơi lạnh lẽo nhất Hoa Kỳ. Thị trấn có khoảng 6,700 cư dân. Nhiệt kế xuống mức 0 độ trên 60 đêm mỗi năm, và tại International Falls tuyết cũng rơi rất dày, trung bình trên 65 inch mỗi năm. Nơi này lâu nay… chạy đua giành danh hiệu “Icebox of the Nation” với thị trấn Fraser, tiểu bang Colorado. Fraser nằm trên độ cao 8,574 feet trong dãy núi Rocky Mountain, có khoảng 900 cư dân. Nhiệt độ trung bình quanh năm tại đây là 32.5 độ F (gần như độ đông đá). Hầu như  International Falls vào mùa đông lạnh hơn, nhưng Fraser lại có nhiệt độ trung bình suốt năm thấp hơn.

 

alt

Thị trấn Big Piney (tiểu bang Wyoming, dân số 552 người) là một nơi khác cũng muốn dành danh hiệu “hộp nước đá của quốc gia”.

Ngoài khí trời tê tái lạnh, thế giới cũng có nhiều kỷ lục về thời tiết bất thường khác. Có thể kể lượng nước mưa rơi nhiều nhất trong một ngày đêm trên hải đảo tí hon Cyclone Denise giữa Ấn Độ Dương: ngày 7 và 8 tháng 1-1966, lượng mưa đổ xuống nơi này lên đến 1.82m. Thị trấn Gopalganj thuộc xứ Bangladesh từng hứng chịu trận mưa đá kinh hoàng nhất, với nhiều tảng đá đập xuống đất nặng cả ký lô. Cơn bão mưa đá ngày 14-4-1986 đã giết hại 92 người. Kỷ lục về hạn hán lại không phải do Phi Châu nắm, mà thị trấn Arica thuộc xứ Chile, Nam Mỹ Châu La Tinh, đã không có giọt nước mưa nào trong suốt 14 năm, từ 1903 đến 1918.

Hoa Kỳ hiện là nước giữ hai kỷ lục về thời tiết – nhiệt độ cao nhất và lượng nước mưa nhiều nhất trong một phút. Với nhiệt độ trung bình 116 độ F (46.7 độ C) trong Tháng Bảy mỗi năm, vùng “thung lũng tử thần” (Death Valley, tiểu bang California) thật không hổ danh. Kỷ lục nóng nhất đến nay được chánh thức ghi nhận vào năm 1913, với nhiệt độ lên tới 134 độ F (56.7 độ C). Trong khi đó, thị trấn Unionville, tiểu bang Maryland, lại nắm kỷ lục mưa nặng hạt nhất trong vòng một phút. Ngay ngày Independence Day 4-7-1956, có lúc chỉ trong 60 giây người ta đã đo được lượng nước mưa 3.12 cm, khoảng trên 2 đốt ngón tay.

 

alt

Hơi lạnh bốc lên từ mặt hồ Michigan gần đại lộ North Avenue Beach ở Chicago hôm 6-1-2014. Ảnh Scott Olson/Getty Images

Trở lại với đợt khí lạnh hiện nay tại Bắc Mỹ. Thời tiết lạnh lẽo nhất trong vòng hai thập niên qua đang gây vô vàn khó khăn khắp nơi. Các phòng cấp cứu làm việc hết công suất, đã có trên 20 ca tử vong vì lạnh cóng trên toàn quốc. Tại tiểu bang New York, Thống Đốc Andrew Cuomo ban hành lịnh khẩn cấp tại 14 hạt (county). Thời tiết băng hàn gây ứ đọng, tắc nghẽn nhiều mạch giao lộ chánh của quốc gia, bao gồm các xa lộ xuyên bang, phi trường, đường ray hỏa xa, v.v…

Đợt giá lạnh đẩy vọt mức nhu cầu năng lượng để sưởi ấm, tăng giá một megawatt điện/giờ tại tiểu bang Texas lần đầu vượt ngưỡng $5,000. Nhiệt độ xuống thấp cũng gây xáo trộn cho các cơ sở lọc dầu hỏa. Ít nhất hai hãng Exxon Mobil và Valero Energy đã công bố các cơ sở lọc dầu tại tiểu bang Illinois và Tennessee bị đóng băng không hoạt động vì trời quá lạnh. Hãng PJM Interconnection, điều hành mạng lưới điện lớn nhất quốc gia, kiểm soát điện năng 13 tiểu bang, phục vụ trên 60 triệu khách hàng từ Washington đến  Chicago, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn hệ thống, tăng công suất tối đa để đưa điện ra đường dây.

 

alt

Fraser, tiểu bang Colorado, nằm trên dãy Rocky Mountain, là nơi lạnh lẽo bậc nhất Hoa Kỳ.

TD