Menu Close

Tại sao con giáp thứ 7 là con ngựa

Theo truyền thống Âm lịch của Trung  Quốc, Việt Nam…,vào những năm thuộc Chi thứ bảy trong 12 Địa Chi có tên gọi là Ngọ , từ xưa đến nay vẫn được tượng trưng bằng con ngựa, chữ Hán là mã . Dân gian vẫn thường gọi là năm ngựa, tuổi ngựa. Tại sao lại như thế? Cho đến nay vấn đề này còn nhiều tranh luận (1), có ý kiến cho rằng tên gọi “ngựa” của Việt Nam chính là vết tích cổ xưa của “Ngọ” (cũng vậy với các con Giáp khác như chuột, trâu, cọp, mèo, rồng…)  nên chứng tỏ 12 con Giáp có nguồn gốc phương Nam chứ không phải từ phương Bắc. Sự thật ra sao, là gốc Hoa hay gốc Việt? Bài viết này thử truy tìm nguồn gốc của con Giáp thứ 7 cùng biểu tượng của nó là con ngựa qua khảo cổ và thư tịch, chữ viết, với hy vọng làm sáng tỏ vấn đề.

 

alt

 

Ngọ  là Chi thứ 7 trong 12 Địa Chi (Thập nhị Chi) như Tý, Sửu, Dần, Mão… trong lịch pháp Trung Quốc thời cổ, 12 Địa Chi phối hợp với 10 Thiên Can (Thập Can) như Giáp, Ất, Bính, Đinh…để ghi nhớ, tính toán thời gian. Lịch pháp Trung Quốc với hệ thống Thập Can Thập nhị Chi đã xuất hiện sớm nhất từ thời nhà Thương (1766–1122 TCN) với bằng chứng khảo cổ qua Giáp cốt văn. Sau đây là chữ  từ Giáp cốt văn (2):

12 Địa Chi ban đầu không phải là những tên gọi của 12 con thú, chúng thuần túy là tên gọi chỉ thời gian, theo sách Kinh Dịch – Đạo của người Quân tử [6] Học giả Nguyễn Hiến Lê đã dẫn ra một quẻ bói từ Giáp cốt văn trích trong cuốn East Asia – The Great tradition (Modern Asia éditions – Tokyo.1962): “ngày Tân Mão hỏi quỷ thần (bói): ngày hôm nay, ngày Tân, cũng mưa hay không mưa?”. Rồi sau mới phối hợp 12 tên gọi của thú vật dùng làm biểu tượng cho 12 Địa Chi, 12 biểu tượng này được gọi là 12 Sinh Tiếu (Trung Quốc) hay 12 con Giáp (Việt Nam). Dấu vết xưa nhất hiện còn trong thư tịch Trung Quốc liên quan đến 12 Sinh Tiếu là ở thời Tiên Tần như sách Kinh Thi ,ở quyển Trung, Tiểu nhã, bài Cát nhật với câu: ” (3), ở đây mã  (ngựa) ám chỉ Ngọ . Vào năm 1975, khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra ở vùng đất Thụy Hổ, huyện Vân Mộng, Tỉnh Hồ Bắc một bộ sách thẻ trúc đời Tần là Nhật thư , trong đó ở chương Đạo giả  đã ghi chép về 12 con vật phối ứng với 12 Địa Chi, điều đáng ngạc nhiên là trong sách này đã ghi nhận Ngọ/lộc (con hươu) chứ không phải là Ngọ/mã (ngựa), Mùi/mã (ngựa) chứ không phải là Mùi/dương (dê) và Tuất/dương (dê) chứ không phải là Tuất/Khuyển (chó)  như truyền thống [8] Đến đời Hán, người ta đã tìm thấy một di vật đời Tây Hán (206 TCN – năm 8 CN) là tấm gương đồng cũng có khắc 12 con Giáp theo đúng truyền thống (4) và trong sách Luận hành (5) của Vương Sung  (27-97), ở Quyển Ba, Thiên 14 – Vật thế, Vương Sung đã dựa theo Âm Dương Ngũ Hành và các thuộc tính của loài vật để luận giải về 12 con thú tương ứng với 12 địa chi, trong đó cũng đã chỉ rõ “” (Ngọ là ngựa).  Như vậy, Chi Ngọ theo Nhật thư đời Tần ban đầu là biểu tượng con hươu rồi đến đời Hán mới xuất hiện cách phối ứng: Chi Ngọ có biểu tượng là con ngựa. (6)

 

alt

Giáp cốt văn

Chữ mã  (ngựa) cũng đã từng xuất hiện trong  Giáp cốt văn (7) đời Thương:            

Những lăng mộ vua nhà Thương được khai quật (8) và cho thấy các đồ vật chôn theo vua là các đồ trang sức cá nhân và những cái giáo mũi đồng… Ngựa và xe ngựa cũng được chôn cùng với vua (hình dưới). Ngay từ đời Thương, Chi thứ 7 được viết là Ngọ  chứ không phải là mã . Nếu ban đầu Chi thứ 7 đúng là con ngựa đương nhiên sẽ dùng chữ mã  chứ không thể là chữ ngọ  và trong thư tịch Hán, ngọ  chưa bao giờ đồng nghĩa hay dùng thay cho  Nguyên thủy, Ngọ  thuần túy chỉ thời gian (11 giờ sáng đến 1 giờ chiều là giờ Ngọ), và hiện nay vẫn chưa tìm thấy biểu tượng của nó là con vật nào ở thời đại này, nhưng chỉ đến đời Tần mới thấy Ngọ/lộc (hươu) rồi đời Hán mới thật sự là Ngọ/mã (ngựa).

 

alt

Tóm lại, 12 Địa Chi ban đầu không phải là những tên gọi của 12 con thú, chúng thuần túy là tên gọi chỉ thời gian. Rồi sau mới được phối hợp với 12 tên gọi của thú vật dùng làm biểu tượng cho 12 Chi. Nhưng 12 Chi chỉ đến đời Hán mới thật sự có 12 con vật tượng trưng đối ứng hoàn chỉnh và không thay đổi cho đến ngày nay. Chi thứ 7 vào đời Tần có biểu tượng là Lộc/hươu và sau vào đời Hán trở thành Mã/ngựa. Đây chính là chứng cứ quan trọng để có thể khẳng định 12 Địa Chi ban đầu không phải là tên gọi 12 con vật quen thuộc xưa nay như nhiều người lầm tưởng.

Cho đến nay chưa có một phát hiện khảo cổ học nào chứng minh dân tộc Việt Nam thời thượng cổ (hay ngang với thời nhà Thương của Trung Quốc) đã có chữ viết. Không có chữ viết, tư duy con người không thể phát triển và làm phát sinh, phát triển các lĩnh vực tinh thần như lịch pháp, thiên văn, triết học… nên chúng ta không thể khẳng định trước nhà Thương, hệ lịch pháp với Thập Can thập nhị Chi cùng với 12 con vật làm biểu tượng nói chung và nói riêng là Địa Chi thứ bảy là Ngọ với hình tượng con NGỰA đã từng xuất hiện tại vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã nơi phát tích của văn minh Đông Sơn. Trên các di vật văn hóa Đông Sơn không hề thấy họa tiết 12 con giáp ứng với 12 Địa Chi và cũng vắng bóng hình tượng con ngựa. Truyền thuyết về Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt chỉ có thể xác định ngựa  là một con vật quý hiếm, quan trọng trong chiến tranh ở thời đại đồ sắt (sau thời đại đồ đồng). Theo Đại Việt sử ký toàn thư [10], vào thời Triệu Đà, vua Hán sai Lục Giả đi sứ sang Nam Việt. Triệu Đà viết thư gởi vua Hán: “Cao Hậu lên coi việc nước lại phân biệt Hoa – Di, ra lệnh không cho Nam Việt những khí cụ làm ruộng bằng sắt và đồng; ngựa, trâu, dê nếu cho thì cũng chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở đất hẻo lánh, ngựa, trâu, dê đã già”. Như vậy ngựa  thực sự quý hiếm đối với Nam Việt, trong đó có nước Âu Lạc (bao gồm nước Việt cổ) bị thôn tính. Thư tịch cổ Việt Nam chỉ còn các truyền bản từ đời Trần trở về sau, theo (Đại)Việt sử lược (khuyết danh) [9] thì thời Trang Vương nhà Chu, nước Văn Lang của Hùng Vương chưa có chữ viết, chỉ biết dùng cách thắt nút để ghi nhớ chính sự, không nói gì về lịch pháp Can Chi, hay 12 con giáp cho đến khi nước Văn Lang biến mất để nhường chỗ cho nước Âu Lạc của An Dương Vương cai trị rồi sau bị Triệu Đà nước Nam Việt thôn tính thì lịch sử cổ đại VN đã sang trang mới. Bắt đầu từ đây, sau khi Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt, nước ta đã nội thuộc Trung Hoa và chịu ảnh hưởng văn hóa Hán sâu đậm, dĩ nhiên trong đó có hệ thống lịch pháp Trung Hoa cùng với biểu tượng của nó  là 12 con Giáp. Vào thời thuộc Hán, ở Giao Chỉ, Giao Châu cũng không phát hiện được các bằng chứng xác thật từ thư tịch lẫn khảo cổ về hình tượng 12 con Giáp làm biểu tượng cho 12 Địa Chi.

Dấu vết xưa nhất về 12 con Giáp chỉ được ghi nhận ở các truyền bản đời Trần mà thôi. (Đại)Việt sử lược [9], ở quyển thứ hai, chép về vua Lý Thái Tổ đã viết: “Xưa có con chó chùa Ứng Thiên, hương Cổ Pháp đẻ 1 con chó trắng, trên lưng có lông đen thành chữ “Thiên Tử”. Đến nay thấy vua đẻ năm Giáp Tuất”, ở đây con Giáp thứ 11 (Chi) Tuất chính là con chó, tiếp đến là sách Thiền uyển tập anh, ở quyển Hạ, Thiền phái Tì Ni Đa lưu Chi, Trưởng lão La Quý An, có ghi chép một câu kệ kiểu “sấm vĩ” do Trưởng lão viết ra và được loan truyền trong dân gian như sau: “Thố kê thử nguyệt nội: Thỏ gà trong tháng chuột”  (Thỏ gà chuột: ngày thỏ, tháng chuột, năm gà) [5], câu thơ trên chắc hẳn được làm ra trước thời Lý, vì đã tiên đoán về chuyện Lý Công Uẩn sẽ làm vua vào năm Kỷ Dậu (con gà) là năm 1009. Đây có lẽ là các bằng chứng sớm nhất về 12 con giáp đã xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ X. Chi Ngọ với tên gọi là ngựa  đã được ghi chép vào  thế kỷ XVII ở trong tự điển Việt – Bồ – La (1651) [1] của Alexandre de Rhodes, soạn giả  đã ghi nhận Ngọ là ngựa và giờ Ngọ ứng với con ngựa.

Ở Việt Nam, cho đến hiện nay, chưa có các bằng chứng từ khảo cổ, thư tịch, chữ viết cho thấy hệ thống lịch 12 Địa Chi hay 12 con Giáp và  dấu vết con ngựa đã từng xuất hiện ở Việt Nam thời cổ đại (cùng hay trước đời Thương ở Trung Quốc). Lịch sử cho biết khi Cổ Việt bị nhà Triệu và nhà Hán xâm lược, thôn tính thì nước ta đã nội thuộc Trung Hoa và chịu ảnh hưởng văn hóa Hán sâu đậm, dĩ nhiên trong đó có hệ thống lịch pháp Trung Hoa cùng với biểu tượng của nó  là 12 con Giáp.

Như vậy, căn cứ vào các bằng chứng khảo cổ, thư tịch, chữ viết hiện còn lại thì dù muốn hay không, chúng ta cần phải chấp nhận sự thật: Địa Chi thứ 7 là NGỌ  nguyên thủy là một ký hiệu ghi nhớ về thời gian theo lịch pháp Trung Quốc cổ đại chứ không phải là chữ mã , tên gọi chỉ con NGỰA. Chữ  tiếng Hán có âm là [wǔ], Hán Việt là [ngọ] không phải bắt nguồn từ tên gọi “ngựa” của Việt Nam. Chẳng qua là một hiện tượng trùng hợp về ngữ âm mà thôi. Như trên chúng tôi đã luận chứng, con Giáp thứ 7 (Ngọ) chỉ đến đời Hán mới thật sự được định hình vĩnh viễn là hình tượng con ngựa mà thật ra trước đó vào đời Tần lại là con hươu. Cho nên, giả thuyết cho rằng con Giáp thứ 7 mang tên “ngọ” có nguồn gốc từ tiếng Việt “ngựa” và nói chung 12 con Giáp có nguồn gốc Việt Nam (phương Nam) tỏ ra là một ngộ nhận, thiếu khoa học.

TA

Chú thích:

1. Xem chẳng hạn: Nguyễn Cung Thông, Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp – Ngọ-*ngua-*ngựa (phần 13) , nguồn: http://namkyluctinh.org/a-ngonngu/ncthong-Ngo-Ngu-Ngua%5B13%5D.pdf và Nguyễn Tài Cẩn, Một số chứng tích về văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001

2. Theo www.chineseetymology.org

3. Theo http://ctext.org/book-of-poetry/zh

4. Theo http://bbs.cangcn.com/viewthread.php?action=printable&tid=72527

5. Theo http://www.guoxue.com/zibu/lunheng/lhml.htm

6.  Nguyên nhân tại sao đời Tần là Ngọ/Lộc (hươu) đến đời Hán là Ngọ/mã (ngựa)? Theo thiển ý, có thể xuất xứ từ giai thoại  chép trong Sử ký (Tư Mã Thiên), Tần Thủy Hoàng bản kỷ kể về chuyện Triệu Cao  đã chỉ con hươu nói đây là con ngựa để xem các quan triều đình ai thuận theo mình, ai dám chống đối, sau mới  có thành ngữ  “chỉ lộc vi mã“” (Chỉ hươu là ngựa) ý nói  người đảo lộn trắng đen, thị phi. Vậy từ đời Tần, con Giáp thứ 7 là hươu nhưng người đời vì sợ Triệu Cao nên đã gọi là ngựa và từ đó Chi Ngọ cho đến nay có hình tượng  con ngựa?

7. Theo www.chineseetymology.org

8. Nguồn: http://proj1.sinica.edu.tw/~dmuseum/pages/rebuild/main_1b_3.html#photo