Menu Close

The Shadow of My Smile (kỳ 77)

Chụp ảnh với máy ảnh số thì dễ – khi có nhiều ánh sáng và có điều kiện ưng ý. Nhưng, chắc bạn đã biết, những điều kiện ánh sáng không phải luôn luôn như ý mình muốn. Trong nhiếp ảnh thực tế, chúng ta cần phải thích ứng hết mức với đủ tình trạng ánh sáng, nếu không sẽ có những kết quả thất vọng.

Một trong những fans trên blog của tôi (http://blog.baotreonline.com/andy-nguyen/) đã hỏi làm cách nào để ông ta có thể chụp hình ở lễ thành hôn của người bạn. Ông không muốn dùng đèn nháy (flash) để làm cô dâu và chú rễ bị chi phối trong lúc họ đang trao đổi những lời “I do”. Điều ông ta muốn hỏi tôi là làm sao để chụp được ảnh tối hơn trong những trường hợp không đủ ánh sáng mà không phải dùng đèn flash. Thật sự câu hỏi này khá hay và có lý. Và điều đó có thể làm được. Nhưng giống mọi thứ trong nhiếp ảnh, cái gì cũng có mặt phải và mặt trái.

 

alt

Lễ thành hôn trong nhà thờ, không dùng flash. Thật sự trong trường hợp này, các cha “cấm” mọi người không được mở flash. Nếu bạn theo những chỉ dẫn trong bài này sẽ thực hiện được.

 

alt

Đèn flash là giải đáp thông thường nhất đối với nhiếp ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, trở ngại với giải đáp này là không phải trường hợp nào cũng có lợi ích từ đèn flash. Không những nó can thiệp vào “moment” của bạn (về mặt tế nhị và luôn cả mặt nghệ thuật), nhưng flash còn làm ảnh của bạn bị “flat” nữa. Đèn flash có ảnh hưởng làm đối tượng của bạn sáng chỉ từ phía trước (trực diện), và làm chiều sâu trường cảnh bị thu hẹp lại. Ảnh hưởng này càng bị nặng hơn với những đèn flash built-in (có sẵn) trên máy ảnh số. Hiện tượng “ảnh phẳng” có thể làm giảm vẻ đẹp của “người mẫu” trong ảnh.

alt

Chụp ảnh “selfie”, kiểu của tui: không studio, không make-up, không phong nền, không đèn đuốc rườm rà, cũng không có thợ chụp giùm (hoàn toàn “tự biên tự diễn” à hà selfie đó mà. Chỉ một cái flash “built-in” trong máy ảnh bỏ túi. Chủ yếu là biết cách dùng ánh sáng đúng. “The Shadow of My Smile” đó các bạn.

Bạn có thể tương đối tránh khỏi ảnh hưởng này, tùy theo đối tượng của bạn và bằng cách quan sát chiều ngã của ánh sáng. Học cách nhìn ánh sáng trong phối cảnh và ý thức của bạn sẽ dần quen biết rằng tình trạng nào sẽ hợp hoặc không hợp với đèn flash.
Một cách hữu hiệu để chống lại vấn đề thiếu sáng, bạn có thể thử chỉnh ISO cao hơn. “ISO” có nghĩa là độ nhạy của ánh sáng chiếu lên sensor của máy ảnh. “Mặt trái” của ISO cao là ảnh bị hột nhiều (noise). Nếu không đẩy ISO cao hơn, bạn có thể gặp phải vấn đề “máy rung” và ảnh bị nhòa. Trường hợp này có thể được chữa nhanh chóng với cách dùng chân máy (tripod). Nhưng nếu bạn biết chỉnh ISO thì “thà bị nhiều hột còn đỡ hơn bị ảnh rung.” Trong nhiếp ảnh số, noise sẽ luôn luôn là một vấn đề để cân nhắc.
Để giảm bớt vấn đề “ảnh rung”, bạn có thể chọn mua máy ảnh (hay ống kính) có khả năng IS (image stabilizer) hoặc VR (vibration reduction).

alt

Một ca sĩ “trẻ” phải nhắm mắt vì bị flash chói. Ánh sáng flash cũng làm hình bị “dẹp như con tép”. Nếu không dùng flash (hoặc rất ít), hình sẽ có nhiều chiều sâu hơn, và “đầy đặn” hơn.

Thêm một yếu tố khác có thể giúp bạn rất nhiều trong việc lấy ảnh trong điều kiện thiếu sáng, ống kính NHANH!! Những ống kính với con số khẩu độ tối đa ở f/2.8, f/2, f/1.8, f/1.4 đều là những ống kính “chuyên trị” trường hợp thiếu sáng.

Thử nghĩ, bạn đang dùng một ống kính f/5.6 (thường đi kèm với máy ảnh khi bạn mua trong tiệm) và cố gắng chụp ảnh trong nhà bị thiếu ánh sáng. Nếu bạn thay vào một ống kính f/2.8, bạn sẽ lập tức có thêm gấp bốn lần lượng sáng. Và nếu bạn có sẵn một ống kính f/1.4, thay vào thì bạn sẽ có thêm gấp mười sáu lần lượng sáng.

alt
Ống kính $6,000, rất tốt trong vai trò chụp chân dung trong nhà. Thôi rồi, phải ăn mì gói trong 3 tháng dài.

Bạn hỏi, làm sao tôi tính ra những con số đó? Xin trả lời, mời bạn tìm và xem lại bài “Vẽ với Ánh sáng” (Góc Nhiếp Ảnh, Kỳ 2), với những giải thích kỹ càng về khẩu độ trên những ống kính; hiện có trong kho lưu trữ ở mạng baotreonline.com
À quên, cũng xin nhắc nhở các bạn. Những ống kính f/2.8, f/2, f/1.8, f/1.4, f/1.2 nói trên không phải hàng Wal-mart hoặc Target đâu. Cẩn thận, nếu không bạn sẽ bị “cháy túi”. Thí dụ: một ống kính 200mm f/2, rất tốt để chụp trong nhà, có giá thị trường “chỉ có” $6 ngàn thôi! Nếu bạn có lỡ mua thì đừng cho bà xã thấy nó, vì có thể bạn sẽ phải ăn mì gói vài tháng đó!

 

alt

Một ảnh “action”, được chụp với ống kính $6 ngàn đô nói trên, chụp trong nhà và không xài flash.

AN