Mới đây, hai sinh viên Moctar Dembele and Gérard Niyondiko đoạt giải nhất của the Global Social Venture Competition (GSVC) năm 2013 cho phát minh của họ: xà bông ngừa sốt rét. Đây là lần đầu tiên người Phi Châu đoạt giải thưởng về sự sáng chế trong lãnh vực khoa học sức khỏe.
Giải thưởng GSVC trị giá 50 ngàn mỹ kim do các sinh viên ban Kinh Doanh Thương Mại (MBA) của Haas School of Business, đại học California tại Berkeley, thành lập từ năm 1999. Mục đích của giải thưởng này là cổ võ những người sáng chế đưa các sản phẩm mới lạ, hữu dụng ra thị trường. Tạm hiểu là dùng khoa học kỹ thuật để kích thích thương mại.
Moctar Dembele and Gérard Niyondiko đoạt giải nhất của the Global Social Venture Competition (GSVC) năm 2013 cho phát minh của họ: xà bông ngừa sốt rét – nguồn cnn.com
Năm 2013, cuộc tranh giải GSVC bao gồm 650 dự án từ 40 quốc gia trên thế giới, và dự án “Faso Soap” của hai sinh viên kể trên đoạt giải nhất.
Moctar Dembele, 22 tuổi (từ Burkina Faso) và Gerard Niyondiko, 35 tuổi (từ Burundi) đang theo học tại the International Institute for Water and Environmental Engineering, Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso, sáng chế ra một loại xà bông có sức xua đuổi muỗi. Họ đặt tên sáng chế của mình là “Fasoap”. Faso được chế hoàn toàn bằng các nguyên liệu xuất phát từ địa phương như shea butter, sả và một số hương liệu khác.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, the World Health Organization (WHO), một nửa dân số toàn cầu chịu rủi ro nhiễm bệnh sốt rét. Năm 2010, trong số 219 triệu người bị nhiễm bệnh, có 660,000 người tử vong, và trong số người tử vong này 91% là dân Phi Châu nơi bệnh sốt rét là tử thần hàng đầu. Những người dễ nhiễm bệnh là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người nhiễm HIV.
Bệnh sốt rét hay malaria do ký sinh trùng Plasmodium gây ra; Plasmodium là một loại vi khuẩn sống trong cơ thể của muỗi anopheles. Anopheles (vector) chích, hút máu sinh vật nhiễm trùng và “mang” vi khuẩn này sang sinh vật khỏe mạnh khác.
Khi bị nhiễm trùng, con người lên cơn sốt định kỳ hàng ngày hoặc cách nhật, nhức đầu, đau nhức bắp thịt và khớp xương, sau đó là tháo mồ hôi như tắm. Sau một thời gian, căn bệnh trở nên mãn tính dẫn đến suy gan, hư hoại lá lách (spleen) và tử vong.
Dù con người đã hiểu nguyên nhân của căn bệnh nhưng sốt rét vẫn là tử thần số 1 tại các vùng đất nghèo đói Phi Châu và Á Châu vì nhiều lý do: môi trường sinh sống thiếu vệ sinh nên muỗi mòng hoành hành; các loại thuốc kháng sinh trở nên kém hiệu quả vì vi khuẩn tạo ra sức đề kháng chống lại thuốc men; và loài muỗi truyền bệnh cũng biến thái để vô hiệu hóa các loại thuốc diệt muỗi hiện đang được sử dụng. Việc chữa trị bệnh sốt rét trở nên khó khăn trong khi việc phòng ngừa (qua cách xịt thuốc diệt muỗi) lại kém hiệu quả, do đó bệnh sốt rét vẫn gây số tử vong đáng kể cho con người.
Ngoài việc tìm kiếm các loại kháng sinh hiệu quả hơn, muốn khử trừ bệnh sốt rét, ta cần diệt muỗi. Sáng chế của hai sinh viên Phi Châu kể trên đáp ứng cho nhu cầu này.
Hai nhà sáng chế này cho biết thêm rằng một trong các nguyên liệu họ dùng để biến chế có thể diệt ấu trùng (larva), do đó, khi dùng để tắm rửa, mùi xà bông để lại trên da sẽ xua đuổi muỗi; nước xà bông thoát ra cống rãnh nơi nước đọng và muỗi sinh sản sẽ diệt ấu trùng. Nói đơn giản là món xà bông kia, theo nhà sáng chế, có ít nhất hai công dụng.
Sản phẩm được chế biến với các nguyên liệu địa phương có sẵn và không cần nhiều máy móc dụng cụ nên giá thành phẩm rẻ, phù hợp với túi tiền cư dân. Mỗi miếng xà bông bán với giá 300 đồng quan CFA (0.45 euro hay 60 xu tiền Huê Kỳ). So với giá thuốc trụ sinh chữa sốt rét là 10,000 quan CFA (15 € hoặc 20 Mỹ kim). Tỷ lệ khác biệt là 1/33 chưa kể các vấn nạn sức khỏe khác khi nhiễm bệnh.
Ông Niyondiko cho rằng cư dân Phi Châu đa số rất nghèo, phải dùng thuốc men là một gánh nặng kinh tế, các sản phẩm đuổi muỗi là những thứ xa xỉ và mùng mền chỉ giúp chống muỗi khi đi ngủ. Nhưng xà bông là món thực dụng, người dân ai cũng xài.
Với số tiền thưởng, hai nhà sáng chế hy vọng rằng họ có thể sản xuất hàng loạt loại xà bông này và bán ra thị trường qua các tổ chức nhân đạo, mua hàng tấn để phân phát cho các cư dân nơi bệnh sốt rét đang hoành hành.
Tiến Sĩ James Logan, tại the London School of Hygiene and Tropical Medicine, hoan nghênh sáng kiến của hai sinh viên Phi Châu, đưa thuốc đuổi muỗi vào xà bông tắm rửa là một ý kiến vô cùng mới mẻ vì bá tánh không thích việc xịt thuốc lên mình mẩy. Tuy nhiên, món xà bông kia cần được kiểm nghiệm qua các phương pháp khoa học để thẩm định xem sản phẩm có hữu hiệu trong việc đuổi muỗi / diệt muỗi hay không.
Tiến sĩ James Logan,trong một thí nghiệm – nguồn camdennewjournal.com
Các tổ chức thương mại địa phương đang hô hào chính phủ xin bằng sáng chế với tổ chức tác quyền thế giới (World Intellectual Property Organization, WIPO) để ngăn ngừa việc đánh cắp tài sản trí tuệ, và giữ độc quyền sản xuất tại Rwanda và Burkina Faso, quê hương của hai nhà sáng chế.
Trên thực tế, việc bảo vệ tác quyền của hai nhà sáng chế mới keng kia xem ra muôn phần khó khăn. Lý do? Việc sản xuất khá giản dị, bá tánh ai cũng có thể bắt chước, cứ hỏi mấy ông chuyên làm hàng nhái, chỉ cần mấy thùng phuy hóa chất để pha trộn nguyên liệu là xong. Vốn rẻ rề lỡ bị bắt (nếu, chữ NẾU thiệt bự, chính phủ của các quốc gia kia có đủ thời giờ và tiền bạc để đi bảo vệ tác quyền) thì bỏ lờ, kiếm chỗ khác sản xuất tiếp? Chưa kể việc xài phải hàng “dỏm” không công hiệu, bàn dân cũng chẳng mấy ai màng. Do đó việc xin công nhận tác quyền chỉ có tính cách danh dự!
Dù thế nào, sáng chế là một hoạt động cần được tán thưởng và tôn vinh. Qua các sáng chế lớn nhỏ kia, đời sống con người trở nên thăng hoa, giàu có hơn phải không bạn?
TLL