Trong những ngày Tháng Giêng hàng năm, kể từ ngày 19/01/1974, hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới có cùng nỗi niềm đau xót, phẫn uất về sự kiện Trung Cộng cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa, và sau đó là một phần Trường Sa của chúng ta.
Nỗi đau có khi bật ra bằng lời, bằng tiếng khóc, có khi kết tinh lại thành chữ. Thành thơ.
Tôi tìm được ba bài thơ, thật ra là lời đau đớn, thống thiết, về sự kiện này, xin trình bày lại sau đây.
Ông Vũ Nam Nhuận ở Virginia, Mỹ, giới thiệu bài thơ dưới đây, rồi nó được phổ biến trên mạng, ông viết:
“Anh ruột tôi là một liệt sĩ hy sinh trên chiến hạm HQ 10, Nhật Tảo. Mấy chục năm nay tôi đã đọc biết bao nhiêu bài thơ, đoạn văn viết để tri ân các liệt sĩ anh hùng. Có một bài thơ thật đặc biệt với tôi vì nó được viết bởi 1 người miền Bắc (khuyết danh), vào năm 1974. Theo đặc san Quảng Đà phát hành ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, năm 2005 (trang 84), bài thơ này đã được gửi từ miền Bắc Việt Nam sang Pháp rồi từ đó chuyển về miền Nam Việt Nam năm 1974 sau trận Hoàng Sa. Tôi đọc bài thơ này không biết bao nhiêu lần không chán… Lời thơ thật cảm động, sẻ chia và cũng đầy hùng khí. Vì tình hình chính trị năm 1974, tác giả đã không thể để tên của mình. Hy vọng bây giờ với internet, chúng ta có thể tìm ra danh tánh của tác giả bài thơ này.”
Tưởng niệm Hoàng Sa
Xin kể thêm tôi: thành 19 triệu một người
Trái tim tôi đập về trong đó
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn từ thuở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảnh san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trong sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa
Từ biển ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những ước mơ
Đếm bao người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi, thành 19 triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành, ngăn triền sóng dữ
Giữ không cho rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi chính mỗi giọt máu đào, bao đời cha ông nhỏ xuống
Người bạn hải quân miền Nam ơi
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh giương nòng sừng sững
Cuộc chiến đấu kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm giữa sóng
Đáy biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
Một thi sĩ khuyết danh miền Bắc (1974 )
Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một blogger, ông qua đời năm 2012. Bài thơ này ông viết cho con trai.
Những huyết cầu Tổ quốc
Xin lỗi con!
Khi hôm qua ôm con
Có một phút giây, ba chợt siết con vào lòng hơi mạnh
Ba làm con đau!
Bởi hôm qua
Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu Tổ quốc.
Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…
Con ơi
Ba sẽ kể con nghe
Câu chuyện những ngư dân
Đang hóa thân thành hồng cầu*
để Trường Sa, Hoàng Sa
Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.
Con phải khắc tâm
Câu chuyện những bạch cầu
là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.
là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.
Những con số sẽ không là con số
Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.
Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình
Vết thương đạn bom vừa yên trong đất
Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.
Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi
Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển
Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển
Mạch máu này con phải thấy bằng tim
Nếu một ngày sóng nộ, cường lên
Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.
Thứ lỗi cho ba
Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!
Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình
Đất nước bốn nghìn năm trên sóng
Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…
Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.
Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt
Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.
Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu
Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ
Để điều này lớn lên con hiểu
Bây giờ, ba phải kể cùng con.
Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975 – 2012)
Nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn viết trong một status trên facebook:
“Nhà thơ Trần Tiến Dũng vừa gửi cho tôi bài thơ này. Bài thơ là những lời nói thật hồn nhiên mà làm đau nhói. Tôi muốn viết một cảm tưởng về bài thơ này, nhưng không có đủ ngôn từ để viết trong khi cơn đau nhói đang còn bám chặt vào cổ họng tôi.”
Khi linh hồn mất biển
Đàn cá lội về hướng tây nam
bắt đầu từ cột cây số thứ ba trăm năm mươi lăm
rẽ trái lội về phía núi
núi Trung phần mở cánh tay xanh buồn của hoàng hôn
và tiếng em trong gió khô không bụi bờ để bám níu
“Anh coi, rồi những con cá sẽ trốn vào ống quần em
rồi cá làm em nhột muốn chết
anh coi da chân em đã nhơn nhớt và tanh.
“Bao giờ mình lội thêm được một cây số
bao giờ thì đến cột cây số ba trăm năm mươi tư
quốc lộ một sao mà dài quá
biết chừng nào mình lội tới Sài Gòn cho được.
“Anh coi đó rong rêu quấn chân em tùm lum
bao giờ thì tới cột cây số ba trăm năm mươi ba hả anh
mấy con cá nhỏ đang rỉa da em, đau quá!
sao mình không quay trở lại hướng đông bắc hả anh
sao mình không về nhà
anh nói mình chết rồi mà
anh nói không ai đuổi được người chết
anh nói biển quê nhà là chỗ ở mãi mãi của linh hồn mình
anh nói gạt em phải không!
“Lội chừng này giờ mà chưa hết vài cây số
quốc lộ gì dài quá biết bao giờ tới Sài Gòn
anh nói lội trong gió thì không nguy hiểm
anh nói lội trong gió thì mau gặp má
mau tới nhà ăn cơm chiều
mấy con cá rỉa tới đùi em rồi anh ơi
anh nói gạt em hoài!
“Anh nói lội trong gió thì chỉ gặp cá chết
em không khóc đâu, đau lắm nhưng em không khóc đâu
có khi cá rỉa mất chân, không lội được em sẽ ở lại đây
đến cột cây số thứ mấy rồi hả anh
anh cứ lội vô Sài Gòn đi
anh có chắc là người Sài Gòn không lội đi chỗ khác không
họ có chỗ khác để chết — họ có chỗ khác để linh hồn nương tựa sao
anh đừng gạt em nữa
anh chắc là ở chỗ khác linh hồn họ là người Việt như mình không
cả người em cá bu kín rồi
vậy mà anh nói lội theo đồng bào mình sẽ không sao.
“Anh đừng gạt em nữa đi
em biết dù thân xác em chỉ còn xương hay chỉ là cái bóng
đến linh hồn cũng là ngõ cụt trong sự săn đuổi của Trung Quốc
anh làm ơn đừng gạt em nữa đi
em chỉ muốn biết là đến cột cây số thứ mấy rồi
có cái gì đó đang kéo dãn em ra
kéo dài và đứt đoạn-từng khúc đứt đoạn vương vãi trong gió khô
anh làm ơn nói thật với em đi
khi linh hồn tan rã mình sẽ tới nơi linh hồn một dân tộc mất nước
nơi mà ngay cả lúc khóc mình cũng không được phép dừng lại để nhìn nhau mà đổ thừa-oán trách-ăn năn.
“Anh làm ơn nói thật với em đi
nơi này, chính nơi này, ngay từ lúc chúng ta từ bỏ biển
linh hồn trốn chạy như anh em mình chỉ có thể đến, chỉ có thể tìm thấy những đàn cá ác rỉa rói sạch anh linh.
“Khi từ bỏ biển đến linh hồn của chúng ta cũng bị dồn vào ngõ cụt
em muốn anh nói, và lặp lại, lặp lại mãi với linh hồn sắp tan rã của em điều đó.”
Bây giờ là buổi chiều ngày 18/01/2014. Mấy ngày qua, một điều lạ hơn những năm trước là có nhiều bài viết tưởng niệm các anh hùng tử sĩ của Hải quân VNCH trên các diễn đàn báo chí chính thống. Đáng kể có báo Thanh Niên Online đăng loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại” của tác giả Châu Minh Linh, đài truyền hình tỉnh Đồng Nai chiếu bộ phim tài liệu “Hải chiến Hoàng Sa 19-01-1974”. Cho đến sáng nay, chỉ còn 1 ngày là đúng 40 năm kỷ niệm sự kiện Hoàng Sa, thì mọi tờ báo giấy cũng như online lại im bặt, không còn một dòng nào nhắc nhở đến. Kể cả buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa do Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa dự kiến tổ chức vào lúc 19h00 ngày 18/01/2014 tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng, cũng vừa bị hủy vào phút chót. Dư luận cho rằng đã có lệnh từ Trung ương bắt ngưng tất cả mọi phát biểu, tưởng niệm… có liên quan đến sự kiện này.
Vậy là thế nào?
Blogger Osin Huy Đức viết, “Mỗi người Việt Nam có thể bằng cách của mình, tưởng nhớ ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược; ngày, 74 người lính Hải quân Việt Nam đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc (19-1-1974 – 19-1-2014).”
Tôi cũng nghĩ vậy, chúng ta luôn nhắc nhở nhau về một phần thân thể của Tổ quốc bị tước đoạt, bị tách lìa; luôn tiếp tục tranh đấu để đòi lại bằng được biển đảo của cha ông. Ngày nào chưa được, ngày đó chúng ta chưa yên với món nợ xương máu này. Ngày đó chúng ta vẫn đang là những linh hồn mất biển.