Gặp nhau trong đám cưới thủ lĩnh nhóm O+ cách đây ba tuần, các thành viên đã nâng ly chúc mừng hạnh phúc ‘đôi trẻ’ đồng thời chúc mừng luôn hoạt động của nhóm sau một năm ‘ăn nên làm ra’.

Chuẩn bị dán keo cho hoa mai lên vách nhà cụ ‘Nhì Nhằng’
Chú rể Nhân Trần, xong thủ tục ‘chào bàn’ đã về ngồi cùng ‘chiến hữu O+’, hào hứng phác thảo tiếp kế hoạch ‘Tặng quà từ thiện Tết Giáp Ngọ’. Mười gia đình đáng được giúp đỡ nhất là cụ Rô, bà Năm Nguyện, ông ‘Nhì Nhằng’, chị Hà, cô Huệ, Mẹ Lê, ông Phan, chị Phương, bà Diệu Chơn, bà ‘Da Cam’, ông ‘Chân núi đi vô’… Những cái tên, và cả nickname nghe thật ấn tượng… mà để có nó, bốn ‘trinh sát’ Nhân, Tuấn, Thủy, Thành cho biết, không nhờ (mà cũng không tin tưởng) các tổ chức chính quyền cung cấp tin. Đơn giản chỉ ‘ra chợ hỏi các sạp xem ai mua chịu nhiều nhất, nhà ở đâu, rồi ‘mò’ tới ‘điều tra’. Không thôi hỏi anh thu tiền điện. Nhà nào mỗi tháng chỉ xài 10 ký điện, là ngay chóc! Cũng có thể hỏi trạm xá phát thuốc miễn phí xem ai lết không nổi, già cả, tàn tật, lắm bệnh. Tìm hỏi cha xứ, sư trụ trì cũng có thể ra manh mối…’

Con đường ‘đến với mùa xuân’ của nhóm O+
Sau khi bàn bạc tại tiệc cưới, nhóm O+ ra quyết định: Rằm Tháng Chạp sẽ ‘xuất quân’, khiêng quà tặng các gia đình nghèo. Mỗi phần quà trị giá 750.000 đồng, gồm 25 ký gạo, một giỏ đầy bánh kẹo, dầu ăn, bột ngọt, mì gói, và một phong bao lì xì. Mười phần, vị chi là 7.500.000 đồng (năm ngoái chỉ có 3.000.000 đồng, chưa bằng phân nửa năm nay!). Để trả lời câu hỏi nửa ngạc nhiên nửa mừng rỡ của kẻ viết bài ‘Tiền đâu chi mạnh vậy’, cô dâu Thanh Xuân kể vắn tắt ‘Ngoài khoản đóng góp hàng tháng của các bạn, còn phần lớn là tiền của các nhà hảo tâm nước ngoài yểm trợ. Nhờ vậy…’
Sáng ngày 15/1/14 (Rằm Tháng Chạp), sáu xe gắn máy chở đôi của nhóm O+ đồng loạt rú ga, chở mùa xuân đến cho các gia đình ‘chưa bao giờ biết Tết’. Đường bụi đỏ, gập ghềnh, xa thăm thẳm, hết vào chân núi, lại vòng ra khu Bầu Ma, lên Cầu 5.

Với nụ cười tươi trẻ, các thành viên O+ chuẩn bị quà Tết tặng người nghèo
Nhà chị Phương là địa chỉ đầu tiên. Nhìn bên ngoài, căn nhà xây chắc chắn. Bên trong phòng ốc sạch sẽ. Sân sau có giếng nước, chuồng lợn. Không ai nghĩ đó là ‘ổ bi kịch’! Chị Phương khóc nghẹn ngào: ‘Chồng cháu là thợ hồ. Đi làm được đồng nào đều tích cóp, mua từng xe cát, xe gạch về xây nhà lấy. Gần mười năm trời, đến năm ngoái nhà mới xây xong. Nghe anh em rủ lên Đắc Lắc làm thuê. Nào ngờ bị cây đổ, đè chết. Cháu bây giờ một nách bốn đứa con, bản thân không nghề nghiệp…’. Địa chỉ thứ hai là nhà chị Huệ. ói nhà, e hơi lạm, vì chỉ có cái nền xi măng, cái bệ gạch, và một mái lá phất phơ rất… văn nghệ. Chị Huệ chủ nhà, có vẻ ngoài cằn cỗi dù mới hơn ba mươi tuổi. Chị kể bảy năm trước bỏ quê Nghệ An vào Bưng Kè làm thuê. Nay, tài sản duy nhất của những năm bôn ba kiếm sống chỉ là ba đứa con quặt quẹo, xanh rớt, sàn sàn tuổi nhau. Bố bọn trẻ đã bỏ đi. Một mình nuôi con, đứa thì xoắn ruột, đứa thì loét bao tử, chị Huệ tâm sự: ‘Việc gì cũng nhận làm nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Hái tiêu, nhổ mì, làm cỏ… Cảnh nhà tương tự chị Huệ, là ông Phan. Ông Phan đi Đắc Lắc làm gỗ, vợ ông Phan có sạp bán rau tươi ngoài chợ Cầu 6. Đùng một cái, ông nhận điện thoại ‘Bố về ngay đi, mẹ trốn mất rồi. Người ta đến nhà mình đòi nợ đông lắm. Có cả bọn xã hội đen’. Không khó gì để hình dung cảnh nhà ông Phan sau đó. Một mình ông vừa là cha vừa là mẹ, chợ búa cơm nước, chăm sóc bốn đứa con. Bằng giọng ngậm ngùi, ông nói ‘Người chứ gỗ đá gì mà không đau, không khóc. Nhưng chỉ khóc ban đêm, khóc một mình, không muốn các con thấy. Vợ đi đã tám tháng, không có tin tức, chả biết đang ở đâu, làm gì, muốn tìm cũng không tìm được’.

Nhóm O+ tặng quà mẹ con chị Phương.
Nhóm O+ lái xe đến thăm chị Hà. Nhà chị trống trải với cái giường không chiếu, thiếu nan và bốn bức vách ‘ánh nắng rọi trứng gà’.
Nhóm O+ loay hoay trang hoàng cho ‘khách sạn ngàn sao’ của mình, chị Hà cứ thõng tay đứng cười. Kế là nhà chị Thủy. Nhà có độc cái giường, bàn ghế không có. Tình cảnh nhà này, sao y bản chánh các nhà trước, nghĩa là cũng gẫy trụ cột gia đình, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, con bỏ học, mẹ làm thuê. Nhìn dáng vẻ thấp bé, gầy sắt, nhanh nhẹn của chị chủ nhà giữa đàn con lít nhít không hiểu sao kẻ viết bài cứ thấy giống nhân vật mẹ Lê trong truyện ngắn ‘Nhà Mẹ Lê’ của Thạch Lam, vì thế, gọi luôn chị là Mẹ Lê thay vì tên thật. Mẹ Lê nghèo mạt. Cái đó đã hẳn. Nhưng Mẹ nghèo mà thảo lảo. Nhà hết gạo, Mẹ không vay ai. Nhà có gạo, người ta đến vay, Mẹ vét đưa hết. Có chút muối, chút bột ngọt, dầu ăn. Ai cần, cầm bát sang, Mẹ cho không do dự. Đã vậy, còn dám ra tiệm tạp hóa, mua nợ giùm nhiều người khác, rồi đi làm trả nợ. Chủ tiệm tạp hóa (là mẹ một thành viên O+), thương tình, cho xù nợ, Mẹ khẳng khái lắc đầu ‘tôi dám nợ thay thì cũng dám trả thay’. Đám con Mẹ Lê, đặc biệt con bé út, đều có nét mặt và đôi mắt của người lớn. Chúng không biết chữ, không biết Tết, không biết sướng vui. Cả tiếng gọi bố, cũng quên. Nhận ‘đống’ quà Tết bất ngờ, Mẹ Lê cứ ngồi đuỗn người không nói không rằng. Có lẽ trong đầu Mẹ đang tính chuyện ‘xẻ thịt’ đống quà từ trên trời rơi xuống, chia cho hàng xóm để ‘hoa thơm mỗi người ngửi một tí’.

Suốt ba giờ đồng hồ ‘quần nát’ đường Bưng Kè, số quà Tết mang theo đã vợi bớt phân nửa. Nhóm O+ nghỉ ăn trưa trước khi tiếp. Trưa Bưng Kè, nắng thật gắt. Năm nhà nhóm O+ ‘tấn công’ sau giờ nghỉ trưa, hết ba nhà là ‘cố nhân’. Nhà cụ Rô, hơn chín mươi tuổi, cửa đóng im ỉm. Bà cụ chắc đang lang thang ăn xin đâu đó. Quà sẽ đưa sau. Nhà bà Nguyện, cửa mở hé, mùng buông sùm sụp. Bà cụ ở một mình, sống bằng nghề nhặt ve chai, mới bị xe ‘hù’, thương tích khá nặng, phải nằm bẹp một chỗ. Ông ‘Nhì Nhằng’, trên bảy mươi tuổi. Vườn nhà ông năm ngoái trồng rau ngót bán ‘nhì nhằng’, năm nay thì thôi vì ‘đi lễ sáng, con chó đầu ngõ xồ ra, cứ nhè bắp chân mà nhai… Chỗ khâu dài cả gang tay, mất bao nhiêu máu…’ Thế sao không bắt đền chủ chó? Đền gì, chỗ xóm giềng cả. Chắc nó già quá, lú lẫn không nhận ra người quen. Cũng như mình, già quá… Kế là nhà chị ‘Da Cam’. Gọi vậy vì chị có đứa con trai bị khoèo tay chân, ngớ ngẩn bẩm sinh do ảnh hưởng từ người cha từng sống trong vùng bị nhiễm chất độc mầu da cam. Chị ‘Da Cam’ kể bằng giọng khô khốc, đều đều: ‘Mười bảy năm trời, từ khi sanh tới nay, chỉ mình em bồng ẵm, hầu hạ nó. Con chị nó lấy chồng, ở riêng. Nhà cũng nghèo, không giúp được gì. Em gái nó lớp bảy, học rất giỏi, giấy khen dán đầy vách nhưng chắc nay mai cũng phải cho nghỉ để đi làm kiếm tiền. Thế ba nó… Ổng đi phụ hồ. Ngày nào cũng đi từ 5 giờ sáng tới 7 giờ chiều mà tiền công chỉ bằng phân nửa người ta vì chỉ làm được một tay, tay kia liệt. Cách nhà chị Da Cam vài khúc đường đất đỏ là nhà bà Diệu Chơn, nền đất lồi lõm, tối om, rất lý tưởng cho chuột bọ gián muỗi làm tổ. Nhóm O+ sau khi vẽ xong trên vách ván một cành mai, đã phải ép bà Diệu Chơn nhận tiền lì xì, nhận gạo, nhận dầu ăn, mì gói, bột ngọt… để bớt cảnh ‘nguyên năm chưa đi chợ lấy một lần’. Bà Diệu Chơn run run cầm số bạc tương đương hai chục đô, ngập ngừng trả lại, với cái lý đủ làm những kẻ đưa và nhận hối lộ triệu đô trong ngành công an ta phải sượng mặt. Cái lý đó là ‘Nhận gạo và đồ Tết là đã quá nhiều. Nhận thêm tiền nữa là tham. Để nhường những người nghèo hơn, cần hơn’.

Trong mảnh vườn nhỏ phía sau nhà bà Diệu Chơn, chỉ loe hoe cây ớt, bụi rau răm, mùng tơi, mã đề… còn không cây ăn trái, không bóng gia súc vì ‘mình nuôi, người ta ăn hết. Mình trồng, người ta bẻ hết’, kẻ viết bài chẳng biết phải chụp hình gì cho có vẻ Tết đến xuân về.
Năm giờ chiều, nắng bắt đầu tắt, khí lạnh ùa về nhanh. Công việc của nhóm O+ coi như hoàn tất. Mười phần quà đã tìm đúng chủ nhân. Những chiếc xe ‘thồ’ nhẹ hẳn. Nét mặt cả nhóm dù mệt mỏi vẫn rạng ngời hạnh phúc.

Cắt tóc ăn Tết cho con út Mẹ Lê- cô bé có đôi mắt biết nói
Đây, Mẹ Lê, một người nghèo hào hiệp