Menu Close

Hoàng đế xứ Nam Cực

Nam Cực vào Tháng Ba giống như một hòn đảo đang khủng hoảng trước một trận phong ba lù lù tiến tới. Tất cả các động vật như thúc giục bởi lệnh di tản bẩm sinh, gần như bỏ chạy khỏi sự công kích dữ dội của mùa Đông phương Nam. Chỉ còn loài chim cánh cụt Hoàng đế (emperors) ở lại vùng băng đá để  chống chọi với cái lạnh dưới mấy chục độ âm giữa mùa Đông Nam Cực khắc nghiệt. Lớn nhất trong số 17 loài chim cánh cụt, Emperors là những kẻ thống trị vô địch của vương quốc lạnh nhất trên trái đất. Loài chim vua chúa này nuôi dưỡng con qua nhiều trận bão tuyết, trong bóng tối ngột ngạt và những tháng cóng lạnh chết người. Và khi những loài hải âu tuyết, mòng biển, chim cánh cụt Adélie, và hải cẩu beo tẩu thoát về hướng Bắc đến những vùng ấm hơn thì khoảng 400,000 chim Hoàng đế kiên quyết hướng về Nam –  tiến vào “hàm chết” của một vùng cấm địa nhất trên địa cầu. Để thêm phần thử thách, chúng còn nghĩ đến cả chuyện sinh sản.

alt

Chim cánh cụt Hoàng đế được nhìn thấy trong bức ảnh không đề ngày từ một cuộc triển lãm mang tên “Irreplaceable: động vật hoang dã trong một thế giới ấm lên,” – Photo Kevin Schaffer

Ông Ann Bowles của Trung tâm Nghiên cứu Hubbs-Sea World nói rằng, “So sánh với những loài chim biển khác thì chim Hoàng đế làm mọi thứ đều trái ngược hết. Chúng sinh sản vào mùa Đông,  chim mái phải cạnh tranh để giành chim trống (mấy ông “hoàng đế” có giá thiệt!), và chúng là những kẻ ngoại tình nổi tiếng. Đây là những con chim kỳ dị nhất tôi đã từng gặp.”

Ông Graham Robertson, nhà sinh thái học ở Nam cực Úc châu,  phong trần với râu hàm rậm rạp. Robertson từng sống chín tháng “lạnh quỷ quái” và cắm trại ngoài trời trên băng biển nơi lãnh thổ của chim Hoàng đế tụ tập để nuôi con. Khi quan sát chúng, ông vừa kinh ngạc vừa thắc mắc bởi đời sống tình dục lập dị của loài chim này. “Đứng trong cái lạnh tê tái, tôi không khỏi tự hỏi vì sao loài chim cánh cụt lại làm tổ ở nơi cái chốn hắc ám này?”

alt

Emperors là những kẻ thống trị vô địch của vương quốc lạnh nhất trên trái đất. Loài chim vua chúa này nuôi dưỡng con qua nhiều trận bão tuyết, trong bóng tối ngột ngạt và những tháng cóng lạnh chết người.

Ấp trứng… ở trừ bốn mươi

Những lý do thật phức tạp, xuất phát từ quá trình tiến hoá lâu đời của loài chim này, các nhà sinh vật học giải thích. Việc đơn giản rằng chúng đã thành công cũng là một điều đáng ngạc nhiên. Mấy con cánh cụt, sau một màn ve vãn kéo dài nhiều tuần để hai ‘tình điểu’ học biết cách nhận ra tiếng kêu của nhau. Còn cách nào khác hơn để phân biệt bạn đời của mình từ một đám đông mà chim nào cũng giống chim nấy! Mỗi chim mái đẻ một trứng cỡ trái banh tennis. Rồi ‘nàng ta’ dzọt ra biển để dự một buổi “seafood buffet” kéo dài tới hai tháng, để lại ‘ông chồng’ cô đơn đứng ấp trứng trong cái mùa khắc nghiệt nhất của mùa đông Nam Cực; và chỉ với lớp mỡ trong người để sống. (Ác thiệt!) Hai cái bàn chân như móc sắt, trượt ba -te bằng bụng hay phóng như hoả tiễn từ dưới biển, những tay bơi Thế Vận Hội này có khả năng lặn xuống 1,750 feet để săn cá. Cả hai chim trống và mái cao lớn đến gần bốn feet; chim trống có thể cân nặng 70 lbs., chim mái hơi nhẹ hơn.

alt

Những nhà vô địch đương đầu với bão tuyết

Giữa những cơn bão tuyết cuồng nộ và nhiều tuần liên tiếp trong bóng đêm, chim trống cẩn thận đặt cái trứng quý trên hai bàn chân, nơi có một lớp lông dày để chống chọi với  cơn lạnh ác nghiệt. “Thân nhiệt của chim Hoàng đế cũng tương tự con người,” Ông hàm râu trắng Robertson vừa quan sát, vừa thốt lời kinh ngạc, “Điều khác nhau, là tôi phải mặc 10 ký quần áo trong mùa Đông, trong khi con chim Hoàng đế này thì được thiên nhiên ‘may’ sẵn cho bộ đồng phục tuxedo để chống lạnh.”

 Chim cánh cụt Hoàng đế (tên khoa học: Aptenodytes forsteri), lập gia trên biển đông đá của lục địa Nam Cực, trôi nổi theo quá trình tiến/lùi của những lớp băng biển; ngoại trừ Hoàng đế băng Nam này thì không loài vật nào khác có thể đương đầu với môi trường sống này. Khác với nhiều loài chim cánh cụt khác, chim Hoàng đế không giữ lãnh thổ riêng. “Chúng cũng giống người trong cơn hoạn nạn là quên đi những xung đột và hòa đồng với nhau.”

alt

alt

Cái túi ủ này nhiệt độ luôn ở  96.8oF. Chú Hoàng đế con nào mà lỡ té ra khỏi chỗ trú “lý tưởng” đó thì có thể chết lạnh trong vòng hai phút.

Nếu mọi chuyện trôi chảy thì hơn 90 phần trăm số trứng sẽ nở. Những phu nhân của Hoàng đế sau khi no nê trở về, cũng vừa đúng lúc mấy con chim cánh cụt con chíp chíp đòi ăn món cá “ụa” từ cổ họng của mẹ chúng. Để tìm con trong đám đông, chim Hoàng đế phải dựa vào âm thanh thay vì thị giác. Khi cha mẹ chúng ra biển để bắt cá thì bầy chim con túm tụm thành những Vườn trẻ “ penguin daycare centers” gọi là  “crèches”. Những cha mẹ khi trở lại, muốn kiếm con cũng phải đi từ crèche này qua crèche kia và gọi lớn như tiếng kèn. “Mỗi tiếng kêu đều có nét riêng,” chuyên gia Ann Bowles nói và, “Khi một chim con nhận ra tiếng gọi của ba hoặc mẹ nó, nó chạy ào ra để đón mừng.”

Cũng khi nàng chim mái trở về thì chàng chim trống cũng nhảy dựng lên tò te. Râu bạc Robertson khôi hài,  “Ổng phải giữ cái trứng trên bàn chân suốt 65 ngày, và ‘ổng’ bị ốm hết phân nửa trọng lượng. Chẳng trách gì ổng mừng rỡ khi được ‘bả’ thay phiên babi sít ”

alt

Vườn trẻ “ penguin daycare centers” gọi là  “crèches”. Những chú Hoàng đế con khi chen lấn vẫn có thể bị xô té xuống, có thể làm mồi những loài cá và hải cẩu beo.

Sau khi nở ra vào Tháng Bảy trong bóng tối của mùa đông Nam Cực,  những con chim Hoàng đế con sống hai tháng đầu đời náu kín trong túi ấp của cha. Cái túi ủ này nhiệt độ luôn ở  96.8°F. Chú hoàng đế con nào mà lỡ té ra khỏi chỗ trú “lý tưởng” đó thì có thể chết lạnh trong vòng hai phút. Những con chim Hoàng đế, được đóng kén trong bộ lông dày- khoảng 80 sợi lông mỗi inch vuông, một lớp lông tơ phía dưới được chồng lên bởi những sợi lông dài đan kín với nhau như mái ngói nhà tạo thành một bức thành, thì dù gió cấp 10 cũng chẳng thấm thía chi.  

Dù có bằng lý do điên rồ nào đi nữa, thì lối sống của loài chim có cái tên như ‘đế vương’ này cũng thật kinh thường và không kém anh hùng. Như tay râu bạc Robertson đã nói, “Chim Hoàng đế sống trên lưỡi dao của đời sống.” Nam cực thì quá xa xôi, và những đàn chim Hoàng đế vẫn  còn đang được khám phá…

alt

HD