Chiếc phi cơ của hãng EVA đáp xuống phi trường LAX vào lúc 14 giờ 45, ngày 15 tháng 3, chẳng chênh lệch bao nhiêu so với giờ dự tính in trên vé máy bay. Ngồi trên chiếc xe đưa khách từ phi cơ vào, hai vợ chồng tôi vừa vui vừa lo. Vui là đã đặt chân đến nước Mỹ, sắp gặp gia đình con gái. Lo là khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, cô tiếp viên hàng không của hãng máy bay EVA, không biết cô là người nước nào mà nói tiếng Anh như gió. Tôi không biết đã đành, ngay cả ông xã tôi học tiếng Anh cũng được 5 – 7 năm thời học sinh sinh viên cũng… xanh mặt lắc đầu, khi nghe tôi hỏi: “Họ nói gì vậy anh?”. Anh trấn an tôi: “Em yên tâm đi!”.
Yên tâm sao được khi cứ lẽo đẽo bước theo dòng người mà không biết họ đi đâu, về đâu! Yên tâm sao được khi quan sát toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều là dân tóc vàng, mắt xanh; chẳng có ai là người Việt để có thể nhờ cậy, hỏi thăm! Trong khi đó, chúng tôi còn một chặng bay nội địa nữa. Tôi chợt nhớ đến lời dặn đi dặn lại của cô nhân viên bán vé máy bay: “Từ Sài Gòn đến Los, cô chú không phải lo chuyện hành lý. Tự hãng bay sẽ chuyển cho cô chú. Nhưng khi đến Los, cô chú phải tự nhận hành lý và gửi theo chuyến bay tiếp theo đến Oklahoma”. Tôi giật mình níu tay ông chồng: “Mình nhận hành lý ở đâu vậy anh?”. Anh cũng “nai vàng ngơ ngác” chẳng kém gì tôi, không trả lời mà cứ dáo dác nhìn khắp hướng. Theo thông tin trên vé máy bay thì thời gian dừng ở phi trường Los của chúng tôi chỉ có 4 tiếng đồng hồ để làm thủ tục nhập cảnh, nhận và gửi hành lý theo chuyến bay mới. Thời gian thì ít mà phi trường lại rộng mênh mông, không biết đi hướng nào và quan trọng nhất là vốn tiếng Anh của chồng tôi đã ít ỏi lại thêm lúc lúng túng càng rơi rớt hết. Tôi hoang mang và thú thật, mắt cũng rưng rưng vì lo sợ, vì thấy trơ trọi. Còn ông xã tôi bề ngoài có vẻ điềm tĩnh nhưng chắc chắn trong bụng cũng chẳng khác gì tôi.
Trong lúc bơ vơ thì một người phụ nữ Mỹ đến nói một tràng tiếng Anh, hai vợ chồng tôi ngơ ngác, nhìn nhau. Thấy điệu bộ của hai vợ chồng tôi, người phụ nữ này hiểu là không nên… nói bằng miệng mà nên nói bằng tay. Ngay lập tức, bà ra hiệu chúng tôi đi theo bà. Dù chưa biết đi đâu và dù có dốt đến đâu, tôi cũng hiểu đây là vị cứu tinh của mình. Thế là mừng đến độ luýnh quýnh, chúng tôi kéo nhau “chạy” theo bà. Nói chạy là vì bà ta đi nhanh quá, chúng tôi không theo kịp. Chừng hai mươi phút sau, người phụ nữ Mỹ dẫn chúng tôi đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Bà ân cần chỉ cho chúng tôi ngồi xuống ghế rồi đi tới chỗ người nhân viên đang đứng làm việc sau quầy nói gì đó. Một lát sau, bà vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đến và giúp vợ chồng tôi làm thủ tục định cư. Mặc dù “ai nói nấy hiểu” cộng thêm sự lúng túng trong cách diễn đạt ý nghĩ khiến chúng tôi cứ như gà mắc tóc, tay chân lọng cọng chẳng biết làm việc gì trước, việc gì sau. Vậy mà bà vẫn cười rất tươi, từ tốn chỉ dẫn cách điền các tờ khai. Cùng với bà còn có một người đàn ông Mỹ, mặc đồng phục hải quan, trong khi hai tay thoăn thoắt lật giấy này, chỉ giấy kia cho vợ chồng tôi ký tên, lấy dấu vân tay thì miệng cứ líu lo hai tiếng “Chào mừng” bằng tiếng Việt lơ lớ. Tôi nhìn họ không chớp mắt, trong lòng vô cùng xúc động. Nỗi lo lắng từ khi máy bay sắp hạ cánh dường như đã biến mất. Thay vào đó là tình cảm dạt dào khiến tôi phải liên tục buột miệng “cám ơn bà; cám ơn ông”.
Nhờ vậy, nên trong vòng 20 phút, vợ chồng tôi đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết dành cho người mới đến nước Mỹ định cư. Sau đó, người phụ nữ Mỹ đưa vợ chồng tôi đến nơi nhận hành lý. Tại đây, tôi thấy va ly và những thùng đồ đã được xếp cẩn thận vào một chỗ. Trong lúc chúng tôi loay hoay kiểm tra hành lý thì người phụ nữ Mỹ đã đẩy hai chiếc xe chở hành lý đến. Bà ta ra hiệu tôi đứng qua một bên rồi cùng chồng tôi khuân hành lý chất lên xe, rồi mỗi người đẩy một chiếc, bà dẫn chúng tôi đến nơi gửi hành lý và đưa chúng tôi đến phòng chờ chuyến bay kế tiếp về Oklahoma. Sực nhớ lời con gái dặn, tôi nói với chồng tôi đưa tiền tip cho bà. Khi thấy chồng tôi móc ví, người phụ nữ Mỹ cười rất tươi và khoát tay, nói: “No, no, no!” rồi quay lưng bước đi. Trước khi đi, bà còn tới nắm tay tôi nói một tràng tiếng Mỹ. Tôi đoán là bà chúc vợ chồng tôi may mắn nơi đất Mỹ này. Tôi rưng rưng nước mắt vì xúc động, lắp bắp không nên lời: “Cám ơn bà! Cám ơn bà!”. Tôi nhìn theo cho đến khi bà khuất sau một ngã rẽ mới sực nhớ ra là chưa hỏi tên bà và cũng không biết bà làm gì ở phi trường này. Tôi quay qua cằn nhằn với chồng: “Anh cũng không nhớ hỏi tên bà để sau này có dịp gặp hỏi thăm cám ơn người ta”. Suốt thời gian trên chuyến bay, không lúc nào tôi không nghĩ về người phụ nữ xa lạ nhưng có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ một cách tận tình, không chút vụ lợi. Ông xã tôi chợt lên tiếng: “Bà ấy tốt bụng như vậy mà sao em cứ trách móc, cằn nhằn hoài vậy?”. Tôi ngẩn người: “Em trách móc, cằn nhằn khi nào? Cám ơn còn không hết, sao lại trách chứ?”. Chồng tôi cười: “Anh nghe em nói “Cám ơn bà, cám ơn bà” hoài mà em lại nói tiếng Việt, bà ấy có hiểu gì đâu! Thế không phải cằn nhằn à?”. Tôi chợt nhớ lại, trong lúc tâm thần xao động, tôi chỉ biết nói cám ơn bà bằng tiếng mẹ đẻ mặc dù hai tiếng “Thank you” chẳng hề xa lạ gì với tôi. Đó là tiếng cám ơn từ đáy lòng, không một chút xã giao.
Khi máy bay hạ xuống phi trường Will Rogers World, lúc này đã gần 11 giờ đêm, trời khá lạnh với chúng tôi. Trong số hành khách trên chuyến bay, chỉ có vợ chồng tôi là người Việt nên rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi bám theo đoàn người đến khu vực nhận hành lý. Hai vợ chồng tới chỗ để xe đẩy để lấy xe nhưng lấy hoài không được. Một người đàn ông Mỹ đưa tay chỉ cho vợ chồng tôi xem cái bảng nhỏ được đóng cẩn thận trên tường. Thì ra ở đây khác với phi trường LAX, xe đẩy không được dùng tự do, miễn phí mà phải thuê với giá 4 đồng. Chúng tôi không có tiền lẻ và cũng không biết trả tiền cho ai, như thế nào vì chẳng thấy ai đứng thu tiền cả. Chồng tôi cầm trên tay tờ bạc 50 đô la, đến nói với người đàn ông đã chỉ cho chúng tôi xem bảng khi nãy, nói bằng thứ tiếng Anh “tiết kiệm” nhất: “You help me”. Người đàn ông nhìn chồng tôi và móc ví ra, lục tìm rồi lắc đầu. Ông ta cũng chỉ có 2 đô la. Một thoáng ngần ngừ, ông đến gặp hai người đàn ông đang đứng phía đối diện bên kia tường, nói gì đó không rõ. Chỉ thấy hai người này cũng móc ví, đưa cho ông hai tờ bạc. Ông mang đến đưa cho chồng tôi và khoát tay bảo chồng tôi cất tờ 50 đô la đi rồi chỉ cho chồng tôi cách trả tiền để lấy xe ra.
Ngày đầu tiên đến nước Mỹ xa lạ, khác biệt ngôn ngữ; chúng tôi đã lúng túng và thật sự có phần lo lắng, sợ hãi vì không biết làm thế nào để hoàn thành mọi thủ tục và đến nhà con gái an toàn. Chúng tôi đã may mắn gặp được những người không quen biết nhưng rất tốt bụng và sẵn lòng giúp đỡ. Họ đã làm chúng tôi quên đi những bỡ ngỡ, đã xóa đi những lo âu trong lòng và giúp chúng tôi ấm lòng khi tha hương.
Tôi không biết, những người da trắng lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này đã được thổ dân ở đây cưu mang, giúp đỡ thế nào để rồi sau đó họ đã xây dựng nên một nước Mỹ bây giờ. Nhưng tôi tin rằng, chính sự giúp đỡ đó đã tạo nên truyền thống để những thế hệ con cháu họ kế thừa, tiếp tục giúp đỡ người khác một cách vô tư.
Tôi cũng xót xa khi nhớ lại, trước đó hơn một ngày, tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi vợ chồng tôi làm thủ tục xuất cảnh thì anh chàng hải quan trẻ măng tên Kiểu (hay Kiêu vì không nhìn rõ bảng tên của anh ta) đã gây khó khăn đủ điều, truy hỏi giấy tờ và dọa sẽ giữ chúng tôi, kiểm tra giấy chứng minh nhân dân để rồi sau đó “xin” chúng tôi ít tiền để cho qua. Cùng một dòng máu, cùng một ngôn ngữ vậy mà đối xử thật đớn hèn, ti tiện.
Tôi kể lại chuyện được giúp đỡ cho con nghe. Con tôi nói một cách tự tin: “Ở đây ai cũng vậy, thấy mình gặp khó khăn gì đó là tới hỏi có cần giúp đỡ không. Họ quan tâm đến mọi người, không phân biệt người đó là sắc dân nào”.
Tôi thường nghe nói nước Mỹ thực dụng nhưng rõ ràng người dân Mỹ biết sống vì mọi người. Tôi chân thành cám ơn họ, những người tôi chưa hề quen biết nhưng đã để lại trong lòng tôi sự kính trọng và tin cậy.